Nước Trời là một Vương quốc trong đó không còn các luật lệ mua bán theo kiểu trần gian. Người ta mơ một ngày con người sẽ không còn phán đoán theo lợi nhuận kinh tế, nhưng nhận biết nhau đúng như họ là. Điều đó dường như là một sự không tưởng, thế mà Chúa Giê su đã khẳng định trong bài tin mừng hôm nay. Thật là một sự thay đổi tận căn các cách nhìn của con người, dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, muốn cho thấy vương quốc Tình yêu biếu không trong thế gian.
Sách Tiên tri Isaia 55, 6-9
Tiên tri Isaia nhắc cho chúng ta nhớ rằng ý tưởng của Thiên Chúa không phải là ý tưởng của chúng ta. Khuynh hướng tai hại thường tình là muốn giản lược Thiên Chúa theo chiều kích nhỏ hẹp của chúng ta làm đánh mất cái nhìn về Lòng thương xót bao la của Người. Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một Tình yêu không biên giới. Sự tha thứ của Người cũng vô hạn. Dù bất cứ chuyện gì xảy đến chúng ta hãy tin tưởng vào Người.
Thánh Vịnh 144
Thánh vịnh nầy củng cố niềm Hi vọng của Tiên tri Isaia. Đấng Thiên Chúa cao cả đến gần con người vì Người yêu thương chúng ta. Chúng ta hãy chúc tụng Người hết cả tâm hồn! Cách tốt nhất để làm điều đó là hoàn toàn tin tưởng nhảy vào trong cánh tay Người.
Thư gửi Philípphê 1, 20c-24.27a
Thánh Phao lô biết rằng để thực sự yêu mến Đức Ki tô, trước hết phải phục vụ Ngài trong anh em. Chính vì thế mà Ngài bị lâm vào cảnh khó xử: chết để vào trong cuộc sống vĩnh cửu hay là sống để giúp đỡ anh em mình nhận biết Đức Ki tô rõ hơn.
Tin mừng Mt 20,1-16
NGỮ CẢNH
Dụ ngôn nầy nằm trong văn mạch các cuộc tranh luận giữa Chúa Giê su và người Do thái.
Dụ ngôn đề cao lòng quảng đại tự do của Thiên Chúa: Nguời ban cho mỗi người điều Ngài muốn, và theo cách Ngài muốn, nhưng không vì thế mà làm tổn thương cho ai cả. Cách hành động đầy quảng đại của Ngài khiến cho mọi tính toán của con người trở nên lỗi nhịp. Ơn cứu độ mà Chúa Giê su mang đến là tin mừng cho các tội nhân, nhưng lại gây nên sự ganh tị của những người tự cho là “công chính”: “Hay vì ngươi ghen tức vì Ta nhân lành”.
Có thể đọc đoạn Tin Mừng theo cấu trúc sau đây:
1. Suốt ngày chủ vườn nho thuê thợ làm vườn nho cho ông (20,1-6)
2. Chủ trả lương (20,8-12)
3. Chủ giải thích (20,13-15)
4. Kết luận (20,16a)
TÌM HIỂU
Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia: Nước Trời không giống như gia chủ, nhưng giống như toàn bộ câu truyện trong đó gia chủ đóng vai trò chính.
Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền: Một quan tiền nói ở đây tương đương với tiền lương công nhật của một người lao động thời Chúa Giê su. Sự thoả thuận đầu tiên cho thấy những người thợ làm việc đầu tiên nầy không thiệt thòi gì cả, vì ông chủ và họ đã thoả thuận với nhau như thế.
Khoảng giờ thứ ba ông lại trở ra: Dù theo thói quen coi ngày bắt đầu từ lúc hoàng hôn, người ta chỉ tính giờ kể từ lúc mặt trời mọc. Như thế giờ thứ 3, thứ 6, thứ 9, và thứ 11 tương ứng với 9, 12, 15, và 17 giờ; ngày làm việc chấm dứt vào lối 18 giờ.
Tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng: câu nầy cho biết tiền công của họ sẽ là một quan tiền.
Bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất: Đây là cách trả tiền lạ lùng, nhưng hợp với kết cấu của trình thuật, nhằm cho những người thợ đầu tiên thấy rõ lòng tốt của ông chủ đối với những thợ mới làm, khiến cho lời than phiền của họ có lý hơn.
Đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt: Theo tính toán của những người thợ đầu tiên, thì họ chịu nhiều thiệt thòi so với những người mới vào làm: họ vất vả suốt 12 giờ, còn những ngưòi nầy mới làm có 1 giờ, họ đội nắng suốt buổi trưa trong khi những người mới vào được làm việc trong khoảng thời gian mát mẻ ban chiều. Như vậy họ sẽ được trả lương nhiều hơn là điều hợp lí.
Nầy bạn: Kiểu xưng hô nầy vừa thân tình, vừa hàm ý trách móc. Nó cũng còn được dùng trong trường hợp không biết tên nhau. Tin mừng dùng 3 lần để gọi người có phạm lỗi gì đó.
Hay vì thấy tốt bụng mà bạn đâm ghen tức: Đây là câu kết luận và cho ta hiểu tầm quan trọng của dụ ngôn. “Đâm ghen tức” là cách dịch thoáng của kiểu nói: “cái nhìn, đôi mắt ác cảm, cái nhìn dữ tợn” mà sách Châm ngôn và Huấn ca thường dùng để chỉ sự tức giận và ghen tương của con người. Do đó câu trên đây sẽ thành: “Hay mắt bạn dữ tợn vì tôi tốt lành”. Lòng tốt của ông chủ không phải do sự hưng phấn, hay cố ý bất công, mà là do bản tính của ông. Ông không muốn gây thiệt hại cho người đến trước nhưng chỉ muốn làm điều tốt cho người đến sau.
Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót: câu ngụ ngôn nầy không chú thích ý nghĩa của dụ ngôn ở trên, vì dụ ngôn thì nói đến việc đối xử đồng đều, còn câu châm ngôn nầy thì đề cao sự đảo ngược. Do đó câu nầy không ăn khớp với dụ ngôn cuối cùng, cùng lắm chỉ có tính tương tự mà thôi.
SỨ ĐIỆP
Những người thợ làm vườn nho giờ thứ 11
Đây là một tin mừng có liên quan đến công ăn việc làm của nhiều người. Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường nghe nhiều người than thở: “Thất nghiệp rồi. Không ai thuê mướn chúng tôi cả”. Chúng ta hiểu được sự mệt mõi và chán chường của những người mãi đi tìm công ăn việc làm mà rút cục tìm không ra. Nhưng câu chuyện chỉ giống đến đây. Không một ông chủ nào lại cho phép mình trả tiền công cho những người thợ giờ thứ mười một bằng người làm ngay giờ đầu tiên. Một bậc lương duy nhất cho tất cả mọi người, điều đó không bao giờ có. Và trong một môi trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay, thì nó lại không bao giờ xảy ra. Mỗi người được trả lương tùy theo công việc, khả năng và giờ làm việc của mình.
Vì thế đừng tìm trong bài tin mừng nầy một giải pháp cho các vấn đề công đoàn lao động thời đại chúng ta. Sứ điệp chính yếu ở chỗ khác. Khi kể cho chúng ta nghe các dụ ngôn, Chúa Giê su thường nhấn mạnh đến những tình huống phóng đại. Chúng ta đã thấy điều đó chủ nhật vừa rồi qua câu truyện về người đầy tớ mắc nợ chủ mình một số tiền kết xù không thể trả nổi. Nếu Chúa Giê su nói như thế, chính là nhằm đề cao giá trị sứ điệp mà Ngài muốn chuyển đến chúng ta.
Ở đây là câu chuyện của một ông chủ đi tìm thợ làm vườn nho cho mình. Vườn nho ấy là một biểu tượng rất phong phú mà chúng ta thường thấy trong Kinh Thánh. Trong Cựu Ước, vườn nho là biểu tượng chỉ dân Israên. Chúa Giê su nói cho chúng ta biết rằng đó chính là Nước Thiên Chúa. “Ta là cây nho, anh em là nhành nho”. Do đó, vườn nho chính là toàn thể dân Thiên Chúa. Và để vườn nho ấy sinh hoa trái tốt, Thiên Chúa cần nhiều thợ làm vườn nho. Vì thế, suốt ngày, Ngài đi tìm thuê mướn người làm công thuộc mọi lứa tuổi: già, trẻ, lớn bé, khỏe mạnh hay đau yếu, tất cả đều được mời gọi làm việc cho Ngài, vì Ngài tin tưởng nơi mỗi người chúng ta.
