CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XIII-TN_C, 26-6-2022
֎
TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ CỦA CÁC TIÊN TRI VÀ CỦA CHÚA GIÊSU
Bước theo các vị đại tiên tri như Êlia hay Chúa Giêsu, đòi hỏi rất nhiều sự từ bỏ và từ biệt những người thân yêu. Nhưng đó cũng là điều kiện để cảm nghiệm, như tác giả thánh vịnh, về hạnh phúc, niềm vui và sự che chở do Thiên Chúa cung cấp.
Bài đọc I : 1 V 19.16b. 19-21
Êlia vừa gặp một Thiên Chúa tỏ mình ra “trong tiếng gió hiu hiu” (1 V 19,12). Sau một cuộc chiến lâu dài trong nội tâm, ngọn lửa được nhen nhóm lại trong Êlia. Chúa yêu cầu Êlia tìm một người kế vị mà Êlia sẽ phải thánh hiến bằng việc xức dầu. Trong một cử chỉ tượng trưng, Êlia ném chiếc áo choàng của mình trên Êlisê ; ông này đồng ý bỏ lại các con bò của mình để đi theo Êlia. Nhưng Êlisê muốn từ biệt cha mẹ mình trước khi đi theo Êlia, việc này là chính đáng, nhưng tùy vào sự mong đợi và yêu cầu của Êlia. Tuy nhiên, Êlisê tỏ ra rất hào phóng khi sát tế các con bò của mình để cho dân chúng ăn. Giờ đây, Êlisê đi theo và phục vụ Êlia. Êlisê còn trải nghiệm nghề chữa bệnh cách sung mãn hơn cả sự nghiệp của thầy Êlia của mình.
Thánh vịnh 16 (15)
Tác giả thánh vịnh có mối quan hệ mật thiết và sâu sắc với Thiên Chúa mà ông cầu nguyện. Từ khổ thơ thứ nhất đến khổ thơ thứ tư, chúng ta chứng kiến một sự tăng lên thực sự, về những gì liên quan đến hành động của Thiên Chúa cũng như cách ăn ở của tác giả thánh vịnh. Đối với tác giả, Thiên Chúa là nơi ẩn náu và là Đấng mà số mạng của tác giả phụ thuộc vào. Người hiếu trung biết nhận ra lời khuyên của Chúa, mà mình làm theo không mệt mỏi, ngay cả giữa đêm trường. Trong khổ thơ thứ ba, tác giả hỉ hoan, trong tâm hồn và nơi lòng dạ. Sự tin tưởng của tác giả lớn đến nỗi tác giả trông cậy vào Thiên Chúa để vượt qua sự chết và sự hư nát. Và trong khổ thơ thứ tư, chúng ta biết được Thiên Chúa là Đấng tạo nên hạnh phúc cho tác giả đến mức độ nào. Một hạnh phúc tràn ngập niềm vui và tiên đoán một hoan lạc bất diệt.
Bài đọc II : Gl 5,1.13-18
Trong Tân Ước, Phaolô là người xuất sắc nhất trong việc ca ngợi tự do Kitô. Ngay từ đầu Phaolô đã nói ra câu tuyên ngôn này: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta”. Điều này có nghĩa là tự do là một ân ban của Đức Kitô, nhưng là một ân ban mà chúng ta phải đón nhận và làm cho sinh hoa kết quả. Đối với Phaolô, tự do gạt bỏ mọi hình thức ích kỷ và đòi chúng ta phải “phục vụ lẫn nhau”. Đó là điều đã được sách Lêvi khuyên dạy : “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,18). Lý tưởng này là rất cao và có nhiều trường hợp không đáp ứng được yêu cầu này. Tuy nhiên, Phaolô nhắc chúng ta rằng Chúa Thánh Thần đến trợ giúp và dẫn dắt chúng ta trên con đường sự thật.
Tin Mừng : Lc 9, 51-62
Chúa Giêsu thể hiện quyết tâm đi lên Giêrusalem, bất kể số phận sẽ dành cho Ngài ở đó. Xuất phát từ Galilê, Ngài phải đi qua Samaria. Những người Samaria, có đền thờ riêng của họ trên Núi Garizim, từ chối đón tiếp Chúa vì Chúa đi về Giêrusalem. Khác với Giacôbê và Gioan muốn thấy lửa từ trời rơi xuống người Samaria, Chúa Giêsu không muốn trừng phạt người Samaria, và thay vào đó Ngài khiển trách hai môn đệ của mình. Trên đường Chúa đi, có ba người đàn ông nói rằng họ sẵn sàng theo Chúa Giêsu. Nhưng mỗi người trong họ đều tìm một cái cớ để lo việc khác trước khi đi theo Chúa. Chúa Giêsu không ngần ngại nói rằng những người này không xứng đáng để theo Ngài. Những đòi hỏi của Chúa gợi nhớ đến những đòi hỏi của tiên tri Êlia, nhưng những đòi hỏi của Chúa chi tiết và sắc sảo hơn.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.