CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT II-TN_C, 16-01-2022
RƯỢU MỚI CỦA TIN MỪNG
VÀ ĐỨC TIN CỦA CÁC MÔN ĐỆ
֎
Bài đọc I cho chúng ta hiểu ơn gọi mới của Giêrusalem, Hiền thê của Chúa. Trong Tin Mừng, biểu tượng hôn nhân rất có uy lực. Trên thực tế, Chúa Giêsu đóng vai Chàng Rể, còn các môn đệ, cũng như Mẹ của Chúa Giêsu, giờ đây đã hình thành nên Giáo Hội, Hiền thê của Đức Kitô.
Bài đọc I : Is 62, 1-5
Isaia là một người rất yêu mến Giêrusalem (xem Mùa Vọng và việc chào đời của Chúa Giêsu). Ông tự nhủ sẽ không nín lặng “vì cơ nghiệp của Sion […] và vì Giêrusalem”. Từ chương 60 cho đến chương cuối cùng trong cuốn sách của ông (Is 66), người ta được dẫn tới đỉnh cao sự ca ngợi thành thánh. Nếu thành phải mang biệt danh “Đồ bị ruồng bỏ” và “Phận bạc duyên đơn” trong một thời gian, thì từ rầy trở đi, thành sẽ được gọi bằng “hai tên mới” do Chúa đặt cho là : “Ái khanh lòng Ta hỡi” và “Duyên thắm chỉ hồng”. Như thế, Isaia đã khai triển trực giác tuyệt vời của tiên tri Ôsê (Os 1 – 3), người trình bày Thiên Chúa như Chàng rể đầy dịu dàng đối với Cô dâu của mình là Israel. Thông điệp của nhà tiên tri chắc chắn sẽ là nguồn cảm hứng cho tác giả (hoặc những tác giả) của sách Diễm Tình ca.
Thánh vịnh 95 (96)
Bài ca mới của tác giả thánh vịnh phù hợp với sự thay đổi vận mệnh của Giêrusalem, được nêu lên trong bài đọc I. Giêrusalem giờ đây có sứ mệnh kêu gọi “tất cả các dân nước”, “toàn thể trái đất”, “tất cả các quốc gia”, và “các gia đình các dân tộc”, đi vào một buổi hòa nhạc vĩ đại ca ngợi danh Chúa, ơn cứu độ, vinh quang, quyền năng, sự thánh thiện và vương quyền của Ngài. Ở đây, người ta nói về một sự phụng thờ đại kết nhất, ngang tầm thông điệp của các tiên tri vĩ đại là Isaia, Giêrêmia và Êdêkien, một thông điệp vẫn luôn có tính thời sự.
Bài đọc II : 1 Cr 12, 4-11
Thánh Phaolô, người được mệnh danh là “Tông đồ các dân ngoại”, không chỉ là một vĩ nhân xây dựng các cộng đoàn Kitô hữu, mà còn là một nhà thần học vĩ đại, người thừa kế các tiên tri vĩ đại kể trên. Ý thức mình không có độc quyền về các đặc sủng, Phaolô mạnh mẽ khuyến khích mỗi người và mọi người sử dụng những ân huệ mà Thánh Thần ban cho mình để làm ích cho cộng đoàn. Không phải là cớ để cạnh tranh hay ghen tị, các đặc sủng cá nhân chỉ hoạt động nhờ “cùng một Thánh Thần duy nhất”. Sẽ là xúc phạm đến Thánh Thần, nếu nghĩ rằng bản thân mình thiếu đặc sủng, vì Thánh Thần “phân phát các ân huệ, cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người”.
Tin Mừng : Ga 2, 1-11
Chúa Nhật hôm nay đưa chúng ta vào Mùa Thường Niên, nhưng không phải là thường đối với Tin Mừng hôm nay. Chắc chắn, Tin Mừng kể lại một sự kiện lễ tiệc, đó là tiệc cưới tại Cana, miền Galilê, rất gần Nazareth. Điều nổi bật trong lễ tiệc hôm nay của người Do Thái tất nhiên là sự hiện diện của Chúa Giêsu và của mẹ Ngài cũng như của các môn đệ của Ngài. Chính xác hơn, sự can thiệp của mẹ Chúa Giêsu và của chính Chúa Giêsu đã tạo thêm một chiều kích bất ngờ. Khi bữa tiệc đang trong tình trạng nguy cấp nghiêm trọng, Mẹ Maria đã yêu cầu Con mình làm một điều gì đó – nhưng làm gì ? – để khởi động lại bữa tiệc. Mẹ Maria không biết Con mình sẽ làm gì, nhưng Mẹ yêu cầu các gia nhân làm bất cứ điều gì Chúa Giêsu yêu cầu họ làm. Chính như thế mà nước được biến đổi thành rượu có chất lượng tốt nhất, không bao giờ thiếu nữa, vì nó tượng trưng cho rượu mới là lời của Chúa Giêsu.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.