Bài viết của Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
Phó Chủ Tịch Ủy Ban Mục Vụ Di Dân của HĐGMVN
Không ai có thể phủ nhận: di dân, như một hiện tượng xã hội, hiện đang mang tới tầm cỡ thế giới, và có tác động quan trọng trên sinh hoạt kinh tế, chính trị toàn cầu. Tông huấn Erga Migrantes Caritas Christi (Tình Yêu Đức Ki-tô Dành Cho Di Dân) (Vatican 2004) đã phác họa hiện tượng di dân trong thế giới hiện tại bằng những lời như sau: “Ngày nay di dân đang trở thành một chuyển động dân chúng lớn nhất trong lịch sử mọi thời đại. Chỉ trong vài thập niên cuối này, hiện tượng đã chi phối hơn 200 triệu người, và đang trở thành một thực thể cấu thành nên xã hội hiện đại. Di dân đang trở nên một vấn đề ngày càng phức tạp dưới các khía cạnh xã hội, văn hóa, chính trị , tôn giáo và mục vụ…” (EMCC Lời giới thiệu). “Di dân là vấn đề mà hiện nay toàn thế giới phải đối mặt. Thực tế thì gần như tất cả mọi quốc gia đều phải đượng đầu với hiện tượng di dân đang bùng nổ dưới hình thức này hay hình thức khác. Nó ảnh hưởng tới đời sống xã hội, kinh tế, chính trị tôn giáo của họ, đồng thời đang ngày càng trở thành một hiện tượng thường trực trong cấu trúc xã hội. Di dân thường được hình thành do quyết định tự do của chính các người di dân; công bằng mà nói thì thường không chỉ vì lý do tài chánh, mà còn cả các yếu tố văn hóa, khoa học và kỹ thuật” (EMCC số 1).
Riêng tại Việt Nam, kể từ nhiều năm qua, do các chuyển biến lịch sử, xã hội, chính trị và kinh tế phức tạp, di dân, dưới nhiều dạng, cũng đang làm thay đổi bộ mặt truyền thống của đất nước (tham khảo: Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Trước Nhu Cầu Mục Vụ Di Dân, Lược Khảo nhân kỷ niệm Năm Thánh 2010 của Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB). Qua tập “Đề Cương Năm Thánh 2010”, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã có những suy nghĩ về vấn đề Mục Vụ Di Dân trong bối cảnh toàn thể của Hội Thánh tại Việt Nam như sau: “Làn sóng di dân tại Việt Nam, trong nước cũng như ngoài nước, đang làm thay đổi bộ mặt đất nước, tại nơi đi lẫn nơi đến. Một đàng chính những biến động xã hội đã tạo nên làn sóng di dân từ nông thôn lên thành thị, hoặc đi lao động tại nước ngoài; đàng khác, tình trạng di dân lại tạo nên nhiều phức tạp về môi trường, xã hội, văn hóa. Dù thế nào đi chăng nữa, trong tiến trình hội nhập, anh chị em di dân luôn chịu nhiều áp lực về tâm lý, tình cảm, kinh tế, xã hội và cả trong đời sống luân lý đức tin.”
Cụ thể hiện nay tại Việt Nam (2008), chỉ nói riêng mảng di dân thời vụ (di chuyển có thời hạn vì kế sinh nhai hay học hành), hàng năm đã có khoảng 05 triệu di dân nội địa, và 1.5 triệu di dân hải ngoại.
