Chu kì phụng vụ gần kết thúc. Các bài đọc Kinh Thánh chủ nhật nầy muốn lôi kéo sự chú ý của chúng ta về Ngày Đức Kitô trở lại vào lúc cuối thời gian. Các bản văn ấy đã dùng một ngôn ngữ đặc biệt thông dụng thời đó mà ngày nay không còn ai sử dụng nữa. Đó là loại văn Khải huyền. Khi nghe hai tiếng Khải huyền, tự nhiên ai trong chúng ta cũng nghĩ đến hai chữ tai ương.
Tuy nhiên, khải huyền không phải là một quyển sách tai ương, nhưng là một quyển sách viết trong thời tai ương. Dù có vẻ giống nhau nhưng hai điều ấy không đồng nghĩa với nhau. Khi Máccô việc sách Tin mừng vào khoảng năm 70, các đạo quân La mã bao vây Thành Giêrusalem. Đền thờ sắp bị phá hủy. Ở Rôma, hoàng đế Nêron ra tay bách hại người Kitô hữu. Thánh Phêrô sắp chịu tử đạo cùng với nhiều người khác. Các cộng đoàn Kitô hữu bị rúng động, và tự hỏi có phải Thiên Chúa đã từ bỏ họ rồi chăng.
Bài Tin mừng hôm nay là một sứ điệp mang lại niềm hi vọng an ủi những người trong cơn thử thách khi khẳng định rằng Thiên Chúa không bỏ và sẽ không bao giờ bỏ rơi dân Người. Đức Kitô đã sống lại và mãnh lực sự dữ không còn quyền lực nào trên Ngài nữa. Điều quan trọng nhất là hãy đề phòng và thật tỉnh thức. Nhờ thế, khi Chúa trở lại, chúng ta sẽ không bị bất ngờ. Lời Chúa còn trấn an bằng cách tỏ cho chúng ta biết là sẽ có một thế giới mới xuất hiện, vì Thiên Chúa không ngừng làm phát sinh sự sống, tạo dựng điều mới. Tạo thành mới nầy, thế giới mới nầy, là mục tiêu mà Thiên Chúa đã nhắm đến từ muôn đời: tất cả mọi người sẽ qui tụ lại và mọi dân tộc sẽ được giao hòa trong Chúa Giêsu Kitô, trong sự sống sung mãn của Thiên Chúa.
Bản văn khải huyền đến với chúng ta trong tình huống đặc biệt của hôm nay. Hầu như hằng ngày, những gì xảy đến đã thực sự làm rúng động mọi người. Chúng ta nghĩ đến những cơn bão dữ dội gieo kinh hoàng và tàn phá khắp thế giới, các cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt ở Trung Đông, hằng triệu người đang phải di cư lánh nạn, nạn đói triền miên ở Phi Châu, vv. Vì thế, các bài đọc hôm nay không nhằm chuẩn bị cho chúng ta đón ngày tận thế, nhưng là thời khắc tận cùng của những “thế giới nhỏ” mà chúng ta đang tạo ra cho mình. Chúng ta đang sống trong ảo tưởng cho rằng mọi sự đều đã được quyết định rồi. Thật ra chúng ta đang sống trong thế giới tạm thời. Một vài biến cố nhỏ cũng đủ làm cho tất cả xáo trộn trong đời sống chúng ta: cái chết của một người thân, mất việc làm, một tai nạn, một căn bệnh hiểm nghèo, một thất bại. Và cũng không có gì chắc chắn cho ngày mai. Do vậy, lời mời gọi tỉnh thức của Chúa phải được nghiêm chỉnh tiếp nhận
Nhưng tỉnh thức không có nghĩa là vùi đầu trong bi quan và chịu đựng. Bài tin mừng mời gọi chúng ta phải lạc quan chờ đợi. Một vài ngày trước cuộc Khổ nạn, Chúa Giêsu đã loan báo mùa hè phục sinh cho Ngài và cho thế gian. “Khi những cành cây vả đổi màu, khi những chồi non bắt đầu ló hiện, anh em biết mùa hè gần đến. Cũng thế, ngày Nước Thiên Chúa tỏ hiện huy hoàng sắp đến”.
Nếu Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta, thì không phải chỉ để chúng ta sống một vài chục năm trên thế gian mong manh và đầy xáo trộn, đầy những giới hạn và quay cuồng, trong khi ước muốn của chúng ta đều hướng về vô hạn. Nếu Thiên Chúa để cho chúng ta sống trong thế giới nầy, chính là để chúng ta cộng tác với Ngài để chuẩn bị cho thế giới mới. Thế giới tình yêu, trong đó mỗi người tìm được niềm vui trong hạnh phúc của người khác. Thế giới công bằng, nơi mà tất cả mọi người đều được dự phần hưởng hạnh phúc sự sống. Thế giới hòa bình, nơi mà tất cả mọi người có những tương quan thực sự huynh đệ, trong sự cảm thông và hiểu biết đối với những người khác biệt về văn hóa, tôn giáo và niềm tin. Thế giới nơi mà chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa, theo cách nói của ông Gióp, là Đấng mà nhiều người tìm kiếm nhưng không biết. Sách Khải huyền nói với chúng ta: “Thiên Chúa sẽ ở với con người, Ngài sẽ lau sách nước mắt họ, sẽ không còn sự chết nữa, không còn đau khổ nữa, vì thế giới cũ đã biến mất rồi”.
Dù sự thật khó tin, chúng ta tin vào Lời hứa ấy, vì Thiên Chúa đã không tạo dựng chúng ta để chết muôn đời, nhưng không ngừng làm nẩy sinh sự sống cho dù điều gì sẽ xảy ra. Tôi tin vào Chúa Giêsu lặp lại với chúng ta: “Ta là Sự Sống lại và là sự sống”. Khi Chúa Giêsu nói với chúng ta về sự sống lại và là sự sống, không chỉ sau cái chết. Chính trong ngày hôm nay mà mỗi người được kêu gọi vào một sự sống đổi mới.
Thế thì, chúng ta hãy cùng thức tỉnh. Chồi non báo hiệu mùa hè đã xuất hiện. Sứ điệp tin mừng không ngừng nẩy mầm: “Một cây ngã xuống gây nhiều tiếng động hơn cả khu rừng đang lớn lên”. Chúng ta hãy cùng nhau dồn mọi nỗ lực chuẩn bị Vương quốc tình yêu, công chính và bình an, nơi mà Thiên Chúa muốn qui tụ tất cả mọi người trong sự hòa giải nơi Chúa Giêsu Kitô.
Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc