CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ LÁ_B, 28-3-2021 GIỮA TUNG HÔ VÀ KẾT ÁN

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT LỄ LÁ_B, 28-3-2021

GIỮA TUNG HÔ VÀ KẾT ÁN

           Lần cuối cùng Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem: lúc này, một đám đông tung hô Chúa và nhìn nhận Ngài là “Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Tuy nhiên, cho dù những kỳ vọng về Đấng Mêsia có cao mấy chăng nữa, thì sự nhạo báng nực cười của vụ kiện do người Do Thái và người La Mã khởi xướng cũng vẫn khiến đám đông chống lại Chúa Giêsu.

Bài đọc I: Is 50, 4-7

           Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu không phải là một trường hợp cá biệt trong lịch sử Israel. Bằng chứng là, bài thơ tuyệt đẹp này của Isaia diễn tả nỗi đau khổ mà các tiên tri như ông trải qua, hoặc một tiên tri tương lai bị người dân của mình sỉ nhục và phỉ báng. Nhưng cho dù là ai, vị tiên tri đang được nói tới đây cũng “trơ mặt như đá” để kiên trì chịu đựng những “sỉ nhục và phỉ báng” nhắm vào ông. Sức mạnh của ông hoàn toàn có tính nội tại: sức mạnh ấy dựa vào lời của Thiên Chúa, “Đấng phù trợ ông”. Trải qua những đau khổ oan uổng, chính ông sẽ có sức mạnh để “nâng đỡ ai rã rời kiệt sức” và gánh chịu những đau khổ của muôn dân.

Thánh vịnh 21

           Thánh vịnh này là thánh vịnh đau thương nhất trong tất cả các thánh vịnh bi ai trong Kinh Thánh, ngoài ra còn có khá nhiều bài, trong số đó có những ai ca của tiên tri Giêrêmia (Gr 12-20) và toàn bộ sách Ai-Ca. Tất cả những lời cầu nguyện này đều có tính hiện thực xót xa liên quan đến gánh nặng của sự đau khổ trên thế giới, và (có tính) cực kỳ táo bạo trong những câu hỏi mà chúng đặt ra về Thiên Chúa hoặc nói trực tiếp với Ngài. Phải là bạn hữu của Thiên Chúa mới dám hỏi điều này: “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?” Thế nhưng, Thiên Chúa không nổi giận vì những chất vấn chói tai này: Ngài trả lời tác giả thánh vịnh và đến trợ giúp ông, để ông có thể “loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay” và an ủi những người đau khổ về thể xác và tâm hồn.

Bài đọc II: Ph 2, 6-11

           Cặp từ ngữ hạ xuống-tôn lên đã có trong các bài ca của Môsê, Anna, Giuđitha và trong nhiều thánh vịnh, cũng như trong kinh Tạ Ơn (Magnificat) của Mẹ Maria: sự bất công và bạo lực của con người đã triệt hạ những người nghèo khó và những người bé nhỏ, trong khi đó Thiên Chúa lại nâng họ lên. Nhưng trường hợp được trình bày ở đây đã đạt đến một cực điểm vô song. Ba khổ thơ đầu tiên, với những từ ngữ chưa từng nghe, nhấn mạnh đến sự hạ mình tột độ của Đức Kitô Giêsu, Đấng “không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa”, và là Đấng “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”, đã hòa giải con người với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã xoay chuyển tình thế bằng cách “tôn vinh” Chúa Giêsu là Đấng bị đóng đinh và “tặng ban cho Ngài một danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” : Đấng Phục Sinh, Trưởng Tử giữa những kẻ chết và Đấng Hằng Sống – ở đây xin mượn những lời của sách Khải Huyền.

Tin Mừng: Mc 14, 1 -15, 47

           Các nhà chức trách Do Thái muốn tránh “tình trạng bất ổn trong dân chúng” vào thời điểm Lễ Vượt Qua, nhưng họ đã kết án tử hình Chúa Giêsu trên cơ sở những lời chứng giả mạo và mâu thuẫn. Chúa Giêsu khẳng định với thầy thượng tế rằng Ngài là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa đáng chúc tụng”, là “Con Người”. Trong phiên tòa do người La-mã xử, Philatô đã chọn tha Ba-ra-ba, và làm theo tiếng la ó của đám đông, ông đã cho đóng đinh con người mà đám đông gọi là “Vua dân Do Thái”. Chúa Giêsu bị đánh đập, bị sỉ nhục, bị chế giễu. Lời của Ngài trên thập giá cho thấy tính chất bi thảm của cuộc Khổ Nạn. Dù vấn đề có gây chưng hửng, cộng đoàn của Marcô vẫn nhận ra mình trong hành động đức tin của viên sĩ quan.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.