Tông đồ Gioan là người đầu tiên nhận ra Đức Giêsu phục sinh bên bờ hồ Galilê. “Chúa đó”. Ngài đã kêu lên như thế khi thấy một người lạ đứng trên bờ hồ, lúc hừng sáng, sau một chuyến đánh cá đêm trắng tay. Người ta có thể nghĩ rằng, kể từ giây phút đó, Gioan đã thấy tất cả cuộc đời Đức Giêsu tỏ hiện trong ánh sáng Phục Sinh.
Tin Mừng Gioan có lẽ phát xuất từ đó, nghĩa là từ cái nhìn về Đức Giêsu trong ánh sáng Phục Sinh, và nhờ đó nhận ra Ngài là Chúa. Hẳn nhiên, Tin Mừng Gioan xoay quanh trọng tâm là Giêrusalem và chú ý nhiều hơn đến các biến cố xảy ra ở Giuđê trong cuộc đời của Đức Giêsu. Tuy nhiên, cái nhìn của Gioan về Đức Giêsu quả mang nặng dấu ấn của cuộc trở về Galilê. Một cái nhìn từ cuộc gặp gỡ. Một cái nhìn đã biết nhận ra, dưới ánh sáng Phục Sinh, con người Giêsu trong nét gần gũi kỳ diệu của Ngài, cũng như biết nhận ra nơi đó dấu chỉ vinh quang Thiên Chúa.
Không một tác giả Tin Mừng nào đã thấy và làm cho chúng ta thấy vinh quang của Con Thiên Chúa tỏ hiện ngay trong nhập thể như Tin Mừng Gioan. Không một thánh sử nào đã thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa một bên là sự hiệp thông của Đức Giêsu với lịch sử nhân loại trong thân phận xác phàm của mình và đàng khác là sự hiệp thông của Ngài vào vinh quang vĩnh cửu của Thiên Chúa đến mức như thế. Không ai đã thấu hiểu được vinh quang Thiên Chúa được như Ngài, vinh quang đó hệ tại trước hết là ở mối hiệp thông sự sống, và tỏa rạng ngay trong những gì có vẻ là xấu xa, tủi nhục nhất.
Thật vậy, Gioan đã không chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa ở bên ngoài thời gian, nghĩa là trong một kinh nghiệm thần bí, nội tâm, phi thời gian, nhưng là trong chính cuộc đời Đức Giêsu. Ngài thấy vinh quang đó chiếu tỏa nơi một con người bằng xương bằng thịt, nơi con người sống động của vị tiên tri trẻ tuổi thành Nazarét, một con người sẵn sàng để người ta gặp gỡ, gần gũi, đụng chạm trên những nẻo đường nhân thế. Ngài đã nói ngôn ngữ của nhân loại, đau cái đau của con người và chết cái chết của một phàm nhân như chúng ta. Tắt một lời, Gioan thấy vinh quang đó tỏa ra trong suốt cuộc đời Đức Giêsu.
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người là con một đầy tràn ân sủng chân lý” (Ga 1,14).
“Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18).
Gioan quả thực đã nhìn về cuộc đời Đức Giêsu bằng cái nhìn trong ánh sáng Phục Sinh: một cái nhìn đã được thắp sáng bởi thần khí đã phục sinh Đức Giêsu. Cái nhìn đó không chỉ dừng lại ở sự kiện vật chất bên ngoài, nhưng xuyên vào trong và nhận ra ý nghĩa sâu xa của nó. Nhờ cái nhìn xuyên thấu đó mà ý nghĩa cuộc đời mời tỏ lộ, một cuộc đời mang ý nghĩa như cuộc “thần hiển” (théophanie), nghĩa là sự tỏ hiện của vinh quang Thiên Chúa.
Chúng ta có thể lấy ví dụ nơi trình thuật của Gioan về dấu lạ đầu tiên Đức Giêsu thực hiện. Biến cố xảy ra tại Galilê, mà Galilê là nơi các môn đệ đã được thấy lại, gặp lại Đức Giêsu sau khi Ngài Phục Sinh. Và quả thực, chính dưới ánh sáng phục sinh mà Gioan tường thuật lại dấu lạ đầu tiên Đức Giêsu đã làm. Gioan viết: “ngày thứ ba, có một tiệc cưới tại Cana, miền Galilê” (Ga 2,1). Đức Giêsu đã được mời dự tiệc cùng với mẹ và các môn đệ Ngài. Ta dễ dàng hình dung bầu khí hội hè, vui vẻ của một đám cưới làng quê. Đức Giêsu ở đó, hiện diện giữa các khách mời. Thế rồi có gì đó không ổn xảy đến với bữa tiệc. Đức Maria là người đầu tiên nhận ra. Người thấy sự bối rối của đôi vợ chồng, và đã ghé tai nói với Đức Giêsu: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Đức Giêsu hiểu ngay. Nhưng điều đó liên hệ gì với sứ vụ của Ngài? Ngài không đến để cung cấp thêm rượu cho đám cưới. Dĩ nhiên, Ngài được sai đến để mang lại niềm vui cho con người, mang lại “sự sống dồi dào” (Ga 10,10). Sự sống dồi dào đó Ngài trao ban, nhưng phải vào giờ của Ngài, mà giờ đó thì chưa đến. “Thưa bà, chuyện đó có can gì đến bà và tôi? giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,4).
Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng đã chấp thuận lời xin của Đức Maria. Ngài thực hiện việc đó nhưng đặt trong viễn tượng sứ vụ của Ngài. Hành vi Ngài thực hiện có giá trị dấu chỉ. Ngài đáp ứng yêu cầu cấp thời và cụ thể của thân mẫu nhưng đồng thời hiểu hành vi của mình theo một nghĩa sâu xa hơn nhiều. Dấu lạ tỏ lộ ý nghĩa qua tính chất “bội hậu”, “qua mức” so với biến cố; qua đó Ngài loan báo một hồng ân khác: hồng ân sự sống sung mãn, vô tận vĩnh cửu. Dù biến cố thiếu rượu chỉ cần thêm chút rượu nữa là đủ, thế nhưng Đức Giêsu đã chủ ý ban cho tràn trề, cho say sưa túy lúy: sự tràn trề, túy lúy trong hồng ân.
Đức Giêsu nói với các gia nhân: “các anh đổ nước đầy chum đi!” (Ga 2,7). Đó là những chum đá dành cho việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái. Có tất cả sáu chum, như thế sức chứa tổng cộng khoảng sáu trăm lít. Gia nhân đổ đầy tới miệng.
Bấy giờ Đức Giêsu bảo họ: “Bây giờ các anh múc đi”. Và họ đã múc, nhưng không còn phải là nước nhưng là rượu ngon, ngon hơn rượu đem ra đãi khách trước đó! Rượu như thế thì cũng đủ làm cho cả một nước phải say!
Lời lẽ dung dị và kín đáo của Đức Giêsu thật tương phản với tính chất chan chứa và bội hậu của quà tặng! Chúng ta liên tưởng đến một nhận xét của Pascal: “Đấng Quân Vương nói cách hiển nhiên về hồng ân lớn lao mà Người vừa thực hiện, quả đúng là Thiên Chúa nói về Thiên Chúa” (Pascal, Pensées, Br., 799).
Khách dự tiệc cưới chờ được thêm chút rượu. Nhưng Đức Giêsu lại tặng cho họ đến dư tràn, đủ để thỏa mãn cả cơn khát vĩnh cửu! Chính qua thứ rượu ngon và đầy tràn đó mà Đức Giêsu muốn chỉ đến chính cuộc đời của Ngài, một cuộc đời cho đi không lường hạn. Dấu lạ biến nước thành rượu ngon báo trước giờ của Ngài, trong giờ đó, nước và máu sẽ tuôn chảy từ cạnh sườn của Đấng chị đóng đinh, dấu chỉ của sự dâng hiến trọn vẹn.
Và Gioan đã kết thúc trình thuật của mình bằng câu: Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11). Sự bày tỏ vinh quang không nằm trong việc biến đổi nước thành rượu cách lạ thường, nhưng nằm trong ý nghĩa của sự biến đổi đó: trong điều mà nó báo trước. Vinh quang tỏ bày nơi chính sự trao hiến vô hạn mà Đức Giêsu sẽ thực hiện vào giờ của Ngài, giờ Ngài chịu đau khổ và chịu chết.
Đối với Gioan, giờ đó sẽ là dấu chỉ tối hậu, vì thế thánh sử không coi đó như giờ của tối tăm. Vả lại, trong trình thuật về cuộc khổ nạn, thánh Gioan đã im lặng, không đề cập gì đến giây phút hấp hối trong vườn Giêtsêmani, và điều này thật sự có ý nghĩa của nó. Thật vậy, Gioan hiểu giờ của Đức Giêsu như là sự tỏ lộ trọn vẹn vinh quang của Thiên Chúa nơi Đấng Kitô của Người. Đó là giờ mà sự sống thần linh, qua hành vi tự hiến trọn vẹn, sẽ hiển lộ trong tất cả chiều sâu và nét đẹp của nó. Vì đó mới đúng thực là vinh quang huy hoàng của Thiên Chúa. Vinh quang của một tình yêu tuyệt đối, như trong lời cầu nguyện của Đức Giêsu: “Lạy Cha, giờ đã đến! xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho người” (Ga 17,1-2).
Làm sao một cái chết đớn đau và nhục nhã đến như vậy lại có thể hiểu như sự tỏ bày tột đỉnh của vinh quang thần linh và như là mạc khải về vương quyền của Thiên Chúa?
Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, Đức Giêsu không chịu chết cách thụ động. Không thánh sử nào nhấn mạnh về việc Đức Giêsu đã hoàn toàn hiến dâng mạng sống mình như Gioan. Ngài không chết mà là tự hiến, như chính lời Đức Giêsu: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy…” (Ga 10,17-18). “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10,11). “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Có lẽ không thể nào nói rõ hơn, khẳng định mạnh mẽ hơn. Và Ngài đã vì tình thương mà hiến mạng sống mình.
Dĩ nhiên Đức Giêsu không tìm kiếm cái chết. Nhưng vì các đối thủ của Ngài đã muốn loại trừ Ngài, Ngài không lẩn trốn, không lui bước trước cái chết. Ngài đã đảm nhận nó cách hoàn toàn tự nguyện. Và Ngài đã biến nó thành chóp đỉnh sứ vụ của Ngài: cái chết đó sẽ là chứng từ tuyệt đối.
Cái chết của Ngài không gì khác hơn là hiến dâng sự sống, một sự sống mà Ngài có sứ mạng mạc khải và thông ban cho thế gian. Việc Ngài hiến dâng mạng sống tỏ bày sự sống thần linh sâu thẳm mà Thiên Chúa muốn tặng ban. Và như thế cái chết của Ngài sẽ tôn vinh Thiên Chúa cũng như mạc khải vinh quang của Người: vinh quang rạng rỡ của tình yêu Thien Chúa.
Thật vậy, theo cái nhìn của Gioan, cái chết trên thập giá của Đức Giêsu không chỉ đơn giản là hành vi của một con người muốn thí mạng vì một chính nghĩa đúng đắn và cao cả. Bởi lẽ, cái chết của Ngài còn mang một chiều sâu thần linh. Chính Thiên Chúa liên đới với cái chết đó. Đức Giêsu không đơn độc. Làm gì đi nữa thì Ngài vẫn luôn ở trong sự kết hợp mật thiết với Cha. Ngài không tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Ngài thấy Chúa Cha làm. Ngài nói: “Vì điều gì Chúa Cha làm thì người con cũng làm như vậy” (Ga 5,19). Đến mức, “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình” (Ga 14,10).
Như thế, nếu Đức Giêsu hiến dâng mạng sống thì cũng chính là vì Ngài thấy Chúa Cha làm điều đó. Sự trao hiến của Đức Giêsu mạc khải sự trao hiến của Chúa Cha. Nơi Đức Giêsu, Chúa Cha tự hiến cách trọn vẹn. Vì thế, mà Gioan mới có thể viết: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Thiên Chúa trao ban chính mình cách trọn vẹn trong sự tự hiến của người Con Một. Người tự hiến cùng với Con và trong Con: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30); “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha”. Đức Giêsu và Chúa Cha là một trong hành vi tự hiến. Và chính nơi tự hiến đó mà vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa trong tất cả huy hoàng của một tình yêu tự hiến cách vô lường vô hạn. Vinh quang của Chúa Cha đó là trao hiến sự sống và là sự sống thần linh, trong Con của Người.
Ở đây, chúng ta có thể thấy người ta hiểu sai cách thô thiển như thế nào khi giải thích cái chết trên thập giá của Đức Giêsu như là sự trừng phạt của Chúa Cha dành cho con của mình, nhằm tẩy rửa trong máu sự xúc phạm mà tội lỗi con người đã gây ra đối với vinh quang cao cả của Thiên Chúa. Phải nói thẳng thắn rằng: khẳng định như thế là lầm lẫn về Kitô giáo. Đức Giêsu không phải là nạn nhân của Cha Ngài, một người Cha nóng nảy, đầu óc hiềm thù, chỉ biết đến danh dự của mình. Đức Giêsu chỉ là nạn nhân của con người, của tội lỗi con người, nạn nhân của những kẻ từ khước tin vào hồng ân của Thiên Chúa.
Quả chúng ta được cứu độ bởi sự vâng phục của Đức Giêsu đối với Cha của Ngài. Nhưng vâng phục ở đây là sự kết hợp trong tình yêu. Đức Giêsu hoàn toàn hiệp nhất với ý định của Cha, với sự trao hiến của Cha: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống” (Ga 10,17). Khi hiến dâng mạng sống mình, Đức Giêsu mạc khải cho thế gian sự tự hiến của Thiên Chúa. Và qua đó, Ngài bày tỏ vinh quang đích thực của Thiên Chúa, vinh quang đó là trao ban chính mình đến tột cùng.
Gioan đã chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa nơi cảnh Đức Giêsu bị lưỡi đòng đâm thâu. Cạnh sườn khai mở của Đấng chịu đóng đinh đã để cho sự sống vô hạn tuôn trào, dưới dấu chỉ của máu và nước, một sự sống không còn giữ cho mình. Ở đây ứng nghiệm mà lời thánh Gioan đã viết trong phần Lời Tựa: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14).
Và ngài thêm: “Vâng, từ nguồn sung mãn của Người mà hết thảy chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16). Thật vậy, khi hiến dâng mạng sống mình trong sự kết hợp với Chúa Cha, Đức Giêsu đã hoàn tất một cử chỉ yêu thương, nhân danh toàn thể nhân loại, và cử chỉ đó đã khiến cho mối hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người một lần nữa được khai thông. Ngài đã dâng lên Thiên Chúa một nhân loại khai mở, có khả năng đón nhận hồng ân Thiên Chúa. Từ nay, không gì có thể cản trở việc thực hiện ý định tình yêu lớn lao của Thiên Chúa. Đó cũng là điều mà Gioan đã chiêm ngắm nơi cạnh sườn khai mở của Đấng chịu đóng đinh.
Sự sống trào tuôn từ trái tim Đức Kitô không sợ hãi gì tử thần. Bởi nó đã chiến thắng tử thần bằng chính hành vi trao hiến của mình. Ai yêu thương thì đã vượt qua từ sự chết sang sự sống. Đó là điều mà sự Phục Sinh của Chúa làm tỏ lộ. “Chúa đó!” Gioan đã kêu lên như thế khi thấy Đức Giêsu trên bờ hồ. Vâng, đó chính là Chúa. Nhưng quyền uy của Chúa không mảy may giống với các thứ vinh quang của nhân loại chúng ta. Bởi lẽ đó là uy quyền rực rỡ của lòng mến của Thiên Chúa. Ánh quang của nó là ánh quang của một tình yêu tuyệt đối, một tình yêu tặng ban cách nhưng không, siêu vượt mọi biên giới.
Nhận biết quyền uy của Đấng Phục Sinh, đó là đi vào tương quan với uy quyền đó, nghĩa là trong mối hiệp thông với mầu nhiệm của tình yêu. Tin Mừng theo thánh Gioan hết sức nhấn mạnh đến điểm này. Tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa chỉ có nghĩa khi chúng ta khai mở với tình yêu tuyệt đối và để cho tình yêu đó trở thành nguồn hứng cho tất cả các mối tương quan nhân loại của chúng ta. Sự sống thần linh vốn là hiệp thông trọn vẹn trong tình yêu, vì thế chỉ có thể thông ban cho chúng ta theo nghĩa nó tạo nên nơi chúng một mối hiệp thông tương tự sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Đó là chủ đề chính của Tin Mừng Gioan, như lời Đức Giêsu: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một…” (Ga 17,21-23).
Trích: Éloi Leclerc, Gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh tại Galilê, Anh em Đà Lạt (dịch),
NXB Phương Đông, tr 34-43.