Thứ Ba Tuần I Mùa Chay – 28/02/2023

Lời Chúa: Mt 6, 7-15

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhậm lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa trước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em”.

 


Suy niệm

CẦU NGUYỆN NHƯ CHÚA DẠY

“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhậm lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6, 7-8).

Trên thế giới có nhiều những tôn giáo và mỗi tôn giáo có đối tượng niềm tin khác nhau. Tuy nhiên, giữa những niềm tin khác nhau ấy, các tôn giáo đã gặp nhau ở một điểm chung, một hoạt động có tính cách đồng nhất: đó là cầu nguyện . Cầu nguyện và tôn giáo luôn song hành đến độ không thể tách rời nhau. Với Kitô giáo, cầu nguyện là một yếu tố thường hằng, là hơi thở và là trung tâm của đời sống Kitô hữu. Thánh tiến sĩ Gioan Kim Khẩu đã ví von việc cầu nguyện với chuyện cá và nước: “Bao lâu cá ở trong nước, nó vẫn sống, hoạt động và tăng trưởng, nhưng nếu nó bị bắt ra ngoài, chắc chắn nó chết. Cũng vậy, nếu không cầu nguyện họ sẽ mất ơn Chúa giúp, rồi dần dần họ sẽ mất sự sống siêu việt không khác nào cá phải chết vì không có nước” . Tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong đời sống là vậy, thế nhưng không ít Kitô hữu lại cảm thấy khó khăn và không biết phải cầu nguyện thế nào.

Đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cách cầu nguyện. Cầu nguyện không hẳn là một kỹ thuật, một công việc, một kiến thức hay một điều gì đến từ bên ngoài, nhưng là một thúc đẩy căn bản phát xuất từ bên trong, một tâm tình phó thác, tin tưởng, cậy trông vào Chúa và biết cầu xin những điều tốt lành như Chúa dạy trong Kinh Lạy Cha. Cũng vậy, khi cầu nguyện, Chúa dạy chúng ta đừng lải nhải nhiều lời, vì Thiên Chúa là Cha chúng ta, Người biết rõ tất cả những nhu cầu, những điều chúng ta cần và Người còn ban những điều tốt đẹp hơn những gì chúng ta mơ ước. Chúa Giêsu không muốn để lại cho chúng ta một công thức máy móc được lặp đi lặp lại bằng khẩu nguyện, nhưng chính trong Ngôi Lời Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần đã dạy cho con cái Thiên Chúa biết cầu nguyện với Chúa Cha và phải sống như thế nào trong mối tương quan với tha nhân.

x. Lm VŨ VĂN TỰ CHƯƠNG, Từ suy niệm đến chiêm niệm, Nxb Phương Đông, 2008, tr. 60

Lm F.X. NGUYỄN HỮU TẤN, Vấn đề cầu nguyện, tập 1: cầu nguyện, Nxb Tôn Giáo, 2015, tr. 19

Cuộc sống con người hàng ngày luôn phải đối diện với những bất ngờ xảy đến, những khó khăn và thử thách, những điều đó có khi vượt quá giới hạn của mình. Thế nhưng, trong đức tin, người Kitô hữu luôn được nâng đỡ và được sống trong tình yêu thương quan phòng của Chúa. Xin Chúa cho mỗi chúng ta, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống, luôn biết sống tâm tình con thảo, xác tín và cậy trông vào Thiên Chúa là Đấng giàu tình thương và mở ra với tha nhân bằng một cuộc sống biết hy sinh, khiêm nhường .


Comments are closed.