CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XIX-TN ~B, 08-8-2021
THIÊN CHÚA KHIÊM TỐN VÀ DỊU DÀNG
Êlia nhiệt tình nói về một Thiên Chúa của vũ trụ, duy nhất và toàn năng. Cuộc gặp gỡ của ông với Thiên Chúa tại Horeb đã giúp ông khám phá ra sự dịu dàng và khiêm tốn của Thiên Chúa. Đám đông được Chúa Giêsu nuôi dưỡng ngạc nhiên về nguồn gốc khiêm tốn của Chúa và tiếp tục mơ về một Đấng Mêsia mang tầm vóc một vị vua và người chinh phục.
Bài đọc I : 1 V 19, 4-8
Êlia được thúc đẩy bởi một lòng nhiệt thành vô song dành cho Thiên Chúa duy nhất. Ông biết cách đối mặt với vô số các tư tế của thần Ba-an, và ông còn biết cách làm cho họ bối rối bằng một biểu hiện cụ thể về sự ưu việt của Thiên Chúa của ông. Ông can đảm chống lại các âm mưu của Vua A-káp và Hoàng hậu Giê-sa-ben. Nhưng ông buộc phải chạy trốn để lánh nạn trong sa mạc, bị kiệt sức, thậm chí trầm cảm, đến mức ông xin Chúa cho mình được chết. Thiên Chúa sai thiên thần của Ngài đến với Êlia, để không chỉ cung cấp lương thực cho nhà tiên tri, mà còn ra lệnh cho ông đi đến núi thánh Horeb (một tên khác của Sinai). Nhà tiên tri làm theo và khi đã đến Horeb, ông được làm cho khỏe lại bởi Thiên Chúa, Đấng tỏ lộ “trong tiếng gió nhẹ thì thầm“. Nhà tiên tri khám phá ra sự khiêm tốn của Thiên Chúa phục vụ những kẻ bé mọn trên trần gian.
Thánh vịnh 33 (34)
Chúng ta có thể đọc lại lời “Hãy nếm thử và hãy nhìn xem, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao !” của tác giả thánh vịnh như diễn tả kinh nghiệm của tiên tri Êlia, được “thiên thần của Thiên Chúa” nuôi dưỡng, và vui mừng khám phá ra một Thiên Chúa tốt lành, Đấng “nghe tiếng kêu của người nghèo [và] cứu người ấy khỏi mọi cơn nguy khốn“. Mặt khác, chúng ta có thể nói rằng tác giả thánh vịnh chính là một tiên tri trong cộng đoàn của mình. Ông đang đối thoại với Thiên Chúa và là người mang “tin mừng” : người nghèo được mời đến “dự tiệc” và Thiên Chúa luôn nghe thấy tiếng kêu khốn quẫn của người nghèo và “giải thoát” người ấy khỏi mọi “nỗi sợ hãi”.
Bài đọc II : Ep 4, 30 – 5, 2
Chúng ta rất quen thuộc bài thánh ca tuyệt vời về tình yêu, trong thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (1 Cr 13). Lá thư gửi tín hữu Êphêsô cũng ca ngợi tình yêu như vậy, và Phaolô đã xác định một cách tuyệt diệu mầu nhiệm Hội Thánh và Thánh Thần, Đấng làm cho Hội Thánh sống động. Vị Tông đồ mời gọi trước hết hãy loại bỏ mọi thái độ không phù hợp với “Thánh Thần của Thiên Chúa” : “chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ“, cũng như “mọi hành vi gian ác“. Quả là một chương trình đòi hỏi, thêm vào đó, còn phải tha thứ cho nhau. Nhưng Phaolô còn đi xa hơn và đề ra một lý tưởng cao cả : “Hãy yêu nhau, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta“. Bắt chước Thiên Chúa, bắt chước Đức Kitô : đó là điều tóm kết một cách hoàn hảo sự tồn tại của Kitô hữu.
Tin Mừng : Ga 6, 41-51
Người Do Thái được hưởng sự quảng đại của Chúa Giêsu, Đấng đã cho họ ăn và làm họ thỏa mãn. Những phàn nàn kêu trách của họ rõ ràng là gợi nhớ đến những phàn nàn kêu trách của người Do Thái ngày xưa trong sa mạc. Ở đây, những thính giả của vị tiên tri thành Nazareth đưa ra tranh cãi câu tuyên bố của Chúa “Ta từ trời xuống“, dựa trên nguồn gốc khiêm tốn của Chúa Giêsu, “con ông Giuse” và mẹ của Ngài (Maria, tuy dù tên gọi này không được đề cập đến). Chúa Giêsu đáp lại bằng cách viện dẫn mối liên hệ mật thiết của Ngài với Chúa Cha và (viện dẫn) cả lời chứng bằng văn bản của các tiên tri: “Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ“. Chúa đi xa hơn nữa, khi khẳng định rằng Chúa là “người duy nhất” đã “thấy Chúa Cha” và Chúa nhắc lại rằng Chúa là “bánh hằng sống từ trời xuống“, nguồn sự sống vĩnh cửu.
Lm. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.