Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Các thần học gia luôn cố gắng tìm cách đưa ra một định nghĩa có thể hiểu được, nhưng điều quan trọng đối với chúng ta hôm nay, là Thiên Chúa chúng ta là một đấng đã can thiệp vào đời sống của con người. Một đấng đã đi vào và luôn hiện diện trong lịch sử.
Bài đọc thứ nhất nói về sự can thiệp của Thiên Chúa vào đời sống dân Ngài trong kiếp nô lệ nơi đất khách. Thiên Chúa đã chọn một người, ông Môsê để dẫn đưa dân Ngài ngang qua sa mạc tiến về Đất hứa. Ngày hôm nay, dân tộc ấy được mời gọi ý thức xem vào thời xa xưa có một điều gì lớn lao như thế không ? Ngày hôm nay, hãy nhận biết Ngài trong tâm hồn: Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, Ngài ngự trên cao và hiện diện ở dưới đất nầy. Ngoài Ngài không có một thần linh nào khác.
Với việc Chúa Giêsu đến trần gian, không chỉ dân Ítraen được kêu gọi vào ơn Cứu độ, mà tất cả mọi người trên toàn thế giới và khắp mọi thời. Tất cả các sách Tin mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là ‘Cha’ ; Ngài cũng nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa cũng là Cha chúng ta, một người Cha yêu thương từng đứa con của mình và muốn tất cả được cứu độ. Chúng ta hãy nhớ đến thái độ hồ hởi tiếp đón mà người cha dành cho đứa con trai hoang đàng khi nó trở về nhà. Dù chìm trong đáy vực thẳm tội lỗi, người con ấy cũng được đón tiếp như một người con, và sẽ tìm lại chổ đứng của một người con trong gia đình.
Suốt ba năm dài, Chúa Giêsu đã loan báo Tin mừng ấy. Khi kết thúc sứ mạng. Ngài kêu gọi các tông đồ và hẹn gặp các ông ở Galilê. Đó là điều mà chúng ta được nhắc lại trong bài Tin mừng hôm nay. Một cuộc hẹn hò đầy biểu tượng. Galilê là một nơi vãng lai, là ‘Ngã tư quốc tế’. Đó là nơi người nước ngoài qua lại như đi chợ. Chi tiết ấy đem lại một sứ điệp quan trọng. Các tông đồ không còn chỉ được sai đến với những người tín hữu, mà còn đến với các dân ngoại, với tất cả những người không biết rằng Thiên Chúa yêu thương họ và đến để cứu thoát họ.
Điều đó đáng cho chúng ta tự hỏi: chúng ta gán cho Giáo Hội hôm nay khuôn mặt nào ? Có phải chúng ta chỉ ở giữa người kitô, giữa những người có cùng một xác tín. Dĩ nhiên thực trạng ấy đem lại cho chúng ta một cuộc sống an toàn hơn, nhưng như thế chúng ta còn ở xa điều mà Chúa Giêsu đòi hỏi. Vậy thì hãy nhớ lại lời Ngài nói rõ ràng trong bài Tin mừng nầy: « Hãy đi khắp muôn dân, và thu tập môn đồ ». Chắc hẳn không phải ra đi chinh phục thế gian hay hoán cải bằng sức mạnh. Điều duy nhất đòi hỏi nơi chúng ta đó là làm chứng nhân, không sợ hãi nói lên niềm hi vọng trong tâm hồn. Phần còn lại không phải là việc của chúng ta nhưng là việc của Thiên Chúa.
Các tông đồ đã đi rao giảng. Họ đã loan báo Tin mừng. Nhưng đã có một ai đó đi trước họ và hoạt động trong tâm hồn những người nghe họ và nhìn họ sống: đó là Chúa Thánh Thần. Chính nhờ Ngài mà lời chứng các thánh Tông đồ đã có thể sinh hoa trái nhanh chóng như thế.
Tin mừng Thánh Mátthêu nhắc lại một lệnh truyền rõ ràng: « Anh em hãy rửa tội họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần ». Lời Tin mừng đó chắc đã vay mượn từ một công thức phụng vụ đang thịnh hành trong cộng đoàn Kitô giáo. Đó chính là hệ luận từ ý thức rằng Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thánh, rằng Thiên Chúa là tình yêu: nhờ phép rửa, chúng ta đã được dìm xuống trong Ba Ngôi, nghĩa là trong Tình yêu.
Trên đây là một vài điều có thể nói về Ba Ngôi. Rất nghèo nàn và rất hạn chế bởi vì không một lời phàm nào có thể nói hết về thực tại kì diệu của Thiên Chúa. Điều quan trọng hơn hết là cần hướng về Thiên Chúa là tình yêu, là đón nhận tình yêu và làm chứng cho tình yêu ấy nơi tất cả những người sống chung quanh chúng ta.
Lời chứng ấy không dễ dàng. Trong cuộc sống chúng ta, có những lúc hồ nghi. Chúng ta phải đương đầu với cả một thế giới dửng dưng. Một vài nghi lễ tôn giáo thực sự không phải là lời chứng đức tin. Thường có một khoảng cách giữa điều mà Giáo Hội đề ra và điều mà người ta đòi hỏi. Tất cả những khó khăn đó là có thực. Các Tông đồ đã biết, nhưng họ đã dấn thân làm chứng cho đến tử đạo. Họ luôn luôn tin tưởng vì họ nhớ lời hứa của Chúa Giêsu: « Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế ».
Chúa Giêsu cũng ở với chúng ta vì chúng ta qui tụ nhân danh Ngài. Ngài tin cậy vào lời chứng của chúng ta. Tất cả những gì chúng ta có thể nói hoặc làm sẽ luôn luôn rất thiếu sót đối với những điều kì diệu của Thiên Chúa. Nhưng đừng bao giờ quên rằng chính Ngài làm cho lời chứng của chúng ta mang lại hoa trái. Khi cử hành Thánh Thể, chúng ta hướng về Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta cầu xin Ngài giữ gìn chúng ta luôn được khiêm nhường và sẵn sàng trả lời khi Ngài mời gọi chúng ta.
Phục vụ Lời, ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc