CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT VI-TN_B 14-02-2021 ĐỪNG NHẦM LẪN: BỆNH TẬT VÀ TỘI LỖI!

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT VI-TN_B

14-02-2021

ĐỪNG NHẦM LẪN: BỆNH TẬT VÀ TỘI LỖI!

          Khái niệm về thưởng phạt – trong sách Lêvi và ở nhiều nơi trong Cựu ước – thường có khuynh hướng coi những bệnh tật nghiêm trọng và những thử thách lớn lao, là hình phạt cho một tội nào đó. Chúa Giêsu chữa lành người phong cùi bằng lòng thương xót tự ý và chỉ bằng một cái đụng chạm. Nếu Chúa sai người phong cùi đi trình diện tư tế, thì đó là để biến người phong cùi thành nhân chứng Tin Mừng của Chúa.

Bài đọc I: Lv 13, 1-2. 45-46

          Trong sáu chương dành cho các khái niệm về “sự trong sạch / ô uế”, có toàn bộ hai chương của sách Lêvi đề cập đến bệnh phong cùi. Có thể nói, đó là căn bệnh đáng ghê tởm nhất và đáng xa lánh nhất. Người bệnh phong cùi không thể đi lại nếu không công khai tố cáo tình trạng bệnh cùi của mình, và do vậy mà người ấy bị xã hội kỳ thị. Ngoài nỗi đau của bệnh tật, người phong cùi còn bị gia đình ghẻ lạnh, bị loại ra khỏi việc phụng tự công và khỏi xã hội. Nghĩa vụ đi trình diện với các tư tế cũng là một việc nặng nề, vì nghĩa vụ đó giả thiết rằng người phong cùi phải chịu trách nhiệm về bệnh tật của mình do tội lỗi mà mình hoặc một thành viên trong gia đình người ấy đã phạm phải.

Thánh vịnh 31 (32)

          Thánh vịnh 31 (32) này có lẽ được chọn vì nhu cầu thanh tẩy được quy định trong bài đọc I. Chắc chắn, các từ ‘lỗi lầm’, ‘tội lỗi’, ‘phạm tội’ và ‘điều sai trái’ diễn tả đúng những gì luật pháp Israel nghĩ về người phong cùi. Nhưng bài Thánh vịnh tiên liệu thái độ thương xót của Chúa Giêsu, đã nói lên rất nhiều về hạnh phúc và niềm vui mà bất cứ tội nhân nào cũng có thể cảm thấy, không phải bằng sự thanh tẩy đơn thuần có tính nghi thức, nhưng bằng sự tha thứ của Thiên Chúa cho sự xúc phạm. Cùng với Thánh vịnh 50 (51), thánh vịnh 31 (32) này là một trong những thánh vịnh hay nhất và an ủi nhất trong bảy bài thánh vịnh về sám hối của tập sách Thánh vịnh.

Bài đọc II:  1 Cr 10, 31 – 11,1

          Rất lâu trước sự ra đời của tác phẩm thành công trong thời Trung Cổ, là cuốn sách Gương Chúa Giêsu, Phaolô đã biến việc bắt chước Chúa Giêsu thành một trong những điểm mấu chốt trong linh đạo của mình. Đó cũng là lời khuyến cáo thánh nhân ngỏ với tín hữu Côrintô: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi đã bắt chước Đức Kitô”. Phaolô dự đoán một tác phẩm kinh điển tuyệt vời khác về linh đạo Kitô giáo, linh đạo của Ignatiô: “Bất cứ điều gì anh em làm, hãy làm để Thiên Chúa được vinh hiển”. Nhưng đó không phải là tất cả: Vị Tông đồ, không quy về mình hay tìm kiếm lợi ích cho riêng mình, đã hướng về người khác: “Tôi [tìm cách] thích nghi với mọi người”. Điều đó có nghĩa là không có linh đạo thực sự nếu không có lòng bác ái đối với người lân cận.

Tin Mừng: Mc 1, 40-45

          Đến trình diện với Chúa Giêsu, người phong cùi đã ba lần vi phạm luật thanh tẩy được quy định trong sách Dân Số. Thứ nhất, anh ta không đi xung quanh và hét lên, “Ô uế! Ô uế!” Thứ hai, không đứng ở một khoảng cách nào, anh ta cứ đến gần bên Chúa Giêsu tại thành Ca-phác-na-um. Thứ ba, anh ta đến với Chúa Giêsu này, người không phải là một tư tế! Người phong cùi nói với Chúa Giêsu, một nhà thuyết giáo: người phong cùi tin tưởng rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành cho anh. Chúa Giêsu tỏ ra nhạy cảm trước sự đau khổ của con người bị mọi người tránh né, và Chúa còn dám động đến anh ta. Chúa Giêsu đáp ứng yêu cầu của người phong cùi, gần như từng chữ: “Tôi muốn, anh sạch đi”. Người phong cùi đã được chữa lành ngay lập tức. Điều ngạc nhiên là Chúa Giêsu ra lệnh cho anh ta không được nói với ai, nhưng lại sai anh ta đi trình diện với các tư tế để làm chứng trước mặt dân chúng. Rất vui mừng, người từng bị phong cùi loan báo tin (mừng) về sự bình phục của mình.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ

Comments are closed.