Trước khi bác sĩ người Na Uy – Gerhard Henrik Armauer Hansen – khám phá ra vi khuẩn gây bệnh phong cùi (Mycobacterium leprae) vào năm 1873, bệnh phong là một bệnh nan y, bị mọi người kinh tởm xa lánh. Sách Lêvi trong bài đọc 1 (13,1-2.44-46) cho thấy, Do thái giáo có những quy định rất khắt khe với người cùi. Họ bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị xua đuổi ra khỏi xóm làng, phải tìm sống ở nơi hẻo lánh. Chẳng ai dám đến gần người bệnh phong. Vì Luật quy định: Ai tiếp xúc với người phong bị coi là ô uế. Ai đụng chạm vào người cùi bị coi như mắc tội rất nặng. Ở Palestina thời Chúa Giêsu, phong cùi được coi là căn bệnh ghê tởm và khủng khiếp hơn tất cả những căn bệnh khác. Ghê tởm vì là căn bệnh nan y, vô phương chữa trị, vì những cơn đau kéo dài, vì khuôn mặt bị biến dạng, thân thể bị hủy hoại dần mòn ngày này qua ngày khác. Nhưng điều làm cho căn bệnh trở thành khủng khiếp không phải là cơn đau thể xác, mà chính là sự khốn khổ về phương diện tinh thần. Bởi người xưa quan niệm rằng: bệnh tật là hậu quả của tội lỗi. Và phải phạm tội gì đó nặng lắm mới bị phong cùi như thế. Vì thế, bệnh nhân hóa thành tội nhân, một kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa. Không tiếp xúc, gặp gỡ, chỉ có sự xa lánh, e sợ; không có trợ giúp, đỡ nâng, mà chỉ có ruồng bỏ, khinh miệt. Người bệnh sống trong đau đớn, dằn vặt, cô đơn và tủi nhục. Một cuộc sống còn đáng sợ hơn cả cái chết.
Quả thật, chưa có căn bệnh nào lại có thể chia cắt một người với gia đình, làng xóm của mình như là bệnh phong. Chưa có ai bị mọi người xua đuổi, ruồng rẫy và bỏ rơi như người cùi. Thế nhưng, đó lại là căn bệnh được chính bàn tay nhân lành của Chúa Giêsu chạm tới, yêu thương và chữa lành. Thật ra, để chữa lành người cùi, Chúa Giêsu không cần phải đến gần anh, nhưng tấm lòng chạnh thương đã khiến Ngài đạp lên tất cả những rào cản của luật lệ, tập tục, để bước đến và chạm vào thân mình lở loét của anh. Sự đụng chạm này không chỉ là đụng chạm của đôi tay, mà còn là sự đụng chạm của trái tim, chạm đến vết thương trong tâm hồn của người bệnh để chữa lành cả thể xác lẫn tâm hồn. Ngài chấp nhận trở nên một kẻ mắc ô uế, tội lỗi để đặt bàn tay tinh tuyền đầy nhân ái của mình lên thân thể lở loét, tanh hôi của người bệnh. Khi chữa khỏi căn bệnh cho người phong, Ngài đã giải thoát anh khỏi những đau đớn phần xác, Khi đặt tay lên thân thể người cùi, Ngài đã giải phóng anh khỏi ngục tù của mặc cảm, tủi nhục đè nặng tâm hồn. Thay vì bị xa lánh, anh có thể gần gũi với mọi người. Thay cho bị khinh miệt, bỏ rơi, anh lại được mọi người yêu thương, quý mến. Bằng một cử chỉ của lòng thương xót, Chúa đã hồi sinh tâm hồn lạnh giá của anh. Danh dự được phục hồi, anh không còn phải cúi gằm đầu xuống và hô lớn tiếng cho mọi người tránh xa mình nữa. Nhân phẩm đã được nâng cao, anh không còn phải lầm lũi cô độc trên đường đời, nhưng đã có lại niềm tin để vui sống.
Có một điều làm cho người ta chú ý trong câu chuyện của Marcô, đó là những bước chân khập khiểng, chập choạng nhưng đầy tín thác của người cùi. Nghe tin Chúa ngang qua, anh đã tìm đến với Ngài trước. Để có thể làm được điều đó, người cùi đã phải vượt qua những rào cản nghiêm ngặt của Lề Luật, vượt qua những ánh mắt ghê sợ, rẻ rúng và nhất là anh đã vượt qua được chính mình, vượt qua nỗi tuyệt vọng cùng cực của bản thân. Chỉ vỏn vẹn đôi câu ngắn ngủi, nhưng Marcô đã diễn tả thật đậm nét một nguyên tắc sống của người có niềm tin vào Thiên Chúa: đó là không bi quan về cuộc sống. Không bao giờ đánh mất niềm tin, dù cuộc đời như chẳng còn một lối thoát nào. Bởi vì chẳng có gì có thể ngăn cản con người tìm đến với lòng thương xót của Thiên Chúa, và “khi mọi cánh cửa cuộc sống bị đóng lại, thì ở đâu đó trong góc tối cuộc đời, Chúa lại tìm mở ra cho chúng ta một cánh cửa sổ nhỏ”.
Y học ngày nay đã khống chế được vi trùng Hansen cũng như nhiều loại bệnh nan y khác, và có thể phục hồi các chức năng cho người phong cùi. Thật ra, có một thứ bệnh cùi khác còn nguy hiểm hơn, có sức tàn phá còn ghê gớm hơn bệnh cùi Hansen rất nhiều. Đó là bệnh cùi trong tâm hồn. Thật vậy, bước vào kỷ nguyên mới, chúng ta đang giã từ dần cái cuốc, cái cày cùng những ống khói đầy ô nhiễm của thời công nghiệp để quen dần với mạng không dây và điện thoại di dộng, với đủ thứ thức ăn nhanh, ăn liền, cùng rất nhiều tiện nghi hiện đại. Cuộc sống lẽ ra phải tốt đẹp hơn với bao nhiêu hứa hẹn. Nhưng thực tế lại khác hẳn: nhiều người đang dần dần trở nên xa cách với mọi người, trở thành xa lạ giữa những người thân quen, xa lạ với cả chính bản thân mình. Họ không còn thời gian cho chính mình. Và dù tay chân vẫn lành lặn, nhưng cuộc sống đã biến tướng. Họ đang bị chính cách sống của mình biến mình thành một người khác – một người cùi mà không biết mình bị cùi: một người cùi thu mình trong pháo đài của vị kỷ, đam mê, rút mình vào vỏ ốc của kiêu căng, giả dối. Mải mê với việc phát triển cái đầu nhưng lại quên làm mở rộng con tim, vì thế, kiến thức, hiểu biết ngày càng gia tăng, nhưng trái tim thì càng ngày càng khô héo. Hả hê với vẻ hào nhoáng của vật chất, danh vọng, họ không còn thời giờ để sống với gia đình, bạn bè, làng xóm. Thực tế cũng cho thấy, nhiều lúc, vô tình hay cố ý – chúng ta đã biến người khác thành những người cùi, đẩy họ vào sự cô đơn, tủi nhục bằng những lời kết án cay độc, bằng lối sống vô cảm, dửng dưng, bằng thái độ kỳ thị, chia rẽ.
Người ta thường nhắc lại một hình ảnh ấn tượng về Đức Thánh Cha Phanxicô: sau buổi tiếp kiến khách hành hương đầu tháng 11.2013, một người đàn ông với vô số khối u lớn nhỏ trên mặt và khắp cơ thể bỗng tiến về phía Đức Thánh Cha Phanxicô xin Ngài ban phúc lành. Không hề do dự, Ngài ôm người đàn ông bất hạnh vào lòng và âu yếm hôn lên gương mặt sần sùi, biến dạng của ông. Sau đó, Ngài đặt tay lên đầu ông và nhắm mắt cầu nguyện. Hình ảnh vị Giáo Hoàng ôm hôn người đàn ông mắc phải căn bệnh khối u sợi thần kinh lập tức lan truyền rất nhanh trên các trang mạng Internet. Người mắc căn bệnh nan y ấy đã kể lại: “Tôi cảm thấy như ở trên thiên đàng khi bàn tay của Đức Giáo Hoàng chạm vào tôi. Ngài không do dự ôm lấy tôi, hôn lên mặt của tôi. Cảm giác được Giáo Hoàng ôm lấy và chúc lành làm tim tôi đập mạnh như muốn rơi ra ngoài. Quả thật, chỉ có tình yêu thương mới khiến Ngài làm được như vậy”
Trong cuộc gặp gỡ hơn 30.000 bạn trẻ ở Philippin (18. 01.2015), Đức Thánh Cha đã nhắn nhủ: Đau khổ là dịp để Thiên Chúa mời gọi mỗi người biết sống cảm thông và học cho biết sống quan tâm đến người khác. Đau khổ, bệnh tật của nhân loại còn là để mỗi người có cơ hội phục vụ lẫn nhau. Phục vụ không chỉ bằng một vài lần thăm viếng, tặng quà, nhưng bằng việc đón nhận nhau trong yêu thương và xoa dịu nỗi đau của anh chị em bằng cảm thông, đó là điều họ cần hơn những thứ khác.
Trong Sứ điệp nhân ngày Quốc tế Bệnh nhân vừa qua (11.02.2015), trích dẫn lời của ông Gióp (29,15), Đức Thánh Cha đã gọi những người đang giúp đỡ các bệnh nhân là “đôi mắt cho người mù”, “đôi chân của người què”. Ngài nhấn mạnh: “Những người mang gánh nặng bệnh tật là những người đang kết hiệp với Chúa Kitô chịu đau khổ. Vì thế, thời gian trải qua bên cạnh người bệnh là một thời gian thánh. Việc phục vụ bệnh nhân trong thời gian dài thật vất vả, nặng nề, nhưng lại là một đại lộ để thánh hóa, là lời chúc tụng Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta được đồng hình dạng với Con của Ngài, Đấng đã không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình để cứu chuộc nhiều người. (x. số 3).
Bàn tay của Chúa đã tìm chạm đến người cùi, giải thoát anh khỏi bệnh và đưa anh về lại với gia đình, làng xóm, về lại với ước mơ, khát vọng và những dự phóng tương lai. Xin Chúa thương giải thoát chúng ta khỏi lối sống ích kỷ, hẹp hòi, dửng dưng, vô cảm. Và xin Chúa thương đổi mới con tim, để với con tim biết đập những nhịp đập của lòng nhân ái, chúng ta không mất quá nhiều thời giờ vào những việc vụn vặt, nhưng biết đón nhận từng giây phút sống của đời mình như những cơ hội để yêu thương.
Lm. PTS