Hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta kiên trì cầu nguyện theo gương ông Abraham. Bài đọc thứ nhất cho chúng ta thấy ông Abraham đang đàm thoại thân mật với Thiên Chúa. Ông đang làm một điều ít ai dám làm là liều mạng mặc cả xin Thiên Chúa tha thứ cho thành Sôđôma tội lỗi. Abraham không cầu xin điều gì cho mình, nên ông không biết sợ và thất vọng. Ông tin chắc chắn Thiên Chúa là đấng công minh, nhưng cũng đầy lòng thương xót. Vì thế, Abraham mạnh dạn mặc cả với Chúa: «Nếu chỉ có mười người, thì Chúa có tha thứ không ?.. »
Nếu chúng ta tham chiếu các bản văn Thánh Kinh khác, chúng ta sẽ khám phá ra rằng ông Abraham còn có thể đi xa hơn trong lời mặc cả của mình. Như sau nầy Tiên tri Giêrêmia sẽ làm bước ấy khi nghĩ rằng một người thôi cũng đủ được tha thứ: “Đi rảo khắp các đường phố Giêrusalem, hãy tìm nơi các công trường một người duy nhất biết thi hành luật pháp, biết sống cho chân thật. Bấy giờ ta sẽ tha thứ cho thành” (Gr 5,1).
Cuối cùng các thành Sôđôma và Gômôra đã bị hủy diệt. Vấn đề không phải là tìm xem điều đó có thực sự xảy ra như thế không. Có thể có do một tai ương nào đó. Nhưng điều quan trọng hơn cả ở chỗ khác. Nó nằm trong sự kiện là Thiên Chúa thích con người bào chữa cho anh em mình. Như ông Môsê, khi thấy dân mình cúi mình thờ lạy con bò vàng, ông liền bắt đầu khẩn xin Thiên Chúa tha thứ.
Người ta phải tìm đến sách Tin mừng để tìm một người công chính thực sự duy nhất có thể mang lại sự tha thứ cho tất cả. Ơn tha thứ mà Ngài nhận được không nhắm cho một thành phố nữa mà là cho cả nhân lọai. Kinh nguyện Thánh Thể thứ hai xin ơn giải hòa nói rằng: “Con Một Chúa, người công chính duy nhất đã tự hiến trong tay chúng con và đã bị đóng đinh vào cây thập giá”. Vậy chính nhờ Người mà tất cả mọi người ở mọi thời đã được cứu thoát. Đó là cách làm của Thiên Chúa: vì một người công chính duy nhất, Người đã tha thứ cho muôn người. Đó cũng là vai trò của chúng ta, các môn đệ của Chúa, dù chúng ta là con số ít ỏi.
Chúng ta phải hiểu cho đúng: đó không phải là vấn đề con số mà là vấn đề tình yêu và hiến dâng cuộc sống. Vai trò của chúng ta là sống như những người công chính với Chúa Giêsu, đó cũng là cầu thay cho tất cả những người chung quanh chúng ta. Chúa Giêsu đòi chúng ta phải là những người cầu nguyện, cầu thay cho đám đông.
Cách cầu nguyện hay nhất là theo học trường Chúa Giêsu, đó là xin Ngài dạy chúng ta cầu nguyện. Và Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta lời cầu nguyện của Ngài. Chúng ta được nhận tham dự vào lời cầu nguyện của Ngài. Đó thực sự là một tin mừng vì nếu Chúa Giêsu hiện diện, chính là để tỏ cho chúng ta biết Ngài là con đường duy nhất dẫn tới Cha. Ngài chính là đường, là sự thật và là sự sống; tất cả những ai muốn cầu nguyện đều phải qua Ngài.
Lời kinh mà Chúa Giêsu dạy chúng ta hướng chúng ta về Thiên Chúa là Cha, về tình yêu nơi Danh Thánh Ngài. Khi Thánh Kinh nói với chúng ta về Danh thì đó chính là Thiên Chúa. Vì thế tất cả mọi người cần phải nhận biết Ngài là Cha yêu thương say đắm con cái mình như thế nào. Nguyện cho Danh Thiên Chúa được vinh hiển có nghĩa là nhìn nhận sự cao cả của Ngài, sự bao la nơi tình yêu của Ngài.
“Xin cho nườc Cha trị đến!”. Vương quốc của Thiên Chúa là điều mà chúng ta phải tìm kiếm trước tiên bởi vì nó giải phóng thế gian và tâm hồn con người.
“Xin cho Thánh ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Thánh ý của Thiên Chúa không phải là ý muốn của một nhà độc tài áp đặt lề luật của mình trên toàn dân. Trái lại, ý muốn của Thiên Chúa Cha là tất cả mọi người đều được cứu độ.
“Xin cho chúng con hôm nay lương thực ngày này!”. Chúng ta nghĩ đến thức ăn nuôi dưỡng thân xác, nhưng cũng đến Lời Thiên Chúa nuôi dưỡng đức tin của chúng ta. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta, và cho những người khác, bởi vì tất cả đến từ Người. Chính Người làm cho chúng ta được sống.
“Xin tha cho chúng con tội lỗi của chúng con cũng như chúng con cũng tha cho những người xúc phạm đến chúng con”. Tất cả chúng ta đều biết tha thứ cho người khác khó khăn như thế nào. Khi vết thương do một người mà chúng ta yêu quí gây ra, thì thực là đau đớn. Ngày hôm nay, Chúa Giêsu nói rằng Thiên Chúa luôn luôn tha thứ trước tiên. Ngài mở tâm hồn chúng ta và giải thoát chúng ta.
“Xin đừng để chúng con thua chước cám dỗ nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”. Bị cám dỗ tức là muốn quay lưng chống lại Thiên Chúa. Thánh Giacôbê xác định rõ: “Đừng có ai nói rằng: cơn cám dỗ đến từ Thiên Chúa; Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu và cũng không cám dỗ ai. Người ta bị cám dỗ vì bị mê hoặc và lôi kéo bởi sự ham muốn riêng của mình. Lời cầu ấy có nghĩa là: “Đừng để chúng con thua chước của Tên Cám dỗ tức là Ma quỉ. Cơn cám dỗ nặng nề nhất là nghi ngờ về tình yêu của Thiên Chúa.
Hôm nay, Chúa Giêsu nhấn mạnh nhiều đến sự quan trọng của lời cầu nguyện: “Hãy xin thì sẽ được !” Ngài không nói rằng chúng ta sẽ lãnh nhận đúng điều mình xin. Nhưng Ngài không bao giờ bác bỏ điều mà chúng ta xin. Ngài yêu thương chúng ta tất cả như con cái Ngài, cả những kẻ bị lọai trừ, bị gạt ra bên lề xã hội. Ngài biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta cầu xin Ngài.
Nếu Ngài bảo chúng ta phải tha thiết cầu nguyện chính là để chúng ta xứng đáng lãnh nhận nhiều hơn điều Ngài muốn ban cho chúng ta. Khi hướng về Thiên Chúa, chúng ta học được cách thức chiều theo tình yêu của Ngài. Khi đến gần Ngài, tâm hồn chúng ta mở ra cho Thánh Thần của Ngài. Những vấn đề của chúng ta không được giải quyết ngay tức khắc đâu, nhưng chúng ta không cô đơn vì chúng ta sống với Ngài.
Khi chúng ta tập họp để cử hành lễ Tạ ơn, Chúa hiện diện để dạy chúng ta cầu nguyện. Chúng ta hãy không ngừng cầu nguyện, cầu cho thế gian tội lỗi nầy. Ứơc gì lời kinh của chúng ta thực sự phổ quát, truyền giáo, và ước gì trọn cuộc đời của chúng ta là lời kinh giữa mọi người, ngỏ hầu tất cả đều được cứu thoát. AMEN.
Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc