Bài Giảng Chúa Nhật 4 Mùa Chay – Năm C

Người ta thường gọi bài Tin mừng nầy là “dụ ngôn về đứa con trai hoang đàng”. Gọi như thế vừa không nói hết ý vừa không chính xác. Đây là câu truyện hai đứa con đã xúc phạm đến cha mình, nên có người gọi là dụ ngôn về hai đứa con. Nhưng như thế là quên nhân vật quan trọng nhất trong câu chuyện. Thiết nghĩ, tựa đề thích hợp nhất là “dụ ngôn về người Cha và hai con” hoặc “dụ ngôn về người Cha phung phí”. Thật vậy, chúng ta sẽ thấy ông phung phí quá mức cho từng đứa con của mình, ông đã thật sự phung phí tất cả tình yêu của mình.

Dụ ngôn nầy là câu trả lời của Chúa Giêsu cho những lời càm ràm trách móc của các kí lục và người biệt phái. Họ trách Chúa Giêsu đã tiếp rước những người tội lỗi và ăn uống với họ. Và nhân đó, Chúa Giêsu gửi đến cho chúng ta Tin mừng nói về cách xử sự của Thiên Chúa đối với tất cả những tội nhân là chúng ta.

Người con út bỏ đi nhà, rời xa cha nó là biểu tượng cho người tội lỗi công khai. Còn người con cả, cũng không khá hơn. Nó gợi nhớ tất cả những người tự cho rằng mình là người công chính, tự phụ và khinh bỉ người khác. Thật sự, hai người con nầy là hình ảnh biểu trưng cho toàn thể gia đình nhân lọai.

Đối diện với hai người con ấy, là hình ảnh Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu mô tả chân dung đích thực của Thiên Chúa, không có một chút gì giống với hình ảnh mà người ta tưởng tượng về Người. Người không phải là một vì Thiên Chúa tìm cách trả thù, mà là một vì Thiên Chúa yêu thương say đắm từng người con cái của mình. Qua từng chi tiết trong câu chuyện nầy, Chúa Giêsu đã cho thấy những tình cảm Thiên Chúa dành cho chúng ta. Nhờ vậy mà chúng ta hiểu tại sao vua Đavít đã chọn thà rơi vào tay Thiên Chúa hơn là tay con người.

“Con ta nay đã chết mà nay sống lại!”. Qua dụ ngôn nầy, chúng ta thấy người Cha làm đủ mọi cách giúp cho đứa con út của mình sống lại. Nó chết vì đói, đói bánh ăn thì đã hẳn, mà nhất là đói tình yêu. Cử chỉ của Cha thân ái vô cùng. Hằng ngày, ông ngong ngóng, chờ đợi đứa con trở về. Ông chạnh lòng thương con, nên không chờ đứa con tội lỗi đến với mình, nhưng đã chạy tới nó và ôm hôn nó. Thậm chí không để cho nó có thời giờ nói lên lòng hối hận bằng những lời mà nó đã chuẩn bị từ trước.

Ông cũng không có một lời trách móc, cũng không khước từ đứa con mình, nhưng vui mừng khôn xiết vì tìm lại được người con đã mất. Thế rồi ngay lập tức ông truyền mang y phục đẹp nhất cho cậu, dấu chỉ cho thấy nhân phẩm được phục hồi; rồi đeo nhẫn vào tay cậu, như một thứ ấn dấu chính thức tái xác nhận con mình; rồi xỏ giày cho cậu, đề chấm dứt thời nô lệ của một người đi chân đất. Nhất là ông đã cho tổ chức một bữa tiệc linh đình để mừng đứa con đã chết nay sống lại. Cứ so với những gì cậu con đã làm trước kia, một vài người cho rằng ông ta thật quá phung phí. Nhưng chúng ta đừng quên rằng trang Tin mừng nầy muốn nói cho chúng ta biết về lòng quảng đại vô bờ bến của Thiên Chúa đối với những tội nhân là chúng ta.

Đứa con cả cũng được mời gọi sống lại. Dù không bỏ nhà ra đi, nhưng kì thực anh ta cũng đã chết, vì không hiểu gì cả về tình yêu của Cha đối với anh và đứa em của mình. Lòng giận hờn ganh tị đã khiến anh ta không thể chung vui với cha vì đã tìm thấy những gì đã mất. Anh ta từ chối vào nhà trong vì khẳng định rằng không bao giờ bỏ nhà ra đi.

Dù vậy, người Cha cũng không nỗi giận, nhưng ôn tồn thể hiện một cách đối xử thân ái đối với anh ta. Ông ra ngoài gặp anh, ông van nài anh; ông mời gọi anh ta chung vui với mọi người vì đứa em đã mất nay tìm thấy. Sứ điệp thật rõ ràng: không ai có thể là một người con tốt của Thiên Chúa nếu không thực sự là một người anh em tốt đối với người khác. Sự từ khước người khác cũng là một liều thuốc độc cần phải trừ khử khỏi tâm hồn.

Trang Tin mừng nầy nói với chúng ta về ơn tha thứ mà Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người chúng ta. Tất cả chúng ta đều cần đến, những người đã lìa xa cũng như những người còn ở lại dưới mái ấm yêu thương của gia đình. Thật vậy, trong mỗi người chúng ta đều có một góc nghèo hèn, tăm tối, phản bội và yếu đuối. Đứa con cả là mẫu người ngạo mạn và kiêu căng, ghen ghét. Con đứa con út đặt chúng ta đối diện với những bất trung, những tính mê tật xấu từ lâu bám rễ trong cuộc sống chúng ta. Bằng cách nầy hay cách khác, tội lỗi chính là sự trốn chạy khỏi nhà và tình yêu của Cha.

Như đứa con út, tất cả chúng ta có thể nói rằng: “Tôi đã phạm tội chống lại trời và chống lại cha”. Nhưng nếu chúng ta tự nhận mình là kẻ có tội, thì trước tiên không phải chúng ta cáo tội chúng ta; nhưng là nhận ra điều sai lỗi mà chúng ta đã làm cho Thiên Chúa, cho tạo vật, cho anh em và cho chính chúng ta.

Tất cả chúng ta được mời gọi lãnh nhận ơn Thiên Chúa tha thứ. Đó là trở về cùng Đấng đã đến với chúng ta trước, và ôm chúng ta vào lòng. Chấp nhận ơn tha thứ, trước tiên là để bản thân mình được Cha tiếp nhận và yêu mến. Chúng ta là những người tội lỗi, chúng ta được chờ đợi để sống lại và tìm lại phẩm cách cao quí là con cái Thiên Chúa. Khi chúng ta tiếp nhận bí tích hòa giải, đó là cách chúng ta trở về với Thiên Chúa không ngừng yêu thương và đặt hết tin tưởng vào chúng ta. Và trong bí tích Thánh Thể, chúng ta được nuôi dưỡng nơi bàn tiệc Nước Trời. Chúng ta hãy cầu xin Chúa biến chúng ta thành những chứng nhân cho tình yêu và lòng thương xót của Người.

Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.