Nếu quen thuộc với thế giới Kinh Thánh, người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy nhiều bản văn Cựu Ước và Tân ước nói về vườn nho. Nho là một trong những sản phẩm chính của nền kinh tế Israel và của cả vùng Trung Đông thời đó. Nhưng điều quan trọng hơn, vườn nho là hình ảnh thích hợp để diễn tả Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài.
Với trang Tin mừng nầy, chúng ta đang ở trung tâm đức tin, trong đó Chúa Giêsu cho biết Ngài không chỉ là một người hướng đạo, một người bạn, mà còn là sự sống của chúng ta. Ngài đang sống trong chúng ta. Ngài làm cho chúng ta sống bằng chính sự sống thần linh của Ngài. Ngài nói với chúng ta rằng Ngài là « cây nho thật » nhưng không đứng một mình, vì Ngài là gốc nho tràn đầy sức sống, nơi đó Ngài muốn tháp vào tất cả những ai sống bằng chính sự sống của Ngài; « Ta là cây nho và anh em là nhành nho ». Là người Kitô hữu, chúng ta được tháp ghép vào Ngài qua đức tin và phép Rửa. Và điều mà Thiên Chúa chờ đợi nơi chúng ta, là chúng ta phải là những cành nho tràn đầy nhựa sống và hoa trái.
Tất cả những điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta thực sự liên kết với Đức Kitô; có một từ được lặp lại bẩy lần trong một vài hàng, đó là động từ « ở lại ». Chúa Giêsu nói với chúng ta: « Hãy ở lại trong Thầy ! ». Rõ ràng Kitô hữu là những người ở lại trong Đức Ki tô, nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có thể ở lại trong Chúa Giêsu? Làm sao chúng ta có thể chắc rằng chúng ta gặp Ngài ? Điều đó không thể xảy ra như đối với người láng giềng, vì chúng ta không gặp Chúa Giêsu trực tiếp nhưng qua các trung gian, và phải qua ba con đường: Con đường Lời Thiên Chúa, con đường cầu nguyện và các bí tích, và con đường đời sống thường ngày.
Con đường Lời Thiên Chúa: Để ở lại trong Đức Kitô, chúng ta phải ở lại trong Lời của Ngài. Chúng ta phải dành thời giờ để tiếp nhận Ngài. Thiên Chúa nói với chúng ta qua bất cứ biến cố nào trong đời sống, nhưng đặc biệt nhất là qua Phụng vụ và Kinh Thánh. Do đó, chúng ta phải tự hỏi: chúng ta có dành thời giờ để đón nhận Lời ấy không?
Con đường thứ hai để ở với Đức Ki tô, đó là con đường cầu nguyện và các bí tích. Để ở với Ngài, phải nói với Ngài và lắng nghe Ngài. Đó là lời cầu nguyện trung thành, đều đặn và thường xuyên, chứ không chỉ là « một lời kinh ngắn ». Người ta nói chuyện với Chúa Giêsu để giao phó một ai đó cho Ngài, hoặc để cám ơn hoặc để xin Ngài soi sáng đời sống chúng ta. Nói chuyện với nhau cũng có nghĩa là gìn giữ. Cầu nguyện giúp chúng ta nuôi dưỡng tinh thần Tin mừng trong cuộc đời chúng ta, đặc biệt là tình yêu thương nhau để có thể hiệp thông với Đức Kitô. Sự hiệp thông nầy cũng được thực hiện qua các bí tích, đặc biệt bí tích Thánh Thể. Đó là nguồn cội và đỉnh cao của toàn đời sống Kitô và việc phúc âm hóa. Nó giúp chúng ta được kết hợp với Đức Kitô, làm một với Ngài, và kín múc từ nơi đó tình yêu của Ngài để chan hòa trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Con đường thứ ba là cuộc sống hằng ngày: ở lại trong Đức Kitô không có nghĩa là trốn chạy hay xa rời đời sống hằng ngày, nhưng phải bám rễ và sinh hoa trái. Điều làm nên giá trị của một cuộc sống, không phải là những lời nói hay đẹp mà là tình yêu thương nhau, cử chỉ chia sẻ, tiếp nhận và liên đới với nhau.
Khi khỏe mạnh giống như cành nho xanh tốt, chúng ta làm việc đạt năng suất cao, có cảm nhận như mình được gắn liền với sự sống của Chúa, không những bằng những hoạt động khác nhau mà còn bằng lời cầu nguyện, qua việc dâng các hoạt động của chúng ta. Bấy giờ chúng ta có cảm giác là những người đầy tớ tốt lành của Thiên Chúa và người khác. Chúng ta có cảm giảm sống tốt với Thiên Chúa, với người khác và với chính mình. Chúng ta không còn đòi gì hơn nữa.
Nhưng khi chúng ta yếu mệt, tựa như những cành nho khô héo, chúng ta cảm thấy mình sa sút, dễ có cảm nhận mình trở nên vô ích, không làm được gì, thậm chí còn gây cản trở. Đó là lúc mà chúng ta cần phải đào sâu sứ điệp Tin mừng. Chúa Giêsu không đòi chúng ta phải làm những gì vượt quá sức mình, nhưng “hãy nên phong phú, sinh hoa trái; chính đó là điều tôn vinh Thiên Chúa Cha”. Điều Ngài đòi hỏi đó là gắn bó với Ngài trong mọi tình huống đời sống. Bấy giờ, cuộc sống chúng ta sẽ sinh hoa trái và Thiên Chúa sẽ hãnh diện vì chúng ta. Nhờ vậy mà chúng ta tìm được ý nghĩa cho đời sống mình.
Phục vụ Lời, ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc