CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN, 21-5-2023
֎
PHẢI CHĂNG LÀ MỘT LỄ TUỲ PHỤ ?
Lễ Thăng Thiên đánh dấu sự kết thúc một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử: thời kỳ hiện diện trên trần gian của Chúa Giêsu, Đấng mà chúng ta tôn kính là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Sứ mệnh của Ngài giờ đây nằm trong tay những người tin vào Ngài.
Bài đọc I : Cv 1, 1-11
Việc Luca trình bày tác phẩm thứ hai của ông ngay từ đầu đã cho thấy tính liên tục với Tin Mừng của ông. Dưới ánh sáng của Công vụ các Tông đồ, khi nhìn lại, chúng ta có thể hiểu rằng Tin Mừng của Luca có thể được gọi là “Công vụ của Chúa Giêsu”, mà Luca tóm tắt ở đây bằng những nét khái quát. Đối với các Tông Đồ, bốn mươi ngày giữa Phục Sinh và Thăng Thiên là một thời kỳ huấn luyện tăng cường mãnh liệt : Chúa Giêsu dạy các ông nhiều hơn nữa về “nước Thiên Chúa”. Thời kỳ này là cần thiết, vì ngay cả vào giờ phút cuối cùng này, khi Chúa Giêsu sắp rời bỏ họ, vẫn có một vài Tông đồ hy vọng rằng Ngài sắp “khôi phục nước Israel”…
Thánh vịnh đáp ca : Tv 47 (46)
Thánh vịnh này là một trong những thánh vịnh về triều đại của Giavê Thiên Chúa. Các thánh vịnh loại này thường rất ngắn và giọng điệu của chúng có tính lễ hội. Thật là một tin rất mừng khi biết rằng Thiên Chúa “là vua cả thống trị khắp địa cầu” và triều đại của Ngài cũng bao trùm cả các dân tộc. Những ám chỉ về Thiên Chúa “Đấng ngự lên” và “Đấng ngự trên ngai thánh của Người” được phụng vụ hiểu là diễn tả cốt yếu của mầu nhiệm Thăng Thiên của Chúa Giêsu.
Bài đọc II : Ep 1, 17-23
Sự thăng thiên của Chúa Giêsu chỉ được mô tả rất ngắn gọn trong các sách Tin Mừng : chỉ có bốn câu trong Luca và hai câu trong Marcô, không có câu nào trong Matthêu và Gioan. Mặt khác, ý nghĩa thần học của biến cố được khai triển rộng rãi trong đoạn thư gửi tín hữu Êphêsô này. Thánh Phaolô tiếp cận vấn đề một cách độc đáo, ngay từ đầu đã chỉ ra những hệ quả của việc Chúa Thăng Thiên đối với đời sống của các tín hữu: một niềm hy vọng khôn tả, một “vinh quang vô giá” và một “quyền năng vô song”. Kế đến, Phaolô mô tả sự ưu việt của Đức Kitô, Đấng chia sẻ ngai toà của Thiên Chúa và là Đấng được tôn cao “trên mọi quyền lực thần thiêng”, để cuối cùng kết luận rằng sự ưu việt này của Đức Kitô được phản ánh trong “Giáo Hội là thân thể của Ngài”.
Tin Mừng : Mt 28, 16-20
Matthêu không thuật lại rõ ràng việc Chúa Giêsu thăng thiên. Nhưng, những lời cuối cùng của Chúa Giêsu là một lời hứa hiện diện vĩnh viễn “cho đến tận thế”. Một sự hiện diện chắc chắn sẽ khác trước đây, nhưng không kém phần thực tế, vì đó là sự hiện diện của Đấng Phục Sinh. Các môn đệ, trong đó có một số vẫn còn nghi ngờ, sẽ rất cần sự hiện diện thường trực này, xét vì tầm quan trọng của sứ mệnh được trao phó cho họ. Một sứ mệnh có tầm cỡ thế giới, trong sự liên tục với sứ mệnh của Chúa Giêsu: “làm cho muôn dân trở thành môn đệ […], dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”. Nếu họ phải làm phép Rửa, thì không phải là để gia tăng số lượng, mà là để làm thành môn đệ, và rao giảng Tin Mừng.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.