Làm việc cho vườn nho là phải nỗ lực làm việc tối đa sao cho mọi người thấy niềm hi vọng thúc đẩy chúng ta. Chúng ta được sai đi đến những người chung quanh, đặc biệt những người bị thương tích vì những thử thách trong cuộc sống, vì bạo lực hay bệnh tật. Sứ mạng của chúng ta là đem lại niềm vui và hi vọng, là những người thợ xây dựng bình an, hiệp nhất và hòa giải, là làm tất cả mọi sự để cộng đòan chúng ta trở nên sống động và huynh đệ hơn. Mẹ Têrêxa từ lâu phục vụ những người nghèo nhất ở Calcutta đã nói lên điều đó theo cách của mẹ: “Hãy sống tốt và có lòng yêu thương. Ước gì không ai đến với anh em mà khi ra đi không trở nên tốt hơn và sung sướng hơn! Hãy là cách biểu lộ lòng nhân từ của Thiên Chúa, lòng tốt nơi khuôn mặt, lòng tốt nơi ánh mắt, lòng tốt trong nụ cười, lòng tốt trong cách tiếp đón. Điều mà chúng ta phải dâng hiến chính là tình yêu của Đức Ki tô”.
Đó là một vài lời mời gọi mà Chúa gửi đến chúng ta. Đừng điếc tai và để vuột mất cơ hội tốt trong đời sống. Nhiều người đã trả lời vào giờ thứ nhất; những người khác trở lại vào giờ thứ mười một. Người trộm lành trên thập giá bên cạnh Chúa Giê su kinh nghiệm được phần nào điều đó. Anh ta không phải là người thợ vào giờ cuối cùng, nhưng là giây phút cuối cùng. Chỉ nhờ vào một hành vi yêu thương, anh ta đã lọt vào thiêng đàng.
Tất cả chúng ta đã biết rằng đoạn tin mừng hôm nay đã được soạn thảo trong một tình huống tranh luận. Vào thời Chúa Giê su, những người Pha ri sêu tự coi mình như những người tinh sạch. Tự cho mình là những người thợ làm việc ngay từ giờ đầu tiên, họ cố gắng trung thành giữ lề luật đến từng những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Nên họ đã lên tiếng trách Chúa Giê su vì đã ân cần tiếp đón những người thu thuế và tội lỗi đến với Ngài. Và trong lúc tin mừng nầy được viết ra, có một cuộc đối đầu giữa người ki tô do thái trở lại và những người ki tô từ ngọai giáo. Thánh Mát thêu ngỏ lời với những người ki tô từ do thái trở lại vào giờ thứ nhất, bảo họ đừng ganh tị vì những người ngoại giáo trở lại sau đó được tiếp đón nồng hậu.
Điều phải tự nhủ là Thiên Chúa không mắc nợ chúng ta điều gì cả. Ngài không phải trả cho chúng ta điều gì cả. Như chúng ta đã nghe “tư tưởng của Ngài thì vượt xa tư tưởng của chúng ta”. Tất cả những gì Ngài ban cho chúng ta không do công nghiệp của chúng ta. Điều đó đúng cho những người thợ giờ thứ mười một và cũng đúng cho những người thợ làm giờ đầu tiên. Nỗi đam mê của Ngài là tất cả con cái Ngài phải được tràn đầy tình yêu của Ngài, dù họ là những người đến vào những giờ phút cuối cùng.
Thiên Chúa không mệt mõi mời gọi trong suốt cụôc đời chúng ta bởi vì Ngài yêu thương bằng một tình yêu vô hạn. Trước nhan Ngài, chúng ta không được coi mình như đáng công hơn những người khác. Tình yêu của Ngài đối với những người làm giờ đầu tiên cũng không ít hơn khi Ngài chia sẻ cho những người làm giờ cuối cùng.
Hạnh phúc cho những người làm việc ngay từ phút đầu tiên. Cuộc sống của họ tràn ngập sự hiện diện của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Nhưng chúng ta phải nhường chỗ cho những người mà Thiên Chúa thuê muớn sau đó. Hãy nghĩ đến những tân tòng đang chuẩn bị lãnh nhận phép Rửa tội, những người mới trở lại, những người thỉnh thoảng mới giữ đạo, những người đang tìm kiếm Thiên Chúa.
Tóm lại, phần thường hứa cho mọi người, đó là chính Thiên Chúa. Trái tim của Ngài rộng lớn hơn trái tim của chúng ta. Chính trong lô-gic tình yêu ấy mà chúng ta được mời gọi đi vào. Nhờ ơn Thiên Chúa, tất cả những ai đáp trả lời mời gọi của Ngài, dù vào lúc nào trong cuộc sống, đều nhận được một sự tiếp đón giống y nhau trong Nước của Ngài.
Sứ mạng của chúng ta là mở đường chuẩn bị cho lời mời gọi của Chúa bằng một mối quan tâm thường xuyên muốn trình bày đức tin và sẵn sàng mở lòng đón nhận những gợi ý của Thánh Thần. Chúa sai chúng ta đến nhũng công trường thế giới trình bày tin mừng cho tất cả những người ‘thất nghiệp’ đức tin và niềm hi vọng. Thánh lễ kết thúc là bắt đầu đi vào vườn nho, Ngài bảo chúng ta: “Hãy đi làm vườn nho cho Ta!”
ĐÀO SÂU
THIÊN CHÚA TỐT LÀNH
Is 55,6-9 ‘Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi’
Tv 145,2 Chúa gần bên những ai kêu cầu Người
Pl 1,20-27 ‘Đối với tôi sống là Đức Ki tô’
Mt 20,1-16a Lòng quảng đại của Thiên Chúa vượt quá sự công chính của chúng ta
1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?
THƯA: THIÊN CHÚA TỐT LÀNH. Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn KHÁC với con người (Bđ1), vì thế lòng quảng đại tốt lành của Người vượt quá sự công chính của chúng ta (BTM). Nên Thánh Phao-lô mời gọi hãy sống như Đức Ki-tô đã sống (Bđ2).
2. HỎI: Trong bài đọc một (Is 55,6-9) tiên tri I-sai-a nói với ai?
THƯA: Tiên tri I-sai-a nói với những người Do thái đang tuyệt vọng. Bị lưu đày sang Ba-by-lon, sống trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt, dân Ít-ra-ên bị cám dỗ tin rằng Thiên Chúa đã dứt khoát từ bỏ họ. Nhiều người còn tự hỏi rằng mình còn có thể hi vọng Thiên Chúa tha thứ và tái lập họ không.
3. HỎI: Tiên tri đã nói với họ như thế nào?
THƯA: Tiên tri mời gọi mọi người hãy mau trở về với Thiên Chúa, vì Người là Đấng giàu lòng xót thương và hay tha thứ. Đồng thời tiên tri cố gắng vực lên niềm hi vọng, giúp họ đừng đánh mất lòng tin tưởng vào Thiên Chúa bằng cách nhắc lại rằng tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của người phàm. Người ta đễ quên rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một Tình yêu không biên giới và sự tha thứ của Người cũng vô hạn.
4. HỎI: Các tiên tri Cựu ước nói gì về Thiên Chúa hay thương xót?
THƯA: Khám phá Thiên Chúa dịu hiền và hay thương xót là điều thường thấy nơi các Tiên tri. Như tiên tri Hô-sê cho thấy tâm tình của Thiên Chúa: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ép-ra-im nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (11, 8-9). Còn tiên tri Giê-rê-mi-a loan báo chương trình yêu thương của Người: “Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA -, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng” (29, 11).
5. HỎI: Qua sự hướng dẫn các Tiên tri, dân Ít-ra-ên khám phá điều gì nơi Thiên Chúa?
THƯA: Dân được biết rằng Thiên Chúa là Đấng Cao cả, là Đấng Hoàn toàn Khác: “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng cao hơn tư tưởng các người chừng ấy” (Is 55, 9). Nhưng đồng thời cũng là Đấng rất gần với con người: “Người sẽ rộng lòng tha thứ” (Is 55, 7).
6. HỎI: ‘Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi’ có nghĩa gì?
THƯA: Cho thấy khoảng cách vô cùng lớn giữa Thiên Chúa và con người. Lời ấy mời gọi chúng ta phải khiêm nhường khi nói về Thiên Chúa, và khoan dung đối với cách mà người khác nói về Người, vì không ai trong chúng ta có thể tự hào mình dò biết được tư tưởng của Người.
7. HỎI: Bài đọc một cho chúng ta biết Thiên Chúa là đấng nào?
THƯA: Bài đọc một cho ta biết Thiên Chúa là Đấng vô cùng cao siêu, tuyệt đối và không thể đạt tới đối với khả năng trí tuệ của loài người, vì chính Người đã phán dậy rằng “tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi” và “đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta”.
