LECTIO DIVINA
Thứ Ba Tuần I Mùa Chay, 28-02-2023
Mt 6, 7-15
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài dạy chúng ta cầu nguyện”
“Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này”
Chúng ta đã thuộc Lời kinh Lạy Cha Chúa Giêsu dạy, nhưng nhiều lần chúng ta đã cầu nguyện như con vẹt, nghĩa là chỉ đọc thuộc lòng Kinh Lạy Cha, mà không nghĩ gì đến ý nghĩa của Kinh đó. Mùa Chay là thời gian đặc biệt để đi sâu vào ý nghĩa của Lời Kinh Chúa Giêsu dạy, và chuyển dịch nó vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Trong Tin Mừng hôm nay (Mt 6, 7-15), Chúa Giêsu dạy chúng ta Kinh Lạy Cha. Cầu nguyện là hoàn toàn vâng phục ý muốn cứu độ của Chúa. Thánh Tôma Aquinô nhận xét: “Lời Kinh Lạy Cha Chúa Giêsu dạy là lời cầu nguyện hoàn hảo nhất… Trong đó chúng ta xin, không chỉ cho những điều chúng ta có thể mong muốn một cách đúng đắn, mà còn xin theo trình tự mà những điều đó được mong muốn. Lời Kinh Lạy Cha không chỉ dạy chúng ta xin các thứ, mà còn dạy chúng ta nên xin theo thứ tự nào”. Những điều trước nhất chúng ta mong muốn và cầu xin, là sự tôn vinh Thiên Chúa, tức là xin cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến và Ý Chúa Cha được thể hiện. Chỉ lúc đó, những lời xin của chúng ta mới có thể tập trung vào những nhu cầu của con người.
Lời Kinh Lạy Cha Chúa Giêsu dạy mời chúng ta đặt niềm tin tuyệt đối vào Chúa Cha. Tư thế làm con được đề nghị trong khuôn mẫu này, giúp chúng ta sẵn sàng, tỉnh thức và điều chỉnh sao cho phù hợp hơn với ý muốn của Thiên Chúa. Cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha” là một bài tập về sự từ bỏ chính mình. Cầu nguyện như thế dẫn đến sự trưởng thành thiêng liêng.
“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con ; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen”.
“Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này”
ĐTC Phanxicô khuyên các gia đình đẩy mạnh việc cầu nguyện: “Nếu gia đình luôn qui hướng về Đức Kitô, Người sẽ hiệp nhất và soi sáng toàn thể đời sống của gia đình. Những khổ đau và những vấn đề của gia đình trải nghiệm trong sự thông hiệp với Thập Giá của Chúa, và được Người ôm lấy sẽ giúp gia đình chịu đựng được những thời khắc tồi tệ. Trong những ngày giờ cay đắng của gia đình, việc kết hợp với Đức Giêsu bị bỏ rơi có thể giúp tránh được sự đổ vỡ. Các gia đình dần dần, ‘đạt đến sự thánh thiện của mình qua đời sống hôn nhân, bằng ân sủng của Thánh Thần và bằng việc tham dự vào mầu nhiệm thập giá Đức Kitô, nhờ đó những khó khăn và đau khổ chuyển hóa thành một hiến lễ tình yêu’. Mặt khác, những khoảnh khắc của niềm vui, thư giãn hay những dịp lễ mừng, và ngay cả tình dục cũng được xem như một sự tham dự vào sự viên mãn của Đấng Phục Sinh. Bằng những cử chỉ khác nhau trong đời sống hằng ngày, các đôi vợ chồng tạo nên một ‘không gian đối thần, trong đó họ có thể cảm nghiệm sự hiện diện bí nhiệm của Chúa phục sinh’ ” (Amoris Laetitia, 317).
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.