CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XIII-TN_B, 27-6-2021 ĐƯỢC TẠO RA ĐỂ SỐNG VƯỢT TRÊN SỰ CHẾT

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XIII-TN_B, 27-6-2021

ĐƯỢC TẠO RA ĐỂ SỐNG VƯỢT TRÊN SỰ CHẾT

          Kinh Thánh dạy cho chúng ta hiểu rằng bệnh tật và cái chết không phải là điều tất nhiên hay không thể tránh. Sách Khôn ngoan và Thánh vịnh cung cấp những luận chứng thần học (Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo). Phaolô và Marcô viện dẫn sứ vụ của Chúa Giêsu và chiến thắng của Ngài trên sự chết.

Bài đọc I: Kn, 13-15 ; 2, 23-24

          Sách Khôn Ngoan, được viết bằng tiếng Hy Lạp, có nguồn gốc từ Do Thái giáo ở Alexandria và được viết ra vào khoảng ba mươi năm trước kỷ nguyên Kitô giáo. Giáo Hội đã tiếp nhận cuốn sách này vào trong Kinh bộ Kinh Thánh, khác với Do Thái giáo ở Palestine, vốn chỉ lưu giữ trong kinh bộ của mình những cuốn sách được viết bằng tiếng Do Thái hoặc tiếng Aram. Vì vậy, ở đây, chúng ta bắt gặp các khái niệm từ tư tưởng Hy Lạp, nhất là (ý niệm về) sự bất tử và sự không hư nát. Đây là một bước đột phá lớn trong quan niệm về cái chết và sự sống ở thế giới bên kia. Tác giả sách Khôn Ngoan nói rõ: “Thiên Chúa không tạo ra cái chết”“không hài lòng về sự chết”. Thiên Chúa đã tạo ra “những sinh vật sống để chúng tồn tại”.” Tác giả đặt căn cứ lập luận của mình trên sách Sáng Thế, nói về con người là “hình ảnh của bản sắc riêng của [Thiên Chúa]” (x. St 1, 26-27).

Thánh vịnh 29 (30)

          Các thánh vịnh thường trưng dẫn sự xao xuyến trước cái chết và viễn cảnh phải vào trong ‘She’ol’, nơi tối tăm chết chóc. Nhưng cũng có nhiều thánh vịnh trong đó người công chính cầu xin Thiên Chúa giải cứu họ khỏi sự chết. Thánh vịnh 29 (30) là một trong số đó ; các khổ thơ 1 và 3 rõ ràng gợi lên hành động tái sinh của Thiên Chúa: “Từ âm phủ Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống”. Tác giả thánh vịnh đã nếm trải nước mắt cay đắng vào buổi tối, nhưng buổi sáng tác giả lại được mang đến cho “tiếng hò la vui mừng” vì Thiên Chúa đã “đổi khúc ai ca thành vũ điệu”. Đây là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy tạ ơn, điều mà người công chính “không ngừng” muốn, và họ chia sẻ với tất cả các tín hữu.

Bài đọc II:  2 Co 7-9. 13-15

          Sứ điệp của Phaolô tập trung vào sự quảng đại của Thiên Chúa dành cho tín hữu Côrintô: đức tin, Lời Chúa, sự hiểu biết về Thiên Chúa. Phaolô cũng ca ngợi sự quảng đại “của Đức Giêsu, Chúa chúng ta”, Đấng mà cái chết của Ngài đáp ứng mọi nhu cầu của họ, như trong quá khứ man-na phục vụ cho nhu cầu của tất cả dân chúng trong sa mạc. Phaolô đã đề cập dài đến vấn đề người chết sống lại trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (1 Co 15). Sự ám chỉ của Phaolô đến sự hạ mình của Chúa Giêsu Kitô “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8, 9), minh họa nghịch lý của thập giá của Chúa Giêsu, đồng thời là một sự hạ mình tột cùng và là hạt giống phục sinh cho muôn dân.

Tin Mừng: Mc 5, 21-43

          Chúa Giêsu bày tỏ lòng thương xót đối với những người đau khổ, người bệnh tật và những bậc cha mẹ đau buồn vì mất con. Ở đây chúng ta có câu chuyện về một bé gái và câu chuyện về một người phụ nữ lớn tuổi được Chúa Giêsu chữa cho khỏi bệnh băng huyết mà bà phải chịu đựng đã mười hai năm. Cô bé gái đang “hấp hối” ở nhà của cha cô, là ông Giairô, người đứng đầu hội đường Do Thái. Tuy nhiên, sẽ không có sự chữa lành hay sự phục sinh người chết nếu không có đức tin của người bệnh hoặc của những thân nhân. Với Giai-rô, Chúa Giê-su nói: “Đừng sợ, chỉ cần tin”. Khi đó, chỉ cần Chúa Giêsu nói hai từ (Talitha koum) là đủ, để cô bé gái sống lại và trở về với sự sống. Còn về người phụ nữ lớn tuổi, Chúa Giêsu nhận ra nơi sự táo bạo của bà, chiều sâu đức tin của bà và gửi trả bà lại về nhà bà, sau khi đã chữa lành và ban lại bình an cho bà.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ

Comments are closed.