CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT VII-TN_C, 20-02-2022
֎
“KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC” :
YÊU THƯƠNG CẢ KẺ THÙ CỦA MÌNH
Cử chỉ thương xót của Đavít đối với Saulê, người tìm bắt Đavít, đã gợi lên sự ăn năn của Saulê. Trích đoạn thánh vịnh 102 (103) được dành để ca tụng tình yêu, sự dịu dàng và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân : trích đoạn đó chuẩn bị cách tuyệt diệu cho bài giảng của Chúa Giêsu về tình yêu dành cho “kẻ thù”.
Bài đọc I : 1 Sm 26, 2.7-9.12-13.22-23
Không còn gì là êm xuôi giữa Đavít và Vua Saulê, và từ rầy về sau, Vua Saulê không được tiên tri Samuel thừa nhận. Vua Saulê, cùng với ba nghìn binh lính tinh nhuệ, lên đường vào sa mạc với hy vọng bắt được Đavít. Đavít xác định được vị trí trại của Vua Saulê trong lúc đêm tối, và Abishai, người cháu trai trung thành và thuộc phe của Đavít, đề nghị vào lều của nhà vua và cướp lấy ngọn giáo của vua để giết vua. Đavít vẫn dành sự tôn trọng cho người “đã được Chúa xức dầu”, nên Đavít chỉ đồng ý cho lấy “ngọn giáo và bình nước” của Saulê đang ngủ. Từ trên đỉnh núi, Đavít la hét lên với Saulê và đề nghị trả lại vua ngọn giáo của vua. Như thế, Đavít đã tỏ ra hào hiệp cao thượng, và trong sự công chính và trung thành, Đavít từ bỏ việc “tra tay trên người được Chúa xức dầu”.
Thánh vịnh 102 (103)
Thánh vịnh này, được đặt làm biểu hiện sự chúc tụng, ca ngợi một Thiên Chúa của tình yêu, sự dịu dàng và lòng thương xót. Thánh vịnh này được chọn để báo trước về Tin Mừng trong ngày và đặc biệt là theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”. Mặt khác, thánh vịnh này cũng áp dụng cho cử chỉ quảng đại của Đavít, người đã quyết định không giết kẻ muốn bắt mình và chắc chắn, muốn loại bỏ mình. Đavít tỏ ra rất quảng đại với Saulê, còn Saulê sẽ bị đánh động trước cử chỉ cao thượng của Đavít. Saulê cay đắng hối hận vì đã muốn hãm hại người cạnh tranh với mình và ông ăn năn bằng cách thừa nhận rằng “vương quyền của Israel” sẽ sớm thuộc về Đavít.
Bài đọc II : 1 Cr 15, 45-49
Phaolô đưa ra một chú giải đầu tiên về đoạn sách Sáng Thế (St 2, 7), sẽ được các Giáo phụ khai triển rộng rãi. Phaolô so sánh giữa Ađam thứ nhất, “con người đầu tiên” với “Ađam cuối cùng (Ađam mới) là Đức Kitô”. Ađam thứ nhất được “nhào nặn bằng đất sét” và “bởi đất mà ra” trong khi “Ađam thứ hai từ trời mà đến”. Sự tương phản rất ấn tượng, nhưng Thiên Chúa muốn làm ra chúng ta “theo hình ảnh Đấng đến từ trời”. Mặt khác, dù chúng ta là những con người mong manh trên bình diện vật chất, thì trên bình diện thiêng liêng, chúng ta vẫn được kêu gọi trở nên giống Đức Kitô.
Tin Mừng : Lc 6, 27-38
Trích đoạn Tin Mừng này tiếp theo sau diễn từ của Chúa Giêsu về Các Mối Phúc, và những lời cảnh báo nghiêm khắc được Chúa nói với những người giàu có và người bề thế trong thế gian này. Ở đây, Chúa Giêsu bày tỏ một nền luân lý ngược đời, với những đòi hỏi cao nhất. Người ta ở vào cực điểm đối lập của luật báo thù : “Mắt đền mắt ; răng đền răng”. Không thể có thỏa hiệp. Mãi mãi, và luôn luôn, chúng ta được kêu gọi “yêu thương kẻ thù của mình”, “ước muốn (và làm) điều tốt cho họ”, đồng thời “cầu nguyện” cho họ. Mãi mãi và luôn luôn, chúng ta phải cho đi không tính toán và không mong nhận lại. Chúa Giêsu công bố ‘khuôn vàng thước ngọc’, đã được Đại Giáo trưởng Hillel biết đến: “Điều gì con muốn người khác làm cho con, cũng hãy làm cho họ như vậy”. Đó là vấn đề “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”!
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.