Bài đọc thứ nhất trích từ sách Tiên tri Giôna. Một quyển sách ngắn chỉ có bốn trang nhưng chứa đựng một câu truyện nhiều tình tiết hấp dẫn và để lại cho chúng ta một giáo huấn rất quan trọng. Chúng ta cần phải biết đọc ý tưởng tiềm mặc dưới những hàng chữ để có thể lãnh hội được điều mà tác giả muốn nói.
Đó là câu truyện về một vị tiên tri Do thái dũng cảm và nhiệt thành. Thiên Chúa bảo ông mang tối hậu thư đến thành Ninivê, ngày nay thuộc Irak. Ninivê bấy giờ là thủ đô của một vương quốc hiếu chiến, và thù địch số một của Israen, một kinh thành to lớn, giàu có và khao khát chinh phục. Đó là một sứ mạng bất khả thi đối với vị tiên tri Do thái, nhưng sau nhiều lần lẫn tránh, Giôna cuối cùng cũng phải đi đến đó để thực hiện sứ mạng Thiên Chúa giao cho. Ông ra đi mà lòng nơm nớp lo sợ người ta giết hại mình. Nhưng rồi ông hết sức ngạc nhiên khi thấy dân cư ở đó từ lớn tới nhỏ đã nghe lời ông và sám hối.
Sau khi rao giảng, Giôna ra ngoại ô Ninivê để chờ xem thành phố bị tiêu diệt. Nhưng khi thấy Thiên Chúa từ bỏ ý định của Ngài, không đánh phạt như lời đã phán, Giôna giận dữ vì thấy rằng sự tiên báo của mình không được thực hiện. Bấy giờ Thiên Chúa trả lời cho ông: « Cũng may mà ta không phải như ngươi ». Thật vậy, tất cả mọi người đã sám hối, trừ một người, đó chính là ông Giôna. Vì thế, đối với ông cũng như đối với chúng ta, việc hiểu rõ những sứ điệp mà Thiên Chúa muốn gửi đến chúng ta thật là cấp thiết.
Điều thứ nhất đó là Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người và Ngài chờ đợi nơi họ sám hối để tha thứ cho họ. Lời cảnh giác của Giôna: « Còn bốn mươi ngày nữa, thành Ninivê sẽ bị tiêu diệt » là tiếng kêu báo động. Lúc cuốn sách nầy được viết, người ta đã nhận ra rằng họ sẽ không bị kết án vĩnh viễn. Thiên Chúa luôn luôn tha thứ, với điều kiện là tai phải nhạy bén và tâm hồn chúng ta phải mở ra để đón nhận lời tha thứ của Ngài.
Sứ điệp thứ hai: Thiên Chúa là Chúa của toàn thể vũ trụ, kể cả những người dân ngoại. Người ta có thể cầu nguyện với Ngài khắp mọi nơi, cả bên kia biên giới Israen, trên một chiếc tàu và cả ở trong bụng cá. Sự hiện diện của Thiên Chúa không bị hạn chế trong một nơi chốn, một xứ sở, một đảng phái chính trị hay một tôn giáo. Ngài là Thiên Chúa của mọi người.
Sứ điệp thứ ba: Những người mà chúng ta coi là dân ngoại và tội lỗi thường sẵn sàng lắng nghe Lời Thiên Chúa hơn chúng ta. Đó là trường hợp dân thành Ninivê. Và ngày nay cũng thế. Người ta thấy những người ở xa Giáo Hội trở về với Chúa Giêsu Kitô. Trong khi đó, những người biết và xác tín quá nhiều thì lại không nhúc nhích.
Sứ điệp thứ bốn: câu truyện nầy đã được sáng tác sau thời lưu đày vào thời kì mà các tiên tri muốn nhắc lại rằng Thiên Chúa muốn cứu thoát tất cả nhân loại, chứ không riêng gì dân ưu tuyển. Cũng giống như trong một gia đình: phải làm sao cho đứa con trưởng hiểu rằng nó không phải là đứa con duy nhất. Thiên Chúa là một người Cha quan tâm đến tất cả mọi người, đặc biệt những người ở xa nhất. Đó quả thật là một sứ điệp quan trọng mang đầy hi vọng vẫn còn giá trị cho chúng ta ngày nay.
Lời mời gọi đó chúng ta tìm thấy trong Tin mừng hôm nay: Chúa Giêsu đến và lời đầu tiên của Ngài rất vắn gọn, nhưng quyết định. Ngài chỉ phán: « Hãy sám hối và tin vào Tin mừng; vì Nước Trời đã gần đến». Và đã có những người bị cuốn hút ngay tại chỗ làm việc của mình hằng ngày, đã bỏ tất cả mọi sự mà đi theo Ngài. Đối với Anrê, Simon, Giacôbê và Gioan, lúc đó đánh dấu khởi đầu một tình yêu lớn. Họ tiếp nhận một Tin mừng đổi mới cả cuộc đời của họ.
Tin mừng ấy chính là Thiên Chúa đã tự trở nên đặc biệt gần gũi và liên đới với những người hèn mọn, những người nghèo, những người bất hạnh. Chúa Giêsu đến gặp họ trong chính hoàn cảnh riêng của từng người, và mời gọi tất cả hãy sống sao cho thật phong phú. Tin mừng ấy nói rằng Thiên Chúa đến giải thoát chúng ta khỏi mọi xiềng xích, mọi nô lệ, khỏi tất cả những gì làm cho chúng ta đui mù và xuống cấp, như tình yêu, tiền bạc, kiêu căng và bản năng chế ngự, ích kỉ, nhục dục, tìm kiếm thái quá việc làm hài lòng riêng cho bản thân mình.
Thiên Chúa đến với chúng ta, không phải để xét xử, nhưng để chữa lành và nâng chúng ta lên. Ngài như người cha của đứa con hoang đàng chỉ muốn tha thứ cho con của mình ngay khi nó muốn trở về. Niềm vui lớn của Thiên Chúa, đó là nhìn thấy con cái mình lớn lên, thấy nó phát triển các khả năng, các nén bạc của mình. Điều quan trọng đối với Ngài đó là hạnh phúc của chúng ta. Chính đó là điều mà tất cả chúng ta được mời gọi đến.
Trên đây là một vài khía cạnh của Tin mừng công bố hôm nay. Chắc chắn còn nhiều điều khác mà chúng ta sẽ không bao giờ khám phá hết. Ngày hôm nay, Chúa Giêsu vẫn khuyên bảo chúng ta: “Hãy sám hối”. Qua đó, Ngài mời gọi từng người chúng ta: “Hãy từ bỏ con đường hư hoại, và hãy theo ta trên con đường mà Ta sẽ chỉ cho anh em. Đừng đóng kín lòng mình , nhưng hãy tiến tới gần Thiên Chúa và anh em mình, hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em » .
Tin mừng mà Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta có thể biến đổi tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta thực sự tin vào điều đó, nó có thể giúp cho chúng ta vượt thắng mọi tranh chấp có thể nẩy sinh nơi môi trường chúng ta đang sống, nhất là nơi gia đình chúng ta. Rồi một ngày kia, Chúa Giêsu sẽ cho biết sức mạnh của lòng tin nơi Ngài, một đức tin có thể dời chuyển cả núi non. Chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những trái núi thiếu hiểu biết chất đống bên trong Giáo Hội và trong thế giới chúng ta.
Xin Chúa giúp chúng ta quan tâm hơn đến lời kêu gọi của Ngài. Ước gì Ngài ban cho chúng ta lòng quảng đại hơn để đáp trả lời mời gọi của Ngài bằng cách biến chúng ta thành những người tác tạo hòa bình, hiệp nhất và hòa giải bất cứ nơi nào chúng ta sống.
Phục vụ Lời, ĐCV Xuân Lộc