CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA Chúa Nhật Lễ Mình Máu Chúa Kitô_B, 06-6-2021

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

Chúa Nhật Lễ Mình Máu Chúa Kitô_B, 06-6-2021

BÍ TÍCH MÌNH MÁU CHÚA KITÔ

          Những lời của Chúa Giêsu “Này là Mình Thầy […]. Này là Máu Thầy, máu của Giao ước”, cho thấy tầm quan trọng của Thánh Thể Chúa Giêsu: đó là lương thực và là giao ước của cả một dân tộc, là sự tạ ơn, sự tưởng nhớ cái chết và sự sống lại của Đức Kitô và hy vọng vào sự trở lại của Ngài.

Bài đọc I: Xh 24, 3-8

          Khung cảnh được mô tả ở đây có tính quyết định và không thể trang trọng hơn. Môisê xuống núi sau khi nhận được “Mười Lời” do Thiên Chúa phán dạy. Ông trung thành truyền đạt những lời đó cho dân; dân tự phát và nhất trí cam kết đưa những lời đó ra thực hiện. Môisê chuẩn bị một nghi lễ phụng vụ được soạn thảo kỹ: “ông dựng một bàn thờ”, xung quanh xếp “mười hai tảng đá”, tượng trưng cho các chi tộc của Israel. Nghi lễ xứng với biến cố, đó là sự giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel: của lễ toàn thiêu, hy lễ cầu an, rảy máu trên bàn thờ và dân chúng, đọc “sách Giao ước”, và dân lặp lại ý muốn thi hành “tất cả những gì Chúa đã phán”. Sự nhất trí này sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, với tình tiết đáng buồn là việc đúc con bê bằng vàng.

Thánh vịnh 115

          Thánh vịnh này, giống như hầu hết các thánh vịnh tạ ơn, là lời chứng của một cá nhân kể lại trước cộng đoàn đang tụ họp tại Đền thờ về cách Thiên Chúa đã cứu ông khỏi cơn nguy khốn, là “xiềng xích” của cái chết. Từ kinh nghiệm hiện sinh và đặc biệt này, tác giả Thánh vịnh tạ ơn Thiên Chúa “vì mọi điều tốt lành Ngài đã làm [cho tác giả]”. Nghi thức về “chén cứu độ”, cũng như “hy lễ tạ ơn”, dường như không dành cho các tư tế và các thầy Lê-vi. Các nghi thức đó có tính cách công khai, vì những cử chỉ và các lời cầu khẩn của tác giả thánh vịnh khơi dậy lời cầu nguyện của cả cộng đoàn.

Bài đọc II: Dt 9, 11-15

          Ngôn ngữ tư tế của đoạn văn này là điển hình của thư gửi tín hữu Do Thái. Ở đây gợi lên thầy thượng tế, lều trại, đền thờ, máu các con vật được hiến tế, việc rảy máu và cuối cùng là “vật hiến sinh không tỳ vết”. Tác giả giải cấu trúc ngôn ngữ này, để làm nổi bật hơn nữa tính mới mẻ và sự ưu việt của chức tư tế của Đức Kitô, “trung gian của một giao ước mới, một chúc thư mới”. Tuy nhiên, “Cựu Ước” không vì thế mà bị từ chối, vì cái chết của Đức Kitô đã cứu chuộc những “vi phạm” của dân Israel và cung cấp cho họ khả năng “nhận được cơ nghiệp đời đời đã được hứa” cho Abraham và dòng dõi của ông.

Tin Mừng: Mc 14, 12-16. 22-26

          Trình thuật về Bữa Tiệc Ly minh họa rõ ràng Chúa Giêsu và các môn đệ muốn “ăn Lễ Vượt Qua” theo phong tục Do Thái thời đó. Phần đầu của trình thuật đề cập đến những chuẩn bị cho bữa ăn đặc biệt và đầy ý nghĩa này. Phần thứ hai của trình thuật được phân biệt qua những lời Chúa Giêsu nói khi bẻ bánh và nâng chén rượu. Chúa Giêsu chỉ định bánh là thân thể mình và rượu là máu huyết của mình. Thân mình Ngài (là thân thể) sẽ được dâng làm của lễ hy sinh trên Thập giá, và rượu là “máu của Giao ước, đổ ra cho nhiều người”. Trong Tin Mừng Marcô, không có lệnh truyền “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Nhưng, những lời của Chúa Giêsu có tầm mức cánh chung, vì Chúa Giêsu loan báo một “rượu mới, trong nước Thiên Chúa”.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.