CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XVI-TN_A, 23-7-2023
֎
SỰ TOÀN NĂNG PHỤC VỤ LÒNG THƯƠNG XÓT
Tác giả Sách Khôn Ngoan nhìn thấy nơi sự toàn năng của Thiên Chúa nền tảng lòng thương xót của Ngài đối với mọi người. Trong các dụ ngôn của mình, Chúa Giêsu nói với chúng ta về một Thiên Chúa kiên nhẫn, Đấng cho mọi người thời gian và cơ hội để hoán cải.
Bài đọc I: Kn 12, 13.16-19
Trong số các tác giả Kinh Thánh cầu khẩn, tôn kính và ca tụng sự toàn năng của Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài, không ai làm rõ mối liên hệ mật thiết giữa hai phẩm tính này, như tác giả Sách Khôn Ngoan làm : Thiên Chúa thương xót vì toàn năng. Sức mạnh, sự cai quản và quyền lực được thể hiện trong sự “chăm sóc” mà Ngài dành cho “mọi thứ”, và trong sự đối xử khéo léo mà Chúa dành cho mọi người. Tác giả còn đi xa hơn khi kết luận rằng Thiên Chúa hành động với lòng thương xót để dạy chúng ta làm như vậy, vì tình yêu đối với mỗi con người: do đó, người công chính phải chứng tỏ mình “nhân bản, có chất người”. Điều này tăng thêm, theo cách nói của tác giả, “một niềm hy vọng tươi đẹp”, bởi vì Thiên Chúa, “sau lỗi lầm”, đã ban cho có “sự hoán cải”.
Thánh vịnh đáp ca : Tv 85 (86)
Thánh vịnh 85 (86) đong đưa giữa cầu xin và tin cậy. Tác giả thánh vịnh kêu cầu sự chú ý của Thiên Chúa của ông: sự lắng nghe, cái nhìn và sự tha thứ của Chúa. Tác giả nhìn thấy một sự nghèo hèn túng quẫn nào đó, nhưng niềm tin của ông vào Thiên Chúa vẫn không hề lay chuyển. Bởi vì qua kinh nghiệm, ông biết được sự kiên nhẫn và thiên hướng tha thứ của Chúa : Thiên Chúa nhân hậu từ bi, giàu tình thương và lòng thành tín, và Ngài “làm nên những việc lạ lùng”. Đối với tác giả thánh vịnh, cũng như đối với tác giả sách Khôn Ngoan, lòng thương xót là một trong những dấu chỉ lớn nhất cho thấy Thiên Chúa là “Đấng duy nhất”, Thiên Chúa chân thật duy nhất. Sự toàn năng và lòng thương xót của Thiên Chúa cũng không thể tách rời.
Bài đọc II : Rm 8, 26-27
Đoạn trích hôm nay là thành phần của sự khai triển quan trọng về vai trò của Thần Khí trong đời sống Kitô hữu. Thánh Phaolô không ảo tưởng về bản chất đức tin của ngài và đức tin của các cộng đoàn của ngài, khi ngài nói ở đây về “sự yếu đuối của chúng ta” và thậm chí về việc chúng ta không có khả năng “cầu nguyện thế nào cho phải”. Điều này loại bỏ bất kỳ gợi ý nào về chủ nghĩa Pharisiêu. Bởi vì đức tin mà dám khẳng định là có thể giải quyết mọi thứ và đạt được mọi thứ trong cầu nguyện thì sẽ dành rất ít chỗ cho ân sủng của Thiên Chúa. Do đó, Thánh Tông đồ nhấn mạnh để chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần, Đấng chuyển cầu uy lực có “những tiếng rên rỉ không thể diễn tả được” luôn tìm được tiếng vang thuận lợi nơi Chúa Cha.
Tin Mừng : Mt 13, 24-43
Dù nói về “hạt giống tốt”, về “hạt cải” hay về “men” trong bột, vấn đề vẫn luôn là sự phát triển mầu nhiệm của Nước Trời. Người gieo giống và người phụ nữ nhào bột là những con người của niềm hy vọng: họ tin tưởng vào hạt giống và men. Mặt khác, trong dụ ngôn kia, một “kẻ thù” đến bất chợt và gieo cỏ lùng đe dọa bóp nghẹt hạt giống tốt. Cho đến thời điểm thu hoạch, tức là thời điểm Phán xét, thiện và ác vẫn cùng tồn tại. Người ta có thể ước mơ diệt trừ được cái ác. Nhưng chỉ có Vị Tôn Sư đã gieo hạt giống tốt mới có thể thực hiện việc phân loại này. Vị Tôn Sư này là chính hình ảnh của một Thiên Chúa thương xót, Đấng luôn kiên nhẫn với tất cả mọi người và ban cho họ, cho người dữ cũng như người lành, thời gian để ăn năn và hoán cải.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.