CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA THÁNH LỄ CHÚA NHẬT II- MÙA VỌNG_B 06-12-2020 NHỮNG NGÀY AN ỦI VÀ VUI MỪNG

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

THÁNH LỄ CHÚA NHẬT II- MÙA VỌNG_B

06-12-2020

NHỮNG NGÀY AN ỦI VÀ VUI MỪNG

          Người dân Giê-ru-sa-lem/Si-on và Giu-đa được mời gọi vui mừng khi họ trở về sau cuộc lưu đày. Ước nguyện của Thánh vịnh gia, người nài xin tình yêu và sự cứu độ của Thiên Chúa, sẽ được thỏa mãn, và Gioan Tẩy Giả công bố sự tái lâm của Chúa Giêsu, Đấng “mạnh hơn tôi […], sẽ làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần”.

Bài đọc I: Isaia 40, 1-5. 9-11

          Có thể nói, Isaia là người phát minh ra từ ngữ thần học “Tin mừng”. Chắc chắn nhiều lời sấm của ông, đặc biệt là những lời liên quan đến Đấng Emmanuel (chương 7, 8), xứng đáng được đặt tên như vậy. Nhưng chỉ từ chương 40, – một phần được đặt tên chính đáng là “cuốn sách của sự an ủi”-, từ ngữ (Tin Mừng) này mới xuất hiện nhiều lần. Sau bảy mươi năm ở Ba-by-lon, những người lưu đầy cuối cùng cũng tìm lại được tự do và đi theo con đường trong sa mạc để trở về Giê-ru-sa-lem. Giê-ru-sa-lem/Si-on vui mừng và trở thành người truyền giảng về niềm vui và vinh quang của Chúa cho các “thành thị của Giuđa”. Vị Thiên Chúa – Mục Tử trở thành người hợp nhất dân tộc của mình và một lần nữa duy trì mối quan hệ thân tình với nó.

Thánh vịnh 84

          Có nhiều loại Thánh vịnh, nhưng như tác giả Paul Beauchamp quá cố đã nói rất hay, chỉ có hai từ có thể tóm gọn lời cầu nguyện của các Thánh vịnh: khẩn nàingợi khen. Tiền xướng của Thánh vịnh 84 quả thực là một lời khẩn cầu nồng nhiệt và đầy tin tưởng: “Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con”. Chúng ta có thể yêu cầu gì hơn và muốn điều gì tốt hơn? Nhưng chúng ta cũng phải lắng nghe những gì “Chúa sẽ phán”. Vậy mà, những gì tác giả Thánh vịnh nghe và công bố đều hướng tới sự vinh hiển của Thiên Chúa: hòa bình, tình yêu và sự thật, công lý, vô vàn ân huệ. Vị Thiên Chúa vinh quang và cứu độ này muốn ở gần chúng ta, bởi vì “bước chân Người sẽ mở đường”).

Bài đọc II: 2 Pr 3, 8-14

Chắc chắn Phêrô đã được Thánh vịnh 89 (90), câu 4, gợi hứng để nêu lên ý niệm về thời gian, hoàn toàn khác biệt đối với Thiên Chúa: “Một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày”. Ở đây chúng ta được báo trước về sự sắp đến của “ngày của Chúa”. Sự chờ đợi của chúng ta phải nồng nhiệt, nhưng sự chờ đợi đó phải được điều chỉnh cho phù hợp với sự “kiên nhẫn” của Thiên Chúa. Ngày cuối cùng này sẽ được đánh dấu bằng những biến động trên trời và dưới đất, nhưng Phêrô rao giảng sự kiên trì “trong sự thánh thiện và lòng đạo đức”. Phêrô nhắc nhở chúng ta đâu là những thay đổi đó: “Theo lời Thiên Chúa hứa … trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị”. Chúng ta có thể hy vọng vào một kết thúc tốt đẹp hơn của thời gian?)

Tin Mừng: Mc 1, 1-8

          Marcô có sự táo bạo và tài khéo khi viết ngắn gọn và cụt ngủn “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu-Kitô, Con Thiên Chúa”; kiểu viết này bị một số người đánh giá gay gắt theo quan điểm thần học. Tuy nhiên, “tin mừng” của Marcô thực chất là về Chúa Giêsu, nhân vật của câu chuyện, người mà Marcô ngay lập tức tuyên xưng là “Đức Giêsu-Kitô, Con Thiên Chúa”. Marcô cũng tạo ra phong cách khi trích dẫn Isaia, một lời sấm an ủi phát ra từ miệng Thiên Chúa và được chuyển tiếp bởi một giọng tiên tri ẩn danh, loan báo cho Giêrusalem-Sion và cho Giuđa biết là Thiên Chúa “đến với quyền năng” (Is 40, 10). Đối với Marcô, đó chính là tiếng nói của Gioan Tẩy Giả, người đã rao giảng về sự hoán cải, sự tha thứ tội lỗi và chuẩn bị con đường cho Vị lớn hơn: Chúa Giêsu, người xuất sắc truyền giảng Tin Mừng.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.