Cầu Nguyện Thế Nào Cho Đẹp Lòng Chúa?
Cầu nguyện là nhu cầu thiết yếu của đời sống con người. Nhờ cầu nguyện chúng ta được thần khí và sức sống của Thiên Chúa nuôi dưỡng tâm linh, được sự khôn ngoan của Người hướng dẫn. Qua cầu nguyện, chúng ta đón nhận thánh ý Chúa và can đảm thực thi mỗi ngày. Nhưng phải cầu nguyện như thế nào cho đẹp lòng Chúa và để hoa trái của việc cầu nguyện được trổ sinh trong đời sống chúng ta?
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một phương pháp cầu nguyện đúng đắn. Trước tiên, cầu nguyện là hướng lên Thiên Chúa, với tâm tình con thảo; sau đó, dâng lên Thiên Chúa những lời chúc tụng, cảm tạ, thống hối và xin những ơn phần hồn phần xác cho bản thân và tha nhân.
Chúa Giêsu lưu ý chúng ta đừng lải nhải như dân ngoại, vì không phải cứ nói nhiều là sẽ được Thiên Chúa nhận lời, cũng không phải là những việc hời hợt bên ngoài chiếu lệ. Khi cầu nguyện, chúng ta phải hướng tất cả tâm hồn và thân xác lên Thiên Chúa với một thái độ khiêm nhường, phó thác như trẻ thơ đặt hết tin tưởng nơi cha của mình. Thực ra Thiên Chúa là Cha toàn năng luôn thấu suốt mọi ý nghĩ và ước muốn thâm sâu của con người. Trước khi chúng ta cầu nguyện, Thiên Chúa là Cha nhân lành đã biết rõ chúng ta cần gì và muốn gì. Ngài chẳng những sẽ lấp đầy cái trống rỗng của chúng ta, mà còn dằn lắc, và ban cho chúng ta nhiều hơn những chúng ta khấn xin. Do đó, khi cầu nguyện, chúng ta chỉ cần đơn sơ khiêm tốn nhìn nhận mình hèn mọn thiếu thốn, vạch rõ con người của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, rồi vững dạ cậy trông. Hơn nữa, đứng trước Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, chúng ta cần ý thức mình là tội nhân cần được ơn tha thứ. Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của của con người. Người sẽ tha thứ và đối xử với chúng ta như những gì chúng ta thực hiện cho người khác. Có thể nói tình thương của Thiên Chúa tỷ lệ thuận với những gì chúng ta làm cho tha nhân.
Trong đời sống thiêng liêng, đôi lúc chúng ta cũng cầu nguyện một cách máy móc, thiếu lòng tin và phó thác thực sự. Chúng ta thường biến giờ cầu nguyện thành giờ trao đổi: cầu xin – ban cho chứ không phải là phải là cuộc gặp gỡ thân mật giữa ta với Thiên Chúa, là phút lắng đọng tâm hồn để lắng nghe tiếng Chúa và tìm biết ý Ngài. Thánh Gioan Vianey đã cho chúng ta kinh nghiệm tuyệt vời của việc cầu nguyện: “Khi chúng ta thưa chuyện với Chúa Giêsu một cách đơn sơ bằng tất cả con tim, lúc đó Thiên Chúa sẽ như một người mẹ giang rộng đôi tay ôm trọn đứa con nhỏ vào lòng và âu yếm đặt lên đó những nụ hôn”. Cử chỉ ấy làm cho chúng ta quên hết sợ hãi và mọi nỗi âu lo để sống phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Với niềm tin và trong cầu nguyện, chúng ta sẽ nhận ra thánh ý Chúa và đủ sức thi hành với niềm xác tín sâu xa: Chúa chính là nguồn sống và là hạnh phúc đích thực của con người. Trong Chúa, mọi nút thắt sẽ được tháo cởi và với Chúa, niềm hy vọng tràn trề sẽ được mở ra.
Mùa Chay là cơ hội thuận tiện để chúng ta canh tân đời sống, cách riêng là việc cầu nguyện của mình. Đức Thánh Cha tha thiết mời gọi chúng ta trong sứ điệp Mùa Chay năm 2022: “Chúng ta hãy cầu nguyện không ngừng. Chúng ta cần phải cầu nguyện bởi vì chúng ta cần Chúa. Thật là một ảo tưởng nguy hiểm khi tự coi mình là đủ. Nếu đại dịch đã làm cho chúng ta sờ chạm tận tay đến thân phận mong manh nơi cá nhân mình và xã hội, thì Mùa Chay này lại cho phép chúng ta cảm nghiệm niềm ủi an của đức tin vào Thiên Chúa, vì nếu không có đức tin, chúng ta không thể đứng vững (x. Is 7,9). Không ai tự cứu thoát một mình, bởi vì tất cả chúng ta đều ở chung trên cùng một con thuyền giữa những phong ba bão táp của lịch sử; nhưng trên hết, không ai tự cứu mình được mà không cần đến Chúa, bởi vì chỉ có Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu Kitô mới đem lại chiến thắng trên những vùng biển tối tăm của sự chết. Đức tin không miễn trừ chúng ta khỏi những khổ đau của kiếp người, nhưng cho phép chúng ta vượt qua chúng để kết hợp với Thiên Chúa trong Đức Kitô; với niềm trông cậy lớn lao như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, cùng với bảo chứng là tình yêu mà Thiên Chúa đã đổ tràn vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần (x. Rm 5,1-5)”.
Lạy Chúa, cầu nguyện là điều không thể thiếu trong đời sống đức tin. Xin cho chúng con biết chăm chỉ cầu nguyện và khi cầu nguyện, xin cho chúng con tin tưởng mãnh liệt như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI: “Khi không còn ai lắng nghe tôi nữa, Chúa vẫn nghe tôi. Khi tôi không còn có thể tâm sự hay kêu cầu được với ai, tôi luôn luôn có thể thưa với Chúa. Khi không còn ai giúp tôi biết xử sự thế nào trước nhu cầu hay mong đợi vượt quá khả năng hy vọng của con người, Chúa có thể giúp tôi. Dù tôi bị đắm chìm, ngập lụt trong cô liêu hoàn toàn, nếu kiên tâm cầu nguyện, tôi không bao giờ phải cô đơn và thất vọng”. A men.
Nguồn: https://gpbuichu.org/
Tác giả bài viết: Nt. Hoan Vũ