CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT II-TN_A, 15-01-2023
֎
PHỤC VỤ CHÚA : ƠN GỌI CỦA CẢ MỘT DÂN TỘC
Isaia và các tiên tri nhắc nhở dân chúng về sứ mệnh của họ là làm chứng nhân và làm tôi tớ của Thiên Chúa. Thánh vịnh không nói về tôi tớ, nhưng nói về một người hoàn toàn hiến mình cho ý muốn và công việc của Thiên Chúa. Ơn gọi của các Kitô hữu Côrintô cũng không kém: họ “được mời gọi nên thánh”.
Bài đọc I : Is 49, 3. 5-6
Người ta thường nói tới bốn bài ca về “Người tôi tớ”, nhưng từ “tôi tớ” được sử dụng khoảng hai mươi lần trong Is 40-55 ; trong số này, có mười bốn lần được liên kết với Giacob/Israel. Đó là Israel trở về từ cuộc lưu đày, được giải thoát khỏi ách nô lệ Babylon, như Israel ngày xưa được giải thoát khỏi Ai Cập. Do đó, dân Israel có ơn gọi phục vụ Chúa và “biểu lộ vẻ huy hoàng của Ngài”. Dĩ nhiên, Israel có thể cậy dựa vào những tôi tớ vĩ đại là các tiên tri, như Isaia chẳng hạn, và cả Giêrêmia nữa, người đã tường thuật ơn gọi của mình rất đúng, như ở đây, rằng mình “được thành hình từ trong lòng mẹ” (x. Gr 1, 5). Hai vị tiên tri này, và một số vị khác, tỏa sáng giữa Israel để dân trung thành với ơn gọi của mình là làm “ánh sáng của các dân tộc” và làm chứng cách tuyệt diệu về ơn cứu độ.
Thánh vịnh đáp ca : Tv 39 (40)
Thánh vịnh này thực sự làm vọng lại bài đọc Isaia. Những đại từ nhân xưng (chủ ngữ hoặc bổ ngữ) đều ở ngôi thứ nhất số ít. Ở đây chúng ta có một tôi tớ của Thiên Chúa, người mang niềm hy vọng lớn lao, người khơi dậy trong dân “một bài ca mới”. Người tôi tớ sẵn sàng và nhạy bén đối với một sứ mệnh có tầm quan trọng nhất, và người ấy đầu tư hết lòng và với tình yêu để làm theo ý muốn của Thiên Chúa. Luật pháp mà người tôi tớ yêu mến không phải là gánh nặng đối với người ấy, mà là “tình yêu và sự thật”. Các câu 7-9 của bài Thánh vịnh này sẽ được tác giả thư gửi tín hữu Do Thái (Dt 10) áp dụng cho sự hy sinh của Đức Kitô để thiết lập giao ước mới.
Bài đọc II : 1 Cr 1, 1-3
Trong ba câu đầu tiên của thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đề cập đến ân sủng đặc biệt đã được ban cho ông là ông được “kêu gọi, theo ý Thiên Chúa, làm tông đồ của Đức Giêsu Kitô”. Thật vậy, đây là một ân sủng rất đặc biệt vì Phaolô không thuộc nhóm lịch sử mười hai Tông đồ. Hơn nữa, Phaolô không viết một mình: bức thư của Phaolô chắc chắn cũng phản ánh quan điểm của người cộng tác với Phaolô, “người anh em” của Phaolô, là Sosthênê. Thánh Tông đồ cũng tỏ lòng quý mến những người nhận thư, những người Côrintô “đã được thánh hóa trong Chúa Giêsu Kitô và được kêu gọi nên thánh”. Phaolô chúc họ “ân sủng và bình an từ Thiên Chúa là Cha của chúng ta và từ Chúa Giêsu Kitô”.
Tin Mừng : Ga 1, 29-34
Trong phần mở đầu nổi tiếng của mình, thánh sử Gioan đã dành vai trò trội nhất cho Gioan Tẩy Giả, “người được Thiên Chúa sai đến” như một “nhân chứng để làm chứng cho Ánh Sáng” (Ga 1, 6-7). Vào thời Chúa Giêsu, có nhiều phong trào làm phép rửa ở Israel, đặc biệt là ở Qumran và vùng Giođan. Gioan Tẩy Giả là nhân chứng công khai đầu tiên về Đức Kitô, người mà Gioan nhìn nhận là “Chiên Thiên Chúa”. Trong trích đoạn Chúa Nhật hôm nay, chúng ta không thấy Chúa Giêsu chịu phép rửa trong nước sông Giođan. Thay vào đó, Gioan Tẩy Giả kể lại thị kiến của ông về Thánh Thần “như chim bồ câu từ trời” xuống và ngự trên Chúa Giêsu. Chứng từ của Gioan Tẩy Giả cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu sẽ làm phép rửa “trong Chúa Thánh Thần” và rằng Ngài là “Con Thiên Chúa”.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.