CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XIII-TN_A, 02-7-2023 ֎ NHỮNG CỬ CHỈ NHỎ BÉ KHIẾN CHÚA VUI LÒNG

CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XIII-TN_A, 02-7-2023

֎

NHỮNG CỬ CHỈ NHỎ BÉ KHIẾN CHÚA VUI LÒNG

Đức tin và sự công chính trước mặt Thiên Chúa được tích hợp mỗi ngày. Người đàn bà Su-nêm, người ân cần đón tiếp tiên tri Ê-li-sê, chắc chắn thuộc thành phần những người được Chúa Giêsu nói tới rằng những cử chỉ đón tiếp tự phát và không tính toán của họ sẽ nhận được phần thưởng nơi Thiên Chúa.

Bài đọc I : 2 V 4, 8-11.14-16a

Người đàn bà Su-nêm là một phụ nữ giàu có và ân cần. Bà cũng biết nhận ra “một thánh nhân của Thiên Chúa”, là Elisê trong trường hợp này, và bà tỏ ra quảng đại với vị tiên tri. Tuy nhiên, một bóng tối vẫn đeo đẳng trong cuộc sống vợ chồng của bà : “Bà không có con trai, và chồng bà đã già”. Chúng ta tưởng như đang nghe ở đây câu chuyện về Abraham và Sarah, nhất là khi vị tiên tri loan báo cho người đàn bà Su-nêm về việc bà sẽ hạ sinh một con trai, bằng những kiểu nói rất gần với những kiểu nói mà Thiên Chúa đã từng nói với tổ phụ (St 17,19.21). Dưới ánh sáng của bài Tin Mừng hôm nay, ta có thể hiểu rằng người đàn bà Su-nêm được tưởng thưởng vì đã đón tiếp “một tiên tri với tư cách là tiên tri”.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 88 (89)

Nửa đầu của thánh vịnh này – cho đến câu 39 – nói về niềm vui của tác giả thánh vịnh và cộng đoàn của ông. Cả hai cùng cảm nghiệm một niềm hạnh phúc được ca tụng tình thương, lòng thành tín, quyền năng và ân sủng của Thiên Chúa. Chính niềm hạnh phúc này đã soi sáng hành trình tâm linh của họ. Mọi thứ diễn ra hết sức tốt đẹp trong thế giới tốt đẹp nhất, vì nhà vua dường như cũng trung thành với “Thiên Chúa thánh thiện của Israel”. Tuy nhiên, cung giọng đã thay đổi hoàn toàn trong nửa sau của bài thánh vịnh, một lời than thở gợi lên những thất bại và thất vọng lịch sử do vương quyền gây ra.

Bài đọc II : Rm 6, 3-4. 8-11

Biết hay không biết? Đây là câu hỏi Phaolô đặt ra cho các anh chị em tín hữu của mình. Trong khi bức thư có nội dung giáo lý rất cô đọng, Tông đồ Phaolô thấy mình bị buộc phải có những chỉnh sửa và nhắc nhở quan trọng. Đó là điều được gợi lên trong câu hỏi đầu tiên: “Hỡi anh em, anh em không biết sao?” Đức tin là một cuộc hành trình, một sự tra hỏi liên tục và một lời kêu gọi hoán cải thường xuyên. Phaolô nhắc lại một số tiền đề không thể lẩn tránh, “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô”, để trình bày ngay những hậu quả của việc đó. Vì Phaolô xác tín chắc chắn điều này: chúng ta được mời gọi sống một đời sống mới, với Đức Kitô và cho Thiên Chúa.

Tin Mừng : Mt 10, 37-42

Phúc Âm là Tin Mừng. Nhưng tin mừng không có nghĩa là dễ dãi và thiếu vắng những đòi hỏi. Chúa Giêsu diễn tả ở đây một loạt nghịch lý: chính Ngài phải được yêu mến trên hết và phải theo Ngài đến cùng bằng cách vác thập giá của Ngài, thậm chí phải trả giá là “mất mạng sống” vì Ngài. Mặt khác, không được nghĩ rằng như vậy, phải thực hiện những cử chỉ lẫy lừng, hiển hách : không ! việc đón tiếp một tiên tri hay một người công chính và việc cho “một ly nước lạnh đơn giản cho một trong những kẻ bé mọn này” thì đã được tưởng thưởng là những cử chỉ làm cho chính Chúa Giêsu.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

.

.

Comments are closed.