CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT PHỤC SINH (Lễ Ban Ngày), 17-4-2022: NGÀY TẠO DỰNG MỚI

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT PHỤC SINH (Lễ Ban Ngày), 17-4-2022

֎

NGÀY TẠO DỰNG MỚI

Đối với các Kitô hữu, Chúa nhật Phục Sinh hôm nay là ngày cử hành tiêu biểu nhất : việc Chúa Kitô đi từ sự chết sang sự sống, niềm vui vì sự Phục Sinh, ngày tạo dựng mới, “điều kỳ diệu trước mắt chúng ta”.

Bài đọc I : Cv 10, 34a. 37-43

Phêrô ở trong lãnh thổ dân ngoại, chính xác hơn, là trong lãnh thổ La Mã, vì ông đang ở nhà của một viên đại đội trưởng ở Xê-da-rê, cũng là nơi ở của tổng trấn La Mã. Bản tóm tắt của Phêrô, với những nét chính, về sứ vụ của Chúa Giêsu, do đó có tiếng vang lớn. Phêrô đề cập đến sự khởi đầu khiêm tốn của Chúa Giêsu thành Na-gia-rét, việc Chúa chịu phép rửa bởi Gioan, cùng “sự được xức dầu Thánh Thần và quyền năng” : tất cả đã tạo cho Chúa đủ tư cách thực hiện nhiều việc chữa lành ở Giu-đê và Giê-ru-sa-lem. Nếu vẫn còn một chút mơ hồ về danh tính của những người đã đóng đinh Chúa Giêsu, thì người Do Thái và người La Mã có lý do để tự vấn về trách nhiệm của chính họ. Thế rồi, Phêrô còn quả quyết hơn nữa về số phận chung cuộc của Chúa Giêsu: “Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy”. Và Phêrô cho biết sứ mệnh mà ông đã lãnh nhận cùng với các Tông đồ là “loan báo cho mọi người” biết rằng Chúa Giêsu được Thiên Chúa đặt làm “thẩm phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết”.

Thánh vịnh 117 (118)

Ở đây, chúng ta chỉ có ba khổ thơ của bài thánh vịnh dài này, gợi lên niềm vui giải thoát xảy ra mau lẹ trong bữa ăn Vượt Qua đầu tiên của người Do Thái. Người ta nhấn mạnh quyền năng của cánh tay Thiên Chúa và sự tin tưởng của các con dân Israel rằng mình phải tiếp tục sống “để loan báo những công việc Chúa làm”. Khổ thơ thứ ba đóng một vai trò trội nhất trong lời chứng của các Tông đồ về Đức Kitô, “tảng đá bị những người thợ xây loại bỏ […] đã trở nên đá tảng góc tường” của Hội Thánh.

Bài đọc II : Cl 3, 1-4

Phaolô đang bị giam tù ở Rôma khi ngài viết bức thư này cho tín hữu Côlôssê. Những người Côlôssê này bị cám dỗ bởi “ngộ đạo thuyết” (gnosis), là thứ tri ​​thức đề cao giá trị các quyền lực thiên thể. Phaolô thích ứng với thính giả của mình bằng cách nhấn mạnh đến việc tìm kiếm “những gì thuộc thượng giới, chứ không phải những gì thuộc hạ giới”. Qua “những gì thuộc thượng giới”, vị tông đồ nói đến hoạt động của Đức Kitôở bên hữu Thiên Chúa”. Chính Đức Kitô được tôn vinh này là trọng tâm của đời sống chúng ta và là Đấng sẽ cho chúng ta tham dự vào vinh quang của chính Ngài.

Tin Mừng : Ga 20, 1-9

Maria Mađalêna, cùng với những phụ nữ khác và người môn đệ Chúa yêu, đã có can đảm theo Chúa Giêsu đến chân Thập giá. Bây giờ, Maria Mađalêna lại là người đầu tiên, đứng trước mộ Chúa Giêsu, “vào ngày thứ nhất trong tuần”. Tảng đá đã được lăn khỏi mộ, nhưng không thấy Chúa Giêsu đâu ! Maria Mađalêna chạy về gặp Simon Phêrô và “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến”. Phêrô vào trong mộ, nhưng chỉ nhìn thấy những băng vải và khăn che đầu Chúa Giêsu. Người môn đệ kia cũng đi vào ; ông đã thấy và đã tin. Về phần Maria Mađalêna, chị thấy Chúa Giêsu hiện ra và ngay lập tức nhận ra Chúa là Người Thầy rất thân yêu của mình :Rabbouni ! Lạy Thầy”.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ

.

.

  

.

Comments are closed.