Riêng đối với Giáo Hội, vấn đề mục vụ di dân đặt ra là rất lớn. Người ta ước tính không dưới 10% trong tổng số di dân này là công giáo trẻ. Thành phần này hiện là đối tượng chính trong quan tâm và hoạt động của Ủy Ban Mục Vụ Di Dân của HĐGMVN, kể từ khi được thành lập năm 2007. Dưới con mắt mục vụ, di dân tạo nên quá nhiều thách đố và vấn đề rất phức tạp, ngắm hạn cũng như dài hạn, cho địa phương nơi tới cũng như địa phương nơi đi (xem EMCC số 12, 34-36). Qua các kinh nghiệm quốc tế cũng như địa phương tích lũy từ hậu bán thế kỷ XIX cho tới nay, trong Tông Huấn Erga Migrantes Caritas Christi, do Hội Đồng Giáo Hoàng về Mục Vụ Di Dân và Lữ Hành ban hành (Vatican 2004) , Tòa Thánh đã xác định các đường hướng cơ bản cho công tác mục vụ này. Trong mối quan tâm hiền mẫu của mình, Mẹ Giáo Hội lo toan sao cho di dân được chăm sóc mục vụ chu đáo, giữa các khó khăn khách quan, thử thách cuộc sống và phát huy niềm tin trong các môi trường, nhiều khi không thuận lợi. Bố trí nhân sự hợp lý, thành lập các cơ cấu mục vụ hỗ tương, và cung cấp các các phương tiện cần thiết để phục vụ các di dân cách hữu hiện hơn trong giai đoạn thử thách này, là điều văn kiện hướng tới. Văn kiện là một tài liệu quý giá hướng dẫn việc thi hành mục vụ di dân, nhất là tại các địa phương tiếp nhận. Riêng đối với các địa phương xuất phát, ngoài việc nhấn mạnh phải có một sự hợp tác chặt chẽ giữa hai Giáo hội địa phương, nơi người di dân đến và nơi người di dân xuất phát, hầu có một nền mục vụ hữu hiệu, văn kiện vẫn chưa bàn gì nhiều tới mục vụ di dân liên quan tới Giáo Hội gốc.
Về vấn đề này, bản báo cáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gởi cho Hội Đồng Tòa Thánh về Chăn Sóc Mục Vụ cho Di Dân và Người Lữ Hành, nhân chuyến đi Ad Limina vừa qua (2008) đã phác họa các nét chính của mục vụ Di Dân của Hội Thánh tại Việt Nam trong các năm tới như sau:
1- Di dân trong nước: Tại nơi đến: tiếp nhận và giúp hội nhập, ổn định về tôn giáo và xã hội. Tại nơi đi: chuẩn bị trước khi đi, cũng như tiếp nhận và tái hội nhập khi hồi hương. Chăm sóc mục vụ các gia đình có người di dân và con cái họ sống tại quê nhà.
2- Di dân xuất ngoại: Giáo hội gốc chuẩn bị người di dân, nhất là về mục vụ, trước khi họ lên đường, và đón nhận lại trong đối thoại khi họ hồi hương. Chăm sóc mục vụ các gia đình có người di dân ra nước ngoài cũng như con cái họ còn đang sinh sống tại quê nhà.
Đường hướng trên cho ta thấy, ngoài công tác phục vụ trực tiếp người di dân tại nơi tiếp nhận: giúp họ sớm hội nhập, ổn định về mặt tôn giáo và xã hội, còn có một mảng lớn nữa phải được chính Giáo hội địa phương, nơi xuất phát của người di dân, thực hiện: cụ thể là các khâu: chuẩn bị, theo dõi, tiếp nhận trở lại trong đối thoại. Trong cộng tác mục vụ di dân của mình, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam muốn thúc đẩy cả hai cách đồng bộ.
Chính mảng mục vụ sau này, cho tới nay còn rất ít được bàn tới, nhất là trong các văn kiện chính thức, sẽ là đề tài để tôi trao đổi với các bạn trong bài viết này.
Người ta thường hay so sánh hiện tượng di dân với một băng sơn, trôi nổi bồng bềnh trên đại dương do qui luật khí hậu thời tiết. Băng sơn là một giải pháp điều hòa nhiệt độ và sinh thái, với những lợi ích to lớn của nó, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn vô vàn hiểm nguy, nhất là đối với các tầu thuyền qua lại. Băng sơn có phần nổi lên trên mặt nước, dễ phát hiện và đôi khi hoành tráng rực rỡ, nhưng cũng có phần chìm dưới nước, lớn hơn, nặng hơn, nhưng âm thầm tiềm ẩn tai họa củng như lơi ích. Nếu mục vụ nơi tiếp nhận là phần nổi, thì mục vụ nơi xuất phát chính là phần chìm dưới nước của băng sơn di dân. Phần chìm này là một mục vụ âm thầm nhưng có tầm ảnh hưởng lớn lao và lâu dài trên Giáo Hội nơi xuất phát (và dĩ nhiên trên toàn Hội Thánh nữa). Riêng tại Viêt Nam, mảng mục vụ này lại liên quan tới rất nhiều giáo phận và giáo xứ (nhiều nơi cho tới nay mục vụ di dân vẫn chưa thực sự được quan tâm); vẫn biết rằng lãnh vực này còn quá mới mẻ.
Dựa trên kinh nghiệm của Giáo Hội Philippines, một quốc gia công giáo có tỷ lệ di dân lao động ra nước ngoài đông nhất thế giới, tôi xin thử phác họa một vài nét về mục vụ di dân liên quan tới Giáo Hội xuất phát (Tham khảo Handbook, the ministry to Migrants and their Families, published by ECMI of the CBCP, 2001). Mục vụ này có thể được nhìn dưới hai diện: người di dân và cộng đồng Giáo hội địa phương, nhưng trong thực hiện thì hai diện này lại đan quện với nhau rất chặc chẽ.
Về phía người di dân:
– Chuẩn bị để giáp mặt với một thách đố lớn đối với đức tin
– Được nâng đỡ để gắn kết hơn với Giáo hội gốc: củng cố sự hiệp thông
– Được đón nhận khi trở về trong đối thoại và yêu thương
Về phía cộng đổng địa phương:
– Ý thức di dân là một dịp may để Giáo Hội tăng trưởng
– Nâng đỡ thân nhân các di dân còn ở lại, nhất là những ai cô thế cô thân
– Củng cố công giáo tính của Giáo hội địa phương
– Tiếp thu các mời gọi canh tân và đổi mới qua chân thành đối thoại.
1- Ý thức về tầm quan trọng của biến cố di dân trên đời sống đức tin
Di dân là một trong các dấu chỉ thời đại này. Hội thánh nhận ra tín hiệu của Thiên Chúa nói với mình thông qua hiện tượng di dân đang ngày càng phổ biến hơn. Về phương diện thuần xã hội, mọi người đều dễ dàng nhận ra mặt tích cực và xây dựng của hiện tượng này. Tông Huấn EMCC đã khảng định: “Mặt khác di dân cũng giúp dân chúng hiểu biết nhau hơn, tạo điều kiện đối thoại, hiệp thông, thậm chí tới hòa hợp trên nhiều cấp độ. Đức Gio-an Phao-lô II đã nhắc tới điều này trong thông điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình năm 2001: “Trong trường hợp nhiều nền văn minh, di dân đã mang lại phát triển và phong phú mới. Trường hợp khác, dân địa phương và di dân tiếp tục duy trì các khác biệt về văn hóa, nhưng đã cho thấy rằng họ vẫn có thể chung sống qua việc tôn trọng nhau, biết chấp nhận hoặc khoan nhượng đối với các khác biệt về phong hóa” (EMCC số 2).
Nếu khía cạnh xã hội là như thế, ta có thể nói gì về đời sống đức tin? Văn kiện EMCC (số 13) đã nêu ra một vài suy tư: “Sự kiện di dân dưới các biến cố Kinh Thánh đã đánh dấu các chặng đường của cuộc hành trình gian khổ dẫn nhân loại tới việc khai sinh một dân tộc, không còn kỳ thị hay ranh giới, là kho lưu giữ quà tặng của Thiên Chúa cho mọi dân nước, và mở rộng tới ơn gọi vĩnh cửu của con người. Đức tin nhận ra nơi di dân cuộc hành trình của các Tổ phụ, dựa vào lời hứa, đang di chuyển tới đất tổ tương lai, và dân Híp-ri sau khi thoát khỏi kiếp nô lệ, hành trình Exodus, vượt qua Biển Đỏ, để trở thành Dân của Giao Ước. Hơn nữa đức tin nhìn thấy nơi di dân một cuộc lưu đầy, trong đó mọi mục tiêu đạt được thực tế chỉ là tương đối. Qua di dân, đức tin tái khám phá ra sứ điệp của các tiên tri khi các ngài tố cáo kỳ thị, áp bức, lưu đầy, phân tán và bắt bớ như chống lại kế hoạch của Thiên Chúa. Đồng thời các ngài công bố ơn cứu độ cho mọi người, chứng minh rằng ngay giữa các biến cố hỗn loạn và nghịch lý nhất của lịch sử nhân loại, Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài cho tới khi vạn vật được qui kết về Đức Ki-tô (Cf Ep 1,10).”
Vì thế EMCC số 14 đã có thể kết luận: “Như thế chúng ta có thể coi hiện tượng di dân hiện nay là một ‘dấu chỉ thời đại’ đầy ý nghĩa, là một thách đố cần khám phá và sử dụng trong công tác canh tân nhân loại và loan báo Tin Mừng bình an”.
Những tư tưởng chủ đạo trên phải hướng dẫn suy nghĩ, không phải chỉ của các người di dân trong cuộc, mà còn của toàn thể cộng đồng Hội Thánh, nhất là tại một Giáo Hội địa phương nơi mà phong trào di dân đang nở rộ. Các vị mục tử sẽ tìm cách đưa nội dung này vào chương trình mục vụ, cách riêng trong việc chuẩn bị anh chị em di dân dấn vào một bước ngoặt đức tin quan trọng của cuộc đời. Tôi thiết tưởng, một thứ giáo lý dành cho di dân là điều cần làm. Tương tự như hôn phối, di dân cần một sự chuẩn bị rất nghiêm túc cả về mặt huấn giáo, vì nó, không chỉ thách đố nghiêm trọng, nhưng còn tạo vận may cho việc canh tân và trưởng thành đức tin. Nội dung của các số 14-18 của Tông Huấn EMCC có thể được coi như bộ khung của khóa giáo lý này, trong đó di dân được gắn liền với lịch sử cứu độ của dân Is-ra-en, với diện mạo trần thế của đức Giê-su và Maria, những con người di dân tiêu biểu, với Hội thánh sơ khai của thời kỳ Hiện Xuống, khi mà diện mạo một Giáo Hội lữ hành và phổ quát nổi bật hơn bao giờ hết. Nói cách khác, do được chuẩn bị tích cực, người di dân sẽ ý thức là họ đang bước vào một giai đoạn đặc biệt của cuộc sống đức tin. Đức Ki-tô rất gần gũi và đang đồng hành với họ đi vào cuộc phiêu lưu của một hành trình đức tin đầy bất ngờ và phong phú.
Tương tự như chứng chỉ hôn phối (không đơn thuần là thủ tục hành chính) xác định sự chuẩn bị cho đời hôn nhân, mong rằng tấm ‘Thẻ Di Dân’ được Giáo xứ gốc cấp trước khi lên đường, cũng là cơ hội cho một sự chuẩn bị tương xứng như thế.
2- Tạo Hiệp thông sâu sắc với người di dân: chăm sóc mục vụ những người ở lại
Trên nguyên tắc mục vụ được EMCC xác định, Đấng Bản Quyền địa phương, nơi người di dân tới, sẽ tiếp nhận và trách nhiệm việc chăm sóc mục vụ cho họ, đặc biệt trong đời sống phụng vụ và bí tích. Để chu toàn bổn phận này, các ngài kêu gọi sự cộng tác chặt chẽ của Giáo hội gốc, nơi người di dân xuất phát, để có thể nắm bắt và đáp ứng các yêu cầu mục vụ đôi khi rất riêng biệt (xem EMCC: Những Qui Định Pháp Lý Về Mục Vụ Di Dân, khoản 1). Qui định trên tạm thời tách người di dân, trong quan tâm mục vụ, ra khỏi thẩm quyền trực tiếp của Đấng Bản Quyền địa phương gốc, nhưng vẫn duy trì mối tương quan sinh động rất thiết yếu.
Thời gian của xa cách cũng có thể là thời gian của hiệp thông. Khi lên đường đi xa, người di dân tự nhiên cảm thấy nhớ nhà nhớ quê. Về mặt tinh thần, hơn bao giờ hết, họ đang rất gần gũi với người thân, với xóm làng và với Giáo hội địa phương truyền thống của mình. Mục vụ di dân, nhất là tại Giáo hội gốc, cần nỗ lực củng cố và tăng cường mối hiệp thông chân chính đó.
Quan tâm chăm sóc mục vụ cách riêng cho người ở lại nhà, trong khi người thân phải đi làm xa, là một trong các phương thế hữu hiệu để củng cố tình hiệp thông được đề cấp tới ở trên. Trong một số lớn trường hợp, người đi xa từng là cột trụ và giữ tầm ảnh hưởng lớn trên gia đình. Sự vắng mặt dài ngày của họ không khỏi tạo nên khoảng trống lớn trong gia đình, có thể gây nên những hậu quả tiêu cực, cả về mặt tôn giáo và luân lý. Vị mục tử chân chính không thể thờ ơ trước tình cảnh đặc biệt này. Nếu được quan tâm và đầu tư thích hợp, chăm sóc mục vụ cho đối tượng này rất có thể mang lại những kết quả rất phong phú.
Nơi nào điều kiện cho phép, ta nên tìm ra phương thức qui tụ thành phần này lại. Mặc dầu phần đa các giáo xứ đều đã có các tổ chức và chương trình dành cho các gia đình nói chung, chúng ta vẫn có thể quả quyết rằng, vẫn tồn tại nhu cầu thành lập tổ chức riêng qui tụ các gia đình (có người) di dân. Thật vậy, một khi các gia đình này có điều kiện hội tụ và gặp gỡ, họ sẽ cùng chia sẻ các vấn đề xã hội và mục vụ chung. Các kinh nghiệm cụ thể của họ có thể khơi lên nhiều sáng kiến bác ái tương trợ và hành động hiệp thông trên cấp giáo xứ hay giáo phận. Tổ chức của ‘đoàn thể trên cấp giáo xứ’ qui tụ các gia đình có người di dân sẽ theo đuổi các mục tiêu sau đây:
– Giúp nhau đương đầu với các thực tế của tình trạng di dân, và khắc phục các hậu quả do nó tạo nên trên gia đình và đời sống của cộng đồng.
– Đào sâu và tìm cách đáp ứng các nhu cầu các mặt thiêng liêng, luân lý và xã hội, trên bình diện cá nhân cũng như tập thể, của các thành viên.
– Tạo điều kiện để các thành viên tham gia tích cực vào đời sống và sinh hoạt giáo xứ.
– Phát huy sáng kiến và khả năng, để có thể thành lập và thực hiện các chương trình, nhằm đáp ứng các nhu cầu đa phương của tình trạng sống của họ.
– Giáo dục các gia đình di dân về tầm quan trọng của gia đình, phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội, và trong bối cảnh của thực tế di dân.
– Tạo sợi dây thông tin và hiệp thông sinh động giữa di dân xa quê với xã hội và giáo xứ quê nhà.
Một trong các hoạt động đạo đức-thiêng liêng của ‘hiệp hội’ này, đã được thử nghiệm tại một số nơi và mang lại kết quả to lớn, là các buổi cầu nguyện hay chia sẻ hàng tuần, hướng tới các di dân xa nhà. Qua một số tiếp xúc tôi nắm bắt được, các di dân phương xa, một khi được thông báo về giờ giấc các buổi cầu nguyện hiệp thông tại quê nhà, đã có những phản hồi rất tích cực. Họ sáng kiến ra nhiều cách để thông công, và cảm thấy rất được an ủi, nâng đỡ. Rất nhiều khi, chính các sinh hoạt của ‘hiệp hội’ hay ‘nhóm’ này đã phần nào bù đắp được khoảng trống vắng to lớn mà sự ra đi của các di dân (đặc biệt là thành phần trẻ) đã để lại cho chính đời sống của giáo xứ gốc.
3- Đón nhận di dân trở về trong một Giáo hội đối thoại
Sau thời gian dài xa nhà, ngày trở về (dầu là tạm thời hay vĩnh viễn) vẫn tạo một ấn dấu sâu đậm trên người di dân. Sự hiệp thông và gắn bó với quê nhà, là một tình cảm linh thiêng rất sâu đậm (đặc biệt đối với người Việt Nam) hoặc được củng cố, hoặc bị tổn thương nặng nề, tất cả tùy thuộc vào giây phút đoàn tụ. Cũng thế, ý thức thuộc về và sự hiệp thông của di dân với Giáo Hội địa phương gốc lệ thuộc rất nhiều vào thái độ đón nhận họ ngày trở về. Thực tế đã có nhiều di dân phàn nàn rằng họ được giáo xứ nơi đến ân cần tiếp nhận và luôn tỏ ra thân tình, trong khi lại bị giáo xứ gốc hất hủi và lạnh nhạt. Chớ gì người mục tử luôn mở rộng cánh tay đón tiếp các con chiên trở về.
Việc đón tiếp này không được thuần giao tế bề ngoài. Nó phải phát xuất từ nguyên lý sâu xa của Hội Thánh: một Gia Đình các người con cái Chúa. Cộng đồng Hội thánh gốc nhận lại người di dân, sau thời gian đi xa, trong tất cả thực trạng phần nào ‘biến dạng’ của họ. Nói gì thì nói, người di dân khi trở về nguyên quán, bao giờ cũng mang theo cả một hành trang, không chỉ về vật chất, mà còn về mặt tinh thần và nhiều diện khác nữa (kiến thức, kinh nghiệm, văn hóa, thói tục…tốt cũng như xấu). Để tiếp nhận họ cách chân thành, Giáo hội gốc nhất thiết phải trang bị cho mình có được một tinh thần tha thứ, quảng đại, và cởi mở đối thoại.
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, cha ông chúng ta đã nói được như thế trong một tinh thần cởi mở và tiếp thu. Giáo hội chúng ta, một khi coi di dân (như một hiện tượng nói chung, và từng cá nhân nói riêng) là thời điềm hay tiếng nói của Thần Khí, càng có thể khảng định như thế trong tinh thần đối thoại và canh tân.
Trong kinh nghiệm tôn giáo riêng tư, người di dân trở về, không thể không mang theo các kinh nghiệm về truyền thống, văn hóa và sinh hoạt tôn giáo…mà họ lãnh hội được từ các Giáo hội mà họ đã tiếp xúc, đôi khi rất khác lạ với những gì vẫn thường được áp dụng tại quê nhà, . Ngày trở về khi tham gia trở lại các sinh hoạt truyền thống, họ không tránh khỏi có các phản ứng, hoàn toàn tự nhiên bộc phát nhưng nhiều khi lại rất chân thành. Đây chính là lúc họ cần được bình tĩnh trao đổi và hướng dẫn, để phân định được điều gì là cốt lõi, điều gì chỉ là phương tiện nhằm phát huy đức tin, đôi khi rất biến thiên, tùy thuộc vào môi trường và điều kiện sống khác nhau. Người mục tử lắng nghe họ, cảm thông và hướng dẫn. Đây là một dịp rất quí để họ hiểu biết cách xác thực hơn về công giáo tính, sự hiệp nhất giữa các Ki-tô hữu trong đa dạng về truyền thống và văn hóa. Lúc này cũng sẽ rất thuận lợi để giải thích và hướng dẫn họ nắm bắt được các giá trị truyền thống của quê nhà. Các truyền thống này, tự nó, không hề đối nghịch với các truyền thống (hay phương pháp mục vụ) của các Giáo hội khác, trong khi vẫn còn hữu dụng trong bối cảnh tôn giáo xã hội tại địa phương. Tuy nhiên truyền thống nào thì cũng cần cởi mở đón nhận tác động của Thần Khí, để có thể được canh tân và thăng tiến.
Đối với nhiều Giáo Hội gốc của di dân, việc đón nhận cởi mở và đối thoại chân thành này thật rất cần thiết cho một tương lai lâu dài. Đa phần các Giáo Hội này, tọa lạc tại các vùng sâu vùng xa nghèo nàn và đôi khi lạc hậu, đều có một nếp truyền thống lâu đời, cha truyền con nối. Sự khép kín và từ khước đối thoại với các di dân trở về, dưới chiêu bài trung thành và duy trì truyền thống quí giá của cha ông, là điều rất dễ xảy ra, nhưng có thể dẫn đến đại họa mục vụ khó lường. Con số giáo dân không đi nhà thờ tăng lên, viện lẽ không chấp nhận các hình thức truyền thống không còn hợp thời. Căng thẳng và phân hóa giữa thế hệ cũ bảo thủ, và thế hệ trẻ di dân đòi cải tỗ, có nguy cơ dẫn tới đổ vỡ, thậm chí chống đối và bất tuân phục của một bộ phận giáo dân đối với vị chủ chăn của họ.
Nói tóm lại, qua việc đón tiếp di dân trở về trong tinh thần cởi mở và đối thoại, Giáo Hội địa phương gốc tận dụng được một cơ may hiếm có, do chính Thần Khí Chúa cung cấp, để canh tân và thăng tiến bộ mặt đích thực của mình: vừa duy trì được bản sắc truyền thống, lại vừa tiếp thu được những canh tân sinh động, thiết yếu cho công tác mục vụ chăm sóc các linh hồn của mình.
Kết Luận
Để kết thúc bài viết, tôi xin trích lời Đức Hồng Y Stephen Fumio Hamao, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Mục Vụ Di Dân và Lữ hành, viết trong lời giời thiệu Huấn Thị ‘Tình Yêu Đức Ki-tô Dành Cho Di Dân’ (EMCC): “Hội Thánh rộng tay đón nhận các di dân vào việc chăm sóc mục vụ thông thường, trong khi vẫn hoàn toàn tôn trọng sự dị biệt hợp pháp cũng như di sản thiêng liêng và văn hóa của họ, hầu hướng tới việc hình thành một Giáo hội cụ thể là Công Giáo. Một hòa hợp như thế sẽ là điều kiện cơ bản của mục vụ chăm sóc ‘cho’ và ‘với’ di dân, để trở thành một biểu hiện đầy ý nghĩa về một Hội Thánh phổ quát và missio ad gentes (sứ vụ muôn dân); nơi gặp gỡ huynh đệ và an hòa; mái ấm của mọi người; ngôi trường của hiệp thông trong sự tiếp nhận và chia sẻ, về môt cuộc hòa giải được mong đợi và thực hiện; về đón tiếp và tương trợ lẫn nhau trong tình huynh đệ, cũng như của thăng tiến nhân bản và Ki-tô hữu chân chính.” Những lời hướng dẫn trên, trong ý tác giả, rõ ràng hướng tới nền mục vụ di dân của Giáo Hội địa phương nơi tiếp nhận; nhưng trong các nét chính của nó, cũng rất phù hợp để đem ra áp dụng vào mục vụ này nơi các Giáo Hội gốc.
Trong tâm tình của người mục tử biết hy sinh và lo lắng cho đoàn chiên được thăng tiến, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần, tác nhân chính của phong trào cũng như của tinh thần mục vụ di dân, giúp chúng ta hiểu thấu, đón nhận và triển khai ‘dấu chỉ thời đại’ này cho thật hữu hiệu, để canh tân Hội Thánh và mang lại nhiều ích lợi cho các linh hồn.
Nguyện Chúa Giê-su và Mẹ Maria di dân chúc lành cho thiện chí và nỗ lực nhỏ bé của chúng ta.