Các bài đọc chủ nhật hôm nay nói với chúng ta về sự khôn ngoan. Đây không phải sự khôn ngoan của những bậc hiền triết. Khi nói về một người rằng anh ta là một người khôn ngoan, người ta muốn đề cập đến kinh nghiệm, đến tài năng, đến sư suy tư sâu sắc chính xác của người ấy. Trái lại, các bản văn Thánh Kinh hôm nay đề cập đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Và hoàn toàn ngược lại với những cách suy nghĩ của con người.
Thế giới chúng ta ngày nay có khuynh hướng tránh xa sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Nó thích nghe những lời mời gọi của các thần tượng. Các thần tượng đó là ai thì tất cả chúng ta cũng đều rõ: đó là vinh quang, tiền bạc, giải trí, ích kỉ, bạo lực. Trước những hậu quả thê thảm mà chúng để lại, ai trong chúng ta cũng xác nhận rằng tinh thần thế gian luôn đi ngược lại thần khí của Thiên Chúa. “Người không có trí khôn” mà bài đọc thứ nhất nói với chúng ta, chính là mỗi người trong chúng ta khi chúng ta cậy dựa vào sức riêng của mình. Chúng ta chỉ tiếp cận sự khôn ngoan qua một ơn ban nhưng không của Thiên Chúa mà thôi. Điều quan trọng là đón nhận lời mời gọi của Ngài: đó là “đừng ngây thơ khờ dại nữa để bước đi trên đường khôn ngoan”.
Đó cũng là lời khuyên của thánh Phao lô trong bài đọc thứ hai: “Đừng sống như những kẻ khờ dại, nhưng như những người khôn ngoan”. Đúng y với những gì mà bài đọc thứ nhất phân biệt giữa “người nữ khôn ngoan” và “người nữ dại khờ”. Thánh Phao lô biết rằng người Kitô hữu thành Êphêsô còn nhiều điều phải làm để rời bỏ những thói quen cố hữu của họ. Điều quan trọng là chỉ khi nào chịu để cho Thần Khí Thiên Chúa ngự trị thì họ mới trở nên những người “khôn ngoan đích thực”. Vậy mỗi người hãy cố gắng sống theo “thánh ý Chúa” và để cho Ngài dùng tình yêu mà biến đổi.
Bài Tin mừng còn đi xa hơn nữa. Sau khi hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu được đám đông dân chúng nhận ra là “vị tiên tri phải đến”. Nhưng họ vẫn còn ở xa chân lí. Tiên tri là một người nói nhân danh Thiên Chúa và thay cho Ngài, nhưng Chúa Giêsu còn hơn một vị tiên tri nữa, vì Ngài chính là Lời Thiên Chúa nhập thể; Ngài là đấng mang lại lương thực cho cơn đói thiêng liêng của con người. Ngài là đấng ban sự sống đích thực. Dĩ nhiên, vào thời ông Mô sê đã có man na, nhưng đó chỉ là hình ảnh mờ nhạt của những gì mà Chúa Giêsu sắp công bố: “Trong sa mạc, cha ông các người đã ăn man na và đã chết; còn bánh nầy từ trời xuống, ai ăn sẽ không chết”.
Tiếp đến, Chúa Giêsu cho biết Ngài nuôi sống thế gian bằng cách nào. Ngài nói: “Bánh mà Ta sẽ ban chính là thịt Ta ban để cho thế gian được sống. Trước phản ứng mạnh mẽ của người Do thái: “Làm sao mà ông nầy lại có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?”, Chúa Giêsu không giải thích mà chỉ khẳng định: “Nếu các người không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các người sẽ không có sự sống”. Ngài không giải thích vì điều ấy chỉ có thể đón nhận bằng đức tin mà thôi.
Những lời của Đức Kitô đưa chúng ta trở lại thứ năm tuần thánh. Chiều hôm đó, Chúa Giêsu cầm lấy bánh và nói: “Hãy cầm lấy mà ăn, vì nầy là Mình Ta”. Như thế, các tông đồ được mời gọi làm một hành vi đức tin vào sự hiện diện của Đức Kitô dưới hình bánh và rượu. Đó cũng chính là hành vi đức tin mà chúng ta được mời gọi phải làm mỗi khi tham dự thánh lễ.
Lời Chúa phán thật khó hiểu, nhưng đó lại là những lời đem lại sự sống đời đời. Cuộc sống đời đời mà Chúa Giêsu đề nghị với chúng ta là một cuộc sống trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa. Mỗi lần chúng ta rước lễ, đón nhận Mình Thánh Chúa, là mỗi lần chúng ta đi vào một tương quan tình yêu mạnh mẽ và mật thiết với Ngài. Nhờ đó, cả cuộc sống chúng ta trở thành vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Cuộc sống đời đời chính là sự hiệp thông tình yêu với Thiên Chúa giúp chúng ta sống mối tương quan tình yêu đích thật với tất cả mọi người.
Khi cử hành Thánh lễ nầy, chúng ta hãy cầu nguyện trong mối hiệp thông với tất cả các Kitô hữu trên toàn thế giới. Xin Chúa giúp chúng ta được luôn sẵn sàng tiếp nhận với trọn vẹn niềm tin lương thực mà Ngài ban cho chúng ta mỗi tuần. Xin ngài dạy chúng ta yêu mến tất cả mọi người chung quanh như Ngài và với Ngài.