CHÚA THÁNH THẦN “ĐỒNG THIẾT LẬP” GIÁO HỘI

0CHÚA THÁNH THẦN “ĐỒNG THIẾT LẬP” GIÁO HỘI

Bài 1

Phân tích cấu trúc Tín Biểu Nixê-Constantinope, chúng ta có thể chia các mầu nhiệm ra làm ba nhóm: nhóm Israel là mầu nhiệm Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi; nhóm II là các mầu nhiệm Nhập Thể – Khổ Nạn – Phục Sinh; nhóm III là mầu nhiệm “Ngũ Tuần” với sứ vụ của Chúa Thánh Thần và sự thiết lập Giáo Hội. So với tín biểu Nixê, thì tín biểu Constantinope vừa khai triển điều khoản Chúa Thánh Thần, vừa thêm điều khoản Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền.

Trong Giáo Hội Latinh, người ta thường bỏ đi giới từ  in trước chữ Ecclesia.  Chỉ có thể dùng thành ngữ “credere in” đối với Thiên Chúa, vì chỉ một mình Người là Cùng Đích của mọi loài. Khi giải thích chữ “credere in Ecclesiam”, các thần học gia kinh viện cho câu ấy có nghĩa là tôi tin Chúa Thánh Thần, Đấng linh hoạt Hội Thánh.

Ngoài một vài yếu tố Thánh-Linh-học trong thần học về Giáo Hội tương đối hiếm hoi, Giáo-Hội-học của Giáo Hội Latinh trước đây đặt nặng yếu tố cơ chế hơn. Nhờ trong Công Đồng Vatican II có luồng gió mới thổi tử Giáo Hội Đông phương, tình trạng bắt đầu thay đổi. Tương quan giữa Chúa Thánh Thần và Giáo Hội càng ngày càng được chú trọng.

I. CHÚA THÁNH THẦN “ĐỒNG THIẾT LẬP” GIÁO HỘI.

Thành ngữ “đồng thiết lập” của Cha Congar rất phù hợp để diễn tả tương quan giữa Chúa Thánh Thần và Giáo Hội.

1. Khoa Giáo –Hội-học mang màu sắc hộ giáo trước đây có khuynh hướng đưa Giáo Hội trở về với Đức Giêsu tiền phục sinh. Ngược lại, ngày hôm nay một số nhà thần học như Hans Kung, L. Boff lại có khuynh hướng coi nhẹ tương quan Giêsu – Giáo Hội. Dĩ nhiên, không thể chối rằng, khi còn tại thế, Đức Giêsu đã thấy trước và đã có ý định thiết lập Giáo Hội và cũng tạo nên “nhóm 12” là nhóm cơ bản; nhưng Giáo Hội chỉ khai sinh thực sự khi Thánh Thần được ban (DeV 25).

Điều này phải làm cho chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa cứu độ của biến cố “Ngũ Tuần”. Hiện Xuống hay Ngũ Tuần không chỉ là “phụ trương” của cứu chuộc. Khi được siêu tôn, vị Thượng Tế vĩnh cửu là Đức Kitô cầu xin Cha ban Thánh Thần (Ga 14, 16); và để đáp lại lời khẩn cầu đó, Chúa Cha sai Thánh Thần và tuôn đổ Thánh Thần xuống. Như vậy sự siêu tôn hay thăng thiên của Đức Kitô có giá trị như một lời khẩn nguyện Thánh Thần (Epiclèse). Thánh Thần đến, Giáo Hội khai sinh, thời đại cánh chungbắt đầu (Cv 2, 16).

Phải hiểu cho đúng “sử tính” của biến cố Ngũ Tuần. Cũng như sự Phục Sinh của Đức Giêsu xảy ra trong lịch sử, nhưng vượt trên lịch sử, không chỉ là một sự kiện hoàn toàn thuộc về quá khứ, biến cố Hiện Xuống đã xảy ra, nhưng vẫn không ngừng xảy đến. Đức Kitô luôn chuyển cầu cho chúng ta bên cạnh Chúa Cha. Lời khẩn nguyện trường kỳ của Ngài làm cho có sự Hiện Xuống không ngừng của Chúa Thánh Thần qua các bí tích. Mục tiêu của tất cả công trình cứu độ của Đức Kitô là các tín hữu được nhận lãnh Thánh Thần.

Tân Ước dùng hình ảnh “Đền Thờ” để diễn tả tương quan giữa Giáo Hội và Chúa Thánh Thần. Giáo Hội là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Trong phép Rửa, Người kitô-hữu nhận lãnh Thánh Thần như bảo chứng phần rỗi. Thánh Thần thực sự cư ngụ trong Người đã chịu phép Rửa (1Cr 6, 19). Cũng Thánh Thần ấy bao phủ cả Công Đồng Giáo Hội. Chính Đức Kitô Phục Sinh ban Thánh Thần, nhờ đó các kitô-hữu được xây dựng trở nên “Nhà” của Thiên Chúa (Ep 2, 20-22). Đức Kitô là viên đá sống động làm nên tòa nhà thiêng liêng, hàng tư tế thánh dâng hy tế thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa (1Pr 2, 5).

2. Các giáo phụ nhấn mạnh tương quan giữa Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Đối với các ngài, Giáo Hội chưa phải là một thực tại đã hoàn tất. Chúa Thánh Thần không chỉ là sức mạnh làm cho Giáo Hội lập lại cái đã có, trái lại Ngài không ngừng linh hoạt và làm cho Giáo Hội càng ngày càng phong phú. Giáo Hội là nơi Thánh Thần “trổ bông” (Hippolyte, Traditio apostolica 35, c. 41). Một hình ảnh rất phong phú của thánh Irênê là hai bàn tay của Thiên Chúa  để chỉ Thánh Thần và Ngôi Lời không ngừng nhào nặn Giáo Hội. Trong Giáo Hội có chứa đựng Ơn Thông Hiệp với Chúa Kitô  là chính Chúa Thánh Thần, bảo chứng phần rỗi, bảo đảm đức tin và thang bắt lên tới Thiên Chúa (Adv. Haer. 3, 24, 1).

Trong thần học của các giáo phụ, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần gắn liền với sự duy nhất của Giáo Hội. Jean Chrysostome viết: Nếu Thánh Thần không hiện diện, Giáo Hội không tạo thành một sự duy nhất vững chắc; còn nếu Giáo Hội vững chắc trong sự duy nhất, đó là dấu hiệu có Thánh Thần hiện diện (Oratio in Pentec. 4). Theo  thánh Augustinô thì tương quan Chúa Thánh Thần – Giáo Hội được diễn tả bằng phạm trù Hiệp Thông và Lòng Mến. Là tác phẩm của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội là Hồng Aân của Tình Yêu Thiên Chúa muốn hiệp nhất loài người trong thế giới này. Đối với Augustinô, ly giáo không chỉ là vấn đề kỷ luật, mà là một lạc giáo Thánh-Linh-học, là ra khỏi ngôi nhà lòng mến, là chối từ Thánh Thần được biểu hiện bằng sự kiên trì lưu lại và sự hòa hợp, hòa giải. Đối với Augustinô, tư tương Thánh-Linh-học về Giáo Hội đòi buộc phủ nhận quan niệm chia cắt Giáo Hội thành một bên là Thánh Thần, bên kia là cơ chế.

3. Các yếu tố tư tưởng nói trên đã đưa Huấn Quyền và thần học trước Vatican II tới chỗ khẳng định Chúa Thánh Thần là Linh Hồn của Giáo Hội, ví dụ Đức Lêô XIII trong thông điệp Divinum illud munus (1897): Nếu Đức Kitô là Đầu của Giáo Hội, thì Chúa Thánh Thần là Linh Hồn (DS 3328). Thành ngữ đó được thông điệp Mystici Corporis sử dụng lại (DS 3808). Nguy cơ của thành ngữ này là Nhất-tính-thuyết Giáo Hội, đồng hóa Thánh Thần với Giáo Hội. Nhiều người không chấp nhận thành ngữ này vì nó giới hạn hoạt động của Thánh Thần trong Giáo Hội hữu hình và muốn tuyệt đối hóa Giáo Hội. Đức Lêô XIII và Đức Piô XII sử dụng thành ngữ ấy dựa trên Augustinô. Thục ra Augustinô không khẳng định Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội nhưng nói rằng Điều mà linh hồn làm cho thân xác, Thánh Thần làm cho Giáo Hội:

“Anh chị em hãy coi linh hồn làm gì trong thân xác. Linh hồn cung cấp sự sống cho mọi chi thể: linh hồn thấy nhờ đôi mắt, nghe nhờ lỗ tai, ngửi nhờ lỗ mũi, nói nhờ lưỡi… Linh hồn hiện diện trong mọi chi thể, để cho mọi chi thể được sống; cho mọi chi thể sự sống và cho mỗi chi thể phận vụ riêng. Mắt không nghe, tai không thấy… Giáo Hội của Thiên Chúa cũng vậy. Thiên Chúa làm phép lạ trong một số vị thánh, nói sự thật nơi một số vị khác… Điều mà linh hồn làm cho thân xác con người, Thánh Thần làm cho Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội: Thánh Thần thực hiện trong toàn thể Giáo Hội diều mà linh hồn làm cho các chi thể của cùng một thân xác”.

Rõ ràng đó là một Giáo-Hội-học được xây dựng trên mẫu “thân thể”. Chính vì thế mà thánh Tôma nhấn mạnh đây chỉ là so sánh loại suy. Hiến Chế Giáo Hội không xử dụng lại thành ngữ, nhưng nói một cách tế nhị hơn: “Người đã cho thông dự vào Thánh Thần Người, cũng một Đấng Duy Nhất hiện hữu nơi Đầu cũng như nơi các chi thể, làm cho sống, hiệp nhất và hoạt động trong toàn thể Thân Mình, đến nỗi các Thánh Phụ đã ví nhiệm vụ Chúa Thánh Thần với công việc mà nguyên lý sự sống tức linh hồn hoàn thành trong thân xác” (GH 7).

Chúng ta ở trên bình diện chức năng, chứ không trên bình diện hữu thể. Trên bình diện hữu thể, linh hồn là “mô thức bản thể” của thân xác; sự duy nhất giữa linh hồn và thân xác là sự duy nhất bản thể, điều không được phép khẳng định về Thánh Thần trong Giáo Hội. Sự kết hiệp giữa Thánh Thần với Giáo Hội khác với sự kết hiệp giữa Ngôi Lời với nhân tính của Đức Giêsu. Ngôi-hiệp nơi Đức Kitô làm cho Ngôi Lời là chủ thể của mọi hành vi. Sự kết hiệp giữa Thánh Thần với Giáo Hội là tương giao hiệp thông,  không loại trừ các chủ thể nhân loại trong Giáo Hội, tự do và trách nhiệm của họ, sự trung thành và bất trung, sự thánh thiện và tội lỗi của họ. Vì lý do đó, Giáo Hội không thánh thiện như Đức Giêsu, các hành vi vủa Giáo Hội không đương nhiên là hành vi của Chúa Thánh Thần.

Trong trường hợp giữa Chúa Thánh Thần và Giáo Hội, tốt hơn nên dùng phạm trù bí tích. Vatican II không minh nhiên gọi Giáo Hội là bí tích của Chúa Thánh Thần, nhưng tính bí tích của Giáo Hội lồng trong chiều kích Thánh-Linh-học. Trong hiến chế về phụng vụ thánh, sự khai sinh của Giáo Hội có liên hệ tới cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Kitô chịu đóng đinh: “Vì chính từ cạnh sườn Chúa Kitô chịu chết trên thập giá, đã phát sinh bí tích lạ là Giáo Hội (PV 5).

Trong GH 8 có so sánh bản tính nhân loại của Chúa Kitô với cơ chế xã hội của Giáo Hội: “Nhân tính mà Ngôi Lời Thiên Chúa mặc lấy, phục vụ Người như cơ quan cứu rỗi sống động và kết hợp với Người cách bất khả phân; cũng thế, toàn thể cơ cấu xã hội của Giáo Hội phục vụ Thánh Thần Chúa Kitô, Đấng làm cho Giáo Hội sống động và tăng trưởng” (Ep 4, 16).

Giáo Hội là dụng cụ (organon) của Thánh Thần giống như nhân tính của Ngôi Lời là dụng cụ cho hoạt động của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Trong GH 9, tính bí tích  của Giáo Hội cũng được lồng trong Thánh-Linh-học: “Cũng như dân Israel theo xác thịt, khi đang lữ hành trong sa mạc được gọi là Giáo Hội của Thiên Chúa, dân Israel mới tiến bước trong thời đại này... cũng được gọi là Giáo Hội Chúa Kitô  (Mt 16, 18). Thực vậy chính Người đã lấy máu mình mà chuộc lấy Giáo Hội đó (Cv 20, 28). Người đổ tràn Thánh Thần và ban các phương thế thích hợp để kết hiệp thành một xã hội hữu hình”.

GH 48 nói rõ sứ vụ của Chúa Thánh Thần là thiết lập Giáo Hội thành bí tích cứu độ phổ quát: “Khi từ kẻ chết sống lại, Người đã sai Thánh Thần ban sự sống đến với các môn đệ và nhờ Thánh Thần thiết lập Thân Thể Người là Giáo Hội như bí tích phổ quát cứu rỗi”.

GH 59, khi nói về Đức Maria trong nhiệm cục cứu rỗi, cũng nhấn mạnh vai trò của Thánh Thần: “Thiên Chúa không muốn bày tỏ mầu nhiệm cứu rỗi nhân loại cách long trọng trước khi đổ tràn Thánh Thần Chúa Kitô đã hứa… Đức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, là Đấng đã bao phủ lấy ngài trong ngày truyền tin”.

Con đường của Vatican II là con đường của Kinh Thánh: mầu nhiệm vô hình của Thánh Thần trở nên cụ thể, hữu hình trong thực tế xã hội của Giáo Hội. Có những ví dụ rất cụ thể như bài tường thuật ngày Hiện Xuống trong sách Công Vụ, những cách nói của Phaolô:

1Cr 2, 4: “Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa”.

1Cr 12, 7: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì lợi ích chung”.

Giáo Hội là sự biểu lộ của Thánh Thần cũng giống như nhân tính của Đức Kitô là hiển linh của Ngôi Lời. Cũng như nhân tính Đức Kitô là dụng cụ (organon) của Ngôi Lời, thực tại nhân loại của Giáo Hội (những con người trong Giáo Hội) là dụng cụ của Thánh Thần.

Từ ý niệm Giáo Hội là Bí Tích của Thánh Thần, có thể rút ra một số hệ luận:

a. Không được coi Giáo Hội như tái bản cuộc đời Đức Giêsu, nhưng phải coi đó là biến cố của Thần Khí Đức Kitô. Tương quan giữa Đức Giêsu và Giáo Hội không chỉ là tương quan giữa người sáng lập và tổ chức mình thành lập: tương quan thời gian. Mà còn là một tương quan bí tích: trước đó là Đức Giêsu dọn đường cho Giáo Hội, sau đó là Đức Kitô trong Thần Khí đang sống trong Giáo Hội. Không có Giáo Hội, nếu không có Thánh Thần. Mà cũng không có Thánh Thần được ban nếu không có Giáo Hội, bởi vì đâu có Thánh Thần là đó có Giáo Hội và mọi ân sủng (Irênê, Adv. Haer. 3, 24, 1). Không thể tách rời Thánh Thần với Đức Kitô.

Giáo Hội  luôn luôn là chính mình, nhưng cũng luôn mới mẻ. Biến cố cứu độ không tái diễn y như cũ trong không gian và thời gian, mà là dấu chỉ của sự viếng thăm tự do và bất ngờ của Thánh Thần. Giáo Hội  luôn đánh giá cao  ký ức, truyền thống, là để không ngừng mở ra cho hơi thở tự do và mạnh mẻ của Thánh Thần. Chỉ như vậy mới có thể trung thành với Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Ký ức và truyền thống không phải để cho chúng ta luyến tiếc quá khứ, nhưng để sống hôm nay và mở ra cho ngày mai.

b. Quan điểm Thánh-Linh-học về Giáo Hội, coi Giáo Hội như một thực tại nhân loại thấm nhuần sự hiện diện của Thánh Thần giúp chúng ta tránh được hai sai lầm lớn về Giáo-Hội-học: chủ thuyết duy nhiên coi Giáo Hội hoàn toàn như những tổ chức trần gian khác; chủ thuyết duy nhiệm đề cao yếu tố siêu nhiên và vô hình trong Giáo Hội đến mức coi thường yếu tố nhân loại và hữu hình trong ấy. Đó là hai sai lầm mà Đức Lêô XIII coi như tương đương với hai lạc giáo Kitô-học là thuyết Nestorio và nhất-tính-thuyết.

Giáo Hội không lẫn lộn với Thánh Thần, nhưng cũng không đối đầu với Thánh Thần: không phải tất cả là Thần Khí cũng không phải hoàn toàn xa lạ với Thần Khí. Giáo Hội có khi ở xa, có khi ở gần Thánh Thần. Giáo Hội chỉ là bí tích,  nghĩa là dấu chỉ hữu hiệu sự hiện diện của Thánh Thần, chứ không phải là Thánh Thần. Giáo Hội  không phải là Lễ Hiện Xuống đã hoàn tất, mặc dù là bước khởi đầu của Hiện Xuống. Giáo Hội không hoàn toàn trong suốt đối với Thánh Thần, vì đang sống một lịch sử mang dấu vết tội của các chi thể. Thánh Thần hiện diện thực sự, nhưng chỉ là khai ân, là tiền dự  hướng về viên mãn cánh chung.

c. Vì là bí tích của Thánh Thần, Giáo Hội không thể chấp nhận sự đối kháng giữa đoàn sủng và cơ chế. Giống như bí tích Thánh Thể, Giáo Hội được cấu tạo bởi hai yếu tố, yếu tố nhân loại và yếu tố thầnlinh:

“Giáo Hội là xã hội tổ chức theo phẩm trật, và Nhiệm Thể Chúa Kitô, đoàn thể hữu hình và cộng đoàn thiêng liêng; Giáo Hội tại thế và Giáo Hội dư tràn của cải trên trời không được quan niệm như hai thực thể, nhưng chỉ là một thực thể phức tạp, duy nhất, do yếu tố nhân loại và thần linh kết thành” (GH 8).

Trên cả hai bình diện này, Giáo Hội vừa tùy thuộc Đức Kitô, vừa tùy thuộc Chúa Thánh Thần, vì Chúa Thánh Thần cũng là “đồng tác giả” của cơ chế, và Đức Kitô cũng là tác giả của Hiệp Thông và đoàn sủng. Một đàng chúng ta phải coi các thừa tác vụ cũng là ân sủng (1Cr 12, 8 – 10. 28-30), là đoàn sủng (Ep 4, 7). Đàng khác Giáo Hội không chỉ là cơ chế thuần túy nhân loại, mà là Nhiệm Thể Đức Kitô. Nếu có những trương lực, đó là vì Thánh Thần vừa bởi Ngôi Lời, vừa phân biệt với Ngôi Lời. Thánh Thần bảo đảm sự kết hợp giữa hai yếu tố, tổng hợp yếu tố nhân loại và yếu tố thần linh, truyền thống và mới mẻ, trung thành và tiến bộ…

Chúng ta  có thể đúc kết vai trò của Chúa Thánh Thần đối với Giáo Hội nhờ GH 4:

“Khi công trình Chúa Cha trao phó cho Chúa Con thực hiện trên trần gian đã hoàn tất (x. Ga 17, 4), Chúa Thánh Thần dược sai đến trong ngày lễ Ngũ Tuần để thánh hóa Giáo Hội mãi mãi, và như thế những ai tin sẽ được tới cùng Chúa Cha qua Chúa Kitô trong một Thần Khí duy nhất (x. Ep 2, 18). Chính Ngài là Thánh Thần ban sự sống, là mạch nước vọt lên sự sống vĩnh cửu (x. Ga 4, 14; 7, 38-39), nhờ Ngài, Chúa Cha hồi sinh những kẻ đã chết vì tội lỗi, đợi đến khi phục sinh thân xác hay chết của họ trong Chúa Kitô (x. Rm 8, 10-11). Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu như ngự giữa đền thờ (x. 1Cr 3, 16; 6, 19). Trong họ Ngài cầu nguyện và chứng nhận họ là Nghĩa tử (x. Gl 4, 6;  Rm 8, 15-16.26). Ngài thông đạt cho Giáo Hội toàn thể chân lý (x. Ga 16, 13). Ngài thống nhất Giáo Hội trong hiệp thông và phục vụ. Ngài xây dựng và dẫn dắt Giáo Hội bằng nhiều ân huệ khác nhau theo phẩm trật và đoàn sủng, trang bị Giáo Hội bằng hoa quả của Ngài (x. Ep 4, 11-12). Nhờ sức mạnh Phúc Aâm, Ngài làm tươi trẻ, không ngừng canh tân và dẫn đưa Giáo Hội đến sự hoàn hợp với Phu Quân. Thực vậy, Chúa Thánh Thần và Hiền Thê nói cùng Chúa Giêsu: ‘Xin hãy đến!’ (x. Kh 22, 17)”.

II. CHÚA THÁNH THẦN TẠO LẬP GIÁO HỘI BẰNG LỜI.

Giáo Hội là tác phẩm của Ngôi Lời (creatura Verbi), và do đó cũng là tác phẩm của Thánh Thần. Giáo Hội sinh ra từ Lời; các Tông Đồ nhận lãnh mệnh lệnh truyền giáo từ Lời của Đức Kitô (Mt 28, 18-20). Nhờ Phúc Aâm mà Phaolô sinh ra các tín hữu trong Chúa Kitô Giêsu (1Cr 4, 15). Lời qui tụ và sinh ra Giáo Hội, không một mình nhưng cùng với Thánh Thần. Cộng đồng kitô-hữu tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và không ai có thể nói Giêsu là Chúa, mà không bởi sức mạnh của Thánh Thần (1Cr 12, 3). Cho đến ngày cánh chung, Chúa Thánh Thần cùng hoạt động với những người rao giảng, làm cho lời và các việc hữu hình của Giáo Hội trở nên phong phú nhờ ân sủng. Nơi nào không rao giảng Chúa Kitô, nơi ấy Thánh Thần không hoạt động, vì sứ vụ của Thánh Thần là làm nên Giáo Hội Kitô, kêu gọi và quy tụ các chi thể của Giáo Hội ấy; nên ngoài Giáo Hội ấy không ai có thể đến với Đức Kitô.

A. CHÚA THÁNH THẦN VÀ LỜI NÓI.

Trong truyền thống Isaia, Đấng Messia được coi như con người của Thánh Thần và Lời (x. Is 11, 1-4). Ở đây Lời và Thánh Thần như song đối với nhau. Đề cập đến một số đoạn khác trong Isaia về Người Tôi Tớ Giavê hay về Đấng Messia, chúng ta đếu thấy vai trò nổi bật của Thánh Thần, ví dụ Is 42, 1; 59, 21; 61, 1: Phần Ta, này là giao ước của Ta với chúng, Giavê phán: Thần Khí Ta trên ngươi, và các lời của Ta đặt trên miệng ngươi sẽ không rời miệng ngươi, khỏi miệng dòng giống ngươi, khỏi dòng giống của dòng giống ngươi…

Trong Eâdêkiel, tương quan giữa Thánh Thần và Lời còn được nhấn mạnh hơn.  Sứ vụ tiên tri của Êdêkiel gắn liền với Thánh Thần. (x. Ed 2, 1-2; 3, 24 và đặc biệt chương 37). Theo tiên tri Gioel, dấu chỉ thời đại cánh chung là việc ban tràn đấy Thánh Thần cho mọi tạo vật (Ge 3, 1 và Cv 2, 16-21).

Tương quan mật thiết giữa Thánh Thần và Lời không chỉ trên bình diện lịch sử, mà còn trên bình diện Tạo Dựng, thiên nhiên: “Bởi Lời Giavê, các tầng trời đã được dựng nên, bởi Hơi Khí miệng Người có các cơ binh hết thảy” (Tv 33, 6).

Sự liên kết giữa Thánh Thần và Lời cũng rất rõ rệt trong Tân Ước. Ngôi Lời Nhập Thể bởi quyền năng Đấng Tối Cao là Thánh Thần (Lạy Chúa 1, 35). Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, thì có Thánh Thần xuống trên Người và có tiếng phán từ đám mây (x. Lạy Chúa 3, 22). Trong Tin Mừng Gioan, Thánh Thần và Lời mật thiết với nhau hơn cả: “Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn” (Ga 3, 34). Đối với Đức Giêsu, Thánh Thần không là một sở hữu vay mượn, mà là sở hữu riêng: “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là Sự Sống” (Ga 6, 63). Hoàn tất công trình cứu độ đối với Chúa Giêsu là thông ban Thần Khí (x. Ga 19, 30; 20, 22). Thánh Thần được ban cho Giáo Hội sẽ dạy các tín hữu mọi sự và nhắc lại mọi lời của Đức Giêsu (Ga 14, 26).

Theo sách Công Vụ, sứ vụ tiên tri gắn liền với hồng ân Thánh Thần (Cv 2, 4; 4, 8. 31; 5, 32; 6, 10...). Điều này cũng rõ rệt nơi Phaolô: “Khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có Quyền Năng, có Thánh Thần” (1Tx 1, 5; xem thêm 1Cr 2, 4-5; 2Cr 3, 3;   Rm 15, 18-19).

Thánh Thần không chỉ tác động nơi người giảng mà còn tác động nơi người nghe (Gl 3, 2. 5. 14; 5, 5;   Ep 1, 13). Lời đi vào trái tim do ảnh hưởng nội tâm của Thánh Thần.

Trong sách Khải Huyền, Đức Kitô và Thánh Thần cùng ngõ lời với Giáo Hội. Các thư gởi cho các Giáo Hội là của Con Người, nhưng đều kết thúc bằng câu “Ai có tai thì hãy nghe Thánh Thần phán với các Giáo Hội” (Kh 2-3).

B. CHÚA THÁNH THẦN VÀ LỜI VIẾT.

Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa được viết ra dưới tác động của Chúa Thánh Thần (MK 9).

Hiến chế tín lý về Mạc khải dạy: “Kinh Thánh đã và đang được Giáo Hội xem như là quy luật tối cao hướng dẫn đức tin, được Thiên Chúa linh hứng và được ghi chép một lần cho muôn đời, Kinh Thánh phân phát cách bất di bất dịch lời của chính Chúa và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các tiên tri cùng các Tông Đồ” (MK 21).

Tất cả sách Kinh Thánh đầy tràn Thánh Thần Thiên Chúa, mang lại Hơi Thở của Người. Thế giá của Kinh Thánh là ở chỗ có Chúa Thánh Thần làm tác giả: “Lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người dã nói theo lệnh của Thiên Chúa”        (2 Pr 1, 21).

Giống như bởi Chúa Thánh Thần mà Lời đã trở thành lịch sử, cũng nhờ Thánh Thần mà cuộc đời lịch sử của Đức Kitô lại trở thành Lời.  Cả hai nhiệm vụ ấy của Chúa Thánh Thần không tách rời nhau. Kinh Thánh là chứng từ của Chúa Thánh Thần  vềbiến cố Kitô, là sự hiến thánh lịch sử cứu độ dưới hình thái lời con người, giống như sự  biến đổi lời của con người trở nên lời của Thiên Chúa. Thánh Augustinô khẳng định sách Phúc Aâm chính là miệng của Đức Kitô (Serm. 85, 1). Còn thánh Giêrônimô thì bảo tôi nghĩ rằng Phúc Aâm của Đức Kitô cũng là thân thể của Ngài (Tract. In Ps. 145). Công Đồng Vatican II tái khẳng định cách mạnh mẽ sự hiện diện của Đức Kitô trong lời của Ngài: “Chính Ngài lên tiếng trong Giáo Hội khi lời Kinh Thánh được đọc lên” (PV 7).

C. CHÚA THÁNH THẦN VÀ LỜI ĐỌC.

Vì là Lời của Chúa Thánh Thần, “Kinh Thánh phải được đọc trong cùng một Thánh Thần khiến cho nó được viết ra” (M K 12). Chúa Thánh Thần là tác giả thứ nhất của Kinh Thánh, cũng là Người chú giải thứ nhất. Đức Kitô để lại lời mạc khải, nhưng Thánh Thần làm cho chúng ta có khả năng đón nhận mạc khải. Ngài tác động trên tâm hồn và hướng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa. Thánh Thần là nguyên lý  nội tâm hóa  và là nguyên lý hiệp thông  khi chúng ta đọc Kinh Thánh, Ngài làm cho Kinh Thánh sinh ra trong Giáo Hội và cho Giáo Hội, phải được đọc cùng với Giáo Hội và nhờ trung gian của Giáo Hội. Có như thế, Kinh Thánh mới được đọc cách thần thiêng, nhờ đó chúng ta đọc được ý nghĩa của Thánh Thần, ý nghĩa ấy ở trong bản văn, nhưng vượt trên bản văn.

Nếu thiếu sự khẩn xin Chúa Thánh Thần, việc đọc Kinh Thánh chỉ là thu lượm những mãnh vụn khô cằn của mặt chữ chết.

 

CHÚA THÁNH THẦN “ĐỒNG THIẾT LẬP” GIÁO HỘI

Bài 2

III. CHÚA THÁNH THẦN TẠO LẬP GIÁO HỘI BẰNG ĐỜI SỐNG PHỤNG VỤ.

Nhờ trở về nguồn Kinh Thánh, nhờ canh tân phụng vụ, nhờ đối thoại Đại Kết, mà đời sống bí tích được lồng trong lịch sử cứu độ. Trong bối cảnh ấy, chúng ta khám phá trở lại vai trò của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ như Đấng nối kết quá khứ với hiện tại, để mở ra cho tương lai. Công việc của chúng ta là nỗ lực nhìn phụng vụ trong Thánh Thần, và nhìn Thánh Thần trong phụng vụ.

A. THẦN HỌC LỜI KHẨN NGUYỆN.

Trên bình diện lịch sử, có thể ghi nhận một số điểm sau đây:

1. Tranh luận giữa Đông và Tây về vấn đề truyền phép mới nảy sinh sau này, từ trước Giáo Hội vẫn gán việc bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô cho tác động của Chúa Thánh Thần.

2. Hai giáo phụ tiêu biểu cho truyền thống Latinh là Ambrôsiô và Augustinô đều nhấn mạnh vai trò của Lời Chúa Kitô, Lời Thiên Chúa  làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa, và lưu ý đó là lời của Thiên Chúa chứ không phải lời con người, hiểu ngầm sức mạnh của Lời là Chúa Thánh Thần. Về sau, người ta giải thích nghiêng dần về  công thức truyền phép,  đến mức độ quên đi vai trò của Chúa Thánh Thần.

Trái lại, bên Đông phương, vai  trò của Chúa Thánh Thần luôn được đề cao trong phụng vụ. Ví dụ thánh Cyrille de Jérusalem: “Chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa nhân từ sai Thánh Thần xuống trên lễ vật đặt trước mặt chúng ta, để Ngài biến đổi bánh trở nên Mình Thánh Đức Kitô và rượu trở nên Máu Thánh Đức Kitô. Điều mà Chúa Thánh Thần chạm tới được hoàn toàn và thực sự hiến thánh và biến đổi” (Cat. 5, 7). Trong truyền thống Đông phương, vinh dự lớn nhất của linh mục là được quỳ gối khẩn nguyện Chúa Cha ban Thánh Thần để thực hiện sự  biến đổi thánh.

3. Như vậy cả hai truyền thống đều có thể giải thích mềm dẻo và sống động, thay vì trở thành cực đoan và đối lập nhau. Truyền thống Đông phương cũng có nói tới vai trò của Lời trong việc truyền phép. Năm 512, Sévère, Thượng phụ Antiokia khẳng định là việc hiến thánh bánh và rượu được thực hiện nhờ những lời thiết lập mà không nhắc đến Chúa Thánh Thần. Trái lại, trong Giáo Hội Latinh, thánh Ambrôsiô cũng đã nói: “Không có phúc lành trọn hảo, nếu Thánh Thần không được ban xuống” De Spir.S. 1, 89). Thánh Augustinô cũng đã nói: “Sự hiến thánh làm nên một bí tích lớn lao như thế không thể thực hiện được nếu không có sự can thiệp vô hình của Chúa Thánh Thần” (De Trin. 3, 4.10). Thánh Tôma cũng nói: “Trong các bí tích Giao Ước Mới bắt nguồn từ Chúa Kitô, ân sủng do các bí tích như dụng cụ mà thôi, chủ yếu là do sức mạnh của Chúa Thánh Thần tác động nơi các bí tích” (IV Sent. 8, 2.3)

“Việc Biến Thể được gán cho Chúa Con với tư cách là tư tế và là của lễ, được gán cho Thánh Thần nhờ đó mà Ngài hiến tế” (IV Sent. 10).

Như vậy là giữa hai quan điểm chỉ có khác biệt về dấu nhấn, chứ không đối chọi. Thần học Latinh dần dần hướng phụng vụ theo chiều hướng Kitô, quên dần chỗ đứng của lời khẩn nguyện, đề cao tối đa vai trò của linh mục đọc lời truyền phép. Phương Đông vẫn đề cao vai trò của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ cho đến ngày hôm nay. Giáo Hội Đông phương coi kinh nguyện Thánh Thể  như một lời cầu nguyện vĩ đại của toàn thể Giáo Hội được Chúa Thánh Thần linh hoạt, nhờ Chúa Kitô, dâng lên Chúa Cha, và do đó chắc chắn được chấp nhận. Sự hiện diện của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể là “hồng ân vĩ đại mà Chúa Cha ban trong Thánh Thần”.  Ngày nay, sự gặp gỡ giữa Đông và Tây mang lại nhiều hoa trái cho đời sống phụng vụ của Giáo Hội.

B. PHỤNG VỤ TRONG THÁNH THẦN.

Phụng vụ thánh là phượng tự trong Thánh Thần, là tôn thờ Chúa Cha trong Thánh Thần và chân lý (Ga 4, 23). Trong Thánh Thần, phụng vụ là chén tổng hợp triển nở tất cả các chiều kích của mình.

1. Chiều kích Ba Ngôi.

Phụng vụ là “vinh danh  Chúa Cha nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần”. Phụng vụ diễn tả và thể hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha, tưởng niệm mầu nhiệm Chúa Kitô, chỉ và ban ơn Thánh Thần. Thánh Thần là môi sinh của phụng vụ; là tác nhân huyền nhiệm và hiện diện, được Chúa Cha sai đến để làm cho Chúa Kitô hiện diện trong Giáo Hội “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”. Trong chiều đi xuống của phụng vụ, Thánh Thần là hồng ân mà Chúa Cha ban cho Giáo Hội trong Chúa Kitô; trong chiều hướng đi lên, Thánh Thần là tác giả chính của Lời nguyện trong chúng ta, trong Đức Kitô – Giáo Hội, dâng lên cho Chúa Cha.

