Lời Chúa Chúa Nhật, 11-02-2024 MỒNG HAI TẾT. KÍNH NHỚ TỔ TIÊN, ÔNG BÀ CHA MẸ Mt 15, 1-6 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài dạy ta mến Chúa yêu người”

LECTIO DIVINA

Chúa Nhật, 11-02-2024

MỒNG HAI TẾT. KÍNH NHỚ TỔ TIÊN, ÔNG BÀ CHA MẸ

Mt 15, 1-6

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài dạy ta mến Chúa yêu người

1.LECTIO

Tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa ?

Không giống như những đám người khiêm tốn “van xin Chúa Giêsu cho họ chạm vào, dù chỉ là tua áo choàng của Chúa” (Mc 6, 56), những người Pharisiêu và các kinh sư khác “từ Giêrusalem đến, tụ tập quanh Đức Giêsu”; họ vây quanh Chúa như những quan tòa đứng xung quanh một bị cáo. Câu họ chất vấn Chúa đã là một lời buộc tội ngầm : “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân ?Nghe câu này, tự nhiên chúng ta dễ nghĩ ngay rằng các môn đệ của Chúa đã phạm tội lệch lạc nghiêm trọng về giáo lý hoặc luân lý ; tuy nhiên, đây không phải là chuyện phạm tội, vì đối tượng của cuộc tranh cãi xoay quanh một quy tắc vệ sinh cơ bản : rửa tay trước khi ăn. Vậy, “truyền thống của tiền nhân”, tức là tôn giáo của Cha Ông, hệ tại điều gì ? Đặt câu hỏi như vậy có vẻ vu vơ, thậm chí vụn vặt, đối với chúng ta, những người đã tách rời đức tin khỏi cuộc sống đến mức các dấu hiệu thuộc về Truyền thống Kitô giáo thường bị giới hạn chỉ vào việc tham gia phụng vụ Chúa Nhật. Nhưng, đối với Israel, mọi hoạt động đều có chiều kích tôn giáo thiết yếu ; vì vậy, truyền thống của tiền nhân đã thiết lập một số quy định – cầu nguyện, chúc tụngcác nghi thức khác – nhằm giúp người tín hữu không ngừng ghi nhớ định hướng siêu nhiên cho cuộc sống hng ngày của mình.

Chúa Giêsu không hề muốn thể hiện mình như một người bảo vệ một chủ nghĩa thế tục hóa, vốn có tham vọng gửi trở lại lãnh vực riêng tư sự thể hiện đức tin và việc thuộc về một cộng đoàn tín hữu. Nhưng Chúa chống lại một thực hành tôn giáo trống rỗng linh hồn, trống rỗng nội tâm, trống rỗng ý hướng thiêng liêng. Chủ nghĩa nghi thức không thực hiện được những gì đã định: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng” (1 Cr 13, 1). Không có lòng bác ái, thì “truyền thống của tiền nhân” là vô ích ; nó không còn là biểu hiện của một thái độ nội tâm của đức tin, nghĩa là đời sống hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con trong Thần Khí.

Ví dụ được Chúa đưa ra để minh họa cho quan điểm của Chúa đã tố giác sự đồi bại trong sự lệch lạc của họ. Điều răn của Thiên Chúa được nói rõ trong Kinh Thánh : “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi”, đã bị bãi bỏ bởi một mệnh lệnh thuộc một truyền thống hoàn toàn loài người, mà động cơ của chúng khác xa với mục đích tâm linh, vì chúng nhắm đến lợi nhuận của đền thờ và đặc biệt là lợi nhuận của những người phục vụ đền thờ. Dưới chiêu bài tôn giáo, “truyền thống của tiền nhân” đặt lợi ích của giai cấp tư tế lên trước lòng bác ái cơ bản nhất, bất chấp giới luật của Thiên Chúa. “Các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa”: đó là sự nhận định đau đớn được Chúa nêu lên khi Chúa quan sát hành vi của những người Pharisiêu trong thời của Chúa và của mọi thời đại, kể cả thời của chúng ta.

2.MEDITATIO

ĐTC Phanxicô dường như cũng muốn dạy chúng ta cử hành MỒNG HAI TẾT GIÁP THÌN, KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ : “Trước hết, chúng ta nói về cha mẹ ruột của chúng ta. Đức Giêsu nhắc lại cho những người Pharisiêu rằng việc bỏ rơi cha mẹ là trái với Luật của Thiên Chúa (Mc 7, 8-13). Mọi người chúng ta đều phải ý thức mình là con. Trong mỗi con người, ‘cho dẫu đã trở thành người lớn, hay cao niên, cho dẫu đã làm cha làm mẹ, nếu như có mang một chức trách nào đó, thì bên dưới tất cả các vai trò ấy vẫn còn căn tính của người con. Tất cả chúng ta đều là con. Và điều này luôn dẫn ta trở lại với sự thực, đó là sự sống không phải là cái chúng ta đã trao ban nhưng là cái chúng ta đã được lãnh nhận. Tặng phẩm sự sống vĩ đại là món quà đầu tiên chúng ta đã nhận được” (Amoris Laetitia, 188).

Vì vậy, ‘điều răn thứ tư đòi buộc con cái […] phải thảo kính cha mẹ (x Xh 20,12). Điều răn này đứng liền ngay sau những điều răn liên quan đến chính Thiên Chúa. Thật vậy, nó hàm ẩn một điều gì đó thánh thiêng, một cái gì đó thần linh, một cái gì đó thuộc cội rễ của mọi hình thức tôn kính khác giữa loài người với nhau. Và biểu thức Kinh Thánh về điều răn thứ tư còn nói thêm: ‘để ngươi được sống lâu trên đất mà Chúa là Thiên Chúa của ngươi sẽ ban cho ngươi’. Mối liên kết đạo đức giữa các thế hệ là một bảo đảm cho tương lai, và là bảo đảm cho một lịch sử thật sự nhân bản. Một xã hội mà trong đó con cái không tôn kính cha mẹ là một xã hội không đáng kính […]. Đó là một xã hội sẽ gồm toàn những người trẻ cằn cỗi và tham lam(Amoris Laetitia, 189).

3.ORATIO

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã khiển trách những người Pharisiêu và các kinh sư là đã “gắn bó” với các truyền thống và giới luật của con người, dẫn đến nguy cơ quên mất giới luật yêu thương. Chúa cũng chỉ trích họ là chỉ nhìn vẻ bề ngoài thay vì nhìn vào tâm hồn. Chúa cho thấy, tôn giáo chân chính, theo tiên tri Isaia, là có tấm lòng gần gũi với Thiên Chúa và yêu thương mọi người. Lạy Chúa, xin giúp con điều chỉnh lời nói và hành vi của mình cho phù hợp với luật yêu thương của Chúa.

4.CONTEMPLATIO

Tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa ?

5.ACTIO

Sống lời Chúa trong sách Huấn Ca (Hc 3, 3-7. 14-17a) : “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái ; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi ; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ.

Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi”.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.