Lễ Truyền Tin là lễ trọng, được kính vào ngày 25 tháng 3, tức là chín tháng trước lễ Giáng Sinh, là khoảng thời gian Đức Maria cưu mang Chúa Giêsu. Từ khoảng năm 550, lễ này được mừng kính ở Giáo hội Đông phương với tước hiệu: “Ngôi Lời nhập thể”. Mãi đến thế kỷ thứ 7, Giáo hội Rôma mới chấp nhận lễ này, mừng kính Ngôi Lời làm “Con Đức Trinh Nữ” và Đức Trinh Nữ là “Mẹ Thiên Chúa” .
Câu chuyện về lễ Truyền Tin đã được tác giả Luca ghi lại nơi chương 1,26-38. Đây là bản văn Kinh Thánh quan trọng nhất trong các bản văn nói về Đức Maria . Thật vậy, bản văn không chỉ cống hiến cho độc giả một áng văn đẹp và hay bởi tài nghệ viết văn điêu luyện, nhưng còn mặc khải mầu nhiệm Đức Giêsu qua việc Đức Maria ưng thuận với lời sứ thần Thiên Chúa truyền. Biến cố Truyền Tin là sự khởi đầu của Đức Giêsu trong nhân tính của Ngài. Và sự ưng thuận của Đức Maria là thiết yếu cho công trình cứu chuộc. Thánh Tôma Aquino nói: “Chính ý muốn của Thiên Chúa là sự cứu chuộc nhân loại, phải phụ thuộc vào sự ưng thuận của Trinh Nữ Maria. Điều này không có nghĩa là Thiên Chúa, trong kế hoạch của Ngài, bị ràng buộc bởi ý muốn của một tạo vật. Nó chỉ có nghĩa là sự ưng thuận của Đức Maria đã được thấy trước từ thuở đời đời, và bởi đó, đã được nhận như là thiết yếu trong ý định của Thiên Chúa” .
Lễ Truyền Tin nổi bật với lời thưa “xin vâng”. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong một bài giảng về Đức Mẹ đã nói: “Tiếng xin vâng của biến cố Truyền Tin mở ra giao ước mới giữa Thiên Chúa và thụ tạo. Trong lúc tiếng xin vâng hội nhập Chúa Giêsu vào thế giới loài người chúng ta theo tự nhiên, thì cũng hội nhập Đức Maria vào Thiên Chúa theo ân sủng. Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và loài người từng bị phá vỡ do tội thì bây giờ đã được phục hồi một cách tốt đẹp” .
Tinh thần của lễ Truyền Tin được nối dài mọi ngày trong đời sống người Kitô hữu qua lời kinh Truyền Tin. Lời kinh này bắt nguồn từ lòng đạo đức của các tu sĩ dòng Thánh Phanxicô, và phải chờ đến khoảng năm 1270 mới có được hình thức như hiện nay . Theo tập quán từ xưa, mỗi ngày kinh Truyền Tin được đọc ba lần: sáng, trưa và chiều tối. Kinh Truyền Tin gồm những câu xướng đáp dựa theo các lời trích từ Thánh Kinh, tiếp theo là ba kinh kính mừng, và sau cùng là một lời cầu nguyện.
Mừng lễ Truyền Tin, chúng ta có dịp chiêm ngắm các chân lý như: Đức Maria mang thai không do sự cộng tác của người nam, nhưng do tác động đặc biệt của Thiên Chúa; Đức Maria đồng trinh trước và trong khi thụ thai; nhờ lời xin vâng khiêm hạ trước Thánh Ý Thiên Chúa, Đức Maria đã hạ sinh Đấng Cứu Thế và trở nên Mẹ Thiên Chúa.
Ban Truyền Thông ĐCV.