8. HỎI: Bài đọc hai (Pl 1,20-27) như thế nào?
THƯA: Đối diện trước cái chết thánh Phao-lô vẫn bình thản cho biết đối với Ngài, sống là Đức Ki tô, và chết là một mối lợi.
9. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Mt 20,1-16a) như thế nào?
THƯA: Nhân câu hỏi của Phê-rô: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (19,27), Đức Giê-su đã trả lời bằng dụ ngôn những người thợ làm vườn nho, qua đó Ngài dạy rằng đối với Thiên Chúa tất cả đều là hồng ân. Có 4 ý chính: 1. Ông chủ vườn nho thuê thợ suốt ngày (20,1-7); 2. Cách trả lương (20,8-12); 3. Ông chủ giải thích (20,13-15); 4. Kết luận (20,16a).
10. HỎI: Nội dung bài tin mừng như thế nào?
THƯA: Dụ ngôn đề cao lòng quảng đại tự do của Thiên Chúa: Nguời ban cho mỗi người điều Ngài muốn, và theo cách Ngài muốn nhưng không vì thế mà làm tổn thương cho ai cả. Cách hành động đầy quảng đại của Ngài khiến cho mọi tính toán của con người trở nên lỗi nhịp. Ơn cứu độ mà Đức Giê-su mang đến là tin mừng cho các tội nhân, nhưng lại gây nên sự ganh tị của những người tự cho là ‘công chính’: “Hay vì ngươi ghen tức vì Ta nhân lành?”
11. HỎI: Điểm nhấn của bài tin mừng là gì?
THƯA: Thiên Chúa là Đấng tốt lành và sự tốt lành không biết tính toán của Người vượt quá tất cả mọi sự, cả sự kiện là chúng ta không xứng đáng được Người yêu thương.
12. HỎI: ‘Khoảng giờ thứ ba’ chủ vườn lại trở ra là mấy giờ?
THƯA: Dù theo thói quen coi ngày bắt đầu từ lúc hoàng hôn, người Do thái chỉ tính giờ kể từ lúc mặt trời mọc. Như thế giờ thứ 3, thứ 6, thứ 9, và thứ 11 tương ứng với 9, 12, 15, và 17 giờ; ngày làm việc chấm dứt vào lối 18 giờ.
13. HỎI: Đức Giê-su muốn dạy ta điều gì qua bài tin mừng hôm nay?
THƯA: Đức Giê-su dùng một câu chuyện lao động trong cuộc sống hằng ngày để cảnh giác chúng ta về thái độ kiêu căng, có những thành kiến đối với Thiên Chúa và phán đoán sai lầm về lòng thương xót của Ngài. Thái độ của ông chủ thật lạ lùng xét theo lẽ công bằng, nhưng lại là một cách thể hiện lòng tốt tối thượng vượt qua các qui luật và thước đo của con người.
14. HỎI: Hoàn cảnh phát sinh ra dụ ngôn ấy dường như không khác mấy với những gì ta thấy trong xã hội của chúng ta một vài thập niên về trước?
THƯA: Đúng. Thật vậy, cách đây một vài thập niên, khi máy móc chưa nhiều và phổ thông, người ta vẫn thuê mướn người làm công nhật. Họ được thuê làm việc ở ngòai đồng ruộng, trong vườn tiêu hay rẫy cà phê. Chọn lựa nhân công được giao cho những người giàu kinh nghiệm, và chỉ cần nhìn qua là họ chọn được những người khỏe nhất, kinh nghiệm nhất, có khả năng nhất. Khi đến mùa cần nhiều nhân công, để bảo đảm cho công việc được hoàn thành trong thời gian đã định người ta cần phải thuê thêm nhiều người khác.
15. HỎI : Trong dụ ngôn hành động của Thiên Chúa được mô tả ra sao?
THƯA: Thiên Chúa được mô tả như một ông chủ vườn tận tâm chăm sóc vườn nho của mình. Ngay từ sáng sớm, ông thức dậy ra vườn để bảo đảm rằng công nhân đã ra làm việc và thu hoạch. Ông quan tâm đến từng người thợ để ai cũng có việc làm để đáp ứng nhu cầu cần thiết cho đời sống và gia đình của họ. Thậm chí đến giờ cuối cùng, ông vẫn gọi họ vào làm và không từ chối một ai miễn là họ đáp lại lời mời gọi của ông. Cuối cùng, chính ông chủ cũng đảm nhận công việc trả lương cho từng người một.
