HAI CỘT TRỤ CỦA HỘI THÁNH
Khi đọc lại lịch sử của hai vị thánh Phêrô và Phaolô, nhân loại không khỏi ngạc nhiên vì hai con người này hai tính khí khác nhau, hai nền giáo dục khác nhau, nhưng đã bổ túc cho nhau khiến hai Đấng trở nên cột trụ vững chắc cho Giáo Hội của Chúa Kitô ở trần thế. Thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng đã bộc trực thưa với Chúa Giêsu ba lần “Ngài yêu mến Chúa”, nhưng sau đó lại chối Chúa ba lần. Còn thánh Phaolô, một con người bắt bớ Giáo Hội của Chúa, đã bị Chúa làm cho tan nát trên đường đi Đamas.
HAI KHUÔN MẶT. MỘT NIỀM TIN:
Tin mừng Matthêu thuật lại, các môn đệ sau khi theo Chúa một thời gian khá dài, có nhiều dư luận nói về Chúa Giêsu, người thì bảo là Êlia, người bảo là Giêrêmia hay là một ngôn sứ nào đó, còn các môn đồ nghĩ sao? Chúa Giêsu muốn biết tấm lòng và sự hiểu biết của các tông đồ đối với Chúa Giêsu như thế nào và đây là điều Ngài muốn biết. Ông Simon Phêrô vẫn nhanh nhảu, nóng nảy, bộc trực đã thưa với Chúa Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Chúa Giêsu đã rất hài lòng về câu trả lời của Phêrô và đây là câu trả lời Chúa Giêsu muốn biết. Đức Giêsu nói với Simon Phêrô: “Này anh Simon, con ông Gio-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16, 17). Đức tin của Phêrô đã giúp Ông thốt lên và tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Chính nhờ đức tin, sự xác tín và sự tuyên xưng của Simon Phêrô, Chúa Giêsu đã đatë thánh Phêrô làm đầu Hội Thánh (Mt 16, 18). Còn Phaolô, sau khi bị Chúa đánh cho ngã ngựa trên đường Đamas đang khi thực hiện ý đồ triệt hạ các môn đệ và Giáo Hội của Chúa, Phaolô đã nghe tiếng Chúa nói: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta ?. Ông nói: “Thưa Ngài, Ngài là ai ? Người đáp:” Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. “(Cv 9, 4-5). Sao-lô tức Sa-un đã được Khanania đặt tay chữa lành và làm cho Sa-un được sáng mắt do quyền năng của Chúa và Ông đã lại thấy được, Ông đứng dậy và lãnh nhận phép rửa (Cv 9, 17-19). Từ hôm đó Ông đã mạnh dạn rao giảng về Chúa khiến nhiều người Do Thái ngạc nhiên tự hỏi: “Ông này chẳng phải là người ở Giêrusalem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu danh Giêsu sao ? Chẳng phải ông đã đến đây với mục đích bắt trói họ giải về cho các thượng tế sao?” (Cv 9, 21). Phaolô đã làm bẽ mặ tnhững người Do Thái ở Đamát, khi minh chứng rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia (Cv 9, 22).
Thánh Phaolô đã được các tông đồ tin tưởng nhờ đó Ông và các tông đồ đi lại hoạt động tại Giêrusalem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa (Cv 9, 28). Thánh Phêrô và thánh Phaolô mỗi người một cách suy nghĩ, mỗi người một tính khí nhưng dưới ánh sáng của Tin Mừng, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, hai Ngài đã trở thành hai cột trụ vững chắc cho Giáo Hội nhờ đức tin của các Ngài được Chúa củng cố.
THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ NÊU GƯƠNG TÔNG ĐỒ CHO TA:
Dù thánh Phêrô đã chối Chúa tới ba lần, dù trước đó Ngài đã cương quyết theo Thầy tới cùng, nhưng khi nghe Chúa loan báo cuộc thương khó Ngài phải chịu để cứu độ nhân loại, Phêrô không thể hiểu được Thầy mình, Ông đã cản ngăn đường Chúa đi, Chúa đã khiển trách Phêrô rất nặng lời, cho ông là Satan, ma quỉ. Nhưng Phêrô đã nhận ra con người của Chúa sau ba lần chối Thầy. Phêrô cũng chỉ nhận ra tình yêu và lòng xót thương của Chúa sau những giọt nước mắt tang thương, ăn năn, sám hối. Còn Phaolô chỉ nhận ra Chúa khi Ông hăm hở, lấc cấc, hăng say truy lùng, bắt bớ các môn đệ của Chúa. Ông chỉ hiểu được lòng tha thứ và tình thương của Chúa khi Ông ngã ngựa và đôi mắt bị mù lòa trên đường Đamas. Hai thánh nhân đều ý thức việc quay trở lại với Chúa, đều cảm nghiệm tình thương xót hải hà của Chúa. Hai Ngài đã rất thực, sống hoàn toàn như mình nghĩ và cũng hồi sinh mau chóng khi hiểu được con người đầy xót thương của Chúa Giêsu. Nên, dù hai tính khí, hai nền giáo dục, hai khả năng, hai cách làm việc khác nhau, thánh Phêrô và thánh Phaolô đã bổ túc cho nhau để xây dựng Giáo Hội của Chúa vững chắc ở trần gian này. Hai vị thánh tông đồ đã nêu gương sáng cho nhân loại, cho Hội Thánh, cho từng người về lòng nhiệt thành, sự can đảm và sự say mê truyền giáo của các Ngài. Hai Ngài còn cho nhân loại thấy dù yếu hèn, dù tội lỗi, dù kém tài, Chúa vẫn luôn dùng tới nếu con người biết tin, cậy và quay trở về với Chúa. Mỗi một con người đều có chỗ đứng trong trái tim Chúa. Chúa thương yêu con người không chung chung, có lệ, nhưng Chúa gọi tên từng người một vì “Ta biết chiên và chiên biết Ta “. Chúa dùng mọi người, dùng mỗi người với tất cả những gì đang có, những khuyết điểm, những hạn hẹp của con người, Chúa xử dụng tất cả để làm phong phú, đa dạng và làm nổi bật quyền năng, uy dũng của Ngài. Lễ hai thánh Phêrô và Phaolô là lễ kính mầu nhiệm Hội Thánh đặt nền tảng trên các Ngài. “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con được vui mừng hoan hỷ nhân ngày đại lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Chính nhờ các Ngài, Hội Thánh đã bắt đầu đón nhận đức tin, xin cho Hội Thánh cũng luôn trng thành tuân giữ lời các Ngài giảng dậy” (Lời nguyện nhập lễ, lễ hai thánh Phêrô và Phaolô, tông đồ).
GỢI Ý CHIA SẺ:
1. Bạn hiểu gì về hai thánh Phêrô và thánh Phaolô ?
2. Tại sao các tông đồ lại hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho Chúa phục sinh ?