CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH_B, 25-4-2021 TỪ VỤ ÁN CỦA CHÚA GIÊSU ĐẾN VỤ ÁN CỦA CÁC TÔNG ĐỒ

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH_B, 25-4-2021

TỪ VỤ ÁN CỦA CHÚA GIÊSU

ĐẾN VỤ ÁN CỦA CÁC TÔNG ĐỒ

          vCác Tông đồ đã bỏ rơi Chúa Giêsu trong cuộc Khổ Nạn của Người. Nhưng từ nay Phêrô và Gioan đã có thể “uống chén” của Chúa Giêsu và chia sẻ “phép rửa” của Người (Mc 10, 38). Họ sẽ chết vì đạo, giống như những con chiên, theo gương mục tử đích thực của chúng, người sẵn sàng hiến mạng sống vì tình yêu.

Bài đọc I: Cv 4, 8-12

          Sau khi chữa lành ở cửa Đền thờ cho một người bị “tàn tật từ khi mới sinh”, Phêrô và Gioan đã bị xét xử trước hai thầy thượng tế là Anna và Caipha, những người đã từng xét xử Chúa Giêsu. Phêrô không còn có gì là nhút nhát của người đã từng chối Thầy của mình. Vị Tông đồ trả lời mà không hề nao núng rằng việc chữa lành đã được thực hiện “bởi danh của Chúa Giêsu người Nazareth, [Đấng] bị đóng đinh … Đấng mà Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ kẻ chết”. Phêrô bắt các nhà cầm quyền Do Thái phải chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu và nhìn thấy họ là “những người thợ xây” đã coi thường “viên đá [.] đã trở thành đá tảng” (Tv 117, 22). Người tàn tật không chỉ được chữa lành: “Người này đã được cứu”. Phêrô kết luận với niềm xác tín: “không có sự cứu rỗi” nào, ngoài sự tin vào danh và con người của Chúa Giêsu.

Thánh vịnh 117

          Việc đề cập đến “tảng đá mà những người thợ xây loại bỏ” được nhấn mạnh như một tiền xướng được chèn vào giữa mỗi khổ thơ và cũng có ở trong khổ thơ giữa (câu 22). Phêrô (xem Bài đọc I) không che giấu quyền năng đã giúp ông chữa lành một người tàn tật từ khi mới sinh (Cv 4, 10). Nhưng Vị Tông đồ không khiển trách toàn thể dân tộc: chính “các vị thủ lãnh trong dân và các vị kỳ mục” là những người “thợ xây” đã không biết đến “tảng đá” được Thiên Chúa chọn để đem ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Người tàn tật từ khi mới sinh được tái sinh nhờ Chúa Giêsu, và anh ta trở thành biểu tượng cụ thể của sự sống mới mà Chúa Giêsu dành cho bất cứ ai sẵn sàng đón nhận “tình yêu vĩ đại [mà] Chúa Cha ban cho chúng ta” (1 Ga 3, 1).

Bài đọc II: 1 Ga 3, 1-2

          Gioan, còn được gọi là Người Môn Đệ Chúa yêu, không coi thường những người nhận thư của mình, vì Gioan gọi họ bằng danh hiệu “người được yêu”. Thông điệp của ông rất rõ ràng: “tình yêu cao cả của Thiên Chúa” khiến tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu, lúc này và mai sau, trở thành “con cái của Thiên Chúa”. Đây là một ân huệ đặc biệt, bị thế giới bỏ qua, vì thế giới không biết Thiên Chúa, nhưng (là ân huệ) được mời gọi tỏ lộ ra nhiều hơn, đến mức làm cho các môn đệ nên “giống như” Thiên Chúa, vì Thiên Chúa thế nào, họ sẽ thấy Ngài như vậy.

Tin Mừng: Ga 10, 11-18

          Mặc dù các diễn từ của Chúa Giêsu không được Gioan gọi là “dụ ngôn”, thì bản văn Tin Mừng đọc hôm nay vẫn có tất cả các tính chất của thể loại văn học này. Chúa Giêsu tự mô tả rõ ràng mình là “mục tử tốt lành, người chăn chiên đích thật” trái ngược với “người chăn thuê”. Khi làm như vậy, Chúa Giêsu đồng nhất mình với Thiên Chúa là Mục Tử được ca tụng trong các Thánh vịnh (Tv 22 [23] và 79 [80]). Không chỉ Chúa Giêsu biết chiên của Ngài, mà các con chiên còn nhận ra Ngài và biết rằng chúng được an toàn với Ngài. Chúa Giêsu, vừa “hiến dâng mạng sống [của mình] cho chiên của mình”, vừa trở nên như con chiên bị sát tế. Nếu Ngài hy sinh mạng sống của mình cho đàn chiên của mình, Ngài mơ về một đàn chiên lớn hơn nhiều và về một nhân loại được hòa giải, trong “một đàn chiên và một chủ chăn”.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.