LECTIO DIVINA
‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’
Thứ Năm Tuần III Phục Sinh, 22-4-2021
Ga 6, 44-51
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài dạy dỗ và dưỡng nuôi”
1. LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”.
Cho đến lúc này, cuộc đối thoại vẫn là giữa Chúa Giêsu và dân chúng. Từ bây giờ trở đi, các nhà lãnh đạo Do Thái bắt đầu tranh luận với Chúa và cuộc tranh luận ngày càng trở nên căng thẳng hơn.
Bài Tin Mừng (Ga 6, 44-51) cho thấy Chúa Giêsu Kitô, thật là người hảo tâm: Chúa vừa là người tặng, vừa là quà tặng, nuôi dưỡng chúng ta qua giáo huấn của Người. Là Ngôi Lời làm người và là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, Chúa Giêsu thết đãi chúng ta một bữa tiệc phong phú sự nuôi dưỡng thiêng liêng. Chúa tự hiến cho chúng ta như là bánh của Lời, và là sự mặc khải cứu rỗi của tình yêu vô hạn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, đồng thời hoàn tất những gì được viết trong các tiên tri: “Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”. Trong phần cuối của bài Tin Mừng hôm nay, chủ đề chuyển từ ‘Chúa Giêsu với tư cách là người mạc khải Chúa Cha’ sang ‘Chúa Giêsu là người ban phát và là quà tặng Thánh Thể’. Chúng ta được hướng dẫn để không chỉ chiêm ngưỡng sự nuôi dưỡng bằng “Lời” do Chúa Giêsu cung cấp, mà còn chiêm ngưỡng sự nuôi dưỡng “có tính bí tích” về thịt máu của Chúa được Chúa ban cho ta. Món quà kỳ diệu của Chúa Giêsu là sự nuôi dưỡng bằng “Thánh Thể”, được tạo ra từ thân thể được tôn vinh và tràn đầy Thánh Thần của Chúa Giêsu. Thật vậy, Chúa Giêsu là bánh hằng sống từ trời để dạy dỗ và nuôi dưỡng con người.
2. MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)
– Bất cứ ai mở lòng ra với sự thật đều tìm thấy câu trả lời nơi Chúa Giêsu. Vậy nếu có người bỏ Chúa, vì không tìm thấy bất kỳ câu trả lời nào, thì đó là lỗi của ai? Có phải là lỗi của những người biết lắng nghe không? Hay là lỗi của chúng ta, những Kitô hữu không biết cách trình bày Tin Mừng như một sứ điệp sự sống?
– Người Pharisiêu đã cho thấy các chuẩn mực của thời đại họ, cũng như tỏ ra họ là những người tuân giữ truyền thống. Không phải tất cả họ đều là những người chứng kiến tận mắt các phép lạ của Chúa Giêsu sao? Họ có thể bị quy trách như thế nào? Đâu là sự cân bằng giữa sự nhận ra Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta và việc không để mình bị lung lay, chao đảo bởi niềm tin mới nào đó xuất hiện? Điều này càng quan trọng hơn trong thời đại “thông tin Internet”.
– Bí tích Thánh Thể có giúp tôi sống trong tình trạng Xuất Hành vĩnh viễn, nghĩa là luôn ở trên đường đi về Nước Trời không? Tôi có thành công không?
– Khi tham dự tiệc Thánh Thể, tôi có tin rằng đó là suối nguồn của sự khôn ngoan và sự sống đời đời không? Tôi làm thế nào để phiên dịch niềm tin này trong cuộc sống hàng ngày của tôi?
3. ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)
Lạy Chúa Kitô Phục sinh, Chúa là suối nguồn của sự khôn ngoan và là nguồn mạch của sự sống đời đời. Qua việc chúng con chia sẻ bữa ăn linh thánh của Chúa, Chúa cho chúng con có thể chia sẻ định mệnh vượt qua của Chúa. Chúng con tin rằng Chúa hiện diện thực sự và hiện diện cách bản thể trong bí tích cực thánh là Mình và Máu của Chúa. Xin biến chúng con nên những nhân chứng nhiệt thành về sự Phục Sinh của Chúa. Xin giúp chúng con loan báo niềm vui của Tin Mừng trong thế giới bị chia cắt ngày nay. Chúng con tạ ơn và khen ngợi Chúa, bây giờ và mãi mãi. Amen. Alleluia!
4. CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.
5. ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)
– Bằng tình yêu cho đi chính mình và sự hy sinh của tôi, tôi làm cho những người xung quanh tôi cảm nghiệm sức mạnh chữa lành và biến đổi của Chúa Kitô Phục sinh, hiện diện trong Bí tích Thánh Thể.
– Tôi quyết tâm học Kinh Thánh một cách tận tụy và trung thành hơn.
– Tôi tìm cách chia sẻ cho những người xung quanh biết về Lời Chúa có sức mạnh biến đổi cuộc sống.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.