CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 30-TN_A, 29-10-2023 ֎ TÌNH YÊU ĐÒI BUỘC

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 30-TN_A, 29-10-2023

֎

TÌNH YÊU ĐÒI BUỘC

Không phải tất cả các điều răn trong Kinh Thánh đều quan trọng như nhau. Nhưng dù là Cựu Ước hay Tân Ước thì điều cốt yếu vẫn là một : yêu Chúa, yêu như Chúa yêu và yêu người lân cận như chính mình.

Bài đọc I : Xh 22, 20-26

Đoạn sách Xuất Hành là phần tiếp theo câu truyện về việc Thiên Chúa hiện ra tại Sinai và việc Ngài ban hành Mười Điều Răn (Xh 19 – 20). Điều này phải được coi là còn hơn một hệ quả đơn thuần, bởi vì nó đặt ra một yêu cầu chính yếu của Giao Ước được ký kết với Israel: lòng trắc ẩn đối với những người nghèo là người nhập cư, góa bụa và trẻ mồ côi. Trước hết Israel phải nhớ rằng mình đã từng là ngoại kiều và bị áp bức ở Ai Cập. Được Thiên Chúa cứu vớt, dân Israel giờ đây có nghĩa vụ cảm thông với những người cùng chung số phận với mình. Vì Thiên Chúa đã tỏ “lòng thương xót” đối với Israel, nên đến lượt mình, Israel cũng phải chứng tỏ mình có lòng thương xót, đặc biệt là đối với người ngoại kiều và những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 18 (17)

Thánh vịnh 18 (17) gợi lại một giai đoạn khó khăn trong cuộc đời của chàng thanh niên Đa-vít, nạn nhân sự thù địch của Sau-lê. Chuẩn vương Đa-vít bị truy lùng và dọa giết. Ông bị áp bức và đè nén bởi chính anh em mình. Một mình chống lại mọi người, Đa-vít chỉ có thể tìm thấy sự nương náu nơi Chúa. Lời cầu nguyện của ông có giá trị cho tất cả các nạn nhân của sự bách hại và bạo lực. Ông không thiếu lời lẽ để bày tỏ sự tin tưởng của mình, bởi vì Thiên Chúa ủng hộ ông : sức mạnh, núi đá, chiến luỹ và khiên mộc. Và trên hết, Đa-vít biết mình được Thiên Chúa yêu thương. Như vậy, lời cầu nguyện của Thánh Vịnh 18 (17) đã báo trước tiếng kêu đầy tin tưởng của Thánh Phaolô trong thư ngài gửi cho giáo đoàn Rôma: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa?

Bài đọc II : 1 Tx 1, 5c-10

Theo ý mình, Phaolô nhắc lại động cơ bắt chước. Ông khen ngợi tín hữu Thê-sa-lô-ni-ca vì, ông nói với họ, “anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa”. Người lãnh đạo trước nhất tất nhiên là Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu là Đấng khiến Phaolô tự hào vì đã lấy Chúa làm mẫu mực: việc noi gương Chúa Kitô vẫn là nền tảng của mọi linh đạo và mọi kinh nghiệm Kitô giáo. Phaolô vui mừng trước sự đón nhận mà người Thê-sa-lô-ni-ca dành cho Lời Chúa “giữa bao nỗi gian truân”. Thay vì nhận lấy cho chính mình những tiến bộ của việc truyền giáo, Phaolô nhận ra tác động của đức tin nơi tín hữu Thê-sa-lô-ni-ca đối với “tất cả các tín hữu ở Macedonia và Hy Lạp”.

Tin Mừng : Mt 22, 34-40

Người Pharisiêu biết rõ luật Mô-sê bao gồm 613 điều răn. Và chính họ cũng không bị tước mất niềm vui được bổ sung thêm một chuỗi các nghĩa vụ về nghi lễ hoặc đạo đức. Làm thế nào tìm ra đường đi và phân định được điều quan trọng nhất giữa biết bao quy định ? Đây là câu hỏi chính đáng được một tiến sĩ luật đặt ra, và Chúa Giêsu đã trả lời theo một cách không thể nào rõ ràng hơn. Theo Chúa Giêsu, các yêu cầu của Luật và các tiên tri đều dựa trên hai điều răn giống nhau: yêu Chúa hết lòng và yêu người lân cận như chính mình. Không thấy nói gì về phản ứng của ông tiến sĩ luật : Mátthêu để cho độc giả của mình lưu ý đến lời giải thích của Chúa Giêsu.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.