16. HỎI: Còn đối với những người làm công cho ông?
THƯA: Ông quan tâm đến họ như một ông chủ tốt bụng, bởi vì ông đối xử với họ không dựa theo những tính toán tham lam, nhưng theo lòng nhân ái muốn cho mọi người được hài lòng. Ông là chủ vườn rộng lượng, không trả lương công nhân theo giờ làm việc, nhưng theo sự quảng đại của mình. Tiền lương của họ đều bằng nhau, bởi vì ông không thiên tư ai cả. Vì họ đã đáp trả lời mời gọi làm vườn nho cho ông nên ông đã thương xót họ. Thiên Chúa không trả công dựa trên hiệu năng làm việc nhưng theo sự sẵn sàng đáp trả của mỗi người.
17. HỎI: Vậy, nếu chúng ta biết đáp trả lại lòng quảng đại của Thiên Chúa, Ngài sẽ không bao giờ bủn xỉn đối với chúng ta?
THƯA: Đúng vậy. Thiên Chúa sẽ thương xót và rộng rãi ban ơn cho những ai quảng đại đáp lại lời mời gọi làm vườn nho của Ngài. Ngòai ra, dù nhỏ hay lớn thì quà tặng của Thiên Chúa vẫn luôn luôn xứng đáng.
18. HỎI: Những người làm công đầu tiên giống ai?
THƯA: Giống mỗi người trong chúng ta, khi sự ghen tuông hoặc tham lam của cải người khác chiếm thế thượng phong. Luật công bình của con người không phải là luật công bình của Thiên Chúa. Lòng tốt của con người không phải là lòng tốt của Thiên Chúa, bởi vì lòng tnương xót của con người không giống với lòng thương xót của Thiên Chúa.
19. HỎI: Tại sao những người làm việc đầu tiên có quyền đòi chủ vườn phải công bình với họ không?
THƯA: Vì họ đã nhìn ơn gọi của họ bằng cặp mắt vô ơn, vì họ không biết rằng được Thiên Chúa mời gọi làm việc cho Ngài đã là một ơn phúc lớn lao. Ngoài tiền công và trước khi trả tiền, Ngài đã ban cho họ rất nhiều rồi. Thế nhưng họ lại đòi thêm vì họ không thấy ơn ban Ngài đã dành cho họ.
20. HỎI: Như thế Thiên Chúa không ân thưởng mỗi người tùy theo công việc họ làm?
THƯA: Không phải thế, Thiên Chúa công bằng sẽ ân thưởng mỗi người tùy theo công việc họ làm. Tuy nhiên ngay cả khi ân thưởng như thế, Ngài cũng làm vì lòng tốt của Ngài, chứ không theo một thứ công bằng giao hoán nào cả như chúng ta vẫn quen trong cuộc sống.
21. HỎI: Như thế tư tưởng trong bài đọc một được lặp lại trong bài tin mừng?
THƯA: Đúng thế, dụ ngôn tin mừng một lần nữa xác nhận lời Thiên Chúa phán qua Tiên tri I-sai-a: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta” (Is 55,8).
22. HỎI: Sứ điệp Lời Chúa như thế nào?
THƯA: Mỗi người hãy tự hỏi: 1. Tôi đã dành bao nhiêu thời gian, tiền của, công sức và tài năng mà Thiên Chúa đã ban cho tôi cho Vườn Nho của Thiên Chúa là môi trường và xã hội trong đó tôi đang sống? 2. Tôi đã và đang làm những gì để Giáo hội tốt lành, thánh thiện hơn? 3. Tôi đã và đang làm những gì để thế giới và xã hội hiện nay bớt bất công và tội ác?
GLCG 1877 355. Ơn gọi của nhân loại là biểu hiện hình ảnh của Thiên Chúa và được biến đổi theo hình ảnh Người Con duy nhất của Chúa Cha. Ơn gọi này vừa được ban cho từng cá nhân, vì mỗi người đều được mời gọi vào hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa, vừa được ban cho toàn thể cộng đồng nhân loại. 878 1702. Tất cả mọi người đều được mời gọi tiến đến cùng đích là chính Thiên Chúa. Có một sự tương đồng nào đó giữa sự hiệp nhất Ba Ngôi Thiên Chúa và tình huynh đệ mà loài người phải kiến tạo cho nhau trong chân lý và tình yêu. Yêu người không thể tách rời khỏi mến Chúa.
Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc