CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III-MÙA CHAY_A, 12-3-2023 ֎ THỜ PHƯỢNG THIÊN CHÚA TRONG THẦN KHÍ VÀ SỰ THẬT

CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT III-MÙA CHAY_A, 12-3-2023

֎

THỜ PHƯỢNG THIÊN CHÚA

TRONG THẦN KHÍ SỰ THẬT

Cuộc đối thoại, thuộc loại hay nhất, giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Sa-ma-ri cho thấy các căn cứ của các bài đọc khác. Chúa Giêsu phá vỡ nhiều điều cấm kỵ, khi nói chuyện với một người phụ nữ, mà người phụ nữ này lại không phải là người Do Thái. Nhưng người phụ nữ này tán thành những gì Nhà Tiên tri Giêsu nói ; bà thuận theo tầm nhìn của Ngài về sự thờ phượng Chúa Cha, và bà làm chứng về đức tin non trẻ của mình.

Bài đọc I : Xh 17, 3-7

Đây không phải là lần đầu tiên dân Israel chống đối Môsê. Trước đây, họ đã đòi hỏi Môsê cho họ bánh và thịt, và họ đã nhận được quà tặng là man-na (Xh 16, 2-15. 31). Bây giờ con cái Israel lại đòi hỏi nước cho họ và cho đàn gia súc của họ, trong khi họ đến gần miền núi Horeb (Sinai). Những phản kháng của họ chống lại Môsê mãnh liệt đến nỗi Môsê sợ bị ném đá. May mắn thay, Chúa đáp lại đòi hỏi của dân chúng và ra lệnh cho Môsê đập vào “tảng đá ở núi Horeb” bằng cây gậy mà Môsê đã sử dụng để tách nước sông Nile. Môsê “đã làm như Chúa truyền trước mắt các kỳ mục Israel” và đã gọi nơi ấy là “Massa (nghĩa là: Thử Thách) và Mériba (nghĩa là: Gây Sự)”.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 94 (95)

Thánh vịnh này được dùng để dẫn vào Phụng vụ Giờ Kinh hàng ngày, bao gồm ở đây hai khổ thơ có tính lễ hội và đầy nhiệt tình : “Hãy đến đây, ta reo hò mừng Chúa […] Hãy vào đây, ta cúi mình phủ phục…”. Tiếp theo là một khổ thơ khác cũng khá nghi ngờ và kèm theo một cảnh báo: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa ! Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc”. Thực ra, sẽ không bao giờ là đủ nếu chỉ ‘đọc’ Kinh Thánh. Còn cần phải suy niệm, phải để cho mình được Kinh Thánh chất vấn và biến thành của mình những gì Kinh Thánh nói cho ta biết về Thiên Chúa và về ý muốn của Chúa cho chúng ta.

Bài đọc II : Rm 5, 1-2. 5-8

Trong chương 4 của bức thư của mình, Phaolô đã nói dài về đức tin mẫu mực của Abraham. Bây giờ Phaolô định nghĩa toàn bộ đời sống Kitô hữu là một sự hòa giải với Thiên Chúa: “Chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay, nhờ chúng ta tin”. Như Georges Bernanos sau này sẽ viết : “Tất cả đều là ân sủng”. Vâng, tất cả đều là ân sủng, bởi vì tất cả đều đến từ Chúa Giêsu Kitô, từ Chúa Cha, Đấng “đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta”, và từ Chúa Thánh Thần “được ban cho chúng ta”.

Tin Mừng : Ga 4, 5-42

Vào thời của Chúa Giêsu, Sykar (Sichem) là một phần của Sa-ma-ri-a, và Garizim là núi thánh của người Sa-ma-ri. Do đó, việc Chúa Giêsu đi băng qua Sichem không phải là chuyện tầm thường. Chúa vào trong lãnh thổ của người Sa-ma-ri và khơi mào một cuộc đối thoại với một người phụ nữ. Cuộc đối thoại này tỏ ra sâu sắc ở cả hai bên đối thoại. Người phụ nữ ngạc nhiên về sự tự do của một người Do Thái dám nói chuyện với cô là một người Sa-ma-ri. Còn Chúa Giêsu thì xin nước uống, nhưng Chúa sớm ban cho người phụ nữ “nước hằng sống”, là nước sẽ làm thoả mãn mọi cơn khát và sẽ trở thành “một mạch nước vọt lên, đem sự sống đời đời”. Người phụ nữ, ngay lập tức, bày tỏ mong muốn có được thứ “nước này”. Câu hỏi về “năm người chồng” là (câu hỏi) có tính biểu tượng, bởi vì từ ngữ tiếng Do Thái chỉ người chồng được viết là “ba’al”, trùng với tên của các vị thần ngoại giáo. Khi miền Sa-ma-ri-a bị người nước ngoài chiếm làm thuộc địa, thì những người ngoại quốc này đã chọn theo năm Ba’als, những vị thần được họ tôn thờ trên Núi Garizim (xem 2 V 17, 24-34). 

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.