Lời Chúa Chúa Nhật XXXI-TN_A, 05-11-2023 Mt 23, 1-12 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là Tôn Sư duy nhất của chúng ta”

LECTIO DIVINA

Chúa Nhật XXXI-TN_A, 0511-2023

Mt 23, 1-12

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là Tôn Sư duy nhất của chúng ta

1.LECTIO

Họ nói mà không làm

Trong bài Tin Mừng hôm nay (Mt 23, 1-12), thánh sử Mátthêu gom vào một chỗ nhiều lời chỉ trích mạnh mẽ của Chúa Giêsu nhắm đến các kinh sư và người Pharisiêu. Những lời chỉ trích cơ bản là chống lại sự ngặt nghèo trong việc giải thích Luật pháp cũng như sự phù phiếm và đạo đức giả của họ. Eugene Maly nhận xét: “Vì sự lừa dối lớn lao của những người Pharisiêu ở đây, cái ác của thói đạo đức giả đã được quy gán cách đáng tiếc cho mọi người Pharisiêu ở mọi thời đại. Không có lý do gì để nghi ngờ sự kiện Chúa Giêsu đã lên án một số người Pharisiêu vào thời của ngài. Nhưng cường độ mãnh liệt của bài đọc hôm nay có lẽ phần lớn là do hoàn cảnh lịch sử vào thời Matthêu, ở phần sau của thế kỷ thứ nhất”. Trong cộng đoàn của Matthêu, có những người lãnh đạo “xấu và tốt” và thậm chí là vô ích. Qua việc nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã dạy khi Chúa bêu xấu các kinh sư và người Pharisiêu, những người có hành vi đáng tiếc khiến Chúa phẫn nộ, thánh sử Matthêu củng cố lập trường của Vị Tôn Sư thần linh về cách đối phó với gương xấu của những người lãnh đạo vô ích.

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay phải được hiểu một cách chính xác, kẻo chúng ta đưa ra những kết luận sai lầm và nguy hiểm. Các tác giả của Bộ sách Những ngày của Chúa, tập. 4, giải thích: “Trước hết, ở đây chúng ta không thấy có việc lên án sự đa dạng và phân biệt các chức năng và tác vụ trong Giáo Hội và các cộng đoàn Giáo Hội ; những điều này là cần thiết để vận hành trơn tru cộng đoàn, cách riêng cộng đoàn phụng vụ. Giáo Hội giống như một cơ thể được cấu trúc tốt, cần có các thành viên đa dạng, mỗi thành viên hoàn thành vai trò của mình, không khoe khoang về điều đó (1 Cr 12, 12-31). Cũng vậy, không có sự lên án triệt để nào ở đây đối với tất cả các chức danh thường chỉ về những người thi hành thừa tác vụ. Nhưng họ phải mang các danh hiệu, danh xưng như một đòi hỏi chứ không phải như dấu hiệu của danh dự. Cuối cùng, trong các cử hành phụng vụ, phù hiệu (biểu hiệu) của các chức năng khác nhau không phải là đồ trang sức ; chúng cho thấy ai là ai và ai làm gì: thật là một điều thích hợp khi một sự hội họp đòi phải có cấu trúc rõ ràng. Điều này cũng đúng với sự phân bổ các chỗ ngồi. Một số người đòi hỏi theo chủ nghĩa bình đẳng quên rằng một cuộc hội họp không phải là một đám đông vô định hình. Họ bỏ qua những gì phù hợp không chỉ với trật tự tốt đẹp phải áp dụng trong Giáo Hội và các cuộc hội họp, mà còn với cả những quy luật cơ bản trong đời sống của một nhóm và sự tôn trọng lẫn nhau”.

Tin Mừng hôm nay, trước hết, là một lời mời gọi chúng ta hướng mắt về Người Cha duy nhất của chúng ta ở trên trời và hướng về Đức Kitô, Vị Tôn Sư thần linh, Đấng đã cho chúng ta gương mẫu về việc trở thành tôi tớ và được tôn vinh vì đã hạ mình trong tình yêu và sự phục vụ. Trong tông huấn về việc Dạy Giáo Lý, Thánh Gioan Phaolô II nhận xét: Đấng giảng dạy với uy quyền đáng được tôn phong với tước hiệu duy nhất “Tôn Sư” … Hình ảnh Đức Kitô Tôn Sư vừa uy phong vừa quen thuộc, vừa đáng phục vừa đáng tin cậy… tôi không quên rằng chỉ có thể giải thích uy phong của Đức Kitô là Tôn Sư cùng sự kiên định độc đáo và tính thuyết phục trong giáo huấn của Ngài bằng sự kiện là Lời của Ngài, các dụ ngôn của Ngài và các lý luận của Ngài không bao giờ tách biệt với đời sống và con người của Ngài.  Như thế, toàn thể đời sống của Đức Kitô là một giáo huấn liên tục: sự im lặng của Ngài, các phép lạ Ngài làm, các cử chỉ của Ngài, các lời cầu nguyện của Ngài, tình yêu mà Ngài dành cho dân chúng, lòng quý mến đặc biệt của Ngài đối với những người bé nhỏ và người nghèo, việc Ngài chấp nhận hy sinh hoàn toàn trên Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại, và sự sống lại của Ngài là sự thể hiện Lời của Ngài và làm tròn mặc khải.  Vì vậy đối với Kitô hữu, Thánh Giá là một trong những hình ảnh siêu phàm và phổ thông nhất của Đức Kitô là Tôn Sư”.

2.MEDITATIO
Tôi mưu cầu lợi ích riêng tư và vinh quang hão huyền hay tôi khiêm tốn hướng về Chúa Giêsu, Vị Tôn Sư thần linh, để được hướng dẫn theo cách của Ngài ?
Tôi có quyết tâm chia sẻ Tin Mừng với con người ngày nay bằng lời nói và việc làm không ? Tôi có nỗ lực trao ban Lời cứu độ cho thế giới cũng như cho chính bản thân tôi không ?
3.ORATIO

Lạy Thiên Chúa mến yêu, xin giải thoát chúng con khỏi sự giả dối và lừa lọc. Xin giải phóng chúng con khỏi thói xấu là vụ lợi và ích kỷ. Xin ban cho chúng con ơn bắt chước Chúa Giêsu là Vị Tôn Sư thần linh. Xin dạy chúng con đi theo đường lối khiêm tốn của Ngài. Ước gì tâm trí Ngài soi sáng chúng con, ý chí Ngài củng cố chúng con, và trái tim Ngài đốt nóng chúng con. Như Thánh Phaolô Tông đồ, người hoàn toàn nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Kitô, xin giúp chúng con cống hiến cho thế giới bị chia cắt ngày nay ân huệ của Tin Mừng và chính bản thân của chúng con. Xin cho Lời Chúa khi được công bố cho thế gian, sẽ được tiếp nhận không phải như lời của con người, nhưng là Lời thanh tẩy và ban sự sống của chính Chúa. Xin cho các tín hữu biết truyền bá Tin Mừng cho mọi dân tộc, mọi nền văn hóa và mọi tạo vật với cùng một tình yêu đã được Vị Tôn Sư thần linh dùng khi rao giảng Tin Mừng. Chúng con cảm tạ và ngợi khen Cha ; chúng con tôn vinh và tôn thờ Cha ; chúng con yêu mến và phục vụ Cha, bây giờ và mãi mãi. Amen.

4.CONTEMPLATIO

Anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô

5.ACTIO
Tôi cầu nguyện cho tất cả các người làm thầy dạy luôn trong sáng, đáng tin cậy và chân thực trong cách họ giảng dạy.
Trong lời nói và việc làm, tôi chia sẻ lời dạy chân thật của Đức Kitô cho những người chung quanh tôi.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

.

Comments are closed.