Chúa Giêsu vừa sai các tông đồ đi truyền giáo để tiếp tục điều Ngài đã làm, là kêu gọi mọi người sám hối, xua đuổi ma quỉ và chữa lành bệnh nhân. Ít lâu sau, họ trở về với Ngài để tường trình những gì họ vừa trải qua. Cũng thế, ngày chủ nhật chúng ta qui tụ chung quanh Chúa, và cũng như các tông đồ, chúng ta được mời gọi tường trình cho Ngài những gì chúng ta đã làm trong một tuần lễ qua. Chúng ta nói chuyện với Ngài, cám ơn Ngài và chờ đợi những lệnh truyền mới.
Chính Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Anh em hãy lui vào nơi thanh vằng và nghỉ ngơi đôi chút!”. Thấy các tông đồ mệt lả sau chuyến đi, Chúa Giêsu đề nghị họ nghỉ ngơi một chút. Nhiều người muốn gọi đoạn tin mừng nầy là “qui luật tin mừng về kì nghỉ hè”. Nhưng điều quan trọng nhất lại ở chỗ khác. Các tông đồ được mời gọi tách rời đám đông, không phải là trốn chạy họ mà là dành một thời gian tìm lại sức sống và tinh thần để phục vụ đám đông tốt hơn. Chính Ngài cũng thường lui vào nơi hoang địa để chuyện vãn thân mật với Thiên Chúa Cha. Nhiều khi thức thâu đêm. Đó là thời gian quí báu Ngài kín múc sức mạnh để khỏi sa vào cám dỗ ngồi yên một chỗ.
«Hãy lui vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút». Do đó, cử hành Thánh Thể là thời gian nghỉ ngơi với Chúa. Tạm bỏ lại sau lưng những lo lắng và công việc mỗi ngày, để tĩnh dưỡng và tìm lại sức mạnh nơi nguồn suối ban sự sống. Cũng như để tạ ơn Thiên Chúa vì niềm vui gặp gỡ và bồi dưỡng bên Ngài. Sống giữa môi trường ồn ào trong thế giới hiện nay, dành một ít thời gian cho mình không phải là một thứ xa xỉ. Chất lượng đời sống thiêng liêng, đặc biệt là sự quan tâm cũng như trách nhiệm của chúng ta đối với người khác, nhờ đó mà được đổi mới.
Đó là điều quan trọng vì nhu cầu rất bao la: «Khi lên khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy một đám đông bao la. Ngài chạnh lòng thương xót họ, vì họ như nhưng con chiên không có người chăn dắt ». Đám đông từ khắp nơi tuôn đến, đó là cả nhân loại, nhân loại đương thời với Ngài và hôm nay. Cũng như ngày xưa, ngày nay có những đám đông như những đàn chiên không người chăn dắt. Lẽ ra họ phải được bảo vệ bởi những vị chủ chăn đầy ý thức về trách nhiệm thiện ích chung. Nhưng tiếc thay, nhiều lúc họ chỉ tìm thấy những mục tử chỉ quan tâm đến tư lợi của mình mà lơ là ích chung của đoàn chiên. Nạn nhân chính của tình trạng đó lại là những kẻ bé miệng, những người nghèo khổ, những người đáng thương nhất.
Đó là hạng người lôi kéo sự chú ý là lòng thương xót của Chúa Giêsu. Tâm hồn của Ngài xúc động trước nỗi khốn cùng của họ. Như người mẹ quặn đau trước nỗi đau khổ của con. Vì thế Ngài dành hết thời giờ để giáo huấn họ vì Ngài yêu thương họ. Ngài biết rõ hơn ai hết sự khinh bỉ mà họ phải chịu đựng. Vì thế Ngài đề cao phẩm giá con người của họ, và không cho phép ai lạm dụng lòng tin tưởng cũng như khinh bỉ, lừa đối và chia rẻ họ. Trong mỗi thánh lễ, Đức Kitô ở giữa chúng ta để tỏ lòng yêu thương của Ngài. Ngài dạy dỗ và nuôi dưỡng chúng ta bằng Bánh Sự sống. Ngài biết rõ Lời Chúa ảnh hưởng trong đời sống chúng ta như thế nào vì đó là Lời quyền năng, có sức mạnh hoán cải và soi sáng chúng ta.
Là linh mục hay giáo dân, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm về lời rao giảng và làm chứng cho Tin mừng. Nhưng ý thức sự yếu đuối của chính mình, chúng ta nhìn nhận rằng sứ mạng ấy vượt quá khả năng con ngưởi của chúng ta. Vì thế, Chúa mời gọi chúng ta đến bên Ngài để tái tạo sức mạnh và bồi dưỡng cho chúng ta. Để rồi sai chúng ta đến với những người của thời đại hôm nay, đặc biệt những ké bé miệng, những người đang khao khát công lí và hòa bình.
Đó chính là công việc mà Chúa Giêsu đã làm, và còn đi trước chúng ta trong tâm hồn của những người mà Ngài đặt trên con đường chúng ta. Trong thế giới mất phương hướng và đầy xáo trộn ngày hôm nay, chúng ta được sai đi để làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài không đòi chúng ta phải làm cho người khác tin, nhưng loan báo tình yêu say mê của Thiên Chúa nơi những người chúng ta gặp gỡ. Vì thế, chúng ta hãy trở nên những sứ giả mang tin vui và niềm hi vọng. Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa đặt trong tâm hồn chúng ta tình yêu và lòng thương xót đối với những con chiên không có chủ chăn.
Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc