Các Nghĩa Của Kinh Thánh

(Trích từ Tài liệu của Ủy ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, “Giải thích Kinh thánh trong Giáo hội”)

Nói tổng quát, Kinh thánh có 3 nghĩa[1]:

I.- Nghĩa chữ (sens littéral)
     1) Xác định cho ra nghĩa chữ không những là việc hợp pháp mà còn cần thiết nữa, và đó là nghĩa căn bản đủ cho thần học. Đây là giáo huấn của thánh Tôma. Nghĩa chữ không phải là nghĩa “cứ chữ” (sens littéraliste) của các tác giả bảo thủ, cũng không phải là nghĩa rút ra từ lối dịch sát từng chữ một. Muốn tìm ra nghĩa chữ này, cần biết các quy ước văn chương của thời đại (các văn thể), nhưng cần cứu xét với óc phê bình nếu đó là các bản văn thuật truyện, bởi vì một bài tường thuật có thể không thuộc về thể văn lịch sử mà là kết quả của trí tưởng tượng.

     2) Đây là nghĩa được tác giả nhân loại có ơn linh hứng trực tiếp diễn tả ra. Vì là kết quả của ơn linh hứng, nghĩa này cũng được Thiên Chúa là tác giả chính muốn có. “Trực tiếp diễn tả ra” hàm ý có một sự duy nhất chặt chẽ về hình thức và nội dung, cũng như có quan hệ chặt chẽ giữa hành vi viết và kết quả viết ra của tác giả thánh. Nghĩa được “trực tiếp diễn tả ra” dĩ nhiên hàm chứa ý hướng của tác giả (x. EB 1494; EV 13,3084). Vậy nghĩa chữ là nghĩa liên hệ với những gì các tác giả nhân loại đã thực sự nói ra theo cách thức của họ, chứ không chỉ liên hệ với những gì các ngài đã ý thức là muốn nói ra. Và Thiên Chúa đã muốn có tất cả những gì tác giả thánh đã trực tiếp diễn tả ra trong bản văn[2].

     3) Về vấn đề phải chăng một bản văn chỉ có một nghĩa chữ duy nhất, Tài liệu trả lời: “Nói chung thì đúng như thế. Nhưng đó không phải là một nguyên tắc tuyệt đối, vì hai lý do. Thứ nhất, một tác giả loài người có thể đồng thời muốn nhằm đến nhiều cấp độ của thực tại. Đây là trường hợp thường xảy ra trong thể thơ. Ơn linh hứng Kinh thánh không khinh thường khả năng tâm lý và ngôn ngữ này của con người. Sách Tin Mừng thứ tư cho ta nhiều ví dụ về khía cạnh này. Thứ hai, ngay cả khi một thành ngữ của con người chỉ có duy nhất một ý nghĩa, ơn linh hứng vẫn có thể hướng thành ngữ ấy cách nào đó để nó nảy sinh ra hơn một thứ nghĩa (…). Cả hai phương diện này đều thuộc về nghĩa chữ, bởi vì cả hai đều được nêu rõ trong mạch văn”. Dù sao, Tài liệu lưu ý là “không thể gán cho bản văn bất kỳ ý nghĩa nào ta thích, bằng cách giải thích bản văn ấy một cách hoàn toàn chủ quan. Trái lại, cần phải loại trừ như là không xác thực bất cứ lối giải thích nào khác với nghĩa được tác giả loài người diễn tả trong bản văn viết của các ngài” (x. EB 1411; EV 13,3001).

     4) Có một tiêu chuẩn nữa cần lưu ý: “khía cạnh năng động của nhiều bản văn”, đặc biệt các thánh vịnh vương giả (Tv 2; 20-21; 88; 110).  Đây là những bản văn mấu chốt cho ki-tô học Tân Ước. Muốn hiểu các bản văn này, thì không được chỉ giới hạn vào những hoàn cảnh lịch sử  của tác giả, nhưng cần lưu ý xác định hướng đi của tư tưởng được bản văn diễn tả (x. EB 409; EV 13,2999).

     5) Một trào lưu của khoa giải thích hiện đại đã nhấn mạnh rằng lời được viết ra tự bản chất được nhắm cho chuyển thể đi, khi nó được đặt vào trong những hoàn cảnh mới có khả năng soi sáng nó theo cách khác, bằng cách thêm vào nghĩa của nó những xác định mới, những nghĩa chữ mới (x. EB 1410; EV 13,3000). Đặc biệt các bản văn Kinh thánh có khả năng mở ra với những phát triển mới, vì không ngừng được đọc lại và đào sâu ý nghĩa. Kết luận, “nghĩa chữ, ngay từ đầu, đã mở ra với những phát triển xa hơn, mà những phát triển này có được là nhờ những lần “đọc lại” trong những bối cảnh mới”.

 

II.- Nghĩa thiêng liêng (sens spirituel)[3]
      Theo một truyền thống đã có từ mười tám thế kỷ, nghĩa thiêng liêng là nghĩa ki-tô học/giáo hội học được diễn tả bởi các bản văn Cựu Ước “khi được đọc dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần, trong bối cảnh mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô và đời sống mới phát xuất từ mầu nhiệm đó”. Đây không phải là một bối cảnh trừu tượng, giả tạo, nhưng “thực hữu”, là bối cảnh của Tân Ước, bối cảnh nhìn nhận Đức Kitô là Đấng hoàn tất Kinh thánh. Việc đọc lại này dưới ánh sáng của Tân Ước, trong bối cảnh mới này, không phải là việc ngoại lệ mà là “thông thường”.    

      Chúng ta có thể xác định tương quan giữa nghĩa chữ và nghĩa thiêng liêng như sau:

     1) “Trái với suy nghĩ thông thường, không nhất thiết phải phân biệt hai nghĩa này. Khi một bản văn Kinh thánh có liên hệ trực tiếp với mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô hoặc với đời sống mới phát xuất từ mầu nhiệm đó, nghĩa chữ của bản văn đã là một nghĩa thiêng liêng rồi. Đó là trường hợp thông thường trong Tân Ước. Do đó khoa chú giải ki-tô giáo thường hay nói đến nghĩa thiêng liêng khi đề cập đến Cựu Ước. Nhưng ngay trong Cựu Ước cũng đã có nhiều trường hợp bản văn đã có nghĩa chữ là một nghĩa tôn giáo và thiêng liêng. Đức tin ki-tô giáo nhìn nhận trong các trường hợp đó có mối tương quan trước với đời sống mới do Đức Kitô mang lại”.

     2) “Khi có sự phân biệt, nghĩa thiêng liêng không bao giờ thiếu những tương quan với nghĩa chữ, và nghĩa chữ vẫn là nền tảng cần thiết của nghĩa thiêng liêng; nếu không, không thể nói đến việc “hoàn tất” Kinh thánh” (sự nối tiếp và tương hợp vẫn cần thiết khi chuyển qua một bình diện thực tại mới).

     3) Không được lẫn lộn nghĩa thiêng liêng với các sản phẩm của trí tưởng tượng và của việc suy đoán. “Nghĩa thiêng liêng phải trào vọt ra từ tương quan bản văn có với một số dữ kiện có thực không xa lạ với bản văn, tức là biến cố Vượt qua và sự phong phú khôn dò của biến cố đó…, là đỉnh cao của việc Thiên Chúa can thiệp vào trong lịch sử Ít-ra-en”. Có ba bình diện thực tại đan quyện vào nhau để tạo ra nghĩa thiêng liêng: bản văn, mầu nhiệm Vượt qua và đời sống hiện tại trong Thánh Thần.

Trước đây, khoa chú giải cổ điển đã cố “tìm ra một nghĩa thiêng liêng trong những chi tiết nhỏ nhặt nhất của bản văn”, nhưng khoa chú giải hiện đại không coi là nỗ lực này có “một giá trị giải thích thực sự cho dù trong quá khứ lối giải thích như thế có lợi ích trong mục vụ”.

Nên lưu ý đến một khía cạnh của nghĩa thiêng liêng là khía cạnh “tiên trưng” (typologique)[4]. Người ta vẫn nói rằng khía cạnh này không thuộc về chính Kinh thánh, nhưng thuộc về các thực tại được Kinh thánh diễn tả ra. Nghĩa tiên trưng là nghĩa qua đó giữa hai thực tại Kinh thánh (người, vật dụng, định chế cứu độ), người ta nhận ra một sự tương hợp về cấu trúc và một sức năng động phát triển khiến cho một thực tại cổ xưa (hình ảnh/tiên trưng) được lấy lại, được đổi mới, được hoàn tất trong/bởi một thực tại mới (đối trưng). Ví dụ: Đức Kitô phục sinh là Ađam mới, theo nghĩa là “thần khí ban sự sống” đối lại với Ađam thứ nhất “được dựng nên thành một sinh vật” (Rm 5,14; x. 1 Cr 15,44-47).

 

III.- Nghĩa trọn/sung mãn (sens plénier)
     Nghĩa sung mãn là từ ngữ được khoa chú giải công giáo tạo ra mới đây (nói chính xác là do A. Fernández tạo ra năm 1925)[5] và được định nghĩa là “một nghĩa sâu xa hơn của bản văn, do Thiên Chúa muốn, nhưng không được tác giả loài người diễn tả rõ ràng. Người ta khám phá ra nghĩa này trong một bản văn Kinh thánh khi nghiên cứu bản văn ấy dưới ánh sáng của những bản văn Kinh thánh khác có sử dụng bản văn ấy hoặc trong tương quan của bản văn ấy với việc phát triển nội tại của mạc khải” (x. EB 1420; EV 13,3010). Nghĩa này có thể được xác định bởi một tác giả Kinh thánh khi ngài đọc lại một bản văn có trước và gán cho nó một nghĩa chữ mới (Is 7,14 [‘almAh] được Mt 1,23 đọc lại nhờ trung gian của bản LXX [ParThenos]). Nghĩa này cũng có thể được xác định bởi truyền thống của Giáo hội (giáo lý về Chúa Ba Ngôi được các Giáo Phụ xác định và tội nguyên tổ được CĐ Trentô xác định).

     “Nền tảng của nghĩa này là sự kiện Chúa Thánh Thần, tác giả chính của Kinh thánh, có thể hướng dẫn tác giả loài người lựa chọn những cách diễn tả sao cho các cách diễn tả này nói lên một chân lý mà chính tác giả không nhận ra được tất cả chiều sâu của nó. Chân lý này sẽ được mạc khải trọn vẹn hơn theo dòng thời gian, một đàng nhờ những việc Thiên Chúa thực hiện sau này vén mở rõ ràng hơn tầm mức của các bản văn, đàng khác, nhờ các bản văn được đưa vào trong Thư quy Kinh thánh. Như thế một mạch văn (bối cảnh) mới được thiết lập. Mạch văn này làm xuất hiện những ý nghĩa tiềm tàng mà mạch văn nguyên thủy còn để trong bóng tối”.

(Trích từ Tài liệu của Ủy ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, “Giải thích Kinh thánh trong Giáo hội”)

 

     [1] Xem các bài tổng quát: “Ermeneutica”, trong: R.E. Brown – J. Fitzmyer – R. Murphy (cur.), Grande Commentario Biblico (Queriniana; Brescia 1973) 1616-1640 (nhất là §§89-90); R. Fabris và Coll., Introduzione generale alla Bibbia (Logos. Corso di studi biblici 1) (Elle Di Ci; Leumann (Torino) 1994);  “Sens de l’Écriture”, trong Dictionnaire de la Bible – Supplément (DBS), vol. XII, fasc. 67-68 (Paris 1992-1993) 434-536. Xem các bài chuyên môn: H. de Lubac, Esegesi Medievale, vol. I (Jaca Book; Milano 1986); voll. II và III (Ed. Paoline; Roma 1972); Storia e spirito. La comprensione della scrittura secondo Origene (Ed. Paoline; Roma 1971).
     [2] P. Beauchamp, “Théologie Biblique”, trong B. Lauré – F. Réfoulé (dir.), Initiation à la pratique de la théologie, Tome I. Introduction (Cerf; Paris 1982) 185-232; L’un et l’autre Testament 2. Accomplir les Écritures (Seuil; Paris 1990) 230.
     [3] Xem Sách Giáo Lý của Giáo hội Công giáo, các số 115-119;  M.A. Tabet, “Il senso letterale e il senso spirituale della Sacra Scritura: un tentativo di chiarimento terminologico e concettuale”, Annales Theologici 9 (1995) 3-54; H. de Lubac, Storia e spirito. La comprensione della scrittura secondo Origene (Ed. Paoline; Roma 1971); F. Bolgiani, “Henri de Lubac e l’esegesi spirituale”, Annali di Storia dell’Esegesi 10/2 (1993) 283-300; M. Pesce, “Un “bruit absurde”? H. de Lubac di fronte alla distinzione tra esegesi storica e esegesi spirituale”, Annali di Storia dell’Esegesi 10/2 (1993) 301-353; C. Spicq, Bulletin de Théologie Biblique. Nouveau Testament, “Recherches de Sciences Philosophiques et Théologiques” (1948) 84-105.
     [4] J. Daniélou, “Qu’est-ce que la typologie?”, trong L’Ancien Testament et les chrétiens (ed. P. Auvray et al.; Cerf; Paris 1951) 199-205; L. Goppelt, Typos: The Typological Interpretation of the Old Testament in the New (Eerdmans; Grand Rapids, MI 1982); P. Beauchamp, L’un et l’autre Testament. Essai de lecture (Seuil; Paris 1976); Le récit, la lettre et le corps (Cogitatio Fidei 114; Cerf; Paris 1982; 21992); L’un et l’autre Testament 2. Accomplir les Écritures (Seuil; Paris 1990); “Accomplir les Écritures”, Revue Biblique XCIX (1992) 132-162; “La lecture typologique du Pentateuque, La Maison-Dieu 190 (1992) 51-73. 
     [5] A. Fernandez, Institutiones Biblicae (Roma 1925) 306tt; R.E. Brown, The Sensus Plenior of Sacred Scripture (St. Mary’s University; Baltimore MD 1955); “The Sensus Plenior in the Last Ten Years”, CBQ 15 (1963) 262-85; “The Problems of the ‘Sensus Plenior’”, ETL 43 (1967) 460-69; “Hermeneutics”, NJBC art. 71, 49-51. Xem J. Coppens, Le problème du sens plénier des Saintes Écritures (Publications Universitaires de Louvain; Louvain 1958).

Comments are closed.