LECTIO DIVINA
Chúa Nhật XXXII-TN_A, 12–11-2023
Mt 25, 1-13
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là Chàng Rể đang đến”
“Chú rể kia rồi, ra đón đi !”
Dụ ngôn mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể (Mt 25, 1-13), là một phần trong diễn từ cánh chung của Chúa Giêsu được Matthêu ghi lại, đồng thời là một trong ba dụ ngôn kết luận trong trình thuật Tin Mừng của Matthêu. Các câu chuyện dụ ngôn này khích lệ các Kitô hữu chuẩn bị mình cho sự trở lại của Chúa vào cuối thời gian. Cùng với Dụ ngôn về người quản gia tận tâm (Mt 24, 45-51), được đọc vào Thứ Năm Tuần Hai mươi mốt Thường Niên, và Dụ ngôn về các yến bạc (Mt 25, 14-30), được công bố vào Chúa Nhật ba mươi Thường Niên, Năm A, dụ ngôn cánh chung của Chúa Nhật này giúp chúng ta hiểu cách thế để sống ngày hôm nay trong viễn tượng của Ngày chắc chắn sẽ đến. Về phương diện thần học, câu chuyện về các trinh nữ khôn ngoan và khờ dại thật thích hợp, vào cuối năm phụng vụ, cho việc Giáo hội đặt trọng tâm vào sự chúng ta cần chuẩn bị cho thời gian kết thúc.
Dụ ngôn cánh chung của Chúa Nhật này nói về hai loại người phù dâu : người khờ dại và người khôn ngoan. Harold Buetow giải thích: “Tại sao người khờ dại lại khờ dại ? Thưa, vì họ không suy gẫm về những nét đặc trưng xuất hiện nhiều lần trong cuộc sống, và vì vậy họ không nhận ra rằng tiệc cưới này, như thường lệ trong Kinh Thánh, tượng trưng cho sự cứu rỗi đời đời, là tất cả. Muốn vào đó đòi phải đầu tư toàn bộ con người. Vậy mà người ta chỉ mạo hiểm đầu tư cầm chừng, do dự, thiếu dứt khoát, trong khi dấn thân vào các lợi ích khác. Vì vậy, họ đã không chuẩn bị tốt cho việc thanh toán sổ sách cuối cùng… Và tại sao những người khôn ngoan lại khôn ngoan ? Thưa, đó là vì họ đã suy nghĩ sâu xa về cuộc sống và họ là những chuyên gia trong việc bắt những thặng dư của cuộc sống phải phụ thuộc vào lợi ích chính của họ”. Thật vậy, năm cô phù dâu khờ dại minh họa cho sự thiếu khôn ngoan hoàn toàn của những người không coi Thiên Chúa là quan trọng. Năm cô phù dâu khôn ngoan nêu bật những tâm hồn tỉnh thức của những tín hữu biết chuẩn bị mình cho cuộc gặp gỡ cuối cùng của mình với Thiên Chúa.
Chàng Rể trong Dụ ngôn về mười trinh nữ cầm đèn ra đón chàng rể tượng trưng cho Đức Kitô, Đấng được chờ đợi của sự quang lâm (parousia). Học giả Kinh thánh, Eugene Maly giải thích rằng: “Trung tâm của sự quang lâm là việc được hưởng trọn vẹn Nước Trời với Chúa và với nhau. Dụ ngôn trong Tin Mừng Matthêu cho chúng ta hiểu biết sâu hơn. Chàng rể tượng trưng cho Đức Kitô được chờ đợi trong sự quang lâm của Ngài. Giờ nửa đêm không có nghĩa là giờ đã được xác định rõ. Đúng hơn thì, giờ nửa đêm diễn tả sự không chắc chắn (họ đang ở trong bóng tối) liên quan đến thời điểm Đức Kitô đến. Hai nhóm phù dâu tượng trưng cho những người được và không được tham gia sự kiện. Sự chuẩn bị sẵn sàng là tiêu chí cuối cùng. Chủ đề về sự chuẩn bị chắc chắn là một trong những lý do khiến Giáo Hội, ở một số nơi trong kinh nguyện Thánh Thể, nhắc chúng ta nhớ đến việc Chúa trở lại. Nếu đôi mắt của chúng ta hướng về mục tiêu vinh quang đó, chúng ta có nhiều khả năng giữ được cho ngọn đèn thiêng liêng của mình luôn cháy sáng và sẵn sàng cho sự đón nhận Chúa”.
Qua mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô, thời gian của sự quang lâm, theo một nghĩa nào đó, đã bắt đầu. Ngay lúc này đây, Giáo Hội bắt đầu cảm nghiệm sự quang lâm của Đức Kitô qua việc tham dự mật thiết vào mầu nhiệm vượt qua của Ngài.
Lạy Thiên Chúa mến yêu, Chúa thật rực rỡ và kỳ diệu biết bao! Trong Chúa Giêsu, sự Khôn Ngoan nhập thể, Chúa đã tìm kiếm chúng con, và chúng con để cho mình được Chúa tìm kiếm. Chúa Giêsu là Chàng Rể và là Chúa của Nước Trời. Ngài đến để đưa chúng con tới bữa tiệc trên trời, nhưng chúng con cần chào đón Ngài bằng những ngọn đèn cháy sáng tỏa ra chân lý về sự tự hiến hoàn toàn của chúng con. Theo tinh thần của Thánh Phaolô đầy khôn ngoan, chúng con xin là những sứ giả của niềm hy vọng cho những ai mất người thân. Xin giúp chúng con đảm bảo với những người đau buồn rằng những người thân yêu đã khuất của họ đang được Chúa chăm sóc. Thật vậy, những người quá cố thân yêu của chúng con sẽ được mang trở lại với Chúa trong Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại để cứu độ chúng con. Chúng con tin rằng những tín hữu đã ra đi sẽ trải nghiệm cuộc sống sung mãn nhờ quyền năng của sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Chúng con được an ủi sâu sắc rằng chúng con sẽ luôn được ở bên Chúa và sống trong sự hiện diện của Chúa, đến muôn đời. Amen.
“Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.