Trong phụng vụ, Thánh Thần hiện diện trong Giáo Hội và trong thừa tác viên, để thừa tác viên có thể hành động “đại diện Chúa Kitô” và “nhân danh Giáo Hội”. Chúa Thánh Thần còn hiện diện nơi các yếu tố bí tích, làm cho chúng có được sự hiện diện của Chúa Kitô và ân sủng của Ngài.

Chúa Con Nhập Thể là trọng tâm sống động cùa phụng vụ, Chúa Cha là Khởi Nguyên và là Cùng Đích, nhưng Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Cha ban Đức Kitô cho Giáo Hội và khiến cho Giáo Hội có thể dâng Đức Kitô lên Chúa Cha.

2. Chiều kích lịch sử.

Bí tích không chỉ là cử hành biến cố cứu độ, mà còn là biến cố cứu độ. Dĩ nhiên phụng vụ bí tích là dấu chỉ hữu hiệu, nhưng không chỉ như vậy, mà còn là chính mầu nhiệm được hiện tại hóa trong bí tích. Đó là điều mà các nhà thần học gọi là “ngày hôm nay của phụng vụ” (le hodie liturgique).

Chính Thánh Thần tạo nên ngày hôm nay của phụng vụ, vì Ngài là khả năng hiệp thông mạnh mẽ đến nỗi vượt mọi biên giới không gian và thời gian và làm cho chúng ta thông phần ơn cứu độ mà Chúa Kitô mang đến. Thánh Thần không làm cho quá khứ trở nên đồng thời với chúng ta, nhưng làm cho chúng ta trở nên đồng thời với công trình cứu độ của Chúa Kitô.

Nhờ Chúa Thánh Thần mà phụng vụ thực sự là lịch sử (không chỉ là tưởng niệm lịch sử), do đó mở ra cho hiện tại và hướng tới tương lai; tất cả lịch sử trở thành phụng vụ của Thánh Thần.

3. Chiều kích Giáo Hội.

Phụng vụ là lời cầu nguyện của Chúa Thánh Thần và Giáo Hội là Hôn Thê hướng tới Chúa Kitô: “xin hãy đến”, và là lời đáp trả của Chúa Kitô bảo đảm sự hiện diện của mình: “Ta kíp đến”. Chính Đức Kitô được Chúa Thánh Thần làm cho hiện diện (khẩn nguyện hiến thánh), trở nên Đấng ban phát Thánh Thần (khẩn nguyện hiệp thông).

Giáo Hội khẩn cầu Chúa Cha sai Thánh Thần đến làm cho Chúa Kitô hiện diện trong Mình Thánh và trong Nhiệm Thể, và đó là lời cầu nguyện “trong Thánh Thần” nên luôn được Chúa Cha chấp nhận.

4. Chiều kích thần nhiệm.

Thánh Thần là bộ mặt vô hình của buổi cử hành. Ngài tự biểu lộ bằng cách ẩn giấu mình trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội. Ý nghĩa sự hiện diện của Ngài nằm trong sự hiện diện khác, đó là sự hiện diện của Chúa Kitô cho Giáo Hội và của Giáo Hội cho Chúa Kitô. Chúa Kitô là Hôn Phu, Giáo Hội làHôn Thê và Thánh Thần là tình yêu giữa Hôn Phu và Hôn Thê.

Chính vì thế, lời đáp trả đầu tiên cho sự hiện diện của Thánh Thần, cho tiếng nói của Hôn Phu là sự thinh lặng đầy tình yêu, một sự thinh lặng khẩn cầu, được Thánh Thần linh hoạt, làm cho Ngôi Lời được sinh ra trong lòng Giáo Hội và các tín hữu.

C. CHÚA THÁNH THẦN TRONG PHỤNG VỤ BÍ TÍCH.

Nếu Giáo Hội là Bí tích mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần, các bí tích không có tác dụng gì khác hơn là thông truyền mầu nhiệm Khổ Nạn – Phục Sinh của Chúa.

1. Bí tích Thánh Thể là luơng thực thần linh.

Trong bí tích Thánh Thể, truyền thống Latinh nhấn mạnh đến Mình và Máu Đức Kitô là của ăn cho chúng ta. Chúa Kitô hiện dưới hình bánh và hình rượu nuôi dưỡng chúng ta. Điều đó được thể hiện nhờ lời truyền phép. Truyền thống Latinh dựa trên Ga 6, 53 và 1Cr 11, 27-29. Dù vậy cả Augustinô và Tôma đều nhấn mạnh đến đức tin và lòng mến trong việc kết hiệp với Đức Kitô Thánh Thể.

Truyền thống Đông phương có một ý thức mạnh mẽ về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong bí tích Thánh Thể. Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta không những lãnh nhận Mình và Máu Đức Kitô, mà lãnh nhận cả Thần Khí của Ngài. Trong một bài giảng tuần thánh, thánh Ephrem trình bày về việc thành lập bí tích Thánh Thể như sau:

“Ngài gọi bánh là thân mình sống động của mình, Ngài làm cho bánh đầy bản thân và Thần Khí của Ngài… Ai ăn bánh ấy với đức tin, thì ăn lửa và Thánh Thần cùng với bánh… tất cả anh em hãy cầm lấy mà ăn; hãy ăn Thánh Thần cùng với bánh… Ngài hiến thánh chén, chúc tụng, đổ vào đó đầy Thánh Thần và trao cho các môn đệ…”

Có một đoạn thánh thi của Giáo Hội Đông phương diễn tả rất sống động và sâu xa mầu nhiệm này:

Lửa và Thánh Thần trong lòng dạ Mẹ Ngài,

Lửa và Thánh Thần trong nước sông Giođan,

Lại lửa và Thánh Thần trong Phép Rửa của chúng ta,

Lửa và Thánh Thần trong bánh và chén.

Théodore de Mopsueste thì so sánh việc truyền phép với việc Chúa Giêsu được xức dầu: bánh và rượu như được xức dầu Thánh Thần, trở nên Mình và Máu Thánh Đức Kitô,  bất tử, bất hoại, giống như thân xác phục sinh của Đức Kitô (Hom. Cath. 16.11s). Sự sống mới do phục sinh cũng được Thánh Thần thực hiện nơi các kitô-hữu thông phần mầu nhiệm Thánh Thể. Thánh Thần cũng được ban như trong ngày lễ Ngũ Tuần. Ngoài ra trong phụng vụ Byzantin, có nghi thức zeon cũng có ý nghĩa biểu tượng rất sâu xa: phó tế đổ một chút nước nóng vào Máu thánh trước phần hiệp lễ. Có Người cho rằng nghi thức này nhắc lại “máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa”. Người khác cho rằng nó nhắc tới các lưỡi lửa xuống trên đầu các Tông Đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần.

Là lương thực thần thiêng và là thân mình bí tích của Chúa Kitô trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, bí tích Thánh Thể làm cho Cộng Đồng Giáo Hội trở nên Nhiệm Thể của Đức Kitô Phục Sinh. Và đó là ý nghĩa của lời khẩn nguyện hiệp thông.

2. Phép Rửa và phép Thêm Sức: sự sống mới trong Thánh Thần.

Điều quan trọng nhất trong phép Rửa là Thánh Thần, nhờ đó nước tạo ra những hậu quả (Chrysost. In Act. Apost. Hom. 1, 5). Các kitô-hữu tái sinh bởi nước và Thánh Thần (Ga 3, 5), họ được thanh tẩy trong một Thần Khí độc nhất để làm nên một Thân Mình độc nhất (1Cr 12, 13), họ được thanh tẩy, được hiến thánh và được công chính hóa nhân danh Đức Giêsu Kitô và trong Thánh Thần Thiên Chúa (1Cr 6, 11).

Chúa Thánh Thần làm cho nước trở thành tạo vật mới có khả năng thánh hóa, để các kitô-hữu được tái sinh trong đó.

Giếng rửa tội được coi như lòng dạ của Mẹ Giáo Hội sinh ra những Người con cho Thiên Chúa, những Người anh em cho Chúa Kitô. Nhưng sự sinh ra ấy chỉ được thể hiện trong Thánh Thần là môi sinh thánh thiện siêu phàm. Sự sống mà chúng ta lãnh nhận là một sự sống siêu nhiên, không ngừng lớn lên và hướng về sự sống bất diệt của Thánh Thần.

Phép Rửa được hoàn tất nhờ phép Thêm Sức. Cả hai bí tích này đều nhằm đồng hóa chúng ta với cùng một Đức Kitô nhờ cùng một Thần Khí. Vậy sao cần tới hai bí tích ? Theo thánh Tôma, phép Rửa là bí tích chỉ sự sinh ra, phép Thêm Sức là bí tích chỉ sự lớn lên và trưởng thành.

Để xác định khía cạnh khác biệt và liên tục giữa phép Rửa và phép Thêm Sức, có thể liên tưởng tới hai lần Đức Kitô ban Thánh Thần cho các môn đệ: lần I, khi Ngài sống lại và hiện ra; lần II vào ngày lễ Ngũ Tuần, hoặc hai lần Thánh Thần can thiệp trên con người Đức Kitô, lần Ngài nhập thể, lần Ngài chịu phép rửa. Như GH 11 chỉ dẫn, phép Thêm Sức bổ sung phép Rửa trong ba chiều kích, chiều kích Giáo Hội,  chiều kích Thánh Linh, chiều kích Truuyền Giáo: “Nhờ ơn bí tích Thêm Sức, họ gắn bó với Giáo Hội cách hoàn hảo hơn và được dư đầy sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, do đó họ càng có bổn phận khẩn thiết hơn phải loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm như những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô”.

3. Bí tích hòa giải và phép xức dầu bệnh nhân: Chúa Thánh Thần chiến thắng tội lỗi và bệnh tật.

Chúa Cha đã cho chúng ta trở nên con cái của Ngài trong phép Rửa; Ngài trung tín đến cùng trong tình yêu, mặc dù tội lỗi có tách rời chúng ta ra khỏi Ngài: hồng ân Thánh Thần còn mạnh hơn, và bí tích hòa giải là dấu chỉ rõ rệt. Sự yếu đuối về thể lý và bệnh tật của con người cũng có thể trở thành cơ hội ân sủng và cứu độ.

a. Bí tích Hòa Giải.

Nước và nước mắt không thiếu cho Giáo Hội: nước rửa tội, nước mắt đền tội (Ambrosio, Epist. 41, 12). Hồng ân mà Đấng Phục Sinh ban cho Giáo Hội là Thánh Thần để tha tội, nhưng Thánh Thần ấy cũng là nguyên lý sự sống mới (Ga 20, 22).

Chính vì Thánh Thần làm nên tình bằng hữu giữa chúng ta và Thiên Chúa, nên Thiên Chúa tha tội cho chúng ta nhờ Người (S. Thomas, Summa contra gent. 4.21.11). Nên đào sâu tương quan giữa Thánh Thần và ơn tha tội: tội, chính là sự chết (Rm 6, 23; 7, 11), còn Thánh Thần là Đấng ban sự sống (Ga 6, 63); tội là nô lệ, còn đâu có Thánh Thần, đó có tự do (2Cr 3, 17); các việc làm của xác thịt là ích kỷ và khép kín; còn hoa quả của Thánh Thần là tình yêu, niềm vui và bình an (Gl 5, 19-21). Chúa Thánh Thần là sức mạnh cứu độ, thuyết phục con người nhận ra mình là kẻ có tội và thúc giục hoán cải (Ga 16, 8). Thánh Thần không những ban ơn tha tội, mà Ngài chính là ơn tha tội. Không đón nhận ơn tha tội là hoàn toàn đóng kín với Thánh Thần (Mc 3, 39) và như thế là một sự sụp đổ toàn diện.

Một lối nhìn Thánh-Linh-học về bí tích Hòa Giải giúp chúng ta thoát khỏi cá nhân chủ nghĩa và quan điểm vụ luật; giúp chúng ta nhìn bí tích như một biến cố vượt qua, cùng với Đấng Phục Sinh vượt qua sự chết, đạt tới sự sống, như một biến cố Giáo Hội, vì Chúa nói với các môn đệ, không với tư cách họ là những cá nhân, nhưng với tư cách là Giáo Hội: “Hãy nhận lãnh Thánh Thần, các ngươi tha tội cho ai…”. Chính trong môi trường hiệp thông Giáo Hội mà hối nhân tìm lại được tương quan làm con Thiên Chúa. Chúng ta còn nhìn bí tích như một biến cố thuộc linh, chứ không phải thuần túy kỷ luật. Bí tích không chỉ có mục tiêu xoá tội, nhưng khơi dậy sự thay đổi đời sống và đổi hướng tâm hồn về với Chúa Cha.

Trong Ordo Poenitentiae được Đức Phaolô VI cống bố ngày 02.12.1973, Thánh Thần được nhắc tới hơn 20 lần. Ngài thúc đẩy hối nhân hoán cải; Ngài ban  cho thừa tác viên ánh sáng và lòng mến, đặc biệt là khả năng biện biệt thần khí cần cho thừa tác vụ. Trước lời xá giải có cả lời nguyện khẩn nài và cử chỉ đặt tay khẩn nguyện Thánh Thần.

Trong bí tích Hòa Giải, Thánh Thần là Đấng sẵn sàng xót thương hơn là khắt khe ngặt nghèo, làm cho sự hèn yếu của con người trở thành cơ hội để kinh nghiệm, để gặp gỡ Đức Giêsu là hiện thân của lòng thương xót của Chúa Cha giàu lòng thương xót (Ep 2, 4).

b. Bí tích Xức Dầu.

Aân sủng của Chúa Thánh Thần diễn tả lòng nhân hậu của Chúa Cha đối với sự mỏng dòn về phương diện thể lý cũng giống như đối với sự yếu đuối về phương diện luân lý. Trong bí tích Xức Dầu, sức mạnh của Chúa Thánh Thần làm cho bệnh nhân thông phần cuộc khổ nạn cứu thế của Đức Kitô chiến thắng sự chết.

Theo Tin Mừng Luca, từ nơi con người Đức Giêsu có một sức mạnh chữa lành tất cả. Sức mạnh ấy là Chúa Thánh Thần (Cv 10, 38: Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người). Quyền năng đó, Đức Giêsu đãban cho các môn đệ, để “các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều Người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh (Mc 6, 13). Gc 5, 14-15 nói đến việc xức dầu nhân danh Chúa và cầu nguyện cho Người bệnh, được Công Đồng Trentô giải thích như sau: “Việc xức dầu diễn tả cách rất phù hợp ân sủng của Thánh Thần giống như dầu mà linh hồn bệnh nhân được xức cách vô hình” (DS 1695).

Mô thức của bí tích Xức Dầu cũng cho thấy rõ ơn Thánh Thần được thông ban cho bệnh nhân qua việc xức dầu: “Nhờ việc xức dầu thánh này, và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Chúa – xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần mà giúp đỡ con”.

Bệnh nhân được Thánh Thần thúc đẩy dâng sự đau khổ kết hiệp với cuộc khổ nạn của “Đấng nhờ Thần Khí Hằng Có mà hiến mình làm lễ hy sinh vô tì tích dâng lên Thiên Chúa” (Dt 9, 14).

Thân xác bệnh nhân được xức dầu là “đền thờ của Chúa Thánh Thần” (1Cr 3, 16-17) đã nhiều lần lãnh nhận lương thực trường sinh là Mình Thánh Đức Kitô sống động nhờ Thánh Thần và có khả năng làm cho sống. Trong bí tích Xức Dầu, Thánh Thần đảm nhận sự rên xiết của bện nhân và biến thành lời cầu nguyện (Rm 8, 26-27)  giống như lời cầu của Chúa Giêsu trên thập giá (Lạy Chúa, 23, 34).

Việc cử hành bí tích Xức Dầu khai mở chân trời cánh chung; Thánh Thần ban cho những khai ân của Phục Sinh: “Nhờ sự hiện diện sống động của Đấng Phục Sinh và Thần Khí của Người, việc  xức dầu là dấu  chỉ hữu  hiệu cho việc hội  nhập sau cùng  và dứt khoát  vào  mầu nhiệm Vượt  Qua của   Chúa (CEI 146).

4. Bí tích Hôn Phối và bí tích Truyền Chức: Thánh Thần để xây dựng Giáo Hội.

Để được xây dựng và để triển nở, Giáo Hội phải cần có ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần, Đấng đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội bằng bí tích Hôn Phối để thánh  hóa tình yêu của đôi bạn và thiết lập một “Giáo Hội tại gia”, bí tích Truyền Chức để hiến thánh công việc phục vụ của các mục tử, làm cho trở nên dụng cụ hữu hiệu của tình yêu của Đức Kitô Mục Tử.

a. Bí tích Hôn Phối.

Khía cạnh hiệp thông trong Giáo-Hội-học của Vatican II đã ảnh hưởng khá nhiều trên thần học về bí tích Hôn Phối:

“Nhờ sức thiêng của bí tích hôn phối, các đôi vợ chồng Kitô-giáo biểu hiện và tham dự mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (x. Ep 5, 32); họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhân và giáo dục con cái nên thánh... Từ sự kết hợp ấy phát sinh ra gia đình, nơi các công dân mới của xã hội loài Người được sinh ra, và nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần trong phép Rửa, họ trở nên con cái của Thiên Chúa… Trong gia đình như một giáo hội nhỏ, ước gì cha mẹ là những Người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái…” (GH 11).

Gia đình Kitô-giáo sinh ra từ Chúa Thánh Thần: đó là hồng ân của Thánh Thần, làm cho đôi bạn được hiến thánh (MV 48). Gốc rễ cơ bản nhất làm nảy sinh cộng đoàn tại gia không phải là tình yêu của các thành viên, nhưng là Chúa Thánh Thần, Tình Yêu làm cho nên một.

Thánh Thần là Đấng làm cho Chúa Cha và Chúa Con nên một, làm cho nhân tính và thần tính Đức Kitô nên một, làm cho các kitô-hữu và Đức Kitô nên một. Thánh Thần nhào nặn Giáo Hội, làm cho trở nên một gia đình, thì cũng làm cho gia đình giống như một giáo hội. Tương quan giữa gia đình và Giáo Hội không chỉ là tương quan pháp lý và xã hội, mà là tương quan bí tích và siêu nhiên. Gia đình là giáo hội theo một nghĩa nhất định: trong gia đình phải có một số yếu tố của Giáo Hội. Nhờ tình yêu hiệp nhất và sống động của Chúa Thánh Thần, gia đình là hiệp thông tình yêu, giống như Giáo Hội là Hôn Thê và là Mẹ nhờ Thánh Thần làm cho nên một với Đức Kitô (Phaolô VI, LBTM 17).

Hôn nhân gia đình là công việc của Chúa Thánh Thần. Trong các sách nghi thức hôn phối sau Công Đồng Trentô có đề nghị Thánh Lễ Chúa Thánh Thần để chuẩn bị cho hôn phối, ngoài ra còn có những lời khẩn nguyện cầu xin Chúa Thánh Thần xuống trên nhẫn cưới, hoặc có nghi thức đặt tay trên đầu của đôi bạn hai lần. Trong các nhà thờ của Giáo Hội Đông phương, cao điểm của buổi cử hành hôn phối là việc đặt triều thiên lên đầu đôi bạn, biểu tượng cho việc lãnh nhận Thánh Thần.

Như vậy có thể nói rằng mầu nhiệm lớn lao (Ep 5, 32) của tình yêu hôn nhân là công việc của Chúa Thánh Thần, không những khởi đầu và luôn được nuôi dưỡng, mà còn được nhào nặn để trở nên hiển linh của Chúa Thánh Thần (1Cr 2, 4), hiển linh của Đấng được mệnh danh là nụ hôn giữa Chúa Cha và Chúa Con, Đấng là hôn ước giữa Đức Kitô và Giáo Hội.

b. Bí tích Truyền Chức.

Chính Thánh Thần đặt các kỳ mục coi sóc các đoàn chiên (Cv 20, 28). Trong cả ba cấp bậc tư tế theo truyền thống Latinh cũng như Đông phương, đều có lời khẩn nguyện và việc đặt tay như là cử chỉ thông ban Thánh Thần. Theo tác phẩm Traditio apostolica của Hippolyte, trong nghi thức truyền chức giám mục, chủ tế và các giám mục đồng tế đặt tay trên đầu người được tuyển chọn, mọi người cầu nguyện trong thinh lặng nài xin Thánh Thần xuống trên tân chức. Liền sau đó, chủ sự đọc lờinguyện:

“Lạy Cha, xin hãy tuôn đổ sức mạnh của Cha, mà Thánh Thần mà Cha đã ban cho Con yêu dấu của Cha là Đức Giêsu Kitô và Đức Kitô đã ban cho các Tông Đồ, là những Người lập ra Giáo Hội…”.

Theo nghi thức phong chức của sách Pontificale được Đức Phaolô VI cho canh tân, dấu chỉ cốt yếu của bí tích là việc đặt tay và lời khẩn nguyện hiến thánh. Linh mục thực sự là một người được hiến thánh cho Thiên Chúa trong Thánh Thần.

Quan điểm nhấn mạnh sự hiện diện của Thánh Thần làm cho chúng ta không thể coi thừa tác vụ như là sở hữu quyền hành. Hành vi bí tích không phải là hành vi riêng của thừa tác viên, nhưng là hành vi của Đức Kitô và Giáo Hội. Quan niệm của Phaolô trong thư Rôma là mẫu mực cho chúng ta về thừa tác vụ thánh:

“… Aân sủng của Thiên Chúa đã ban cho tôi làm Người phục vụ Đức Giêsu Kitô giữa các dân ngoại, lo việc tế tự và rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để các dân ngoại được Thánh Thần thánh hóa mà trở nên lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 15, 16).

 

CHÚA THÁNH THẦN “ĐỒNG THIẾT LẬP” GIÁO HỘI

Bài 3

VI. CHÚA THÁNH THẦN XÂY DỰNG GIÁO HỘI BẰNG LÒNG MẾN.

Đức Kitô sống trong chúng ta, và chúng ta là con cái Thiên Chúa trong Con Yêu Dấu. “Chúng ta ở trong Người và Người ở trong chúng ta; Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta” (1Ga 4, 13). Thánh Thần được ban, làm cho chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa (2Pr 1, 4). Sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta là hồng ân của Thiên Chúa (Ep 2, 3), là công trình của Chúa Thánh Thần: “Thiên Chúa  đã  đổ  tình  yêu của Người  vào trong chúng ta, nhờ  Thánh  Thần  mà Người  ban  cho chúng  ta (Rm 5, 5).

Chúng ta tin Chúa Thánh Thần… Đấng cư ngụ trong các thánh (DS 40). Sự hiện diện ấy được coi như là sự mới mẻ lớn nhất của thời Messia.

A. SỰ MỚI MẺ CỦA GIAO ƯỚC MỚI.

Các giáo phụ Hylạp nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai thời đại Cựu Ước và Tân Ước, cho rằng điều mới mẻ thời Messia không chỉ là tác động của Thánh Thần, mà là sự hiện diện của chính ngôi vị Thánh Thần. Truyền thống Latinh, bắt đầu từ thánh Tôma cho tới Dức Piô XII, mặc dù công nhận sự khác biệt giữa hai Giao Ước, cho rằng vẫn có sự liên tục: những Người công chính trong Cựu Ước được công chính hóa do tin vào Đức Kitô sẽ đến, và như vậy đã có Thánh Thần cư ngụ trong mình. Trong Công Đồng Arles năm 473, Lucido buộc phải tuyên xưng: “Tôi công nhận rằng trong dòng lịch sử, một số Người nhờ luật ân sủng, một số Người khác nhờ luật Môsê, một số Người khác nữa nhờ luật tự nhiên Thiên Chúa ghi khắc trong lương tâm con người, dự kiến việc Đức Kitô sẽ đến, những Người ấy được cứu rỗi” (DS 341).

1. Cựu Ước làm chứng về hoạt động của Thánh Thần, nhưng vẫn coi thời đại sẽ dến là thời đại của Thánh Thần. Thánh Thần sẽ được ban cho mọi Người và ở sâu trong mọi Người: “Ta sẽ ban cho các ngươi một tấm lòng mới. Bên trong các ngươi Ta sẽ ban xuống một Thần Khí mới, Ta sẽ cất tấm lòng đá khỏi thịt  mình các ngươi. Ta  sẽ ban cho  các ngươi tấm  lòng thịt. Ta sẽ  ban xuống Thần Khí của Ta”  (Ed 36, 26-27)

2. Còn tất cả Tân Ước như một loan báo hồng ân Nhập Thể, Vượt Qua và Hiện Xuống. Truyền thống Tân Ước phân biệt rất rõ phép rửa của Gioan bằng nước và phép Rửa của Đức Giêsu bằng Thánh Thần (Mc 1, 8; Ga 1, 33; Cv 11, 15). Phaolô nhấn mạnh sự vượt trội của nhiệm cục mới: “Đấng ban cho chúng tôi phục vụ Giao Ước Mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí” (2Cr 3, 6). Lúc thông ban Thần Khí, chính là lúc Vượt Qua: “Bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Kitô chưa được tôn vinh” (Ga 7, 39).

3. Tân Ước không phủ nhận ảnh hưởng cứu độ của Đức Kitô dội lại thời Cựu Ước: “Tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả đều chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Môsê. Tất cà cùng ăn một thức ăn linh thiêng, tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô” (1Cr 10, 1-4).

Chúng ta có thể trở lại câu hỏi vậy thì Tin Mừng của Đức Giêsu có diều gì thực sự cốt yếu là mới không ? Nếu hồng ân Thánh Thần như nhau trong cả hai thời đại, phải chăng Đức Giêsu chỉ gây ý thức về một hồng ân đã lãnh nhận rồi ?

Nếu cho rằng Kitô-giáo không có gì thực sự mới mẻ, vai trò của Giáo Hội chỉ là gây ý thức, làm cho các tín hữu bước từ một Kitô-giáo vô danh sang một Kitô-giáo ý thức. Như vậy Mạc Khải chỉ là thông tri. Hiến chế tín lý về Mạc Khải cho thấy Mạc Khải chính là sự tự hiến của Thiên Chúa (MK 1). Sự tự hiến ấy thể hiện trong lịch sử, mỗi giai đoạn đều có cái mới. Không thể hoàn toàn đồng hóa thời kỳ trước Phục Sinh và thời kỳ sau Phục Sinh. Việc Thánh Thần được ban xuống thực sự khai trương một lịch sử mới. Quan điểm Latinh có nguy cơ giảm thiểu sự mới mẻ của Thánh Thần do Đức Kitô ban cho, giới hạn ơn cứu chuộc vào công nghiệp của Chúa Giêsu. Trong thời đại Cựu Ước, Thiên Chúa đã phân phát ân sủng vì công nghiệp ấy rồi. Thực ra ân sủng Tân Ước không chỉ do công nghiệp bởi cái chết, mà là ơn hiệp thông đồng hóa với Đức Kitô Tử Nạn-Phục Sinh trong Thánh Thần.

B. HỒNG ÂN THÁNH THẦN.

Thánh Thần được thông ban cho nhân loại là một chủ đề lớn trong mạc khải Kinh Thánh. Thời đại Messia được mô tả như thời đại mà Thánh Thần được tuôn đổ (Is 11, 1-2; 42, 1; 61, 1). Thánh Thần không những được ban cho Đấng Messia, mà cho mọi Người để làm cho họ biến đổi sâu sắc (Is 32, 15-18; Ed 36, 26).

Theo Tân Ước, Đức Kitô là Đấng hoàn tất các lời sấm ngôn về Đấng Messia, vì Thánh Thần Thiên Chúa ngự trên Ngài (Lc, 4, 18-21; Ga 1, 33). Ngài sẽ là Đền Thờ Mới (Ga 2, 19-22), từ đó có nước Thánh Thần chảy ra (Ga 7, 38-39). Theo Phaolô, các kitô-hữu cùng với Đức Kitô làm nên một Đền Thờ mới trong đó có Thánh Thần Thiên Chúa cư ngụ (1Cr 3, 16; 6, 19; Ep 2, 22; Rm 8, 11). Tất cả ơn cứu độ nằm ở chỗ  lãnh nhận Thánh Thần của Chúa Con: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên “Abba, Cha ơi!” (Gl 4,6). Bằng chứng việc chúng ta ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong chúng ta, là Người đã ban Thánh Thần của Người cho chúng ta (1Ga 4, 13).

Chúng ta có thể tự hỏi: tương quan giữa Người công chính với Chúa Thánh Thần, là tương quan riêng biệt với Ngôi Ba, hay chỉ là được gán cho Ngài ? Công việc thánh hóa là đặc biệt của Thánh Thần, hay là của chung Ba Ngôi và chỉ gán cho Chúa Thánh Thần ?

1. Sinh hoạt nội tại trong Ba ngôi là riêng của từng ngôi vị, còn trong sinh hoạt đối ngoại là chung cho cả Ba Ngôi. Nhưng phải phân biệt hai trạng từ indivise và indistincte. Ví dụ Tạo Dựng là công việc chung của cả Ba Ngôi. Nhưng Chúa Cha tạo dựng với tư cách là Cha, nghĩa là Tình Yêu khởi nguồn, Chúa Con tạo dựng với tư cách là Con, nghĩa là Tình Yêu được sinh ra, và Chúa Thánh Thần với tư cách là Tình Yêu hay là Hồng Aân của Cha và Con.

2. Công Đồng Constantinope minh chứng thần tính của Chúa Thánh Thần, dựa trên công việc thần hóa của ngôi vị Thánh Thần.

3. Aân sủng trong chúng ta là kết quả của các sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, làm cho chúng ta thực sự thông phần các nhiệm xuất vĩnh hằng của các Ngài. Chúng ta hiệp thông thực sự với Chúa Kitô và Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần là Tình Yêu thông hiệp.

4. Có thể so sánh với biến cố Ngôi Lời Nhập Thể. Tuy Nhập Thể là công trình của cả Ba Ngôi, nhưng chỉ có Ngôi Con làm người, chứ không phải hai ngôi vị kia. Còn trong việc công chính hóa, chính Thánh Thần được sai đến để công chính hóa từng Người (Gl 4, 4t). Thánh Tôma nhấn mạnh rằng các công việc của Người tín hữu có ơn thánh, là do Thánh Thần nhiều hơn do chính Người tín hữu.

5. Aân sủng là chính Thánh Thần, Đấng đưa chúng ta vào sự hiệp thông Ba Ngôi, trong đó Chúa Cha không ngừng sinh ra Chúa Con và ban tặng cho người công chính trong Thánh Thần. Ơn thụ tạo (Grâce crée), chính là sự đón nhận hồng ân thần linh không tách rời khỏi Đấng ban ơn, là cuộc sống đã được biến đổi nhờ Thánh Thần, là tự do đã được ban và đồng hóa với tự do của Thánh Thần. Aân sủng không là đồ vật, nhưng là sự sống.

C. NHỮNG HỒNG ÂN CỦA HỒNG ÂN: ĐOÀN SỦNG VÀ THỪA TÁC VỤ.

Một số người có khuynh hướng đối lập đoàn sủng và cơ chế và họ hay nại đến Phaolô. Nhưng nếu đọc kỹ các thư Phaolô, chúng ta có thể thấy những điểm sau:

1. Phaolô nhắc tới chữ đoàn sủng nhiều hơn cả (16/17 lần trong Tân Ước). Nhiều chỗ trong thư 1 Côrintô, Phaolô nói đến các đoàn sủng thật là phong phú trong Giáo Hội: “Khi anh em hội họp, người thì hát thánh ca, người thì giảng dạy, người thì nói lời mạc khải, người thì nói tiếng lạ, người thì giải nghĩa: tất cả những điều ấy đều phải nhằm xây dựng Hội Thánh” (1Cr  14, 26). Trong chương 12 của thư 1 Côrintô, Phaolô có hai danh sách liệt kê đoàn sủng. Danh sách I (1Cr 12, 8-10) kể ra các thứ đoàn sủng rất đa dạng, không theo thứ tự. Danh sách II (1Cr 12, 28) như đề ra một phẩm trật đoàn sủng: “Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các tiếng lạ”.

2. Chính Phaolô đôi khi tỏ ra dè dặt. Thường ngài đề cao những ơn kín đáo nhiều hơn, ví dụ sự khôn ngoan, tri thức, đức tin, ơn nói tiếng lạ được kể sau cùng. Và đức ái được coi như là đoàn sủng vượt trên mọi đoàn sủng (1Cr 12, 31 – 13, 1t).

3. Thay vì đối lập cơ chế với đoàn sủng. Ngay cả khi nói đến các đoàn sủng và sinh hoạt cộng đoàn, Phaolô lưu ý: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa gây hỗn loạn, nhưng là Thiên Chúa tạo bình an” (1Cr 14, 33). Phaolô thường xuyên nhấn mạnh đến sự duy nhất trong Hội Thánh: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người”. (1Cr 12, 4-6).

Gắn liền với từ ngữ đoàn sủng, còn có từ ngữ thừa tác vụ. Phaolô xác tín mình nhận lãnh thừa tác vụ Tông Đồ không từ tay cộng đoàn, mà từ Đấng Phục Sinh (Gl 1, 1; 1Cr 9, 17).

Bắt đầu từ thế kỳ II mới có sự căng thẳng giữa cơ chế và đoàn sủng, khi phái Montan xuất hiện chống lại mọi yếu tố vật chất và cơ chế. Jean Chrysostome là người đầu tiên chủ trương rằng khi Giáo Hội đã được thiết lập rồi, không cần đoàn sủng nữa.Quan điểm này chỉ hoàn toàn chấm dứt với Công Đồng Vatican II.

Từ Vatican I trở đi, yếu tố đoàn sủng không được coi như đi liền với cơ chế, nhưng chỉ là luật trừ, là ơn đặc biệt. Trong thông điệp Nhiệm Thể Chúa Kitô, Đức Piô XII vẫn còn cái nhìn đó. Vatican II nối kết trở lại hồng ân phẩm trật và đoàn sủng (diversis donis hierarchicis et charismatibus). Đức Gioan-Phaolô II cho rằng đối lập cơ chế với đoàn sủng là một điều quái dị. Sự đối lập ấy phát xuất từ sự đối lập Giáo Hội của Chúa Kitô và Giáo Hội của Chúa Thánh Thần, sứ vụ của Đức Kitô và sứ vụ của Chúa Thánh Thần. Chính vì thế mà sách Giáo Lý Chung nhấn mạnh nhiều đến sự nối kết giữa hai sứ vụ, của Chúa Kitô và của Chúa Thánh Thần (SGL 689-690). Theo Tân Ước, hồng ân Thánh Thần có quan hệ mật thiết với Chúa Kitô Tử Nạn – Phục Sinh. Chính Ngài đã ban Thánh Thần cho Giáo Hội. Chúa Thánh Thần không thay thế Chúa Kitô, nhưng phục vụ công trình cứu chuộc của Đức Kitô.

.

Comments are closed.