CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XIV-TN_C, 03-7-2022 ֎ AN ỦI VÀ BÌNH AN CHO AI YÊU MẾN THIÊN CHÚA

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XIV-TN_C, 03-7-2022

֎

AN ỦI VÀ BÌNH AN CHO AI YÊU MẾN THIÊN CHÚA

Isaia là một người rất yêu mến Giêrusalem, và đặc biệt Giêrusalem là nơi, Isaia đã thực thi sứ mệnh tiên tri của mình. Isaia vẫn là một trong những chứng nhân thế giá nhất trong Cựu Ước về tính phổ quát của ơn cứu độ. Việc Chúa Giêsu sai phái 72 môn đệ làm chứng cho tính phổ quát này.

Bài đọc I : Is 66, 10-14c

Chương cuối cùng của sách Isaia khiến chúng ta thỏa lòng với lời ca ngợi vinh quang của Giêrusalem và lời mời gọi “tất cả những ai yêu mến Giêrusalem” hãy vui mừng với Giêrusalem, và hãy lau khô nước mắt để nhường chỗ cho niềm vui. Nhiều thập kỷ chiến tranh và đối đầu đã làm suy yếu tinh thần của những người Do Thái bị lưu đày ở Babylon. Nhưng giờ đây Thiên Chúa đã giữ lời hứa: Ngài an ủi Israel như một người mẹ biết cách an ủi con cái mình, và Ngài điều hướng “hòa bình như dòng sông” về Giêrusalem. Cư dân thành Giêrusalem chắc chắn sẽ được “nuôi dưỡng, bồng ẵm bên hông” và “nâng niu trên đầu gối” bởi một Thiên Chúa là Cha, Đấng mà Isaia cũng không ngần ngại trình bày như là Mẹ (xem thêm Is 49,15), người biết cách an ủi con cái mình và chữa lành thể xác cũng như tâm hồn chúng.

Thánh vịnh 65

Hai khổ thơ đầu tiên của thánh vịnh lấy lại một lý do quen thuộc với Isaia, đó là ơn cứu độ các dân tộc và sự tham gia của họ vào việc thờ phượng Thiên Chúa thật: “Toàn trái đất phủ phục trước mặt Ngài, và sẽ ca hát kính Ngài”. Các dân tộc tham gia hoàn toàn và vui vẻ, đồng thời theo lời mời của tác giả thánh vịnh, các dân tộc có thể chiêm ngưỡng “các kỳ công của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, tác giả không quên lịch sử dân tộc của mình và điều kỳ diệu đã được thực hiện cho Israel trong cuộc vượt qua Biển Đỏ. Lời nhắc nhở về những kỳ công của Thiên Chúa khiến tác giả thánh vịnh loan báo cho cộng đoàn biết tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho cộng đoàn và biết tình yêu Thiên Chúa bao phủ cộng đoàn.

Bài đọc II : Gl 6, 14-18

Thánh Phaolô đã khẳng định: “Tôi không muốn biết gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, Đấng Mêsia bị đóng đinh” (1 Cr 2, 2). Trong lá thư gửi cho tín hữu Galata, Phaolô coi đó là một trong những nét chủ đạo trong linh đạo của mình, thậm chí là “niềm tự hào duy nhất của Phaolô”. Linh đạo này nằm ở trung tâm cuộc đời truyền giáo của Phaolô : “Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian”. Phaolô luôn muốn trở thành một người bắt chước Chúa Giêsu Kitô, và Phaolô không sợ “mang trên thân xác mình những dấu tích đau khổ của Đức Giêsu”. Vị Tông đồ không ngần ngại đề nghị với người Galata chính “quy luật sống” này. Bản thân Phaolô bị bỏ tù nhiều lần, và chết như một người tử vì đạo thực sự ở Rôma, khoảng năm 67, vào cuối thời trị vì của Hoàng đế Nêro, kẻ thù truyền kiếp của các Kitô hữu.

Tin Mừng : Lc 10, 1-12.17-20

Luca đã nói đến sứ vụ truyền giáo đầu tiên của Nhóm Mười Hai “từ làng này sang làng khác”, mà không cho biết nhiều chi tiết (x. Lc 9, 1-6). Hôm nay, bài diễn từ truyền giáo của Chúa Giêsu dài hơn, và số lượng sứ giả cũng nhiều hơn: 72 (x. Lc 10, 1-12.17-20)! Con số này có ý nghĩa tượng trưng gấp đôi: bội số mười hai này ám chỉ tập đoàn tông đồ, và nó trùng với số lượng các quốc gia ngoại giáo được liệt kê trong sách Sáng thế (St 10, bản văn tiếng Hy Lạp). Do đó, Chúa Giêsu dự đoán một “mùa màng bội thu” và trên thực tế, 72 môn đệ trở về “vui mừng” vì đã mang lại bình an và sự chữa lành cho những gia đình mà họ đã viếng thăm. Nhưng đây chỉ là một hình dung trước về sứ mệnh mà các môn đệ sẽ thực hiện sau khi Chúa Giêsu lên trời và sau khi họ đã đón nhận Thánh Thần vào ngày Lễ Ngũ Tuần.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.  

Comments are closed.