Chúa Giê su mời gọi chúng ta hãy làm một sự lựa chọn nền tảng. Lề luật Thiên Chúa trong Mười điều răn không bị phá hủy khi Chúa Giê su đến. Ngược lại, nó được mở rộng vì được nội tâm hóa. Giới răn đích thực của người Ki tô hữu chính là Các Mối Phúc thật, ràng buộc nhiều hơn các Điều răn của Luật cũ, nên chỉ có thể thực hiện với ơn của Chúa.
Sách Huấn ca 15,15-20
Tác giả nhắc chúng ta nhớ rằng người ta có thể lựa chọn vì có Tự do. Thiên Chúa tôn trọng những quyết định tự do như thế. Mỗi người có trách nhiệm về sự định hướng cuộc đời mình. Thiên Chúa đoái nhìn những ai kính sợ Ngài và hằng tìm kiếm Thánh ý Ngài.
Thánh Vịnh 118
Thánh Vịnh nầy tán dương Lề luật Thiên Chúa, và ca ngợi người tự do lựa chọn đi theo Lề luật ấy. Đó là trường hợp của tất cả những người tìm kiếm Thiên Chúa, của tất cả những ai cố gắng tìm gặp Ngài trong tâm hồn mình.
Thư 1 Cr 2,6-10
Để thay đổi tâm hồn chúng ta một cách triệt để như Chúa Giê su đòi hỏi, cần phải có một sự Khôn ngoan mới, tức là hiểu biết Mầu nhiệm của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan con người tìm cách chế ngự và đưa đến bạo lực. Còn sự khôn ngoan Thiên Chúa do Chúa Thánh Thần ban xuống mạc khải cho chúng ta Mầu nhiệm Thiên Chúa đồng thời giúp cho chúng ta có khả năng lãnh nhận.
TIN MỪNG: Mt 5,17-37
NGỮ CẢNH
Đoạn tin mừng nầy nằm trong khuôn khổ bài giảng trên núi. (cc 5-7). Sau tám mối phúc, Chúa Giê su nói về phẩm cách của người môn đệ (5,13-16), tiếp đến là phần dài nhất của diễn từ được đóng khung trong hai cụm từ “Lề luật và các Tiên tri” (5,17 và 7,12). Chủ đề của phần nầy là Chúa Giê su đến để hoàn thiện Lề luật cũ (5,17-20).
Có thể đọc đoạn tin mừng nầy theo bố cục sau đây:
1. Chủ đề: Chúa Giê su hoàn thiện lề luật cũ (5,17-20)
2. Hoàn thiện nội dung (5,21-37): các thí dụ.
TÌM HIỂU
Bãi bỏ: Chúa Giê su không đi ngược lại truyền thống phát sinh ra Lề luật, vì như thế có nghĩa là chống lại Thiên Chúa. “Lề luật là thánh” như lời thánh Phao lô nói (Rm 7,12). Ngài chỉ mang lại cho nó ý nghĩa xác thực.
Lề luật và các Tiên tri: kiểu nói chỉ hai bài đọc tương ứng với cách dùng trong phụng vụ các lễ nghi hội đường. Người ta dùng kiểu nói nầy để chỉ toàn bộ Kinh Thánh.
Lỗi phạm: việc tỉ mỉ thi hành lề luật có thể có một ý nghĩa “tất cả được hoàn thành” (5,18). Nhưng các tông đồ và các kì mục họp nhau tại Giêrusalem (Cv 15) đã phán đoán đúng khi cho rằng không nên đặt lề luật trên các người ki tô hữu từ dân ngoại trở lại. Các câu 18 và 19 dường như được thêm vào, phản ánh ý tưởng của cộng đoàn Ki tô Do thái-Palestina mà Mát thêu đang ngỏ lời.
Công chính: chủ đề quan trọng trong tám mối phúc. Người ta sống công chính theo tinh thần mới không qua việc tuân giữ, nhưng bằng việc vượt qua lề luật. Đó là một điều kiện tuyệt đối, tuyệt đối hơn cả việc tuân giữ một điều nhỏ (5,19) để có thể có một chỗ trong Nước Trời.
Các kinh sư và người Pha ri sêu: các kí lục là những người được nhắm đến trong đoạn 5,21-38 trong khi người Pha ri sêu trong các câu 6,1-18.
Luật dạy rằng: kiểu nói ở thể bị động thường thấy trong Kinh Thánh để chỉ hành động của Thiên Chúa. Điều mà Chúa Giê su sẽ mang lại chỉ là nối dài lời của Thiên Chúa.
Giết người: Chúa Giê su trích dẫn Mười Giới răn (Mười Lời) (Xh 20, 13). Việc nhờ đến toà án không được qui định trong sách Xuất hành, nhưng đã thịnh hành trong thời Chúa Giê su.
Giận, đồ ngốc, đồ khùng: có sự tăng dần trong những cách biểu hiện sự nóng giận (= giận, đồ ngốc, đồ khùng), cũng như trong việc xử phạt mà Chúa Giê su đã ra (= xét xử toà án địa phương, rồi đến hội đồng do thái, và cuối cùng là lửa đời đời ở hoả ngục). Chúa Giê su diễn tả bằng những từ không thể áp dụng được trong phạm vi xét xử: không có một bộ luật nào xét xử những tư tưởng xấu. Vì thế, Ngài muốn nêu bật tính cách truyền lệnh của việc vượt qua lề luật mà Chúa Giê su đòi hỏi nơi các môn đệ của Ngài. Đàng khác, cách xử phạt thứ ba: lửa hoả ngục không nằm trong mức độ hình phạt loài người (5,29-30; 10,28; 18,9); trong Matthêu, nó nói lên tính cách đáng sợ trong án xử của Thiên Chúa.
Lễ vật: đây không phải là việc vượt qua lề luật, mà là tương quan giữa sự kính trọng người khác và hành vi thờ phượng
Bàn thờ: bàn thờ ở Giê ru sa lem. Điều luật nầy có từ lúc vẫn còn đền thờ và các môn đệ chưa cắt đứt liên hệ với do thái giáo chính thống. Tuy nhiên nó vẫn còn một giá trị lớn hơn trong tương quan với việc cử hành Thánh Thể.
Đối phương: Lời khuyên nầy giả thiết một tình thế rất khác so với trước: người ta đang ở trong tình trạng tố cáo. Người kia không phải là anh em, nhưng là người tố cáo. Đối chiếu với Lc 12,57-59, người ta có thể thấy một dụ ngôn: quan án là Thiên Chúa. Cần phải làm hoà trước khi ra trước mặt Người.
Ngoại tình: thêm lời trích dẫn nữa từ Thập giới (Xh 20,14). Lề luật xem xét một tội ác hình sự, một sự kiện hoặc một toan tính lấy người đàn bà của người khác (20,17). Chúa Giê su nội tâm hoá điều luật buộc. Ngay cả ước muốn làm như thế cũng phải từ bỏ, nghĩa là một cái nhìn với ý hướng xấu; điều đó có nghĩa là cần phải kính trọng bản thân và người đàn bà ngay từ trong những ý nghĩ thầm kín.
Mắt: câu nầy thêm vào làm cho điều luật trên trở nên bao quát hơn. Tác giả dùng cách diễn tả mạnh mẽ để nói rằng tinh thần, xét theo tổng thể, thì quan trọng hơn thân xác. Mọi người phụ nữ cần phải được người đàn ông kính trọng. Mọi cái nhìn đều có ảnh hưởng đến sự ngay thẳng nội tâm của chúng ta.
Rẫy vợ: tác giả tin mừng đưa vào đây một đối đề phụ khai triển thêm chủ đề ngoại tình (“Luật còn dạy rằng”). Rồi sau đó còn được lặp lại ở câu 33: “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng”. Khung cảnh nầy phù hợp hơn với bối cảnh ở câu 19,9 để trả lời cho một câu hỏi của người pha ri sêu.
Bội thề: vào thời Chúa Giê su, dường như thói quen thề thốt đã mất giá trị quan trọng của nó. Người ta bày ra việc thề thốt cho những chuyện không đâu hoặc làm sai lệch giá trị bằng những tiểu xảo (23,16-22). Chúa Giê su mời gọi mọi người hãy giữ sự thẳng thắng và đơn giản.
Chớ bội thề..: Ám chỉ đến Thập giới (Xh 20,7).
Đừng thề chi cả: trong thư Gc 5,12 chúng ta thấy cùng một giáo huấn như thế: “Thưa anh em, trước hết, đừng có thề, dù là lấy trời, lấy đất, hay lấy cái gì khác mà thề. Nhưng hể có thì phải nói có, không thì phải nói không, như thế anh em sẽ không bị xét xử”.
Chúa Giê su nhắc lại ý nghĩa của sự thánh thiện. Kính sợ Thiên Chúa và danh Người, kính trọng tất cả các tạo vật là đồ thánh, kính trọng bản thân mình trong sự trong sáng của lời nói.
SỨ ĐIỆP
“Các con không được dừng lại ở mức độ Lề luật cũ.. Thầy bảo các con..”
Con người luôn bị cám dỗ giữ luật vì luật, vì cho rằng như thế là sống những gì Thiên Chúa mong muốn. Nhưng Chúa Giê su mời gọi chúng ta hãy vượt qua những so đo tính toán ấy, để đạt tới tinh thần của lề luật là sống yêu thương: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng ngươi, hết sức ngươi, hết linh hồn ngươi”.
Đã hẳn, Lề luật là điều kì diệu, những nó phải được sống như Đức ki tô đã sống. Vì đối với Ngài, mọi sự từ nay được thực hiện trong mức độ tâm hồn con người phải trở nên giống hình ảnh tâm hồn Thiên Chúa.
Không được giận dữ người anh em mình bởi vì cơn giận là mầm móng sinh ra chính tội giết người. Không được thèm muốn, bởi vì nó đưa đến tội ăn cắp của cải người khác ngay từ thâm tâm. Cấm thề thốt, bởi vì chúng phá hủy sức mạnh của chân lí.
Trước kia, người ta tin rằng Tin mừng chỉ là sự hiền hòa, đạo đức, an ủi, khoan nhượng, thì nay chúng ta đối diện trước những đòi hỏi chưa từng thấy. Bấy giờ chúng ta phản ứng như các tông đồ: “Nếu vậy, thì ai có thể được cứu độ?” (Mc 10,26).
Chúa Giê su đã trả lời như thế nào, thì chúng ta cũng đã rõ, nhưng chúng ta lại sợ dấn thân, bởi vì dấn thân đòi hỏi chúng ta từ bỏ mọi sự. “Không có Thầy, anh em không thể làm gì được” (Ga 15,5).
Người Ki tô hữu không thể sống tốt nếu không sống một đời sống thiêng liêng vững mạnh: tức là kết hợp mật thiết với Đức Ki tô, tự ghép mình vào bản thân Ngài, là nguồn mọi ý chí và hành động.
Ánh mắt êm ái của Ngài nhìn chúng ta giúp chúng ta khám phá ra rằng không có Ngài, chúng ta không thể làm gì được, nhưng với Ngài và trong Ngài, tất cả trở nên có thể.
Và ánh mắt của chúng ta nơi người khác, nếu đúng là của chính Thiên Chúa tình yêu, nó sẽ đem lại cho chúng ta câu trả lời. Vì bấy giờ, nó giúp chúng ta tự hỏi, đức Ki tô đã hành động như thế nào trong trường hợp tương tự, và từ nay mỗi người trong chúng ta phải hành động như thế nào để hoàn thành lề luật.
ĐÀO SÂU
LUẬT MỚI
Hc 15,16-21 (hl. 15-20) ‘Ngươi có thể gìn giữ các giới răn’
Tv 119,1 Phúc cho ai bước theo lời Chúa dạy
1Cr 2,6-10 Thế gian không biết sự khôn ngoan của Thiên Chúa
Mt 5,17-37 Vượt qua sự công chính của Pha-ri-sêu
1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?
THƯA: LUẬT MỚI. Lề luật phục vụ con người luôn phải lựa chọn (Bđ1). Luật tin mừng đòi buộc người tín hữu phải đi xa hơn những gì Luật cũ buộc (BTM). Sự khôn ngoan của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi thập giá Đức Giê-su Ki-tô (Bđ2).
2. HỎI: Sách Huấn ca là sách gí?
THƯA: Sách Huấn Ca là một sách thuộc Cựu Ước, được biên soạn vào khoảng thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên (tức là khoảng năm 200-175 TCN). Huấn Ca là một bộ sưu tập những lời dạy đạo đức, chủ yếu đề cập đến thái độ cần có trong mối tương quan với Thiên Chúa, với người khác và với chính bản thân mình, bên cạnh đó còn khuyên dạy tôn sùng Lề Luật Mô-sê.
3. HỎI: Tác giả sách Huấn ca là ai?
THƯA: Là ông Giê-su con Xi-ra, quê ở Giê-ru-sa-lem, sống vào khoảng năm 190-180 trước Công Nguyên, thời kỳ mà người Do Thái đang bị văn hóa và tôn giáo Hy Lạp lôi cuốn. Là người đạo đức, được học hỏi văn chương và Lề Luật Mô-sê, ông đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều tầng lớp người. Ông viết sách để đề cao những tinh hoa của dân tộc Ít-ra-ên, như một liều thuốc giải độc dân khỏi những điều mê muội trước trào lưu mới của Hy Lạp.
4. HỎI: Nội dung bài đọc một (Hc 15, 16-21) như thế nào?
THƯA: Tác giả bài đọc một đề nghị độc giả suy nghĩ về sự tự do của con người, gồm ba điểm: thứ nhất, sự dữ ở ngoài con người; thứ hai, con người được tự do để chọn lựa làm lành hoặc làm dữ; thứ ba chọn sự lành là chọn hạnh phúc.
5. HỎI: Sự dữ ở ngoài con người là thế nào?
THƯA: Sự dữ ở ngoài con người có nghĩa là sự dữ không thuộc thành phần bản tính con người. Thiên Chúa không làm ra sự dữ và cũng không đẩy chúng ta đến sự dữ: “Người không truyền dạy cho một ai làm điều gian ác, và không cho phép một ai phạm tội” (Hc 15,21).
6. HỎI: Con người được tự do chọn lựa điều lành cũng như điều dữ là thế nào?
THƯA: Con người được tự do chọn lựa sự dữ và sự lành vì Thiên Chúa tạo dựng con người tự do. Đó là điều mà dân Ít-ra-ên dần dần hiểu được qua kinh nghiệm về sự giải thoát của Thiên Chúa trong từng chặng đường lịch sử của họ.
7. HỎI: Chọn điều lành là chọn hạnh phúc hệ tại ở điều gì?
THƯA: Là chọn trung thành với thánh ý Thiên Chúa. Ai trung thành với Thiên Chúa thì được hạnh phúc. Còn ai rời xa thánh ý Ngài thì sớm muộn gì cuộc đời sẽ bất hạnh.
8. HỎI: Nội dung bài đọc 2 (1Cr 2,6-10) như thế nào?
THƯA: Tin mừng Thánh Phao-lô loan báo là sự khôn ngoan của Thiên Chúa được giấu kín từ bao đời nay đã được mạc khải trong thập giá Đức Ki-tô Giê-su.
9. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Mt 5,17-37) như thế nào?
THƯA: Bài tin mừng nằm trong bài giảng trên núi (Ch. 5-7). Sau khi nói về căn tính của người môn đệ Đức Giê-su (13-16), Đức Giê-su tiếp tục nói về cách sống như con cái của Chúa Cha (5,17-7,12), trong đó đoạn tin mừng là phần đầu nói về đức công chính được kiện toàn (5,20-48). Có 2 ý chính: 1) Đức Giê-su mạc khải ý muốn của Thiên Chúa (5,17-20); 2) Đức Giê-su dạy về cách cư xử với người thân cận (5,21-37)
10. HỎI: “Hoàn thành” có nghĩa gì theo thánh Mát-thêu?
THƯA: Toàn bộ lịch sử Kinh thánh đều hướng về tương lai, về Đức Giê-su vì chính Ngài làm cho lịch sử nầy được hoàn tất. Người Ki tô hữu không phải là người hướng về quá khứ, nhưng luôn hướng tới tương lai để phán đoán mọi sự trên trần gian nầy tùy theo mức độ chúng vươn tới Nước Trời.
11. HỎI: Giáo huấn của Đức Giê-su có nằm trong tiến trình đó không?
THƯA: Có, Ngài đến trần gian không phải để hủy bỏ những gì đã có, mà làm cho chúng hoàn hảo hơn. Qua giáo huấn Ngài cho thấy Ngài là điểm đến mà Thiên Chúa Cha đã hoạch định. Ngài là mạc khải chung quyết mà Thiên Chúa thương ban cho nhân loại, và người ta không còn chờ một mạc khải nào khác.
12. HỎI: Qua đoạn tin mừng Đức Giê-su nhắm mục đích gì?
THƯA: Sau khi phác họa dung mạo con người mới trong Nước Trời ở phần đầu diễn từ trên núi, để tránh mọi sự hiểu lầm, Đức Giê-su khẳng định Ngài không đến trần gian để bãi bỏ, nhưng để làm trọn và hoàn thành Lề luật mà Thiên Chúa đã ban cho Dân Người.
13. HỎI: Ngài làm trọn Lề Luật để làm gì?
THƯA: Ngài muốn giải thoát chúng ta, muốn chúng ta được tự do thật sự. Và con đường để đạt đến tự do ấy chính là gắn bó với thánh ý Thiên Chúa, trung thành với lề luật của Ngài không chỉ bề ngoài mà cả bên trong bằng một tình yêu chân thật.
14. HỎI: Việc thánh Mát-thêu khẳng định Đức Giê-su hoàn tất Thánh Kinh có nghĩa gì?
THƯA: Ngay từ đầu, các tín hữu đã xác tín rằng Đức Giê-su đã làm trọn những gì Thánh Kinh đã loan báo (1Cr 15,3). Điều đó có nghĩa là Ngài là trung tâm bảo đảm sự duy nhất của Thánh Kinh. Và nhờ việc hoàn tất ấy, Giáo Hội là điểm đến của lịch sử cứu độ.
15. HỎI: Đức Giê-su kiện toàn Lề luật Mô-sê theo nghĩa nào?
THƯA: Đức Giê-su giải thích Lề luật bằng cách trở về với ý định ban đầu của Thiên Chúa và đặt trọng tâm vào tình yêu là nền tảng của mọi Lề luật để khẳng định tính cách bền vững của Lề luật: Dù trời đất sẽ qua đi nhưng thánh ý Thiên Chúa sẽ không qua bao giờ.
16. HỎI: Lời dạy: “Nếu anh em không sống công chính hơn.. (20)” có nghĩa gì?
THƯA: Các thầy thông giáo và người Pha-ri siêu rất khắt khe trong việc tuân thủ lề luật Mô-sê Nhưng họ chỉ chú trọng cách giữ hình thức bề ngoài, mà ít quan tâm đến lòng chân thành và tình yêu thương. Họ chỉ nhằm tìm kiếm những lời khen ngợi của người khác, và do đó đánh mất giá trị tất cả những hành động tốt của họ (xem dụ ngôn người Biệt Phái và người thu thuế trong đền thờ, Lc 18,10-14). Đức Kitô nói với các môn đệ và những người đi theo Ngài rằng lối sống đạo của họ phải tốt hơn thế, nghĩa là phải vâng theo luật Thiên Chúa vì tình yêu và lòng chân thật, nếu không, họ sẽ không được xứng đáng vào Nước Trời.
17. HỎI: Đức Giê-su kiện toàn giới luật “Chớ giết người” như thế nào?
THƯA: Đức Giê-su không chỉ xác nhận điều răn “Chớ giết người”, mà còn đưa giới răn ấy đến chỗ hoàn bị. Luật cấm giết người bắt đầu từ trong tâm trí. Khi tức giận không kềm chế hoặc tệ hơn nữa nuôi dưỡng ý tưởng giết người bằng những lời nguyền rủa thật hay tưởng tượng có thể và thường dẫn đến tội giết người.
18. HỎI: Đức Giê-su kiện toàn giới luật “Chớ ngoại tình” như thế nào?
THƯA: Một lần nữa Đức Giê-su nhấn mạnh nhu cầu tự kiềm chế nội tâm. Ý nghĩ dâm đãng, nhìn xem và ham muốn không phải lúc nào cũng đưa đến một hành động bên ngoài, nhưng bản thân chúng đã là tội rồi và có thể dẫn đến các hành động bên ngoài.
19. HỎI: Đức Giê-su kiện toàn giới luật “Chớ bội thề” như thế nào?
THƯA: Kêu cầu Thiên Chúa làm chứng điều mình nói là sự thật, khi nó không thật, hoặc đảm bảo cho một lời hứa hoặc lời thề gian dối là một sự xúc phạm trực tiếp và nghiêm trọng đối với Thiên Chúa chân thật và công chính. Đức Giê-su đòi hỏi nhiều hơn nữa. Ngài truyền dạy: “Đừng thề thốt gì cả!” Phải sống thật trung thực và trung tín giữ lời hứa để không cần phải thề thốt trước mặt Thiên Chúa. Nếu sống trung thực với Thiên Chúa, với người lân cận và với lương tâm của chính mình thì chỉ cần nói có hay nói không hoặc một lời hứa đơn giản là đủ.
20. HỎI: Sống sứ điệp Lời Chúa như thế nào?
THƯA: 1. Cố gắng trung thành sống theo tinh thần của Phúc Âm, sống bằng con tim, chứ không theo kiểu ‘vị luật, giữ luật sao cho toàn vẹn mà không để ý gì đến tinh thần lề luật’, để xứng đáng làm con cái hiếu thảo của Thiên Chúa. 2. Đức Giê-su đến trần gian để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của mọi sự dữ, xin cho chúng ta được mỗi ngày được trở nên tự do hơn để trở nên xứng đáng với Nước Trời hơn.
GLCG 580 527. Chỉ có Con Thiên Chúa, Đấng ban hành Lề Luật, sinh làm người sống dưới Lề Luật mới có thể chu toàn lề luật cách trọn hảo ( x. Gl 4,4). Nơi Đức Giê-su, Lề Luật không còn được ghi trên bia đá, nhưng “trong đáy lòng” (Gr 31, 33) của Người Tôi Tớ được đặt làm “giao ước với dân” (Is 42,6), vì Người đã “trung thành làm sáng tỏ công lý” (Is 42,3). Đức Giê-su chu toàn Lề Luật đến nổi gánh lấy “lời nguyền rủa của Lề Luật” (Gl 3,13) mà những ai “không thi hành tất cả những gì chép trong sách Luật” (Gl 3,10) đã chuốc lấy. “Người lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ” (Dt 9,15). 592. Đức Giê-su không hủy bỏ Lề Luật núi Xi-nai, nhưng đã kiện toàn (x.Mt 5,17-19) cách tuyệt hảo ( x.Ga 8,46): Người mặc khải ý nghĩa tối hậu (x.Mt 5,33) của Lề Luật và chuộc tội lỗi người ta đã phạm đối với Lề Luật (x.Dt 9,15).
Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc