Hành trình đức tin gian nan của Giáo Hội Công giáo Việt Nam dưới triều ba vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức của Nhà Nguyễn

Nhà Nguyễn (阮朝: Nguyễn triều; 阮氏: Nguyễn thị) là triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam từ năm 1802 đến 1945, được thành lập sau khi Nguyễn Vương Phúc Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước và lên ngôi năm 1802; và chấm dứt khi vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945. Nhà Nguyễn là một triều đại đánh dấu nhiều thăng trầm của lịch sử dân tộc thời cận đại.

Thời kỳ Nhà Nguyễn cai trị nước Việt Nam cũng là thời kỳ Giáo Hội Công Giáo Việt Nam lớn lên trong thử thách. Gia Long – Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802 đem lại cho Giáo Hội một giai đoạn tương đối bình an. Tuy nhiên, các vua Nhà Nguyễn sau đó trở lại với chính sách cấm đạo, có lúc rất quyết liệt. Nhiều tín hữu vô tội bị giết hại, trong danh sách 117 thánh Tử Đạo Việt Nam có 111 vị làm chứng cho đức tin trong khoảng 1833 đến 1862. Năm 1862 là thời điểm vua Tự Đức tuyên bố ngưng việc bách hại.[1]

Trong các vua Nhà Nguyễn ở thời kỳ tự chủ, Gia Long là người có thiện chí với Công Giáo nhưng ông vẫn chủ trương bảo vệ Nho giáo. Vua Gia Long cho rằng người theo đạo Công Giáo cũng là công dân và không một lệnh cấm đạo nào được ban hành dưới thời của ông. Khi lâm chung, Gia Long đã căn dặn người kế vị (Minh Mạng) không nên đối xử phân biệt giữa các đạo Nho, Phật, Công Giáo; việc khủng bố tôn giáo sẽ là nguyên nhân dẫn đến các biến động xã hội và gây ra thù oán trong nhân dân; đôi khi làm sụp đổ cả ngôi vua. Tiếc rằng sau khi thừa kế ngai vàng của vua cha, Minh Mạng (hoàng tử Đảm) đã không tuân theo.

Ngày 12.12.1825, vua Minh Mạng hạ dụ với nội dung “phải ngăn cấm Tả đạo Tây phương để dân ta quay về chính đạo”. Vua chính thức cấm đạo qua chiếu chỉ 06.01.1833 lên án gay gắt “Tả đạo Giatô” buộc những ai theo đạo ấy phải bỏ đạo; đồng thời tiến hành triệt hạ nhà thờ và nơi ở của các giáo sĩ.

Dưới thời Thiệu Trị, nhà vua vẫn duy trì chính sách cấm đạo được ban hành từ thời Minh Mạng nhưng không tỏ ra tích cực và chủ trương bắt giết như triều vua trước. Nhiều giáo sĩ bị bắt được nhà vua nhân nhượng thả cho về nước hoặc cho lãnh án “trảm giam hậu” (tội chết nhưng giam đợi xét). Nhà vua muốn kiên nhẫn giáo dục tín hữu bỏ “đạo tà”.

Tới triều vua Tự Đức lệnh cấm đạo vẫn được ban hành. Tình hình bắt đạo trở nên phổ biến và khốc liệt hơn, nhất là sau khi triều đình cho thực hiện chiếu chỉ “phân tháp giáo dân” năm 1861. Với sắc lệnh “Phân tháp giáo dân”, vua Tự Đức muốn phân tán, cô lập, kiểm soát và tiêu diệt mầm mọi mầm mống có đạo. Đây là một đòn mạnh đối với giáo dân và Giáo Hội; phá hủy các làng, các nhà thờ và các cơ sở Công Giáo, các gia đình Công Giáo sẽ phải ly tán để tự tiêu vong, họ hàng, bà con xa lánh. Giáo dân không có cơ hội để tụ họp kinh lễ, sinh hoạt hội đoàn, cách ly với các giáo sĩ; bản thân những người có đạo thường xuyên bị giám sát, con cái bị cách ly khỏi môi trường Công Giáo và làm con tin. Một cuộc chiến  mang tính trả thù của người nắm quyền lực đối với những làng theo đạo và giáo dân không vũ khí tự vệ vô cùng dã man chưa từng thấy trong lịch sử nước ta. Triều đình tưởng đó là giải pháp sáng suốt và hiệu quả nhằm tiêu diệt giáo dân và các giáo xứ.

Vua Tự Đức đã ban hành tất cả bảy chiếu chỉ cấm đạo với ngôn từ bất khoan dung, sàng lọc quan lại, chặn đường tiến thân của các tín hữu Công Giáo. Sau khi ký hòa ước Nhâm Tuất ngày 05.06.1862; vào tháng 7 năm này, nhà vua tuyên bố trả tự do và tài sản cho các tín hữu.[2]

Nói về Giatô giáo, cụ Phan Kế Bính đưa ra nhận xét: “Nước ta trước rất mộ Nho giáo, mà Nho giáo thì trọng nhất là việc tế tự, thấy đạo Thiên Chúa chỉ sùng bái riêng một thần, ngoại giả không lễ bái gì nữa, cho nên coi là đạo phản mà sinh ra lắm sự tàn ngược. Song cứ xét cái chủ ý của đạo Thiên Chúa thì chỉ cốt khuyên người ta phải thương yêu nhau, cũng chẳng khác gì lòng nhân thứ của đạo Nho, lòng từ bi của đạo Phật. Vậy mới biết Thánh nào cũng vậy, chỉ dạy người ta lấy sự làm lành mà thôi. Người ta không xét đến nơi đến chốn mà cứ thấy cái lạ tai lạ mắt thì đem lòng hiềm nghi lẫn nhau, chẳng qua chỉ gây nên mối họa loạn, mà hại lẫn nhau, thực là điều trái với tôn chỉ của đạo giáo mình cả. Vả lại lòng tin của người ta nên mặc cho người ta được tự do, sao nên lấy ý riêng của mình mà ngăn cấm, ấy lại là trái với lẽ công bằng nữa”[3].

Nhà Nguyễn tuy thống nhất đất nước, nhưng không đủ khả năng để an dân. Khắp nơi xảy ra nhiều cuộc nổi loạn, giặc giã; việc xây thành, đào hào, hạn chế cách xây nhà, ăn mặc; việc loại bỏ chữ Nôm, nhất là chủ trương “tứ bất”, nghĩa là không lấy Trạng nguyên, không tuyên Hoàng hậu, không phong Thái tử, không cử tể tướng… Tất cả chứng tỏ ngai vàng của các vua nhà Nguyễn thiếu vững chắc nên phải củng cố về quyền hành.[4]

Bàn về chính sách cấm đạo Công Giáo của Nhà Nguyễn, sử gia TrầnTrọng Kim đã viết: “Nước ta từ xưa đến nay, điều gì cũng theo Nho giáo… Lúc trong nước mình từ vua quan cho chí dân sự, ai ai cũng lấy cái lý tưởng ấy làm phải, làm hay, mà lại thấy có người bỏ đi theo đạo khác… thì tất cho là theo tả đạo, làm hư hỏng phong tục mình. Bởi vậy nên nhà vua mới cấm… mà cấm không được thì tất là phải giết. Trong khi cấm và giết như vậy, là vẫn tưởng mình làm việc bổn phận làm vua của mình, chớ có biết đâu là mình làm sự thiệt hại cho đất nước. Vả bao giờ cũng vậy, hễ người ta sùng tín một tông giáo nào, thì tất cho tông giáo của mình là hay hơn, và cho người theo tông giáo khác là thù nghịch với mình, rồi hễ có quyền thế là làm thế nào cũng dùng cách mà hà hiếp người khác đạo của mình”[5].

Nhà Nguyễn độc tôn Tống Nho, vua Minh Mạng khi ban hành Thập Điều năm 1834 khẳng định lập trường chọn Nho giáo là “chính đạo”. Ở đây, ta cần phân biệt Nho giáo với Tống Nho. Nho giáo thời Khổng Tử, Mạnh Tử… chủ trương “nhân trị”, nghĩa là cai trị với lòng nhân ái, vua quan phải thương dân. Khổng Từ đưa ra học thuyết “chính danh”, theo đó mỗi người phải giữ đúng chức phận của mình. Vua có ra vua thì tôi mới ra tôi, cha có ra cha thì con mới ra con. Trái lại, dưới thời nhà Tống, triều đình vận dụng Nho giáo để bảo vệ giới quan lại và quyền thống trị. Theo đó, vua là thiên tử và quyền bính luôn luôn đúng. Đến đây ta thấy nguyên nhân sâu xa của việc cấm đạo là tội “khi quân”. Bởi vì vua là thiên tử, nên mọi người phải theo, và vua không thể sai lầm khi ra lệnh cấm. Ta cũng đừng quên với chính sách độc tôn Tống Nho, các tôn giáo khác kể cả Phật Giáo cũng bị coi là tà đạo, đáng bị tiêu diệt. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong Dương Từ Hà Mậu tả trên Thiên Đình chỉ thấy Khổng Tử chứ chẳng thấy Chúa hay Phật, còn dưới âm ty thì đầy dẫy con Phật và con Chúa. Bởi thế, cấm đạo là tất yếu.[6]

Dầu sao, ta cũng không nên coi các vua nhà Nguyễn như các bạo chúa cỡ Nêrô. Vì các vị tỏ vẻ muốn tha hơn muốn giết, muốn các tín hữu quy phục để được dịp chứng tỏ mình bao dung. Điều này được phản ánh trong lá thư tâm tình của vua Tự Đức tháng 7.1864, xin trích lại vài câu: “Ngạn ngữ có câu: vua có lỗi, thần dân cũng không được buồn, cha xử không tốt không phải là duyên cớ để con bất hiếu. Điều ấy lại càng đúng khi người cha không có ác ý… Vì thế, các ngươi, tín đồ Giatô, tình thế các ngươi chắc chắn là khó xử, nhưng các ngươi vẫn kiên gan theo đạo của mình trong lúc vẫn giữ đúng luật nước, về việc này Ta chỉ biết mừng cho các ngươi. Ta sẽ luôn luôn ghi nhớ. Đó lại càng là lý do để Ta đối xử với người Giatô giáo và lương như nhau, sau khi tỏ lòng nhân từ cho các tín hữu Giatô và trả tự do cho họ”[7].

Lễ các thánh tử đạo Việt Nam 2015

Martinô Ngô Hoàng Lâm, Khóa V

—————————————
[1] X. ĐÀO TRUNG HIỆU, OP., Hành Trình Ân Phúc, Chân Lý 2013, tr.126.
[2] Ibid., tr.127-131.
[3]  PHAN KẾ BÍNH, Việt Nam Phong Tục, NXB Văn Học, 2011, tr.287.
[4] X. ĐÀO TRUNG HIỆU, OP., Hành Trình Ân Phúc, Chân Lý 2013, tr.131-132.
[5] TRẦN TRỌNG KIM, Việt Nam Sử Lược, NXB Thanh Hóa, 2011, tr. 453
[6] X. ĐÀO TRUNG HIỆU, OP., Hành Trình Ân Phúc, Chân Lý 2013, tr.132-133.
[7] Ibid., tr.134-136.

Comments are closed.