CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXVII-TN_C, 02-10-2022
֎
TIN VÀ XÉT LẠI VIỆC TIN
Trong thời kỳ bạo tàn, áp bức, tiên tri Ha-ba-cúc tự hỏi mình về sự Thiên Chúa chậm đáp lại lời cầu nguyện của ông. Thế rồi, chính Thiên Chúa, trong một thánh vịnh tạ ơn, bày tỏ sự nghi ngờ của Ngài về việc con người thực sự lắng nghe lời Thiên Chúa. Còn, trong Tin Mừng, Chúa Giêsu củng cố các môn đệ và nhắc nhở họ về hiệu lực của đức tin.
Bài đọc I : Hbc 1, 2-3 ; 2, 2-4
Sách Ha-ba-cúc khá ngắn gọn: chỉ có ba chương. Nhưng thật là hiệu quả, vào lúc mối đe dọa Babylon chẳng mấy chốc nữa sẽ xuất hiện ! Phần đầu của bài đọc là lời phàn nàn và chất vấn về thái độ của Chúa, Đấng dường như không thể ngăn chặn bạo tàn, cướp bóc và khốn khổ vốn đang hoành hành. Lời phàn nàn của Ha-ba-cúc đã được lắng nghe, và Chúa mời Ha-ba-cúc viết ra “một thị kiến sẽ xảy ra vào thời ấn định”, một thị kiến “sẽ không làm ai thất vọng”. Tuy nhiên, dân chúng phải làm phần việc của mình, đó là tôn trọng công lý cho dù thế nào đi nữa. Ha-ba-cúc sẽ tiếp tục đặt những câu hỏi với Thiên Chúa (chương 2) và nói ra một lời cầu nguyện dài (chương 3) chuyển động qua lại giữa than thở và vui mừng trong Chúa.
Thánh vịnh đáp ca : Tv 95 (94)
Tác giả thánh vịnh không cầu nguyện một mình. Bằng chứng là có vô số mệnh lệnh ở số nhiều: “Các ngươi chớ cứng lòng”, “Hãy lắng nghe tiếng Chúa”, “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa”, “Vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ”, v.v. Hai khổ thơ đầu tập trung vào việc lắng nghe, tung hô, thờ lạy và nhìn nhận Thiên Chúa của Israel. Nhưng trong khổ thơ thứ ba, giọng điệu thay đổi hoàn toàn, với câu hỏi : “Ngày hôm nay, anh em có lắng nghe tiếng Chúa?”. Mặc dù ta được sống những phụng vụ đẹp đẽ và cầu nguyện với các thánh vịnh, thách đố vẫn luôn là thân tình lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành.
Bài đọc II : 2 Tm 1, 6-8.13-14
Phaolô là một nhà truyền giáo và một thần học gia rất vĩ đại. Nhưng đừng quên rằng Phaolô biết cách tập hợp quanh mình các môn đệ, thuộc nam giới cũng như nữ giới, và thông truyền cho họ “tinh thần sức mạnh, tình thương và sự tự chủ” trong việc xây dựng các cộng đoàn mới hoặc trong sự củng cố các cộng đoàn đó. Đang khi còn là một tù nhân, Phaolô đã ở đúng vị thế của mình để nhắc cho Timôthê nhớ rằng “việc loan báo Tin Mừng” chắc chắn sẽ kéo theo nhiều đau khổ, nhưng cũng nhớ rằng “kho tàng đức tin” là nguồn “cái đẹp”. Timôthê không có sự hiện diện của Phaolô, nhưng Timôthê có thể trông cậy vào sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.
Tin Mừng : Lc 17, 5-10
Các Tông đồ đã không quên đặt những câu hỏi và trình những yêu cầu lên Chúa Giêsu. Đến lượt mình, Chúa đã chất vấn họ và muốn biết sự hiểu biết của họ về Kinh Thánh và về các dụ ngôn của Chúa. Các Tông đồ đã xin Chúa Giêsu dạy họ cầu nguyện (Lc 11, 1), và bây giờ, với sự khiêm nhường cao độ, họ nói với Ngài: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con !” Chúa trả lời cách gián tiếp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải…”. Do đó, vấn đề của các môn đệ là đã đánh giá thấp sức mạnh của đức tin, vốn dĩ là yếu tố làm nên những điều kỳ diệu. Chúa tiếp tục dạy dỗ các môn đệ khi nhắc nhở họ rằng họ là “đầy tớ đơn thuần”, rằng họ có một “bổn phận” ; bổn phận này mang trong nó phần thưởng, vì họ noi gương Đức Kitô, Đấng đã “đến […] để phục vụ” (Mt 20, 28).
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.