Lời Chúa Chủ nhật thứ hai mùa Chay này cho chúng ta nghe lại câu truyện về việc Abraham hiến tế Isaac con ông, và việc Chúa Giêsu biến hình. Chúng ta đừng đọc như những câu chuyện hấp dẫn nhưng phải lắng nghe như là một lời mời gọi chỉnh đốn lại niềm tin của chúng ta. Nhiều khi niềm tin của chúng ta bị đóng khung trong một ý tưởng nào đó về Thiên Chúa. Nhiều người tin có một đấng Thiên Chúa hiện hữu, nhưng chẳng bao giờ muốn dấn thân thể hiện niềm tin ấy. Một đức tin đúng nghĩa lại hoàn toàn khác hẳn.
Lời chứng của Abraham (bài đọc 1) cho chúng ta xác tín điều đó. Abraham lúc đầu là một người ngoại giáo sống ở Ur (thuộc Irak ngày nay). Một ngày nọ, ông nghe tiếng gọi của Thiên Chúa: « Hãy rời bỏ quê hương và đi đến nơi Ta sẽ chỉ cho ngươi ». Tin vào Thiên Chúa là nghe lời mời gọi của Ngài và dấn bước trên con đường Ngài chọn nhưng không cho chúng ta thấy trước. Tin là đi dưới ánh mắt của Thiên Chúa. Abraham đã tin vào lời đó và đã đồng hành với Ngài. Dù đã trải qua những ngày buồn khổ, chán ngán và mỏi mệt, ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình, bởi ông đã đặt một niềm tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa.
Nhưng một ngày khủng khiếp đã đến. Ngày ấy, Thiên Chúa ra lệnh ông đem đứa con độc nhất đi sát tế thờ phượng Ngài. Vào thời đó, kiểu sát tế nầy vẫn thường được cử hành trong các nghi thức ngoại giáo. Nhưng đối với Abraham, rõ ràng đó là một lệnh truyền không thể hiểu nổi, bởi giết đứa con thừa tự đi, thì còn gì là lời Thiên Chúa hứa ban cho ông một dòng dõi đông đúc trên mặt đất. Dù vậy ông vẫn phải bước đi trong nỗi chết của tâm hồn. Vẫn phải tin dù không còn một chút gì để cậy dựa, vẫn phải kiên trì cho đến lúc Thiên Chúa đã dành cho mình phần kết thúc vượt ngoài sự mong đợi. Ngài ban cho ông một tế vật thay thế Isaac, để trung thành với lời Ngài đã hứa với ông.
Cung cách hành động của Abraham được lặp lại nơi thái độ của ba môn đệ: Phêrô, Giacôbê và Gioan. Họ cũng là những người được mời gọi. Lúc đầu tâm hồn tràn đầy hi vọng phấn khỏi đi theo Đức Kitô. Hi vọng trần thế rồi cũng đã có lúc gặp khó khăn. Lời dạy của Đức Kitô không theo hướng các ông chờ đợi. Họ đã can ngăn nhưng cuối cùng đành phải sững sờ thấy Chúa Giêsu cương quyết lên Giêrusalem dù biết rằng cuộc thương khó đang chờ đợi Ngài ở phía trước. Rồi họ kinh hoàng nghe Ngài loan báo rằng Ngài sẽ bị kết án, bị giết đi và sẽ sống lại. Dù không hiểu gì cả nhưng chính trên con đường Canvê đó mà họ đã được mời gọi đi theo Ngài.
Sứ điệp lớn nhất của hai bài đọc là mời gọi luôn bước tới; lời mời gọi làm tất cả để đức tin của chúng ta được dần dần trở nên giống như đức tin của Abraham, của Phêrô, của Giacôbê và Gioan. Cả trong thử thách đau thương và xem ra tuyệt vọng nhất, Thiên Chúa vẫn mời gọi chúng ta tin tưởng nơi Ngài. Tình yêu của Ngài dành cho chúng ta luôn có tính quyết định và không bao giờ suy suyển.
Sứ điệp thứ hai: trước cuộc thử thách lớn, Chúa Giêsu đem các môn đệ lên núi cầu nguyện. Lời cầu nguyện đích thực là nhằm mục đích điều chỉnh ý muốn và cuộc sống cho ăn khớp với thánh ý và tình yêu của Ngài. Để rồi kín múc lấy sức mạnh và can đảm nơi Ngài mà tiếp tục hành trình.
Trên núi, các môn đệ là những chứng nhân được chọn lựa phải sửng sốt trước một sự kiện vượt xa những gì họ hiểu biết. Họ thấy diện mạo Chúa Giêsu biến đổi khác thường, trở nên sáng chói như mặt trời tỏa chiếu ánh sáng khắp nơi. Toàn thân và y phục của ngài cũng trở nên trắng sáng như chưa bao giờ họ trông thấy như thế. Các môn đệ vui mừng thấy lãnh tụ Môsê và và ngôn sứ Êlia hiện đến nói chuyện với Ngài. Họ ngất ngây và muốn sống mãi trong hạnh phúc thần linh ấy nên đề nghị dựng ba lều trên núi để khỏi phải trở lại trần gian nữa. Nhưng một đám mây bao phủ họ: có tiếng nói của Cha từ trời vọng xuống: « Nầy là Con Ta yêu dấu. Hãy nghe lời Ngài ». Sứ điệp đã ban xuống. Tất cả phải trở về cuộc sống bình thường. Chúa Giêsu và các môn đệ phải trở lại và tiếp tục lên đường về Giêrusalem, con đường dẫn họ đến Thương Khó, chết trên thập giá và phục sinh.
Từ câu truyện ấy chúng ta tìm được điều gì cho đời sống hằng ngày của chúng ta ? Trước tiên chúng ta để ý rằng Chúa Giêsu đi lên núi cầu nguyện. Núi là nơi mặc khải, nơi hiện diện của Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại. Chúa Giêsu biến hình trong khi cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Còn chúng ta, chúng ta chỉ bằng lòng và lặp đi lặp lại những công thức khô khan quen thuộc. Chúng ta không biết im lặng đủ để lắng nghe Thiên Chúa nói, mời gọi và chờ đợi chúng ta đáp trả tình yêu của Ngài. Cầu nguyện là tiếp nhận và đáp trả Thiên Chúa trong tâm hồn. Cả khi lời cầu nguyện của chúng ta không đưa chúng ta lên cao đến độ biến hình như lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, thì nó cũng có thể mang lại cho chúng ta sự bình an, sức mạnh và tin tưởng mà chúng ta cần đến. Như thế chúng ta sẽ có thể bước đi dưới sự hiện diện của Thiên Chúa như Abraham và nhiều người khác sau ông.
Bởi đó, lời cầu nguyện đích thực trước tiên là nghe Con Yêu Dấu mặc khải về tình yêu của Cha cho mọi người. Đó là một lời mời gọi hoàn toàn thiết yếu để sống tốt mùa Chay. Đức Kitô sai chúng ta đi làm nhân chứng cho Ngài. Ngài muốn chúng ta sống với Ngài. Ngài nói với chúng ta qua những người mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày cũng như qua các biến cố đời thường. Chúng ta hãy lắng nghe Ngài trong lời cầu nguyện và trong cuộc sống. Vì chỉ có Ngài mới có thể biến đổi chúng ta.
Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc