CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT I – MÙA VỌNG_C, 28-11-2021 CHỜ ĐỢI THIÊN CHÚA ĐẾN

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT I – MÙA VỌNG_C, 28-11-2021

CHỜ ĐỢI THIÊN CHÚA ĐẾN

֎

          Vào đầu Mùa Vọng, đôi mắt của chúng ta hướng về Thiên Chúa, Đấng có ngàn lẻ một cách đến với chúng ta và dạy chúng ta vô số đường lối của Ngài. Các đường lối đó là “hoàn toàn công bình”, là “tình yêu và sự thật” và là niềm hy vọng sống động về Đấng Thiên Sai (Mêsia) đang đến và sẽ trở lại vào lúc tận thế.

Bài đọc 1 : Gr 33, 14-16 

          Quà tặng của Giêrêmia và những người đương thời với ông không có gì đáng khích lệ, đang khi Giêrusalem bị tàn phá và phần lớn dân số của thành đang bị lưu đầy ở Ba-by-lon. Nhà tiên tri đã không quên tố cáo sự bất trung của dân chúng và của các nhà lãnh đạo của họ. Nhưng, ngoài những lời than thở và lời trách móc của mình, chắc chắn Giêrêmia là kiến trúc sư vĩ đại của sự canh tân đạo đức của Israel và Giuđa. Giêrêmia kiên quyết hướng cái nhìn của mình về tương lai và truyền lại “lời hạnh phúc” mà Thiên Chúa đã nói khi nghĩ đến “nhà Israel” và “nhà Giuđa”. Nếu Giêrêmia không dùng từ “Đấng Thiên Sai” (Mêsia) thì ông cũng chẳng nói gì khác : Giêrêmia công bố “một mầm công chính” cho Đa-vít, Giu-đa và Giê-ru-sa-lem. Từ nay thành thánh sẽ là nơi ngự trị của “ĐỨC CHÚA là-sự-công-chính-của-chúng-ta”.

Thánh vịnh 24 (25)

          Ba khổ thơ của Thánh vịnh tập trung vào chủ đề “đường lối”, “đường nẻo” và “con đường” của Chúa. Trong khổ thơ đầu tiên, tác giả thánh vịnh nói trực tiếp với Thiên Chúa: ông lắng nghe lời Chúa dạy, ông tìm cách “biết đường đi của Chúa”, và ông dự định để cho “sự thật” của Chúa hướng dẫn ông. Kế đến, ông ngỏ lời với cộng đoàn và tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa là Đấng chính trực và công bình, tốt lành và thương xót, và là Đấng “dạy cho người nghèo hèn biết đường lối của Người”. Trong khổ thơ cuối cùng, lời tuyên xưng đức tin của tác giả được đặt trong bối cảnh của một giao ước với Thiên Chúa, Đấng có đường lối là “yêu thương và thành tín”. Hai con đường này hoàn toàn phù hợp với mùa Vọng, tập trung vào niềm mong đợi Đấng Mêsia được Thiên Chúa hứa ban.

Bài đọc 2 : 1 Th 3, 12 – 4, 2 

          Trong một bức thư được coi là văn bản cổ xưa nhất của Tân Ước, Phaolô bày tỏ sự gắn bó của mình với cộng đoàn Thê-sa-lô-ni-ca, và mong muốn họ tiến bộ trong tình yêu thương đối với nhau và “đối với mọi người”. Các Kitô hữu rõ ràng là một thiểu số ở thành phố cảng này, nhưng cộng đoàn không được cuộn mình lại trên mình. Phaolô không được sống cận kề Chúa Giêsu lúc sinh thời của Chúa, nhưng Phaolô không che giấu niềm khao khát mãnh liệt của mình về sự trở lại của Chúa Giêsu. Ở đây không phải là sự say mê có tính khải huyền hay sự suy đoán về ngày trở lại của Chúa, mà là một lời mời gọi bền tâm “tiến tới nhiều hơn nữa” để làm “đẹp lòng Thiên Chúa” và “trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách”.

Tin Mừng : Lc 21, 25-28. 34-36

          Trong khi chúng ta chuẩn bị kỷ niệm sự giáng lâm lần đầu tiên của Chúa Giêsu vào trần gian, phụng vụ đề nghị chúng ta suy niệm bài diễn từ của Chúa Giêsu tập trung vào sự giáng lâm lần hai của Ngài ! Không có gì mâu thuẫn trong điều này, vì kể từ khi Đức Kitô thăng thiên trong vinh quang, đời sống Kitô hữu chỉ có thể được sống trong hy vọng Ngài sẽ trở lại. Chắc chắn, bài diễn từ của Chúa Giêsu đề cập đến các dấu hiệu trên trời và dưới đất đầy tác hại, tuy nhiên, đó chỉ là khúc dạo đầu cho sự trở lại vinh quang của Con người và sự cứu rỗi chung cuộc. Nếu chúng ta tin vào Chúa Giêsu, không có gì phải lo sợ. Trái lại, chúng ta phải “tỉnh thức”, và “đứng thẳng”, hoàn toàn hòa hợp cuộc sống của chúng ta với Tin Mừng của Đức Kitô.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.