CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT I – CHAY_C, 06-3-2022
֎
VƯỢT QUA SA MẠC
Tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng, thậm chí bị tổn hại bởi mức độ rộng lớn của đại dịch đang hoành hành. Nhưng chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa nhạy cảm với mọi đau khổ của chúng ta, và (rằng) Thiên Chúa tin cậy vào mỗi chúng ta trở thành khuôn mặt và cánh tay của Ngài để xoa dịu những đau khổ của người khác.
Bài đọc I : Đệ Nhị luật 26, 4-10
Sách Đệ Nhị luật vừa là ký ức về quá khứ vừa là sự hiện thực hóa những chỉ dẫn mà Môsê nhận được từ chính miệng Thiên Chúa; thậm chí người ta còn dự đoán việc sắp được vào đất hứa và cho biết vào đất hứa, phải dâng tiến hoa quả đầu mùa như thế nào. Việc trở về với quá khứ được thực hiện trong sự quy chiếu đến Abraham, “người Aram phiêu bạt” ở Ai Cập và là tổ tiên của “thị tộc nhỏ bé […] đã trở thành một dân tộc lớn”. Tuy nhiên, dân tộc lớn này đã trở thành nô lệ cho người Ai Cập. Thiên Chúa đã nghe thấy tiếng kêu và thấy “sự khổ cực, lầm than và bị áp bức” của con cái Israel, và Ngài đã giải thoát họ cùng dẫn đưa họ vào “đất chảy sữa và mật”. Việc dâng hoa quả đầu mùa là để tạ ơn vì “những dấu chỉ [và] những việc kỳ diệu” được Chúa thực hiện nhằm mưu ích cho dân của Ngài.
Thánh vịnh 90 (91)
Thánh vịnh 90 (91) là một thánh vịnh tin cậy. Điều này không loại trừ “thử thách”, “bất hạnh” hoặc “nguy hiểm”. Thiên Chúa sai các thiên thần của Ngài đến với những người cầu khẩn Chúa và gắn bó với Chúa. Chắc chắn người Do Thái trong cảnh nô lệ đã phải kêu lên Thiên Chúa từ sâu thẳm của kiếp nô lệ của họ ở Ai Cập. Nhưng kinh nghiệm của họ về ơn cứu độ đã mạnh mẽ đến nỗi họ biết rằng mình “ở dưới sự che chở của Đấng Tối Cao” và thấy Ngài là “đồn lũy” và là “nơi ẩn náu”. Trong Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu trả lời quỷ satan, và chúng ta có thể nhận ra satan qua các hình ảnh thú vật là “rắn rết [và] bọ cạp”, “sư tử” và “con rồng”.
Bài đọc II : Rm 10, 8-13
Phaolô biết Kinh Thánh rất rõ và ông thích tham khảo Kinh Thánh. Ở đây Phaolô nhận xét: “Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng” (Đnl 30, 14), cũng như: “Ai tin tưởng nơi Chúa, sẽ không hề xấu hổ” (Is 28, 16) và “Ai kêu cầu danh Chúa, sẽ được cứu độ” (Ge 3, 5). Phaolô thấm nhiễm Kinh Thánh và ông giảng bằng ví dụ, bằng chứng là sáu câu trích dẫn Kinh Thánh được tìm thấy trong bảy câu cuối của chương 10 thư Rôma này. Người ta không thể loan báo Tin Mừng, nếu không có lòng yêu mến sâu xa đối với Kinh Thánh, Cựu Ước và Tân Ước.
Tin Mừng : Lc 4, 1-13
Ngay trước khi bắt đầu sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã để cho mình được Thánh Thần dẫn vào sa mạc. Chúa vào đó để cầu nguyện, nhưng Chúa cũng bị “ma quỷ cám dỗ”. Như thế, đây là thời gian thử thách mà thời lượng của nó gợi nhớ đến bốn mươi ngày của trận lụt do Thiên Chúa gây ra vì “sự gian ác của con người”. Chiến thắng của Chúa Giêsu trên các cuộc tấn công của ma quỷ vì thế có giá trị cứu rỗi nhân loại. Hơn nữa, con số 40 cũng gợi nhớ đến bốn mươi năm dân Do Thái lưu lạc trong sa mạc, một thời kỳ bị nhiều cuộc nổi loạn nhấn chìm. Chúa Giêsu dựa vào lời của Thiên Chúa và sự trợ giúp của Thánh Thần, và Ngài ra khỏi sa mạc với đầy đủ quyền năng để dẫn dân mới của Thiên Chúa đến vùng đất mới là Vương quốc của Chúa Cha.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.