CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XIX-TN_C, 07-8-2022
֎
“PHÚC THAY DÂN TỘC” BIẾT TIN, YÊU VÀ HY VỌNG
Các bài đọc hôm nay mô tả niềm hạnh phúc của các tín hữu thời Cựu Ước với những tiếng reo vui và ngợi khen của họ, và niềm hạnh phúc của các môn đệ của Chúa Giêsu, những người phải “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” để đón mừng sự trở lại của Đức Kitô.
Bài đọc I : Kn 18, 6-9
Được viết vào khoảng năm 30 trước Công nguyên, sách Khôn ngoan là cuốn cuối cùng trong Kinh Bộ Kitô giáo. Được soạn bằng tiếng Hy Lạp nhằm lợi ích của cộng đoàn người Do Thái ở Alexandria, cuốn sách này không được lưu giữ trong Kinh Bộ Do Thái giáo. Tuy nhiên, nội dung của sách rất đậm chất Do Thái. Người ta gặp thấy ở đó trình thuật phong phú và mở rộng nhất, sau đoạn 12 của sách Xuất Hành, về “đêm vượt qua giải thoát” đáng nhớ. Tác giả nói về sự biết trước của Cha Ông, về “sự cứu thoát những người chính trực” và về sự đón nhận nồng nhiệt và hân hoan của con cái Israel. Những người này “đồng tâm nhất trí nhìn nhận luật Thiên Chúa”. Lễ Vượt Qua được cử hành “âm thầm trong nhà của họ”, nhưng mọi người đều chia sẻ niềm vui được giải thoát và “ca lên những bài ca ngợi khen các Tổ phụ”.
Thánh vịnh đáp ca : Tv 33 (32)
Thánh vịnh hoàn toàn ăn khớp với niềm hân hoan được mô tả trong bài đọc I. Nó bao gồm một mối phúc kép liên quan đến dân tộc “có Chúa là Thiên Chúa” và “quốc gia mà Chúa chọn làm gia nghiệp của mình”. Mọi sự bắt đầu với sự lựa chọn của Thiên Chúa và các sáng kiến của Ngài để giải thoát dân của Ngài “khỏi cái chết”, nhưng dân phải cộng tác vào. Khổ thơ thứ ba dùng chữ “chúng con” đã nói cách tài tình tới bản chất của mối quan hệ tương hỗ giữa dân Israel và Chúa: “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài”.
Bài đọc II : Dt 11, 1-2.8-19
Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đưa ra ở đây một bằng chứng hiển nhiên về đức tin của “các tiền nhân”, đức tin được mô tả như là “cách sở hữu những gì người ta hy vọng”. Trong các tiền nhân này, có các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop, và cả bà Sara, người phối ngẫu của Abraham và là mẹ của một “dòng dõi đông như sao trên trời”. Cả bốn vị đều là “những ngoại kiều và những lữ khách”, đã lên đường trong sự mong ước “một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời”. Dù không ai trong họ sinh ra trên đất Israel, nhưng tất cả đều tin vào những lời hứa của Thiên Chúa. Abraham vẫn là cha của các kẻ tin, cả người Do Thái lẫn Kitô hữu, tất cả đều bị chất vấn bởi Chúa Giêsu, Đấng kêu mời họ làm “công việc của Abraham”.
Tin Mừng : Lc 12, 32-48
Chúa Giêsu đả kích những người Pharisiêu và các luật sĩ là những người chất lên “người ta những gánh nặng không thể gánh nổi”, trong khi chính họ cũng không dám đụng đến những gánh đó (x. Lc 11, 46). Chúa tố giác tính hai mặt của họ và buộc tội họ xây dựng lăng mộ của các tiên tri mà cha ông của họ đã giết chết. Ra khỏi nhà của người Pharisiêu đã mời Ngài, Chúa Giêsu gặp lại đám đông và các môn đệ của mình. Chúa coi họ là “đoàn chiên nhỏ bé” và nhấn mạnh niềm hạnh phúc ban cho họ là được dự phần Nước Trời. Kế đến là một loạt các khuyến nghị tích cực : thực hành bố thí, chân thành tìm kiếm “kho tàng không thể hao hụt”, “quần áo phục vụ” và chờ đợi “chủ đi ăn cưới về”. Những lời này áp dụng cho tất cả mọi người, kể cả các môn đệ. Tất cả phải cư xử như “người quản gia trung tín và khôn ngoan” mà người chủ, khi trở về, có thể khen ngợi vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.