Chúa Nhật Lễ Thánh Gia:  CHÚA GIÊSU, ĐỨC MARIA, THÁNH GIUSE (Lc 2, 22-40) “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài làm cho ta thuộc về Gia đình của Thiên Chúa”

LECTIO DIVINA

Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí

27-12-2020

Chúa Nhật Lễ Thánh Gia: 

CHÚA GIÊSU, ĐỨC MARIA, THÁNH GIUSE

Lc 2, 22-40

“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài làm cho ta thuộc về Gia đình của Thiên Chúa”

1.  LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người”

          Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Thánh Gia là một lời mời gọi không chỉ trân trọng món quà là Thánh Gia Nazareth và nguồn cảm hứng của Thánh Gia cho các gia đình tự nhiên của chúng ta, mà còn (mời gọi) thúc đẩy thực tại của một gia đình rộng lớn và bao trùm hơn – gia đình của Thiên Chúa. Đại gia đình này của Thiên Chúa được tạo ra bởi mầu nhiệm Giáng Sinh-Phục Sinh, là sự ra đời của Đấng Cứu Độ chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, và bởi sự kiện cứu độ triệt để là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Chúa Giêsu Đấng Cứu Độ, hậu duệ của tổ phụ Abraham, sinh ra ở Belem, đã trở thành một phần không thể thiếu của một gia đình ở Nazareth – Thánh Gia Thất: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse – để hợp nhất tất cả nhân loại thành một gia đình của Thiên Chúa.

          Aelred Rosser nhận xét: “Chữ ‘gia đình’ là một trong những từ phong phú nhất trong ngôn ngữ của chúng ta. Chúng ta dùng nó để chỉ nhiều thứ khác nhau, nhiều loại mối quan hệ, nhiều mức độ họ hàng, cả xa xôi và thân thiết… Trong ý nghĩa rộng nhất của chữ ‘gia đình’, chúng ta thấy được ý nghĩa thực sự của ngày lễ hôm nay. Do không nhấn mạnh quá nhiều đến Mẹ Maria, Thánh Giuse và Chúa Giêsu ở Nazareth, nhưng nhấn mạnh đến gia đình của Thiên Chúa, chúng ta đã trở thành một gia đình trong phép lạ Giáng sinh. Ngôi Lời đã trở nên người phàm. Đấng Tạo Dựng tất cả mọi người đã trở thành một con người – gắn kết chúng ta với nhau trong một gia đình thân thiết và bao trùm nhất từng được biết đến trong lịch sử nhân loại… Một ý niệm rất đặc biệt về gia đình thấm nhuần bài đọc I (x. St 15, 1-6; 21, 1-3). Chúng ta vẫn nhắc đến Abraham, là tổ phụ của chúng ta trong đức tin… Trong đức tin, chúng ta là con cháu của Abraham trung thành, và anh chị em của chúng ta trên thế giới cũng vậy… Ở mức độ chúng ta không nhìn nhận mọi người là thành viên của một gia đình, chúng ta không hiểu được kế hoạch không thể thay đổi của Thiên Chúa”.

2.  MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)

–      Tôi đã thu thập được những hiểu biết nào từ sáng kiến giao ước của Thiên Chúa muốn làm cho Abraham thành một đại “gia đình” và chúc phúc cho ông có nhiều con cháu? Abraham phản ứng gì với kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa?

–      Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái nhấn mạnh đến đức tin của Abraham như thế nào? Tôi có cố gắng bắt chước đáp trả của Abraham, “cha của chúng ta trong đức tin” không? Đâu là tầm quan trọng của thị kiến đức tin trong việc thúc đẩy đời sống gia đình và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa?

–      Gia đình tổ phụ Abraham và Gia đình Thánh gia Nagiarét dạy tôi điều gì về việc cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa? Làm thế nào để tôi góp phần thúc đẩy giá trị của đời sống gia đình trong bối cảnh riêng mỗi gia đình và bối cảnh phổ quát là “gia đình của Thiên Chúa”?

–      ĐTC Phanxicô xác định: “Trên thực tế, ‘Chúa Giêsu đã không lớn lên trong mối liên hệ hẹp hòi và ngột ngạt với Mẹ Maria và Thánh Giuse, nhưng sẵn sàng tương tác với rộng lớn hơn, họ hàng của cha mẹ và bạn bè của họ’. Từ đó, chúng ta có thể hiểu tại sao, khi Người trở về từ chuyến hành hương Giêrusalem, cha mẹ Người dễ dàng nghĩ rằng, khi còn là một cậu bé mười hai tuổi (x. Lc 2, 42), Người đã tự do đi lang thang trong đám đông, mặc dù cả ngày họ đã không thấy Người: ‘cho rằng Người ở trong nhóm du khách, họ đã đi một ngày đường’ (Lc 2, 44). Chắc chắn, họ cho rằng, Chúa Giêsu ở đó, trà trộn với những người khác, đùa giỡn với người trẻ khác, kể cho người lớn những câu chuyện giỡn (tell stories) và chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của nhóm” (Christus vivit, 29).

3.  ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

          Lạy Cha yêu thương, chúng con cảm ơn Cha vì đức tin của Abraham, Sara và Isasac. Từ “dòng dõi” của tổ phụ Abraham đã phát sinh “gia đình của đức tin”. Đến thời kỳ viên mãn, Đấng Mêsia, Chúa Giêsu Kitô, được sinh ra từ dòng dõi Abraham. Ngôi Lời cứu độ thần linh của Cha đã trở thành người để hợp nhất “gia đình nhân loại” bị phân mảnh thành một “gia đình duy nhất, vĩ đại của Thiên Chúa”. Lạy Thiên Chúa nhân từ và quan phòng, xin ban cho chúng con ân sủng trở thành những thành viên tích cực và sống động của “gia đình được Chúa Kitô cứu chuộc” và trở thành những công cụ hữu hiệu của bình an và hòa thuận cho tất cả mọi người. Xin đổ đầy chúng con với đức tin của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, và xin dạy chúng con ý nghĩa của “tình liên đới giữa con người với nhau”. Xin giúp chúng con biết ơn về món quà Giáng Sinh đáng kinh ngạc, là Chúa Giêsu Kitô, Con thần linh của Cha. Ngài đã đảm nhận sự yếu đuối và mong manh của chúng con để cứu độ thế gian. Chúng con dâng lên Cha: vinh quang và lời khen ngợi, bây giờ và mãi mãi.

4.  CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)

“Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ”

5.     ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

–      Cầu nguyện cho “gia đình đoàn kết” trong tất cả các mức độ.

–      Bằng lập trường hòa bình và các hoạt động bác ái, đặc biệt là làm ích cho những người nghèo đói, những người thiếu thốn, và những nạn nhân xấu số của cuộc khủng hoảng kinh tế: tôi cố gắng thúc đẩy sự hợp nhất và toàn vẹn của “gia đình các dân tộc” và “gia đình của Thiên Chúa”.

–      Tôi tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa là Cha về món quà “Giáng Sinh” của Ngài trong nhân vị Đấng Cứu Độ chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, và tôi thúc đẩy sự phát triển của “gia đình Thiên Chúa”.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.