Chúa Nhật 26 A – Đừng Hoán Cải Bằng Lời Nói, Nhưng Hãy Bằng Hành Động

Ngày nay đi đâu chúng ta cũng gặp nhiều người thích lên tiếng dạy đời! Họ đề cao các nguyên tắc, la rầy người lân cận, giận dữ trước những cái xấu, nhưng rốt cục họ cũng làm như mọi người. Lại có những người siêng làm nhiều hơn là nói. Họ chính là những con người gần với Nước Trời. Trong họ, ân sủng của Thiên Chúa hoạt động, dù cho lúc ban đầu họ xem ra là những người xa lạ với Người.

Sách Tiên tri Êdêkiên 18, 25-28

Tiên tri Êdêkiên nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta Tự do. Khi cái xấu đến, chúng ta tìm một người đồng lõa và thỉnh thoảng chúng ta đổ lỗi cho Thiên Chúa, trong khi mình có đầy đủ tự do trước những quyết định của mình. Ngược lại, nhờ vào tự do đó, chúng ta luôn có thể cải thiện. Không bao giờ quá trể đối với Thiên Chúa, đấng yêu thương chúng ta đến nỗi làm cho những lỗi lầm của chúng ta trở nên hữu ích cho chúng ta.

Thánh Vịnh 24

Người Công chính cảm nhận mối nguy hiểm rình rập và khẩn cầu Chúa giúp đỡ mình thoát khỏi. Anh xin Chúa dạy anh những con đường đưa anh đến chân lý.

Thư Philípphê 2, 1-11

Từ nơi bị xiềng xích, thánh Phao lô viết một bức thư cho những người mà ngài goi như bạn hữu. Người ta có cảm tưởng rằng bức thư nầy làm cho mọi người phấn chấn hơn. Ngài nói về tình hiệp thông huynh đệ, giúp đỡ lẫn nhau và cả tình âu yếm giữa anh chị em. Ngài nhấn mạnh về Thánh ý Đức Ki tô muốn thấy chúng ta hiệp nhất với nhau, sống thành thật và trung tín trong một tình bạn hỗ tương.

Mt 21:28-32

NGỮ CẢNH

Dụ ngôn hai người con đi sau cuộc tranh luận giữa Chúa Giê su và nhà chức trách do thái. Trước đòi hỏi của họ về tính cách uỷ nhiệm của Ngài, Chúa Giê su lái vấn đề sang Gioan Tẩy giả: uỷ nhiệm của vị Tiền hô bởi đâu? Nếu bởi Thiên Chúa, thì tại sao họ lại không tin theo ? Tiếp sau, còn có hai dụ ngôn (người làm vườn nho sát nhân, và tiệc cưới) cũng nói lên sự đoạn tuyệt, và phân cách giữa Chúa Giê su và dân do thái.

Có thể đọc đoạn tin mừng theo cấu trúc sau đây:

1. Dụ ngôn hai người con (21,28-31a)

2. Bài học (21,31b-32)

TÌM HIỂU

Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai..: Chúa Giê su hỏi ý kiến của các đối thủ. “Người kia” tượng trưng cho Thiên Chúa. Hai người con tượng trưng cho hai hạng người do thái thời đó: những người tội lỗi, dửng dưng, không tha thiết giữ lề luật và các qui định của giáo sĩ, và hạng những người công chính hằng trung thành với tôn giáo chính thức, tức là các thủ lãnh do thái giáo. Cả hai đều là con Thiên Chúa. Điểm nhấn của dụ ngôn nầy là điều họ sắp làm hay không làm.

Hôm nay: từ nầy quan trọng. Ông chủ đặt cả hai đứa con trước một lệnh truyền như nhau, có tính cách quyết định vận mạng của cả hai.

Nhưng sau đó: Không nên xem cụm từ nầy là một ám chỉ đến lương dân, những người được vào Nước Trời sau ngưòi Do thái như một số nhà chú giải đã chủ trương. Lương dân sở dĩ vào Nước Trời muộn hơn, vì Nước Trời chưa được loan báo cho họ. Đàng khác, câu giải thích thêm của Chúa Giê su đã loại bỏ lối chú giải trên.

Nó hối hận: Ở đây, Mt không dùng động từ ‘sám hối’ (metanoiein), nhưng dùng động từ khác (metamelesthai) (x. Mt 27,3), được dùng nhiều trong bản 70 với nghĩa: hoán cải, trở về với Thiên Chúa (Ed 14,22; Tv 105,45; Xh 13,17). Lí do tại sao người con nầy hoán cải, thì bản văn không nói tới, nhưng sự kiện ấy chắc phải làm cho đứa con thứ hai suy nghĩ, và được đề cập trước tiên.

Thưa Ngài: Tiếng ‘Ngài’ thật lạ lùng trên miệng người con, chỉ có thể giải thích nếu người Cha là Thiên Chúa, và nhằm chuẩn bị cho lời áp dụng Ngài sắp nói.

Vào Nước Thiên Chúa trước các ông: mặt chữ: “Qua trước các ông mà vào Nước Thiên Chúa”. “Trước” , theo ngữ điệu aram, không có nghĩa thời gian, nhưng có nghĩa lọai trừ. Những kẻ tội lỗi không vào trước, nhưng chiếm chỗ của người Biệt phái trong Nước Trời.

Chỉ đường công chính: Kiểu nói nầy không những diễn tả việc chấp nhận cuộc sống nhân đức, mà còn toàn thể sứ vụ của Gioan Tẩy giả. Gioan loan báo sự công chính mà Chúa Giê su sẽ hoàn tất. Hơn nữa, Gioan và Chúa Giê su cùng rao giảng con đường thống hối để trở về với Thiên Chúa (x. 3,2; 4,17). Do đó, kẻ không tin Gioan cũng sẽ không tin Chúa Giê su, đấng mà Gioan loan báo.

SỨ ĐIỆP

Người ta có thể đọc bài tin mừng hôm nay như một câu truyện thường xảy ra trong gia đình: chuyện đứa con thứ nhất, khi cha nó bảo nó đi làm, nó trả lời “vâng” nhưng không làm điều mà cha nói đòi hỏi. Còn đứa kia, lúc đầu nói: “không đi”, nhưng sau hối hận lại làm điều mà cha nó muốn. Đó là tình huống mà tất cả bậc cha mẹ đều đã nhiều lần trải qua và là chuyện như cơm bữa trong đời sống hằng ngày của họ”.

Đi từ câu chuyện gia đình đó, hôm nay Chúa Giê su gửi đến một sứ điệp quan trọng. Người Cha kêu gọi con cái mình vào làm việc trong vườn nho của Ngài là Thiên Chúa. Vườn nho ấy phải sinh hoa trái, đó là dân của Ngài, đó cũng là Nước của Ngài. Chúa Giê su thường đề cập đến thực tại ấy một cách rất nhiệt tình, thậm chí Ngài khẳng định rằng: Chính Ngài là cây nho và chúng ta là nhành nho. Khi gắn liền với Đức Ki tô, chúng ta có thể tiếp nhận mọi tình yêu đến từ Thiên Chúa.

 “Một người có hai con…” đứa nói “không” nhưng cuối cùng đã vui vẻ ra đi làm vườn nho cho cha. Đứa con ấy, chính là ‘người tội lỗi, người không tin, người ở xa Thiên Chúa, và bị coi như đời đời hư mất không thể chữa lành được’. Trong sách tin mừng không thiếu những mẫu người như thế, chỉ cần nghe những lời cảnh giác trong bài tin mừng hôm nay: “Người thu thuế và gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ngươi”. Lời nầy chúng ta cần phải hiểu cho kĩ: Chúa Giê su không muốn nói: ‘Họ sẽ vượt lên trước chúng ta’ nhưng muốn nói ‘họ sẽ thế chỗ các anh, còn các anh thì sẽ bị lọai ra ngòai’. Họ sẽ chiếm chỗ các anh dù những người thu thuế đó là những kẻ bất lương. Họ có thói quen ăn chận tiền thuế họ thu được. Tệ hơn nữa, họ cộng tác với quân La mã xâm lược. Còn về những cô gái điếm, không ai có thể chấp nhận cách sống của họ, cả khi họ thường là nạn nhân hơn là kẻ phạm tội.

Nếu Nước Trời được ban cho họ, chính là bởi vì họ biết mở rộng lòng đón nhận sứ điệp của Chúa Giê su; mới nhìn thì dường như tất cả là lời thưa ‘không’ đối với Chúa, nhưng đời sống của họ đã trở thành một lời thưa ‘vâng’ bởi vì họ đã tin vào tình yêu Thiên Chúa đã mở cho họ một tương lai mới. Sự khốn khổ, bất hạnh, tội lỗi của họ đã như là một vết thương khó lành trong cuộc đời. Nhưng sự xấu đè nặng họ đã trở nên như một cành cây cứu sống ban ơn Thiên Chúa.

“Một người có hai con…” Người ta có thể nói rằng ông có một người con có hai khuôn mặt. Thỉnh thoảng chúng ta là người thưa vâng với Chúa rồi không làm gì cả. Điều đó xảy ra khi chúng ta từ chối dấn thân và nhận trách nhiệm trong cộng đòan ki tô hữu. Rồi có những ngày chúng ta nói: “Không”; chúng ta sa ngã trong tội lỗi; chúng ta quay lưng lại với tình yêu Thiên Chúa. Nhưng khi chúng ta lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, thì đó lại là một khởi đầu mới đối với chúng ta. Vào lúc đó, chúng ta có thể đi làm lại trong vườn nho của Ngài.

Là người đã được rửa tội, tất cả chúng ta được sai đi. Sứ mạng của chúng ta là chứng minh tình yêu của Thiên Chúa bằng trọn vẹn cuộc sống của chúng ta, đó là gặp gỡ nhưng người bị thương trên đường đời: những ai đau khổ vì cô đơn, những bệnh nhân đang chờ đợi được thăm viếng, những người luôn thèm có một ai đó dành thời giờ nghe họ nói. Chính nhờ những việc làm như thế mà chúng ta làm chứng cho niềm hi vọng đang nâng đỡ chúng ta.

Lời mời gọi làm vườn nho cho Chúa cũng gởi đến cho chúng ta khi có cơ hội làm việc tông đồ: như giáo lí viên, hoạt động trong hội đòan. Chúng ta được sai đi để xây dựng một thế giới sống giới răn yêu thương Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta không thể chỉ bằng lòng với những lời nói hay, những diễn từ đẹp. Điều mà Chúa đang chờ đợi nơi chúng ta, đó là hành động thực tiễn. Ngồi không, hay từ chối nhận trách nhiệm đó là tội lỗi.

Đức Ki tô biết rằng chúng ta đã bắt đầu bằng lơi thưa ‘không’ như đứa con trong dụ ngôn. Sám hối thực sự là một con đường dài. Đối với người mà chúng ta gọi là ‘người trộm lành’, đó là giây phút cuối cùng. Cơ hội đã tới! Vâng, thế thì chúng ta hãy tiếp nhận lời mời gọi không ngừng nói với chúng ta: “Anh em hãy thay đổi lòng dạ, hãy sám hối!” Ngày mai sẽ là quá trễ. Xin Chúa dạy cho chúng ta tiếp nhận lời Ngài nói để chúng ta quay trở lại với Ngài; xin Ngài giúp chúng ta đừng bao giờ dựa vào sức riêng của mình trong cuộc đời dấn thân vì Nước Trời nhưng chỉ đặt niềm tin vào tình yêu lạ lùng của Thiên Chúa mà thôi.

ĐÀO SÂU

HÃY SÁM HỐI

Ed 18,25-28 Hằng ngày Thiên Chúa kêu gọi chúng ta sám hối

Tv 25,4 Lạy Chúa, xin hãy nhớ lại lòng thương xót Chúa

Pl 2,1-11 Hiệp nhất trong tình yêu theo Đức Ki tô

Mt 21,28-32 Không sám hối bằng lời mà bằng hành động

 

1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?

THƯA: HÃY SÁM HỐI. Thiên Chúa là đấng giàu lòng thương xót luôn mời gọi chúng ta sám hối để trở về với Người (Bđ1). Vì thế Đức Giê-su mời gọi sám hối và thay đổi cuộc sống như điều kiện để vào Nước Trời (BTM). Thánh Phao-lô khuyên các tín hữu phải mặc lấy những tâm tình giống Đức Ki-tô (Bđ2).

2. HỎI: Bối cảnh bài đọc một (Ed 18,25-28) như thế nào?

THƯA: Tiên tri Ê-dê-ki-ên thuộc số những người ở Giê-ru-sa-lem bị lưu đày sang Ba-by-lon vào năm 597 trước Công Nguyên. Thật là họa vô đơn chí: vừa phải trải qua những mất mát đau thương của chiến tranh, rồi bây giờ lại phải xa quê hương, xa Thành Thánh, xa đền thờ. Bấy giờ người ta bị cám dỗ xúc phạm đến Thiên Chúa. Người lưu đày than thở và tự nhủ: “Chúng ta đã làm gì chống lại Thiên Chúa để bị phạt như thế nầy?” Và họ tưởng rằng vì cha ông đã phạm tội mà họ lãnh lấy hậu quả.

3. HỎI: Bài đọc một nội dung như thế nào?

THƯA: Chính từ bối cảnh đó mà tiên tri Ê-dê-ki-ên lên tiếng. Ông rao giảng về sự công chính của Thiên Chúa qua bốn điểm. Trước tiên, ông bác bỏ nội dung sai lầm của câu ngạn ngữ: cha ăn nho, con cháu ê răng. Ai có tội thì bị phạt, chứ không có chuyện bị phạt vì tội của người khác. Mỗi người đều bị phán đoán và lãnh lấy hậu quả tùy vào hành động của mình.

4. HỎI: Tại sao thế?

THƯA: Vì con người được Thiên Chúa tạo dựng có tự do, nên có trách nhiệm về các lựa chọn và hành động của mình. Người ta sẽ được sống hay bị tiêu diệt tùy vào việc mình đã lựa chọn điều lành hay điều dữ.

5. HỎI: Bài học thứ hai như thế nào?

THƯA: Bài học thứ hai, tương lai luôn rộng mở cho mọi người vì không có gì là không thể sửa chữa được: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình” (Ed 18, 27).

6. HỎI: Còn bài học thứ ba như thế nào?

THƯA: Thiên Chúa luôn luôn mong muốn và mời gọi con người sám hối: “Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết. Vậy hãy trở lại và hãy sống” (Ed 18, 28).

7. HỎI: Tại sao thế?

THƯA: Vì Thiên Chúa giàu lòng thương xót muốn cho tất cả mọi người được cứu độ và được sống. Tình yêu bao la của Người sẵn sàng tha thứ cho tất cả mọi người ăn năn sám hối và quay trở lại với Người. Đó là sự công chính hoàng vương của Thiên Chúa.

8. HỎI: Và bài học thứ tư?

THƯA: Ngay trong nỗi bất hạnh con người vẫn có thể sống và hiệp nhất với Thiên Chúa. Như trường hợp ông Gióp trong Cựu Ước, trong cơn thử thách triền miên ông vẫn một lòng trung thành với Thiên Chúa, Đấng luôn tin tưởng nơi ông. Sống âm thầm trong gian khó, nhưng cao thượng, lặng lẽ, mà vẫn kiên trung làm chứng cho Chúa một cách thuyết phục.

9. HỎI: Nội dung bài đọc hai (Pl 2,1-11) như thế nào?

THƯA: Thánh Phao-lô khuyên các tín hữu hãy mặc lấy tâm tình khiêm nhu tự hạ như Đức Ki-tô.

10. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Mt 21,28-32) như thế nào?

THƯA: Bài tin mừng nằm trong phần giảng dạy bằng dụ ngôn của Đức Giê-su nhằm biện mình cho kế hoạch của Thiên Chúa: Dụ ngôn hai người con (21,28-32), dụ ngôn những tá điền sát nhân (33-43) và dụ ngôn tiệc cưới hoàng gia (22,1-14). Thiên Chúa hoàn toàn tự do và tốt lành luôn mong muốn con người thi hành ý muốn của Người để trổ sinh hoa trái. Có 3 lý chính: 1) Dụ ngôn Hai người con (21,28-30); 2) Câu hỏi đặt ra cho thính giả (21,31); 3) Bài học kết thúc (21,32).

11. HỎI: Nội dung bài tin mừng như thế nào?

THƯA: Đức Giê-su trách các nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời đã không nhận ra bàn tay Thiên Chúa đang hành động trong các biến cố xảy ra trong đời sống của họ.

12. HỎI: Đứa con thứ hai tượng trưng cho ai?

THƯA: Đứa con thứ hai tượng trưng cho các lãnh đạo tôn giáo, lúc đầu thưa vâng với cha mình nhưng rồi lại không đi làm vườn nho. Họ nói rất hay nhưng không sống theo những gì mình đã nghe biết.

13. HỎI: Còn đứa con thứ nhất?

THƯA: Đứa con thứ nhất tượng trưng cho những người thu thuế và đĩ điếm. Lúc đầu họ từ chối tin vào Đức Giê-su, nhưng sau đó họ đã hối hận, nghe Lời Chúa và hoán cải. Không phải vì là tội nhân mà họ được vào Nước Chúa, nhưng vì họ đã hoán cải.

14. HỎI: Nhưng vì sao các lãnh đạo Do thái giáo không hoán cải?

THƯA: Vì họ cứng đầu ngoan cố không tin Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a. Dù đã nhìn thấy Gio-an Tẩy giả sống theo đường công chính, nhìn thấy các tội nhân trở lại, họ cũng không muốn tin.

15. HỎI: Câu: ‘ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông’ có nghĩa gì?

THƯA: Khi loan báo Nước Thiên Chúa đã gần kề không những bằng lời rao giảng, mà còn bằng cả sứ vụ và con người của mình, Gio-an Tẩy Giả đã tỏ cho mọi người thấy dấu hiệu về sự công chính đích thực sắp đến, sự công chính mà Đức Giê-su mang lại cách sung mãn.

16. HỎI: Tại sao các Thượng tế và kì mục không tin Gio-an, còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin?

THƯA: Bởi vì các ông tự phụ, cho rằng việc mình là con cháu Abraham là đủ để được cứu độ, không cần phải ăn năn sám hối. Trái lại, những người thu thuế và những cô gái điếm coi mình là tội nhân nên sẵn sàng theo lời Gio-an và sám hối trở về cùng Thiên Chúa.

17. HỎI: So với dụ ngôn các thợ làm vườn nho, dụ ngôn hai đứa con có điều gì mới?

THƯA: Lần nầy Đức Giê-su đi xa hơn. Trong dụ ngôn trước, Đức Giê-su nói với các thính giả: các ngươi cho mình là những người thợ làm việc đầu giờ nên trách Ta quá nhân từ đối với những người đến trễ. Còn trong dụ ngôn nầy, Ngài đặt vấn đề về thái độ tôn giáo của họ: đi làm vườn nho cho Ta các ngươi cho là đủ? Không đâu, điều mà Thiên Chúa Cha chờ đợi là hãy trổ sinh hoa trái.

18. HỎI: Qua dụ ngôn hôm nay, Đức Giê-su muốn dạy điều gì?

THƯA: Đức Giê-su muốn làm nổi bật sự tương phản giữa hai lời đáp trả và hành động theo sau của hai người con. Đứa thứ hai xem ra vâng lời, rút cục lại không, còn đứa thứ nhất lúc đầu từ chối nhưng cuối cùng lại vâng phục. Trong tương quan giữa hai người, lời nói rất quan trọng nhưng việc làm lại có giá hơn lời nói bởi vì nó chứng thực lời nói không những trong tương quan với người khác mà còn đối với Thiên Chúa nữa.

19. HỎI: Con người có thể có khả năng sống thánh thiện không?

THƯA: Có thể với ơn Chúa, nhưng đừng quên rằng họ đang trên cuộc lữ hành trần gian. Hằng ngày, con người sống đối diện với sự lựa chọn cái tốt và từ chối cái xấu. Do vậy, trong mọi lúc, tự do của chúng ta bị thử thách. Và cũng đừng quên rằng đời sống con người là một lịch sử: nghĩa là một thực tại luôn trở thành và sẵn sàng chịu sự biến đổi. Không những thay đổi bên ngòai hoàn cảnh hoặc thực tại, mà còn thay đổi sâu xa bên trong để lại dấu ấn nơi chính chúng ta.

20. HỎI: Cuộc sống con người là một “cuộc cảnh giác liên tục để không lạc đường”, đúng không?

THƯA: Đúng vậy, hình ảnh so sánh rất tuyệt vời: đời sống con người có thể so sánh với một chuyến du hành trên xa lộ khi sống theo Lề luật vĩnh cửu của Thiên Chúa; trái lại, nó giống như một chuyến đi trên một con đường nhỏ ở thôn quê nếu sống dưới ách của Ma quỉ.

21. HỎI: Trên bình diện thiêng liêng, chúng ta phải đối diện với nguy cơ nào?

THƯA: Chúng ta phải đối diện với nguy cơ giữ đạo theo kiểu pha-ri-sêu: sống đạo theo tinh thần vị luật khô khan không có tâm hồn, không thực sự gắn bó với thánh ý Thiên Chúa. Nói khác đi, một sự thờ phượng trống rổng, chỉ có hình thức bên ngòai, không đi sâu vào tâm hồn, hạn hẹp trong việc tham dự thánh lễ chủ nhật dễ rơi vào kiểu mê tính dị đoan. 

22. HỎI: Trong bối cảnh cuộc rao giảng của Đức Giê-su, đâu là ý nghĩa của dụ ngôn?

THƯA: Ý nghĩa thực rõ ràng: người Pha-ri-sêu, là những người mà Thiên Chúa trông đợi vâng phục, thì lại không vâng phục, trong khi những người tội lỗi, người thu thuế và đĩ điếm, những người đi ngang qua trước Nước Thiên Chúa thì lại đón nhận lời của Ngài. Ngài gọi họ vào làm vườn nho của Ngài. Vấn đề là làm theo ý của Cha. Cuộc sống ấm no hạnh phúc nằm trong thánh ý đó. Cha ban cho họ một cơ hội tốt. việc còn lại là họ có tự do đón nhận không.

23. HỎI: Đức Giê-su muốn thấy họ biến lời nói thành hành động?

THƯA: Chắc chắn là như vậy, nhất là bởi vì hành động có thể đặt người môn đệ trong trạng thái hoán cải thường xuyên.

24. HỎI: Sự im lặng của người cha trong dụ ngôn cũng có ý nghĩa?

THƯA: Đúng. Ngang qua sự im lặng của người Cha, Đức Giê-su muốn cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa kính trọng tự do, quyết định của chúng ta, và sự lựa chọn của chúng ta. Ngài chờ xem lời chúng ta nói có đi đôi với điều chúng ta làm không. Trong mọi câu trả lời luôn có sự “hóan cải theo thánh ý của Ngài”, sự chấp nhận và gắn bó với lời của Ngài.

25. HỎI: Đáp lại lời mời của Đức Giê-su: “Hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho Cha” thì câu trả lời của chúng ta hôm nay là gì?

THƯA: Thánh Phao lô gợi ý khi khuyên nhủ chúng ta: “Anh em hãy có cùng một tâm tình của Đức Ki tô Giê su” (Pl 2,5). Trong một đọan khác, thánh Phao lô viết: “Vì Đức Ki-tô Giê-su, Con Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi, là Xin-va-nô, Ti-mô-thê và tôi, rao giảng cho anh em, đã không vừa là “có” vừa là “không”, nhưng nơi Người chỉ toàn là “có”” (2Cr 1,19). Nếu chúng ta muốn  sống phù hợp với tâm tình của Đức Ki tô đối với Cha Ngài, thì cách ứng xử của chúng ta sẽ không như cách của người con thứ nhất, nói thì có mà làm thì không, nhưng cũng không chỉ bắt chước đứa con thứ hai trong việc làm dù lúc đầu từ chối. Đức Giê-su nói với chúng ta rằng phải vâng lời trong lời nói cũng như trong hành động, phải trung thực trong những gì chúng ta nói và những gì chúng ta làm. Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta phải mau mắn lắng nghe và thực hành thánh ý đầy yêu thương của Thiên Chúa Cha.

26. HỎI: Đối với Đức Giê-su, ‘nói’ và ‘làm’ điều nào thiết yếu hơn?

THƯA: Rõ ràng ‘làm’ là thiết yếu hơn. Chính Ngài đã dạy: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa! ” là được vào Nước Trời đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21) và ở chỗ khác: “Tất cả những gì các kinh sư và người Pha ri siêu nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt 23,3).

27. HỎI: Sống sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Lời Chúa mời gọi chúng ta xét mình cẩn thận. Là ki tô hữu chúng ta thường hứa trung thành theo Đức Giê-su và chịu các phép bí tích. Bề ngoài chúng ta tỏ ra rất ngoan ngoãn, nhưng sự vâng phục ấy có thực tâm và sâu sắc không hay chỉ là hình thức bề ngoài và trái ngược với những hành vi cử chỉ và cuộc sống chúng ta?

GLCG 546 2613 542. Đức Giê-su đã dùng các dụ ngôn kêu gọi mọi người vào Nước Trời. Dụ ngôn là nét tiêu biểu trong cách giảng dạy của Người (x.Mc 4,33-34). Qua các dụ ngôn, Người mời họ dự tiệc Nước Trời (x. Mt 22,1-14), nhưng cũng đòi họ phải có một chọn lựa triệt để : phải “cho đi tất cả” để có được Nước Trời (x. Mt 13,44-45); lời nói suông chưa đủ, cần phải hành động (x.Mt 2l,28-32). Các dụ ngôn như những tấm gương nhờ đó con người nhận diện chính mình : đón nhận Lời như mảnh đất khô khan hay mảnh đất mầu mỡ? (x. Mt 13,3-9) làm gì với những nén bạc đã nhận? (x.Mt 25,14-30). Đức Giê-su và sự hiện diện của Nước Trời giữa thế gian là trọng tâm của các dụ ngôn. Phải trở nên môn đệ Đức Ki-tô mới “thấu hiểu các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13,11); còn đối với “người ngoài” (Mc 4,11) mọi sự đều bí ẩn (Mt 13,10-15).

Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.